Cưỡng chế đất ở huyện Chương Mỹ - Hà Nội

Hòa Ái, phóng viên RFA
2013.03.02
Lực lượng cưỡng chế đất huyện Chương Mỹ - Hà Nội vào lúc 8 giờ sáng ngày 21/2/2013.
Photo courtesy of Lê Hiền Đức's blog

 

Cho đến nay người thân trong gia đình vẫn không được gặp mặt kể từ sau ngày họ bị bắt giữ. Nguyên nhân nào họ bị tạm giam và số phận của họ sẽ ra sao?

Diễn biến

Vụ cưỡng chế ở xã Văn Võ diễn ra không bao lâu sau ngày Tết Nguyên Đán Quý Tỵ, vào lúc 8 giờ sáng ngày 21/2/2013.

Lực lượng cưỡng chế ngày hôm đó gồm có Chủ tịch và Phó Chủ tịch xã, lực lượng xã đội, dân quân và an ninh xã cùng với 4,5 công an huyện Chương Mỹ. Những nông dân trong số 31 hộ bị lấy đất có mặt để phản đối việc cưỡng chế của chính quyền địa phương. Trước sự có mặt của người dân, có thêm 10 công an huyện và xe thùng được điều động đến hiện trường.

Đến khoảng 11 giờ trưa cùng ngày, 6 người phụ nữ bị bắt tạm giam ở đồn công an huyện Chương Mỹ. Tên của 6 người phụ nữ này là Đỗ Thị Yên, Nguyễn Thị Lẫng, Nguyễn Thị Vân, Phan Thị Huấn và có 2 phụ nữ trùng tên là Nguyễn Thị Thanh. Cô Hoa, một người có mặt tại hiện trường cưỡng chế đất, kể lại với đài ACTD là thân phụ của cô bị trói 2 tay và ông vụt bỏ chạy được. Tuy nhiên, có 3 người phụ nữ trong gia đình cô bị bắt giam và cho đến nay gia đình vẫn không được gặp mặt. Cô Hoa nói:

Bắt người mà lại không có lý do gì. 6 người này không đánh lại, không chửi bới, không gì cả. Họ cứ đứng trên ruộng nhà mình thì bị đánh.

Cô Hoa

“Bắt người mà lại không có lý do gì. 6 người này không đánh lại, không chửi bới, không gì cả. Họ cứ đứng trên ruộng nhà mình thì bị đánh. Có người phải tụt quần ra để giữ ruộng của mình. Cuối cùng bị đánh chảy máu mồm và bị đưa lên xe chở đi. Cho đến nay là không cho gặp được lần nào. Chỉ có mỗi hôm đầu là cho gặp thôi”.

6 người phụ nữ bị bắt giữ vào hôm 21/ 2 nhưng đến ngày 27/2 gia đình mới nhận được giấy thông báo bắt người phạm tội “chống người thi hành công vụ” do Thiếu tá Trần Trí Dũng ký ngày 22/2. Cô Hoa chia sẻ rằng gia đình cô nhận được thông báo là người thân của mình có thể bị truy tố ngồi tù từ 1 đến 2 năm do vi phạm điều luật 257 của Bộ luật hình sự. Các gia đình có thân nhân đang bị tạm giam làm đơn xin thả người nhưng đại diện của cơ quan công quyền trả lời rằng họ không thể giải quyết vì cấp trên đi vắng.

Huyện xã thông đồng

Giấy thông báo bắt 6 người phụ nữ phạm tội “chống người thi hành công vụ”. Photo courtesy of Lê Hiền Đức's blog.
Giấy thông báo bắt 6 người phụ nữ phạm tội “chống người thi hành công vụ”. Photo courtesy of Lê Hiền Đức's blog.
Trả lời câu hỏi của đài chúng tôi vào sáng ngày 1/3 rằng người dân phản ánh chính quyền địa phương bắt giữ người trái phép, Phó chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ, ông Nguyễn Văn Doanh cho biết:

“Ở đây chúng tôi đang thực hiện “Dồn điền đổi thửa” chuyển đổi cây trồng vật nuôi. Bây giờ dân đã bàn, đã họp, đã nhận đất phần trăm theo quy hoạch “Dồn điền đổi thửa”. Chỉ là dồn lại để mỗi người có 1,2 thửa. Diện tích đấy đưa vào các đối tượng chính sách để mỗi gia đình có 1 thửa. Tức là ruộng nhiều, đến 8,9, 10 mảnh bây giờ làm thành ra từ 1 đến 2 thửa thôi.

