Ruộng quan và ruộng dân trong vụ "dồn điền đổi thửa” ở Thanh Oai

Gia Minh, biên tập viên RFA, Bangkok
2014.10.29
Đồng ruộng xã Xuân Dương trắng băng dù đã vào vụ cấy.. Đồng ruộng xã Xuân Dương huyện Thanh Oai, Hà Nội trắng băng dù đã vào vụ cấy..
Photo baophapluat.vn

Phiên xử lần thứ tư vào ngày 28 tháng 10 hôm qua bốn người dân liên quan vụ lấy ‘ đất ruộng mạ’ tại một địa phương ở Hà Nội tiếp tục bị hoãn. Đây được xem là vụ mới trong vô số những trường hợp thu hồi đất ruộng một cách bất minh của chính quyền địa phương khiến người dân bức xúc phản ứng và rồi bị bắt, bị đưa ra tòa xét xử một cách oan ức.

Chính sách bị lợi dụng

Ruộng của nông dân Việt Nam, nhất là ở miền bắc, lâu nay thường được mô tả là manh múm, nhỏ bé khó có thể canh tác bằng những máy móc lớn giúp tăng năng suất. Từ thực trạng đó, cơ quan chức năng đưa ra chính sách ‘dồn điền, đổi thửa’ để giúp nông dân có được nguồn thu cao hơn.

Tuy nhiên chính sách đúng đắn đó khi được đưa về địa phương xã Xuân Dương, huyện Thanh Oai, thành phố Hà Nội, đã bị các cán bộ tại đây lạm dụng để trục lợi bằng cách giành những phần ruộng tốt cho gia đình, bà con của họ.

Ông Lê Tuấn Thông, một người dân tại xã Xuân Dương, trình bày lại sự việc như sau:

Qua chủ trương ‘dồn điền, đổi thửa’ của Ủy ban Nhân dân Thành phố- chủ trương này là đúng đắn, đem lại lợi ích cho nhân dân, tăng năng suất, giảm chi phí đầu vào, tăng năng suất đầu ra- nhưng khi về đến xã Xuân Dương, chính quyền bóp méo, làm sai sự thật đi, không thông báo kinh phí của cấp trên cho bà con, đồng thời không minh bạch mọi vấn đề gì cả. Từ chỗ đó người dân không đồng thuận về việc dồn điển, đổi thửa, chưa nhất trí kinh phí san gạt và thu lúa trên mỗi sào để đắp kênh mương nội đồng. Có tư lợi nhóm, hay lợi ích gì của cán bộ thì không biết; nhưng chắc chắn điều đó là có chứ không phải không có.

‘Dồn điền, đổi thửa’ của UBNDTP chủ trương này là đúng đắn, đem lại lợi ích cho nhân dân, tăng năng suất, giảm chi phí đầu vào, tăng năng suất đầu ra nhưng khi về đến xã Xuân Dương, chính quyền bóp méo, làm sai sự thật đi, không thông báo kinh phí của cấp trên cho bà con, đồng thời không minh bạch mọi vấn đề gì cả

Ông Lê Tuấn Thông

Bất cứ việc gì đưa ra làm là do tự ý chủ tịch xã và bắt dân phải theo. Đến khi chia ruộng thì đồng thuận hay không đồng thuận đều bị cố tình ép. Chủ tịch huyện cũng về dàn xếp với nhân dân thôn Trường Xuân một buổi, vào ngày 8/2/2014 ông chủ tịch huyện nói rất hay là chia ruộng công bằng cho dân thôn Trường Xuân, xã Xuân Dương. Dân rất vui mừng; nhưng khi ông chủ tịch huyện đi rồi thì lời nói đó là ‘buông xuôi’. Cuối cùng xã dựng lên việc ‘gắp phiếu’ từ ngày 4 đến 21 tháng 3; không cho dân phát biểu gì, thậm chí còn ép dân phải ‘gắp phiếu’; thậm chí còn ép dân, cắt hộ nghèo, cắt bảo hiểm y tế của những gia đình anh em đi chiến trường xa. Ngày 4 tháng 3 chỉ có người nhà cán bộ ‘gắp phiếu’. Phương án chia ruộng của dân là từ đông sang tây. Số 1 vị trí giáp bờ bao chỗ nào có vị trí rồi; nhưng rồi chỉ có cán bộ ‘gắp phiếu’ xuống chia ruộng và thấy ruộng sâu quá lại lật lại chia từ tây sang đông, khu ruộng đẹp chia trước. Cán bộ và người nhà ra tranh cướp những ruộng ngon đó. Dân tình bức xúc và cán bộ xã cố tình đè nén (bức xúc của dân).

Sai trái của chính quyền

Một người dân khác không muốn nêu tên vạch ra những sai trái từ phía chính quyền khi thực hiện chính sách ‘dồn điền, đổi thửa’ như sau:

Sai thứ nhất của ban dồn điền- đổi thửa của thôn là không đọc văn bản của chủ tịch huyện cho dân được biết; thứ hai không công khai kinh phí thành phố hỗ trợ cho dân là bao nhiêu và số dân đóng góp đến khi nào thì hết; thứ ba đối với 52 hộ gia đình chính sách ưu tiên, chủ tịch có viết giấy ký chia cho 52 hộ này đất dễ canh tác, thuận lợi; nhưng khi mở ‘gắp phiếu’ ra là phiếu ảo!

