Năng suất lao động Việt Nam đang tụt dốc

Lan Hương, phóng viên RFA
2017.04.05
000_K20MD.jpg Một người lao động Việt làm công việc hàn thân xe tại nhà máy ôtô Ford ở tỉnh Hải Dương. Ảnh chụp ngày 11 tháng 1 năm 2017.
AFP photo

Tăng năng suất lao động của Việt Nam được đánh giá thấp hơn so với các quốc gia khác trong khối ASEAN, và hiện tại đã sút hẳn so với Lào, trong khi mới năm 2010 Lào vẫn đứng sau Việt Nam.

Nguyên nhân

Cách đây 7 năm, Lào đứng sau Việt Nam trong bảng xếp hạng về tăng năng suất lao động, đến năm 2012, Lào đã vươn lên ngang hàng với Việt Nam và từ sau đó Lào vượt hẳn Việt Nam.

Nhận xét về tình hình này, chuyên gia kinh tế, nguyên cố vấn văn phòng thủ tướng, bà Phạm Chi Lan cho biết:

Nếu so sánh với Việt Nam thì có thể thấy một điều đáng mừng cho Lào, ngoài nông nghiệp, Lào đã có những cố gắng vươn lên khá mạnh trong việc khai thác công nghiệp và dịch vụ và phát triển những dự án hạ tầng lớn để tạo cho nguồn thu nhập chung tăng lên. Nguồn thu nhập tăng cũng làm cho năng suất bình quân của Lào tăng vọt hẳn lên.

Lào trong một vài năm gần đây, kể cả về chỉ số sáng tạo họ cũng đã có những bước tiến khá tốt.”

Từ năm 2013, Việt Nam bước vào thời kỳ dân số bị già hóa dần nên lực lượng lao động giảm đi.
- Bà Phạm Chi Lan

Có nhiều nguyên nhân ảnh hưởng đến năng suất lao động của một quốc gia, trong đó có 3 yếu tố chính. Thứ nhất là yếu tố gắn liền với sự phát triển và sử dụng tư liệu sản xuất như khoa học, kỹ thuật, công nghệ, năng lượng, nguyên vật liệu và cơ sở hạ tầng. Tiếp đến là yếu tố gắn với bản thân người người lao động bao gồm trình độ văn hóa, trình độ chuyên môn, tình trạng sức khỏe, thái độ lao động, kỷ luật lao động, tinh thần trách nhiệm và sự gắn bó với doanh nghiệp. Thứ ba là yếu tố gắn với tổ chức lao động bao gồm phân công lao động, tiền lương thưởng, tổ chức phục vụ nơi làm việc và thái độ cư xử của người lãnh đạo. Ngoài ra còn các yếu tố về môi trường tự nhiên và điều kiện lao động cũng ảnh hưởng lớn đến tốc độ tăng năng suất lao động.

Theo đánh giá, năng suất lao động của Việt Nam năm 2000 chỉ bằng 1/8 Malaysia, 1/4 Thái Lan và 1/3 Indonesia, nhưng đến năm 2010 đã rút ngắn ngắn lại còn 1/6 Malaysia, 1/3 Thái Lan. Những thành tích này được bà Phạm Chi Lan đánh giá là do những đổi mới do sự chuyển biến từ kinh tế dựa trên cấu trúc nông nghiệp là chính sang công nghiệp và dịch vụ. Hơn nữa, nguồn lao động tăng lên và nguồn vốn đổ vào rất nhiều trong các lĩnh vực kinh tế.

Tuy nhiên kể từ năm 2010, khoảng cách năng suất lao động của Việt Nam với các nước khác không những không được rút ngắn lại mà thậm chí còn có những dấu hiệu bị bỏ lại xa hơn. Bà Chi Lan đưa ra nguyên nhân:

Tuy nhiên, từ năm 2013, Việt Nam bước vào thời kỳ dân số bị già hóa dần nên lực lượng lao động giảm đi. Khả năng chuyển dịch từ nông nghiệp sang các ngành công nghiệp, dịch vụ cũng bị chững lại. Nông nghiệp hiện tại chỉ còn 20% GDP nhưng nguồn lao động trong lĩnh vực nông nghiệp vẫn còn rất cao. Một mặt nữa tiền vốn đổ vào rất nhiều nhưng Việt Nam sử dụng chưa hiệu quả, các đồng vốn không phát huy hiệu quả nên năng suất không tăng lên nhiều. Một yếu tố khác vô cùng quan trọng là các nhân tố tổng hợp TFP của Việt Nam trong những năm qua là rất thấp, gây cản ngại lớn cho Việt Nam vươn lên trong năng suất lao động.

