Bắn chết ngư dân Việt Nam, một hành động không nên giữa các nước ASEAN

RFA
2017.09.25
000_Hkg516760_960.jpg Một ngư dân Trung Quốc ngồi trên một trong 3 chiếc tàu cá Trung Quốc bị Philippines bắt giữ ở cảng Zamboanga miền Nam Philippines hoome 21/3/2007
AFP

Hai ngư dân Việt Nam thiệt mạng và 5 ngư dân khác bị Hải quân Philippines bắt giữ vì đánh cá  trộm ở khu vực biển cách thị trấn Bolinao miền Bắc của Philippines khoảng 30 hải lý, tức thuộc khu vực biển Đông hôm thứ bảy ngày 23 tháng 9 vừa qua.

Người phát ngôn của quân đội địa phương Philippines, Trung Úy Jose Covarrubias cho báo chí biết tàu tuần tra của Philippines đã phát hiện 6 tàu cá Việt Nam sử dụng đèn cực mạnh để thu hút cá và đã đuổi theo 6 tàu cá này. Trong quá trình truy đuổi, một tàu đã đâm vào tàu tuần tra của Philippines.

Bộ Ngoại giao Philippines cho biết hải quân Philippines đã bắn những phát đạn cảnh báo sau khi tàu Việt Nam có hành động đâm tàu nguy hiểm. Báo cáo của cảnh sát hôm thứ hai xác định những vết đạn bắn trên hai xác nhạn nhân người Việt trong khi chiếc tàu cá cũng có 6 vết đạn. Cảnh sát cho biết xác các nạn nhân sẽ được khám nghiệm.

Một hành động không nên giữa hai nước ASEAN

Giáo sư Carl Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Úc nhận định về vụ bắn chết hai ngư dân Việt Nam của Philippines với đài Á Châu Tự Do:

Việt Nam và Philippines là hai nước có quan hệ đối tác chiến lược và vụ việc vừa xẩy ra không phải là một thái độ mà một nước thành ASEAN sử dụng đối với nhau… Các nước ASEAN không nên giết ngư dân của nhau như vậy. Họ phải hợp tác với nhau, họ có thể bắt giữ ngư dân và gửi trả họ về nước, có thể thu giữ tàu của ngư dân, nếu ngư dân phạm luật thì họ có thể bắt giữ và thực hiện các biện pháp pháp lý nếu họ vi phạm luật địa phương. Việc ngư dân Việt Nam hay Indonesia đi vào vùng nước của nhau nên được quy định cụ thể vì nó xảy ra thường xuyên. Câu hỏi đặt ra là tại sao Philippines không làm tương tự với Trung Quốc nhưng tất nhiên tôi không cho rằng họ nên làm như vậy với bất cứ ai.

Ngay sau vụ việc, vào ngày 24/9, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh hiện đang ở New York dự phiên họp 72 Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đã lên tiếng phản đối việc sử dụng vũ lực đối với ngư dân và đề nghị phía Philippines khẩn trương điều tra, làm rõ vụ việc.

Theo báo chí trong nước, vào chiều cùng ngày 24/9, Đại sứ quán Việt Nam tại Philippines đã cử đại diện đến thăm lãnh sự các ngư dân đang bị giam giữ, động viên tinh thần cá ngư dân và tìm hiểu thêm thông tin liên quan.

Chủ tịch Hội Nghề Cá Việt Nam, ông Nguyễn Việt Thắng, vào chiều tối ngày 25 tháng 9, cho Đài Á Châu biết phản ứng ban đầu của hội nghề nghiệp này đối với sự vụ ngư dân Việt bị phía Philippines bắn chết:

Trước hết phản đối hành xử gọi là ‘vô nhân đạo’ của bên Philippines. Hai phía đã có trao đổi, làm việc với nhau; đặc biệt vừa rồi tổng thống Philippines qua thăm Việt Nam và có một số giải quyết rất nhân đạo đối với ngư dân Việt Nam. Nhưng không biết sao lại xảy ra vụ việc như thế; nên trước hết chúng tôi phản đối. Còn mọi chi tiết nữa phải phối hợp với Bộ Ngoại giao để xem xét nguyên nhân, lý do.

