Cảnh báo suy thoái kinh tế Việt Nam

Cảnh báo suy thoái kinh tế có thể xảy ra cho Việt Nam gần đây được đề cập nhiều hơn trên báo chí truyền thông và cả trong báo cáo của Ngân Hàng Phát Triển Á Châu ADB.

0:00 / 0:00
NguyenQuangA-200.jpg
Tiến sĩ Nguyễn Quang A, Viện trưởng Viện Nghiên Cứu Phát Triển IDS ở Hà Nội. RFA file photo (RFA file photo)

Nam Nguyên phỏng vấn Tiến sĩ Nguyễn Quang A, Viện trưởng Viện Nghiên Cứu Phát Triển IDS, một tổ chức tư nhân ở Hà Nội. Trước hết Tiến sĩ Nguyễn Quang A nhận định:

TS Nguyễn Quang A: Thực sự những lo ngại như thế cũng được các chuyên gia ở trong nước cảnh báo từ suốt bảy, tám tháng nay và nó thể hiện ở nhiều chỉ số kinh tế vĩ mô không được đẹp.

Đó là lạm phát gia tăng cao, đó là thâm hụt ngân sách, thâm hụt cán cân thương mại là chuyện xảy ra đã nhiều năm nay, nhất là hiệu quả hoạt động của khu vực kinh tế quốc doanh. Đó là những vấn đề nổi cộm, thực sự thì nền kinh tế VN đang phải đối mặt rất là gay gắt.

Sẽ còn nhiều khó khăn

Nam Nguyên: Theo Tiến sĩ, có thể cho tình trạng này ở vào cấp độ nguy hiểm như thế nào?

TS Nguyễn Quang A: Thực sự tôi nghĩ rằng, nền kinh tế Việt Nam đã đi xuống và gặp rất nhiều khó khăn trong suốt 6 tháng vừa qua và tôi nghĩ rằng nó sẽ tiếp tục khó khăn hơn. Có thể cần phải sáu, bảy tháng nữa thì lúc đó mới hồi phục dần được.

Việc để cho thị trường quyết định giá là việc lẽ ra nên làm từ nhiều năm trước, khi mà nền kinh tế đang ở chiều lên. Để cho thị trường điều chỉnh giá là một điều tốt thôi, việc tăng giá trong mấy ngày vừa qua là một việc cực chẳng đã mà chính phủ phải làm.

TS Nguyễn Quang A

Nam Nguyên: Thưa ông, vừa qua lại có quyết định tăng giá xăng dầu đột ngột và khá mạnh hơn 30%. Như vậy sẽ có ảnh hưởng thế nào tới chỉ số tăng giá tiêu dùng?

TS Nguyễn Quang A: Việc để cho thị trường quyết định giá là việc lẽ ra nên làm từ nhiều năm trước, khi mà nền kinh tế đang ở chiều lên. Để cho thị trường điều chỉnh giá là một điều tốt thôi, việc tăng giá trong mấy ngày vừa qua là một việc cực chẳng đã mà chính phủ phải làm.

Nhưng việc làm này ở trong một thời điểm tôi cho rằng không thực tiễn. Chắc chắn nó sẽ ảnh hưởng tới việc tăng giá nói chung, tức là ảnh hưởng đến chỉ số giá tiêu dùng của tháng 8, bởi vì chỉ số gía cả của tháng 7 đã được tính rồi.

Nam Nguyên: Thưa TS, có nhiều dự báo khác nhau về mức tăng giá tháng 8, từ dưới 1% tới 3%. Ông nhận định gì về các dự báo này?

vietnamInflation305.jpg
Lạm phát tăng cao ảnh hưởng đến cuộc sống và chi tiêu hàng ngày của đại bộ phận dân chúng Việt Nam. (AFP PHOTO)

TS Nguyễn Quang A: Tôi nghĩ rằng, dự báo khoảng vài ba phần trăm cho tháng 8 là có lý. Việc các chuyên gia của chính phủ nói rằng việc tăng giá xăng sẽ làm tăng chỉ số giá tiêu dùng khoảng 0,5% cho tới 1% thì nếu cộng vào cái đã có thì nó vẫn ra con số 2%, 3% gì đó.