Một nhân viên người Việt tại nhà máy ôtô Ford ở tỉnh Hải Dương chụp ngày 11/1/2
Một nhân viên người Việt tại nhà máy ôtô Ford ở tỉnh Hải Dương chụp ngày 11/1/2
AFP photo

Bà Phạm Chi Lan phân tích thêm rằng bản thân khu vực tư nhân của Việt Nam cũng không có năng suất lao động cao như các nước khác. Ở các nước khác họ luôn kỳ vọng khu vực tư nhân mang lại hiệu quả cao hơn khu vực nhà nước. Hiện tại ở Việt Nam các doanh nghiệp tư nhân còn gặp quá nhiều trở ngại, và đa số (97-98%) là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hơn nữa nhiều doanh nghiệp đã dừng hoạt động trong các năm vừa qua khiến quy mô tư nhân ở Việt Nam càng bị thu nhỏ hơn.

Một số doanh nghiệp lớn lại tập trung vào các ngành vốn đã có năng suất lao động thấp như tài chính ngân hàng. Vì vậy năng suất lao động Việt Nam khó có thể ngoi lên sánh vai với các quốc gia khác.

Một trong những nguyên nhân chính khác nữa làm suy giảm năng suất lao động của Việt Nam là khả năng sáng tạo, tư duy, tận dụng chất xám của con người chưa được đẩy mạnh. Sau năm 2010, tăng năng suất lao động của Việt Nam chủ yếu dựa vào gia tăng các ngành khai khoáng, quá trình công nghiệp hóa, gia công lắp ráp và xuất khẩu nguyên liệu thô sơ:

Nhân tố sáng tạo của Việt Nam lâu nay rất thấp và không đóng góp được bao nhiêu vào tăng trưởng, vì vậy làm cho năng suất Việt Nam không cao lên được.
- Bà Phạm Chi Lan

Nhân tố sáng tạo của Việt Nam lâu nay rất thấp và không đóng góp được bao nhiêu vào tăng trưởng, vì vậy làm cho năng suất Việt Nam không cao lên được.

Muốn tăng năng suất trong thời gian tới thì phải phát huy tối đa khả năng sáng tạo của nền kinh tế. Sáng tạo ở đây chúng tôi đã khuyến nghị rằng không nhất thiết ngay từ ban đầu Việt Nam phải có được những phát minh, những sáng chế lớn như những nước khác họ làm. Mà điều đầu tiên là phải ứng dụng được tốt những phát minh công nghệ của những nước khác đã có. Có thể đưa những công nghệ này vào thông qua đầu tư nước ngoài, hay các kênh khác nhau.

Điều quan trọng hơn cả là phải nâng cao chất lượng nền giáo dục của Việt Nam. Muốn khả năng sáng tạo tốt thì hệ thống giáo dục phải tốt. Hệ thống giáo dục của Việt Nam hiện nay bản thân nó đã không khuyến khích sự sáng tạo trong suy nghĩ của học sinh, sinh viên ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường và ảnh hưởng đến cả khi họ đi làm việc.

Chuyên gia Phạm Chi Lan phân tích thêm rằng hệ thống giáo dục của Việt Nam hiện nay vẫn theo đường hướng thầy đọc, trò chép và học sinh chỉ chú trọng học những gì giáo viên dạy. Việc thi cử cũng chỉ xoay quanh những vấn đề đã học trên lớp. Như vậy là khuyến khích học sinh học theo kiểu thuộc lòng, và tuân thủ, không có sự sáng tạo hay đưa ra những câu hỏi, chất vấn hoặc đặt ngược lại vấn đề.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.