Cô Đỗ Thị Minh Hạnh trả lời RFA từ Vienna, Áo Quốc

Tường An, thông tín viên RFA
2014.10.18
MH3-622.jpg Cô Đỗ Thị Minh Hạnh cùng gia đình tại Phi Trường Quốc Tế Vienne, thủ đô Áo Quốc hôm 16/10/2014.
Photo: FB Đỗ Thị Minh Hạnh

 

Cô Đỗ Thị Minh Hạnh, một cựu tù nhân lương tâm, nhà hoạt động công đoàn được trả tự do ngày 28/6 vừa qua. Sau đó, ngày 3/9 cô đi bị cấm xuất cảnh khi dự định đi thăm Mẹ là bà Trần Thị Ngọc Minh tại Áo.

Nhưng vừa qua, trước chuyến công du Đức của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vài ngày, bất ngờ, cô được cơ quan xuất nhập cảnh thông báo là cô đã được phép xuất cảnh sang Áo thăm Mẹ. Ngày 16/6 cô đã đến Vienna.

“Hạnh phúc”

Trả lời thông tín viên Tường An của đài Á châu Tự do, cô Minh Hạnh chia sẻ cảm xúc của mình khi gặp lại Mẹ:

Minh Hạnh vô cùng hạnh phúc khi nhìn thấy Mẹ của mình, chị của mình đang đứng trước mặt mình. Phải nói đây là một điều mà Minh Hạnh từng mơ ước mà nó đã trở thành sự thật.
-Đỗ Thị Minh Hạnh

Minh Hạnh: Kính thưa quý thính giả đài RFA. Cảm giác của Minh Hạnh khi mà cảnh cổng phi trường Áo mở ra. Minh Hạnh vô cùng hạnh phúc khi nhìn thấy Mẹ của mình, chị của mình đang đứng trước mặt mình. Phải nói đây là một điều mà Minh Hạnh từng mơ ước mà nó đã trở thành sự thật, vô cùng hạnh phúc. Minh Hạnh chỉ có thể nói hai chữ “hạnh phúc” mà thôi !

Tường An: Minh Hạnh bị bắt cùng một lượt với hai người bạn đồng hành là Nguyễn Hoàng Quốc Hùng và Đoàn Huy Chương. Nay Hạnh đã được trả tự do, hai người kia thì vẫn còn trong vòng lao lý. Minh Hạnh sẽ làm gì để vận động trả tự do cho 2 người bạn tù của mình?

Minh Hạnh: Thật sự rằng Minh Hạnh luôn luôn mang nỗi khắc khoải và mong chờ rằng hai anh được tự do như Minh Hạnh vậy, và không chỉ có hai anh mà còn các tù nhân lương tâm khác như chị Tạ Phong Tần, anh Điếu Cày và chị Mai Thị Dung… còn đang bị giam cầm trong nhà tù Cộng sản Việt Nam. Minh Hạnh sẽ tiếp tục đồng hành cùng các anh chị em đang đấu tranh cho Tự do Dân chủ Nhân quyền tại Việt Nam, sát cánh cùng gia đình 2 anh để đấu tranh đòi tự do cho hai anh Nguyễn Hòng Quốc Hùng và anh Đoàn Huy Chương, và đặc biệt Minh Hạnh cũng mong muốn kêu gọi trả tự do cho chị Mai Thị Dung, đó là người bạn tù từng sống chung với Minh Hạnh đang phải chịu cảnh bệnh tật.

Cô Đỗ Thị Minh Hạnh cùng Mẹ tại Phi Trường Quốc Tế Vienne, thủ đô Áo Quốc hôm 16/10/2014. Photo: FB Đỗ Thị Minh Hạnh.
Cô Đỗ Thị Minh Hạnh cùng Mẹ tại Phi Trường Quốc Tế Vienne, thủ đô Áo Quốc hôm 16/10/2014. Photo: FB Đỗ Thị Minh Hạnh.

Đặc biệt là anh Nguyễn Hoàng Quốc Hùng và anh Đoàn Huy Chương đang được dân biểu, nghị sĩ tại một số nước quan tâm và hiện tại là 31 dân biểu Úc đã lên tiếng đấu tranh cho anh Hùng anh Chương, yêu cầu chính phủ Việt Nam trả tự do cho 2 anh. Bởi vì, nhìn theo một hướng khách quan Minh Hạnh được trả trả tự do, điều đó chứng minh rằng Minh Hạnh là một người vô tội thì anh Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, anh Đoàn Huy Chương cũng là những người vô tội, vì vậy việc trao trả tự do cho anh Hùng, anh Chương là điều tất yếu, là cần thiết và chính phủ Việt Nam phải thực hiện điều đó, nhưng cho đến giờ thì động thái từ nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam cũng chưa có một hành động cụ thể nào. Tuy nhiên trong cuộc vận động của các tổ chức,đoàn thể, cá nhân trong và ngoài nước và đặc biệt là Lao Động Việt đã luôn sát cánh để mà kêu gọi cho hai anh, hiện tại thì mình vẫn chưa thấy động thái gì nhưng Minh Hạnh cũng hy vọng rằng trong tương lai sẽ có những ánh sáng cho hai anh và mong mỏi rằng hai anh cũng sẽ tự do như Minh Hạnh vậy.