Bà Lê Thị Thoa mặc nguyên bộ quần áo bê bết bùn do bị công an xô ngã dúi dụi xuống ruộng lên hội trường thôn phản đối (ảnh báo danviet.vn)
Bà Lê Thị Thoa mặc nguyên bộ quần áo bê bết bùn do bị công an xô ngã dúi dụi xuống ruộng lên hội trường thôn phản đối (ảnh báo danviet.vn)

Ruộng chân mạ là phải giữ nguyên, không phải ‘dồn điền- đổi thửa’ ruộng chân mạ đó; thế nhưng cán bộ xã không báo cho bà ấy biết ruộng chân mạ của bà đó ở đâu, nghĩa là chưa trả ruộng mà chia cho người khác chỗ đó. Bà cấy ở đó gần xong rồi, nhưng công an viên phá lúa của bà, đánh bà ta

Dân địa phương

Dân bị oan/toà hoãn xử

Ngoài việc không công minh trong việc thực hiện chính sách ‘dồn điển, đổi thửa’ tại địa phương, chính quyền còn làm sai khi rắp tâm thu hồi ruộng chân mạ, tức là ruộng chỉ dành để gieo mạ mà thôi. Nạn nhân là bà Lê thị Thoa.

Dân chúng địa phương cho biết vào ngày 11 tháng 3 năm nay, hai công an viên đã đến phá ruộng chân mạ của bà Lê thị Thoa. Vì việc làm không đúng đó nên một số người dân đã giữ hai người này lại tại nhà văn hóa xã để làm cho rõ sự việc.

Ruộng chân mạ là phải giữ nguyên, không phải ‘dồn điền- đổi thửa’ ruộng chân mạ đó; thế nhưng cán bộ xã không báo cho bà ấy biết ruộng chân mạ của bà đó ở đâu, nghĩa là chưa trả ruộng mà chia cho người khác chỗ đó. Bà cấy ở đó gần xong rồi, nhưng công an viên phá lúa của bà, đánh bà ta và khênh bà ta lên bờ.

Tuy nhiên, hoạt động giữ công an viên này đã khiến cho hai người con của bà Lê thị Thoa là Nguyễn thu Hà và Nguyễn Thị Lan bị liên lụy. Anh Vũ Văn Huề, người dùng điện thoại để quay lại vụ việc tại nhà văn hóa xã và một người khác trong xã là anh Lê Văn Vượng cũng bị bắt.

Bốn người này bị cáo buộc hai tội danh là chống người thi hành công vụ và giữ người trái pháp luật.

Xét ra yêu cầu của đông đảo bà con rộng lắm từ vấn đề dồn điền-đổi thửa đến vụ việc hôm đó. Trong vụ án này thì người ta cô đọng lại ở hai vấn đề: một là chống người thi hành công vụ và giữ người trái pháp luật. Người ta chỉ khởi tố những vấn đề như vậy...

Luật sư Nguyễn Khánh Toàn

Cô Nguyễn thị Lan con của bà Lê thị Thoa bị đánh trong ngày ruộng chân mạ của gia đình bị phá, và sức khỏe của cô trơn nên suy kiệt đến mức không thể tham gia các phiên xử. Trong phiên xét xử vào ngày 28 tháng 10, cô này bị ngất đến mấy lần khiến phiên xử phải bị hoãn tiếp đến lần này là lần thứ tư.

Ngoài ra ông chủ tịch xã Hoàng Bá Long là người có nghĩa vụ liên quan được luật sư yêu cầu dự tòa nhưng cũng không bao giờ có mặt.

Luật sư Nguyễn Khánh Toàn, bào chữa cho bốn bị can như vừa nêu, cho biết ý kiến của ông về vụ án:

Xét ra yêu cầu của đông đảo bà con rộng lắm từ vấn đề dồn điền-đổi thửa đến vụ việc hôm đó. Trong vụ án này thì người ta cô đọng lại ở hai vấn đề: một là chống người thi hành công vụ và giữ người trái pháp luật. Người ta chỉ khởi tố những vấn đề như vậy nên thu gọn lại điều tra, xác minh những điều như thế.

Quan điểm của luật sư còn đang xem xét theo hướng bào chữa có những dấu hiệu là người ta không giữ người trái pháp luật, cũng như không có căn cứ chính thức, căn cứ thuyết phục nói rằng người ta chống người thi hành công vụ.

Những người nông dân tại xã Xuân Dương, huyện Thanh Oai, thành phố Hà Nội cho biết ngay cả những đảng viên lão thành góp ý cho chủ tịch và bí thư xã Xuân Dương cũng bị những người này gạt đi. Những người nông dân mà chúng tôi tiếp xúc đều cho rằng chính quyền địa phương làm sai rõ ‘mười mươi’, nhưng rồi họ dùng mọi thủ đoạn như đe dọa, trấn áp tất cả những người dám lên tiếng, cũng như làm thay đổi các chứng cứ, lời khai theo hướng có lợi cho họ và buộc tội cho người dân.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.