Tự do Tôn giáo tại VN vẫn rất hạn chế

Kính Hòa, phóng viên RFA
2013.05.21
034_2631817-305.jpg Một nhà sư đang đi khất thực
AFP photo

 

Hôm 21/5 Bộ ngọai giao Hoa Kỳ đã công bố báo cáo tự do tôn giáo tòan cầu, trong đó có Việt Nam. Kính Hòa phỏng vấn ông Lê Minh Nguyên thuộc mạng lưới nhân quyền Việt Nam.

Kính Hòa: Sáng nay Bộ ngọai giao Hoa Kỳ công bố báo cáo thường niên về tự do tôn giáo toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Bản báo cáo cho rằng Việt Nam có tiến bộ nhưng các nhóm tôn giáo vẫn còn bị sách nhiễu. Việc thay thế nghị định về tôn giáo năm 2005 bằng nghị định mới 2012 khắc nghiệt hơn. Ông Lê Minh Nguyên có nhận định gì về báo cáo này?

Ông Lê Minh Nguyên: Tôi rất thất vọng, trong bản báo cáo chỉ đề cập một trường hợp vào năm 2012, trong khi Mạng lưới nhân quyền của chúng tôi ghi nhận rất nhiều trường hợp trong 2012. Thứ hai là bản báo cáo kêu gọi rất mềm mỏng như là kêu gọi tự do tôn giáo, kêu gọi công nhận Giáo hội Phật giáo VN thống nhất, kêu gọi giải quyết tranh chấp giữa tôn giáo và nhà nước bằng biện pháp hòa bình, và có nhấn mạnh là việc ấy quan trọng cho mối quan hệ song phương. Báo cáo này chỉ đề cập trường hợp đàn áp đạo Cao Đài ở Bình Định làm sáu người bị thương vì ở đây người theo chân truyền.

Chúng tôi thì ghi nhận rằng không có tự do tôn giáo, chính quyền ngăn chặn bằng ba biện pháp, pháp luật, tổ chức và bạo lực. Biện pháp pháp luật là dù Hiến pháp 92 cho tự do tôn giáo nhưng các nghị định tôn giáo lại khắc nghiệt hơn. Thứ hai là chính quyền can thiệp vào tổ chức và nhân sự của tôn giáo, Thủ tướng bổ nhiệm một ông trung tướng công an làm trưởng ban tôn giáo chính phủ. Còn việc sử dụng bạo lực thì có các linh mục bị đánh ở Kontum, Hà Nội, rồi vụ Con Cuông ở Nghệ An, Phật giáo Hòa hảo ở An Giang, rồi vụ Thái Hà.

Kính Hòa: Thưa ông tại sao có sự khác biệt quá lớn về con số giữa Bộ ngọai giao Hoa Kỳ và Mạng lưới nhân quyền như vậy?

Ông Lê Minh Nguyên: Có lẽ là Chính phủ Hoa Kỳ muốn dùng cách tiếp cận với Hà nội nên không mạnh tay, trong khi Ủy ban tự do tôn giáo cũng như một số dân biểu lại khuyến nghị Bộ ngọai giao nên đưa VN vào danh sách các quốc gia có quan ngại về tự do tôn giáo (CPC). Theo tôi thì chính phủ Hoa Kỳ nên đưa VN vào lại danh sách CPC, còn nếu chính quyền không làm được thì hành pháp nên ủng hộ luật 1897 đã được thông qua ở tiểu ban nhân quyền hạ viện. Ngòai ra, thượng nghị sĩ….chủ tịch Ủy ban đối ngọai thượng việncó đề nghị khi bàn việc tham gia nhóm đối tác xuyên Thái Bình Dương thì vấn đề nhân quyền phải được đặt lên hàng đầu để bảo vệ quyền tự do lập hội và lao động của người công nhân.

Kính Hòa: Trong quá khứ VN đã từng bị đặt vào danh sách CPC, theo ông việc ấy có hiệu quả không?

Ông Lê Minh Nguyên: Tôi thấy hồi năm 2004-2006 VN bị đặt vô danh sách CPC và việc đó rất là có hiệu quả. Chính quyền cộng sản VN đã trả tự do cho nhiều người vì nhu cầu tham gia tổ chức thương mại thế giới và hội nghi Apec. Nay nếu chính quyền Hoa Kỳ đặt VN vào danh sách CPC thì Quốc hội sẽ không thể ủng hộ việc thông qua các hiệp định thương mại, như là tham gia vào nhóm đối tác xuyên Thái Bình Dương.

Kính Hòa: Thưa ông, câu hỏi sau cùng là Mạng lưới nhân quyền làm cách nào để vận động Quốc hội hay hành pháp gây sức ép nhiều hơn đối với VN trong vấn đề tự do tôn giáo?

Ông Lê Minh Nguyên: Chính quyền VN hay dùng những nạn nhân về nhân quyền để làm vật trao đổi. Mạng lưới nhân quyền luôn tìm cách cung cấp cho quốc hội và hành pháp những thông tin chính xác bằng báo cáo nhân quyền hàng năm của mình, các thông tin này được cung cấp bởi các nạn nhân trong nước do đó nó chính xác hơn là bên ngòai nhìn vào. Mặt khác mạng lưới nhân quyền cố gắng tham gia các buổi điều trần, gặp gỡ ở Quốc hội và Bộ ngọai giao để cung cấp cho họ các thông tin đó.

Kính Hòa: Xin chân thành cám ơn ông.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.