Phát biểu bên lề phiên họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc,  Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Alan Caytano nói rằng Philippines bày tỏ sự cảm thông về những mất mát về người và đảm bảo là phía Philippines sẽ tiến hành một cuộc điều tra công bằng và đầy đụ về vụ việc này.

Giáo sư Carl Thayer cho rằng hai nước sẽ cố gắng làm dịu tình hình sau vụ việc:

Theo tôi hai bên sẽ cố gắng làm dịu tình hình. Tôi không nghĩ là Tổng thống Philippines muốn gây hấn với Việt Nam bởi hai nước cũng vốn đã có tranh chấp về chủ quyền ở biển Đông rồi. Chúng ta phải nhìn vào vụ việc một cách cụ thể, rồi liệu Philippines có điều tra thỏa đáng không. Hy vọng là trong tương lai hai nước sẽ có được những chính sách thích hợp để tránh trường hợp tương tự xảy ra. Việt Nam cũng có thể sẽ giáo dục cho ngư dân nước mình nơi nào họ có thể được quyền đánh bắt cá.

Hồi năm 2013 tuần duyên Philippines cũng đã bắn một tàu cá của Đài Loan và giết chết một ngư dân. Sự việc đã gây căng thẳng quan hệ hai nước. Điều tra sau đó cho thấy phía Philippines cũng có những sai sót và Philippines đã phải đưa lời xin lỗi.

Cạn kiệt nguồn cá đẩy ngư dân đi xa

Đây không phải là lần đầu tiên ngư dân Việt Nam gặp rắc rối với phía Philippines khi đánh cá ở vùng biển Đông. Hồi tháng 8 vừa qua, Hải quân Philippines cũng đã đuổi theo một tàu cá của Việt Nam cách vùng khí tự nhiên Malampaya của Philippines khoảng 20 hải lý. Hải quân Philippines sau đó đã lên tàu cá Việt Nam kiểm tra và thu giữ được những phần của cá mập đã bị xẻ thịt và giữ đông lạnh. 10 ngư dân Việt Nam sau đó đã bị kiện về tội đánh bắt trộm.

Hồi tháng 8 năm ngoái, Philippines cũng bắt giữ 17 ngư dân Việt Nam vì đánh cá trộm. Sau đó Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã ra lệnh thả những ngư dân này về Việt Nam.

Ngoài Philippines, ngư dân Việt Nam thời gian qua cũng bị bắt giữ, đốt tàu khi đánh cá ở những vùng biển khác như ở Indonesia hay các vùng đảo ở Thái Bình Dương như Palau, Papua New Guinea, Australia, và New Caledonia. Giải thích về tình trạng này, Giáo sư Carl Thayer cho rằng nguyên nhân chính là do nguồn cá ở khu vực biển Đông đang cạn kiệt trong khi chính phủ Việt Nam và Trung Quốc chưa có được những quy định đầy đủ để bảo vệ nguồn cá. Điều này đã đẩy các ngư dân của mình đánh cá xa bờ và gặp nguy hiểm.

Những ngư dân này đi đánh cá ở vùng biển nước ngoài vì một vấn đề lớn hơn là sự hợp tác giữa các nước chống sụt giảm nguồn cá và ô nhiễm biển ở biển Đông đã bị lờ đi. Nguồn cá ở đây đã giảm đi và ngư dân bị đẩy ra xa về phía Nam, đặc biệt là ngư dân Việt Nam và Trung Quốc.

Một nghiên cứu hồi năm 2016 của Giáo sư John McManus, thuộc khoa sinh vật và sinh thái trường đại học Miami, Hoa Kỳ cho thấy nguồn cá tại các vùng quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa đang bị suy giảm nghiêm trọng vì hoạt động đánh bắt cá quá mức và sự phá hoại hàng loạt của các rạn san hô, nơi sinh sống và nguồn thức ăn của cá. Theo đánh giá của giáo sư McManus hiện Trung Quốc là nước phá hoại nhiều nhất môi trường khu vực biển Đông. Việc xây lấp các đảo nhân tạo của Trung Quốc tại vùng biển này đã phá hủy khoảng 99% rạn san hô ở khu vực này.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.