Nam Nguyên: Như vậy trọn năm 2008, theo TS chỉ số tăng giá tiêu dùng có thể ở mức 35% hay 40% hay không?

TS Nguyễn Quang A: Tôi nghĩ nó sẽ ở đâu đó khoảng 30% và nếu mà giữ nó được ở mức 30% thì đã là một thành tích rồi!

Chính sách của Chính phủ?

Nam Nguyên: Chính sách thắt chặt tiền tệ tín dụng để chống lạm phát, đồng thời tạo ra những tác dụng ngược có thể gây khủng hoảng nhiều lãnh vực như khủng hoảng cá tra vừa qua, hoặc chuyện thép xây dựng và phôi thép bị xuất khẩu ngược hậu quả khó lường? Chính sách của chính phủ sẽ phải năng động như thế nào?

TS Nguyễn Quang A: Theo tôi trong tình hình rất khó khăn này thì chính sách của chính phủ sẽ phải rất uyển chuyển, theo nghĩa rằng trong tình hình bất bình thường thì có khi cũng cần đến những biện phát bất bình thường.

Tôi là người ủng hộ sự điều tiết của cơ chế thị trường, nhưng mà trong lúc tình hình rất đặc biệt thì có khi những biện pháp hành chính cũng cần được sử dụng ở một thời gian ngắn.

Lòng tin của người dân, của doanh nghiệp, của các nhà đầu tư đã bị xói mòn trong thời gian vừa qua và yếu tố tâm lý và lòng tin đóng một vai trò trong diễn biến tới của tình hình kinh tế Việt Nam, làm không khéo thì có thể có những hậu quả rất là khó lường.

TS Nguyễn Quang A

Sở dĩ như vậy là bởi vì lòng tin của người dân, của doanh nghiệp, của các nhà đầu tư đã bị xói mòn trong thời gian vừa qua và yếu tố tâm lý và lòng tin đóng một vai trò trong diễn biến tới của tình hình kinh tế Việt Nam, làm không khéo thì có thể có những hậu quả rất là khó lường.

Nam Nguyên: Tiết giảm đầu tư công như thông báo đạt hơn 35 ngàn tỷ đồng, theo ông cần nỗ lực nhiều hơn nữa hay không?

TS Nguyễn Quang A: Đầu năm nay thì chính phủ đưa ra quá nhiều các giải pháp. Trong khoảng vài tháng trở lại đây thì những giải pháp của chính phủ có nhất quán rõ ràng hơn và tôi nghĩ là đúng hơn.

Đó là việc tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ và thắt chặt chính sách tài khoá, cái mà ông nói liên quan tới chính sách tài khoá, là đầu tư công là chi tiêu đầu tư của các tập đoàn kinh tế Nhà nước được cắt giảm.

Về phần này tôi e ngại rằng không những chưa đủ, ngay cả con số 34 ngàn tỷ tôi rằng chưa phải thực chất.

Ở đây ngừơi ta nói về chuyện hoãn rồi giãn những dự án đầu tư mà những dự án đó thực sự là không bao giờ có thể thực hiện trong hoàn cảnh này.

Hoãn giãn những cái đấy rồi tính con số đó vào thành ra một số lượng tiền khoảng 2 tỷ đô la thì hoàn toàn không có nghĩa gì cả, mà phải hoàn toàn cắt giảm thực sự chứ không phải cắt giảm trên giấy tờ.

Tôi nghĩ rằng nếu chính phủ VN không rất kiên quyết việc cắt giảm thực sự các khoản đầu tư chi tiêu công, nhất là các khoản đầu tư không hiệu quả thì tôi nghĩ rằng tình hình rất là khó lường.

Nam Nguyên: Cảm ơn TS Nguyễn Quang A đã trả lời chúng tôi.