Tường An: Được biết Minh Hạnh là thành viên của tổ chức Liên Đoàn Lao Động Việt Tự do được tắt là Lao Động Việt. Lao Động Việt là một liên minh gồm 2 tổ chức trong nước là Công Đoàn Độc Lập (do Lê Thị Công Nhân, Nguyễn Khắc Toàn sáng lập), Phong Trào Lao Động Việt ( Đỗ Thị Minh Hạnh, Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, Đoàn Huy Chương sáng lập) và 1 tổ chức ở hải ngoại là Uỷ Ban Bảo Vệ người lao động Việt Nam (Trần Ngọc Thành) Minh Hạnh có thể cho biết vai trò của Minh Hạnh trong tổ chức này không?

Minh Hạnh: Minh Hạnh là đại diện của Lao Động Việt trong nước. Minh Hạnh với vai trò vừa là người đại diện, vừa là Phát ngôn viên của Lao Động Việt ở trong nước. Minh Hạnh sẽ luôn cố gắng đồng hành cùng các anh em trong nước để xây dựng và phát triển các công đoàn độc lập ở Việt Nam. Bởi vì tại Việt Nam, vấn đề công nhân là một vấn đề rất đáng được quan tâm. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là một cơ quan duy nhất được chính phủ Việt Nam công nhận, thế nhưng họ vì quyền và lợi ích của họ nên họ đã không đứng lên đấu tranh cho gia cấp công nhân mà đi ngược lại quyền và lợi ích của người công nhân. Chính vì lẽ đó, việc thành lập một công đoàn độc lập tại Việt Nam là vô cùng tất yếu và cần thiết thì Minh Hạnh và các anh em trong Lao Động Việt cố gắng gầy dựng và phát triển, làm sao mà người công nhân có thể nhận thức được vấn đề quan trọng trong vấn đề đấu tranh dành lại quyền lợi cho mình.

Còn nhiều khó khăn

Tường An: Trong quá trình vận động thành lập công đoàn độc lập tại Việt Nam, Minh Hạnh đã có những khó khăn cũng như thuận lợi nào?

Minh Hạnh: Thật sự mà nói thì bất cứ một cuộc đấu tranh nào cho quyền lợi của người dân, không chỉ riêng giai cấp công nhân đều gặp phải những khó khăn riêng của nó. Đối với Minh Hạnh là đại diện của Lao Động Việt thì khi trở về cũng gặp rất nhiều khó khăn. Cái khó khăn thứ nhất là do thời gian ở tù quá lâu cho nên khi trở về tiếp cận về mặt xã hội chưa phải là nhanh chóng. Thứ hai là tiếp cận với giai cấp công nhân, tuy là vẫn có những sự tiếp cận, nhưng khó khăn hơn xưa rất nhiều vì gương mặt của Minh Hạnh đã bị an ninh chú ý đến, bị theo dõi sát sao nên hoạt động cũng sẽ bị hạn chế hơn so với trước đây.

Vấn đề tài chính cho Lao Động Việt trong nước không phải là một điều dễ dàng để mà có thể hỗ trợ cho các anh em trong nước có một nguồn tài chính ổn định để thực hiện công việc của mình.
-Đỗ Thị Minh Hạnh

Điều thứ ba nữa là vấn đề tài chính cho Lao Động Việt trong nước không phải là một điều dễ dàng để mà có thể hỗ trợ cho các anh em trong nước có một nguồn tài chính ổn định để thực hiện công việc của mình. Vấn đề thứ tư, đây là một vấn đề hết sức quan trọng: đó là nhận thức của công nhân. Họ rất là lo lắng khi bị chủ đuổi việc, rất là sợ bị mất việc, thậm chí họ chấp nhận sự chèn ép mặc dù họ không muốn điều đó xảy ra. Họ chưa nhận thức được về vấn đề công đoàn độc lập, họ chưa tiếp cận được thông tin. Bởi vì nguồn thông tin vẫn chưa truyền đến với họ bởi sự bưng bít của chính phủ Việt Nam, gây chia rẽ, mất đoàn kết giữa giai cấp công nhân. Thì đó là khó khăn vô cùng lớn và Lao Động Việt đã luôn luôn cố gắng, từng bước một để tiếp cận để truyền tải cho họ những kiến thức về luật pháp, những kiến thức, những hiểu biết: “Tại sao phải có một công đoàn độc lập tại Việt Nam?”

Tường An: Sau chuyến đi này, nếu khi trở về, cơ quan xuất nhập cảnh không cho Minh Hạnh nhập cảnh trở vào Việt Nam mặc dù luật pháp Việt Nam không ho phép họ làm điều này thì Minh Hạnh làm gì?

Minh Hạnh: Phải nói là trước khi sang đây thì Minh Hạnh cũng có bị những lời đe doạ, họ đe doạ là không cho Minh Hạnh nhập cảnh trở vào Việt Nam, nhưng mà đây là một điều hết sức phi lý vì Minh Hạnh đi sang thăm Mẹ của mình, điều này có tính cách nhân đạo và họ phải chấp nhận điều đó trước áp lực của quốc tế nên Minh Hạnh đã có cơ hội để sang thăm Mẹ của mình. Và là một công dân Việt Nam, mang quốc tịch Việt Nam, Minh Hạnh không có nhu cầu xin tị nạn tại bất cứ một quốc gia nào mà mong mỏi được ở nước Việt Nam thì không có lý do gì chính phủ Việt Nam không cho Minh Hạnh nhập cảnh trở lại Việt Nam và nếu như chính phủ Việt Nam không cho Minh Hạnh trở về đất nước của mình thì Việt Nam đã đi ngược lại với công pháp quốc tế về quyền tự do đi lại của công dân và Minh Hạnh sẽ đấu tranh cho tới cùng về việc này.

Tường An: Xin cám ơn cô Đỗ Thị Minh Hạnh đã dành cho đài Á Châu Tự do cuộc phỏng vấn này và xin chúc cô những ngày vui bên gia đình.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.