Bất cập trong nghị định 115 về bảo hiểm xã hội bắt buộc

Xuân Nguyên, thông tín viên RFA
2016.02.13
1-cua-100914-622.jpg Hình minh họa chụp tại Hải Phòng, Việt Nam.
Courtesy bhxh.gov.vn

Từ ngày 1.1.2016, nghị định 115/2015/NĐ-CP quy định về việc đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc chính thức có hiệu lực, ngay lập tức, nghị định 115/2015 bị những người lao động Việt Nam ở nước ngoài phản đối mạnh mẽ trên mạng xã hội Facebook.

Vậy nghị định 115/2015 mới này có nội dung như thế nào và ảnh hưởng ra sao đến người lao động Việt Nam ở nước ngoài. Xuân Nguyên có cuộc trao đổi với Nhà Nghiên cứu Luật Nguyễn Trang Nhung đang sống tại Sài Gòn về vấn đề này.

Mục tiêu 50% lực lượng lao động tham gia BHXH

Xuân Nguyên: Thưa chị Nguyễn Trang Nhung, kể từ ngày 1/1/2016, Nghị định 115/2015 của Chính phủ về bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc có hiệu lực thi hành. Theo Nghị định này, người lao động VN ở nước ngoài phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc tại Việt Nam (VN). Chị có thể giải thích đôi nét về Nghị định này liên quan tới người lao động VN ở nước ngoài được không?

Nguyễn Trang Nhung: Luật BHXH mới được ban hành vào năm 2014 có sẵn quy định về BHXH bắt buộc đối với người lao động VN ở nước ngoài. Luật này có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2016. Nghị định 115/2015 chỉ quy định chi tiết luật này mà thôi. Nghị định này có hiệu lực kể từ cùng ngày đó, trừ một điều khoản có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2018.

Một cách khái quát thì điều này nằm trong mục tiêu 50% lực lượng lao động tham gia BHXH vào năm 2020. Hiện nay, tỷ lệ này chỉ khoảng 25%.
-Nguyễn Trang Nhung

Thực ra không phải đợi đến Luật BHXH 2014 thì mới có quy định về BHXH bắt buộc đối với người lao động VN ở nước ngoài. Luật BHXH cũ được ban hành vào năm 2006 (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2007) đã có quy định này, tuy nhiên phạm vi đối tượng hẹp hơn. Nếu theo Luật BHXH cũ, phạm vi này chỉ gồm những người đã đóng BHXH bắt buộc tại VN và chưa hưởng BHXH một lần trước khi ra nước ngoài làm việc, mà tôi gọi là diện 1, thì theo Luật BHXH mới, ngoài diện 1, phạm vi này gồm cả những người chưa đóng BHXH bắt buộc tại VN hoặc đã đóng nhưng đã hưởng BHXH một lần, mà tôi gọi là diện 2.

Luật BHXH cũ cũng có nghị định quy định chi tiết, là Nghị định 152/2006. Tôi nghĩ sở dĩ bây giờ chúng ta có sự lầm tưởng rằng chỉ từ Luật BHXH mới mới có quy định về BHXH bắt buộc đối với người lao động VN ở nước ngoài là vì khoảng cách về trình độ phát triển công nghệ thông tin và truyền thông giữa hai thời điểm, năm 2006 và năm 2016, cùng với sự quan tâm ngày càng lớn hơn theo thời gian của người dân về những gì trực tiếp liên quan tới họ.

Xuân Nguyên: Tại sao phạm vi đối tượng lại được mở rộng trong luật mới này, thưa chị?

Nguyễn Trang Nhung: Một cách khái quát thì điều này nằm trong mục tiêu 50% lực lượng lao động tham gia BHXH vào năm 2020. Hiện nay, tỷ lệ này chỉ khoảng 25%.

Xuân Nguyên: Chị có thể so sánh diện 1 và diện 2 về mức đóng BHXH và mức hưởng BHXH của họ được không?

Nguyễn Trang Nhung: Như tôi đã nói, diện 1 là những người đã đóng BHXH bắt buộc tại VN và chưa hưởng BHXH một lần, còn diện 2 là những người chưa đóng hoặc đã đóng nhưng đã hưởng BHXH một lần. Diện 1 phải đóng 22% mức tiền lương tháng đóng BHXH trước khi ra nước ngoài làm việc. Như vậy, nếu lương tháng đóng BHXH của tôi là 5 triệu trước khi tôi ra nước ngoài làm việc, thì tôi phải đóng BHXH bắt buộc là 1 triệu 100 ngàn. Diện 2 phải đóng 22% của 2 lần mức lương cơ sở. Mức lương cơ sở hiện nay là 1.150.000 đồng/tháng. Trong cả hai trường hợp, số tiền đóng BHXH được đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất, và chỉ quỹ này mà thôi. Về mức hưởng BHXH, nguyên tắc chung được áp dụng cho mọi đối tượng, không riêng cho người VN lao động ở nước ngoài, cụ thể là được tính trên cơ sở mức đóng và thời gian đóng BHXH.