Hiện nay, các hộ này đã nhận ruộng rồi thế nhưng mà vẫn cố tình ra khi người ta giao ruộng cho các gia đình chính sách. Ra đấy rồi giật dây, rồi thì ngăn cản chống người thi hành công vụ, rồi còn cởi quần áo ra chửi bới. Lực lượng an ninh người ta tạm giữ đưa về công an huyện chứ có gì đâu”.

Trong khi Phó Chủ tịch huyện Chương Mỹ nói là người dân đã được mời họp, bàn thảo và đồng ý với đề án “Dồn điền đổi thửa” cũng như đã nhận đất phần trăm rồi, tuy nhiên các hộ nông dân trong xã Văn Võ cho biết vụ việc diễn ra hoàn toàn trái lại. Ông Nguyễn Văn Độ bị lấy 379 mét vuông trên phần đất của mình đồng thời cũng bị lấy luôn 292 mét vuông mà gia đình ông vừa mua được. Ông Độ trình bày sự việc diễn ra như sau:

“Từ trước đến nay, 7 lần xuống xã hỏi thì các ông hoàn toàn không nói gì đến đất phần trăm. Tầm độ khoảng đầu tháng 12, các ông chỉ thông báo về nhà văn hóa xóm là đất phần trăm lấy ra, không gửi văn bản gì hết, chỉ thông báo mồm trước cuộc họp.

Họ nhận đơn và viết giấy cho, nói rằng mang về xã xin ký vào nhưng xã không ký”.

Ô.Nguyễn Văn Độ

31 hộ này không đồng ý để lấy ra chia cho các người đấy và ruộng đất phần trăm của chúng tôi họ điều lung tung ghép vào các khẩu ngoài đồng sâu, toàn những ruộng nơi không ra gì. Chúng tôi ra Hà Nội ở đường Lý Thái Tổ, đưa đơn cầu cứu ra ngoài đó. Người ta viết cho giấy điều về văn phòng ở Hà Đông trên đường Hoàng Diệu. Ở đây người ta viết tiếp cho một giấy. Giấy ở thành phố và giấy ở đấy luôn. Họ nhận đơn và viết giấy cho, nói rằng mang về xã xin ký vào nhưng xã không ký”.

Các hộ dân ở xã Văn Võ bị cưỡng chế đất vào ngày 21/2 mà không nhận được bất kỳ một thông báo nào. Tương tự, tại thôn Trung Vực vào ngày 22 và 26/2, chính quyền địa phương cho máy bừa đến bừa ruộng của người dân. Hàng ngàn người có mặt để phản đối và có 4 nông dân bị bắt giữ.

Vụ việc tiếng súng hoa cải Đoàn Văn Vươn trong vụ cưỡng chế đất ở Tiên Lãng, Hải Phòng vẫn chưa có hồi kết. Hình ảnh lỏa thể giữ đất của 2 mẹ con trong một vụ cưỡng chế đất ở Cần Thơ vẫn còn gây bàng hoàng, bức xúc cho nhiều người.

Trong các vụ cưỡng chế đất mới vừa xảy ra ở huyện Chương Mỹ, trước pháp luật lẽ phải có thể sẽ nghiêng về phía các cơ quan công quyền địa phương, nơi đại diện cho tiếng nói của người dân nhưng với công luận lời phân trần chân tình của những nông dân nơi đây “Huyện và xã thông đồng với nhau rồi, tham ô cố tình lấy đất. Bây giờ người ta đút lót hết rồi thế thì mình biết làm đơn ở đâu?” lại tạo nên niềm tin về một sự thật bất công đang diễn ra trên mảnh đất mà họ không có thực quyền.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.