Xuân Nguyên: Mức đóng BHXH bắt buộc cho quỹ hưu trí và tử tuất, đối với người lao động trong nước thì sao, thưa chị?

Nguyễn Trang Nhung: Người lao động VN ở trong nước phải đóng 8% mức tiền lương tháng đóng BHXH vào quỹ hưu trí và tử tuất.

Xuân Nguyên: Tại sao lại có khoảng cách lớn như vậy, giữa 22% đối với người lao động VN ở nước ngoài và 8% đối với người lao động VN ở trong nước cho quỹ hưu trí và tử tuất?

Nguyễn Trang Nhung: Người lao động VN ở trong nước đóng một phần BHXH, phần còn lại là người sử dụng lao động đóng. Nếu người lao động VN ở trong nước đóng 8%, thì người sử dụng lao động đóng 14% vào quỹ hưu trí và tử tuất. Tổng cộng cũng là 22%.

Xuân Nguyên: Đó là về chế độ hưu trí và tử tuất. Thế còn các chế độ khác?

Người lao động VN ở trong nước đóng một phần BHXH, phần còn lại là người sử dụng lao động đóng. Nếu người lao động VN ở trong nước đóng 8%, thì người sử dụng lao động đóng 14% vào quỹ hưu trí và tử tuất. Tổng cộng cũng là 22%.
-Nguyễn Trang Nhung

Nguyễn Trang Nhung: Người lao động VN ở nước ngoài lẫn người lao động VN ở trong nước đều không phải đóng BHXH cho các chế độ khác, bao gồm chế độ ốm đau, chế độ thai sản, chế độ tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp. Nhưng, nếu người lao động VN ở trong nước được hưởng BHXH cho các chế độ này thì người lao động VN ở nước ngoài không được hưởng. Lý do là vì người lao động VN ở trong nước có người sử dụng lao động đóng BHXH cho họ cho các chế độ này, còn người lao động VN ở nước ngoài thì hưởng các chế độ này, nếu có, ở các nước sở tại.

Xuân Nguyên: Như vậy có thể gọi là công bằng cho hai nhóm người lao động không?

Nguyễn Trang Nhung: Đó không thể gọi là công bằng. Đối với chế độ hưu trí và tử tuất, tôi gọi đó là như nhau từ góc độ của Nhà nước, vì dù với người lao động VN ở trong nước hay ở nước ngoài thì họ đều thu 22% cho quỹ hưu trí và tử tuất. Còn với hai nhóm người lao động, xét về mọi chế độ, thì tất nhiên là không như nhau rồi. Người lao động VN ở nước ngoài chịu gánh nặng lớn hơn nhưng quyền lợi ít hơn so với người lao động VN ở trong nước.

Xuân Nguyên: Chị có thể nói một chút, về phương thức đóng đối với người lao động VN ở nước ngoài?

Nguyễn Trang Nhung: Phương thức đóng được quy định tại Điều 85 Luật BHXH mới. Theo đó, người lao động có thể đóng theo các định kỳ khác nhau, 3, 6, hoặc 12 tháng một lần, đóng trực tiếp cho cơ quan bảo hiểm xã hội nơi người lao động cư trú trước khi ra nước ngoài làm việc hoặc đóng qua doanh nghiệp đưa đưa họ ra nước ngoài làm việc. Hiện nay nhiều doanh nghiệp chưa biết rõ, hoặc chưa biết các quy định liên quan, nên chắc chắc việc thực hiện các quy định sẽ không dễ dàng và có nhiều bất cập.

Xuân Nguyên: Theo chị, nhìn chung, quy định về BHXH bắt buộc có thực sự vì lợi ích của người lao động VN ở nước ngoài?

Nguyễn Trang Nhung: Vì lợi ích của người lao động thì có thể, vì dù sao thì người lao động đóng và rồi họ hưởng BHXH. Còn vì lợi ích thưc sự của người lao động thì chưa chắc. Vì nhiều lý do, người lao động VN ở nước ngoài không sẵn sàng đóng BHXH bắt buộc. Đa số họ là những người có hoàn cảnh khó khăn, thậm chế bế tắc về tài chính. Các khoản BHXH bắt buộc dù nhân danh vì lợi ích của họ nhưng nếu bất chấp ý chí của họ, nguyện vọng của họ đều ít nhiều trở thành gánh nặng đối với họ. Do đó, thay vì bắt buộc họ, hãy để họ lựa chọn.

Xuân Nguyên: Có nghĩa là theo chị BHXH tại VN- đối với họ thay vì bắt buộc, nên là tự nguyện?

Nguyễn Trang Nhung: Vâng, đúng vậy.

Xuân Nguyên: Xin chân thành cám ơn chị Nguyễn Trang Nhung.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.