Mùa thi và những sĩ tử nghèo

Nhóm phóng viên tường trình từ VN
2013.07.05
sinhvienplus-305.jpg Những sinh viên hỗ trợ sinh viên trong mùa thi
Photo courtesy of sinhvienplus

Sài Gòn bắt đầu những cây mưa đầu mùa, người Sài Gòn quen gọi mỗi trận mưa là một cây mưa, khái niệm cây mưa luôn ám gợi cho người nghe rằng mưa cũng có gốc rễ, có nguồn cội và có đời sống riêng của nó, nó mọc lên, hiện hữu bằng những trận ngập đường và nó chết đi trong mùa hanh khô, nóng nực. Và, với những sĩ tử mùa thi, mưa Sài Gòn có vẻ rất lạ nhưng với giới sinh viên Sài Gòn, mưa Sài Gòn báo hiệu một mùa tiếp sức, một mùa gợi nhắc những ngày tháng đèn sách và thi cử nhì nhằng, mệt mỏi.

Sinh viên tiếp sức mùa thi

Bạn Đào Huy Tuấn, sinh viên trường đại học khoa học xã hội và nhân văn Sài Gòn chia sẻ với chúng tôi rằng năm nay, việc tiếp sức mùa thi diễn ra khá sớm, rút kinh nghiệm của nhiều năm trước, việc tiếp sức diễn ra sớm để giữ chân những bạn sinh viên nôn nóng về quê mỗi khi hè đến, nhưng đó không phải là yếu tố chính mà phần đông, những sĩ tử chọn thi hai trường ở cùng thành phố để giảm bớt chi phí đi lại, làm quen với không khí phòng thi và môi trường ăn ở.

Có nhiều học sinh vào Sài Gòn, lang thang đi tìm chỗ trọ, bị đám ma cô, côn đồ trấn lột lấy hết tiền bạc, áo quần, cuối cùng phải đi xin khắp thành phố để dành dụm quay trở về quê, mùa thi bị biến thành một tai nạn đau buồn cho cuộc đời đèn sách.

Tuấn kể thêm về thời đi thi đại học của mình, lúc đó, phong trào tiếp sức mùa thi trong giới sinh viên chưa mạnh như bây giờ, cậu học trò nghèo từ Ninh Thuận vào thành phố Sài Gòn lơ ngơ lác ngác đi hỏi đường, đi tìm phòng trọ, cũng may là Tuấn gặp những người xe ôm tốt bụng, họ chở Tuấn đi thuê phòng trọ giá thấp, lấy tiền xe ôm cũng thấp. Nhưng sau ngày Tuấn vào Sài Gòn một hôm, bạn của Tuấn cũng đi thi, bị lừa lấy sạch tiền, phải ngậm ngùi trở về quê. Bây giờ nghĩ đến người bạn, Tuấn vẫn thấy cay mũi vì gia đình người bạn này còn nghèo hơn cả gia đình Tuấn, sau lần đi thi không thành, người bạn bỏ luôn đèn sách, đi làm công nhân.

Một sinh viên khác tên Hiệp, hiện đang học ngành báo chí trường đại học khoa học xã hội và nhân văn Sài Gòn, chia sẻ thêm rằng với những sinh viên, bao giờ việc ra bến xe miền Đông để đón những sĩ tử từ quê vào thành phố thi đại học cũng tạo cho bạn một cảm xúc lâng lâng, khó tả. Gợi lên trong họ những căn nhà nghèo, thiếu ăn, thiếu mặc, với một góc học tập nhỏ nhoi, sau một ngày học tập và phụ giúp gia đình vất vả, cô cậu học trò lại ngồi vào bàn hí hoáy làm bài tập, mơ mộng về một ngày tươi sáng hơn… Và thường thì những sĩ tử nhà nghèo mới chọn cách lên đường thi cử bằng phương tiện xe khách, chứ con nhà giàu thì chỉ cần vài giờ bay đã đến nơi, có phòng khách sạn thoải mái, sang trọng để ăn ở. Chính vì thế, bao giờ những sĩ tử trên bến xe cũng có nét buồn buồn, lo lo trong dáng bộ ốm yếu và xanh xao bởi thức đêm học bài và lo lắng. Hiệp thấy đồng cảm với những sĩ tử nghèo.

Sĩ tử chật vật với thành phố

Sinh viên đang làm bài thi trắc nghiệm. Photo courtesy of xahoi.com.vn
Sinh viên đang làm bài thi trắc nghiệm. Photo courtesy of xahoi.com.vn
Sinh viên đang làm bài thi trắc nghiệm. Photo courtesy of xahoi.com.vn

Gặp một nữ học sinh tên Nguyên, từ Quảng Ngãi vào Sài Gòn thi đại học, Nguyên cho biết là em vẫn chưa biết gì về phòng thi, em sẽ nhờ các anh chị sinh viên hướng dẫn tìm phòng trọ an toàn một chút và yên tĩnh thì càng tốt, có như vậy em mới có thể tiếp tục tĩnh tâm để ôn bài và ngủ ngon giấc, chuẩn bị sức khỏe cho ngày thi.

Nguyên đã vào Sài Gòn thi đại học lần thứ hai, năm ngoái em rớt đại học vì ăn phải thực phẩm nguội trong một quán ven đường, về phòng bị đau bụng, phải đến bệnh viện điều trị trong những ngày thi, không tham gia làm bài thi được, một chuyến đi năm ngày trời chỉ dành cho việc ngồi xe, thuê phòng trọ, nằm bệnh viện rồi lại ngồi xe trong tâm trạng buồn bã về quê.

Nguyên nói rằng nếu được góp ý, em sẽ góp ý chính quyền tìm cách quản lý các quán ăn để tránh nạn chặt chém khách và bán thức ăn không bảo đảm vệ sinh, có như vậy, những sĩ tử như em sẽ bớt phải chật vật mọi thứ.

Một sĩ từ khác tên Hưng, đến từ Quảng Nam, chia sẻ với chúng tôi rằng trước khi đi thi, em đã đến điện ông Năm Dưa ở Thăng Bình, Quảng Nam để xin một lá bùa hộ mệnh. Xin bùa không phải là cầu để được thi đậu, Hưng nói rằng phải tự tin vào kiến thức của mình, kiến thức và sự thông minh mới quyết định thi đậu hay không chứ không ông trời, ông thần nào lại đi phù hộ cho kẻ biếng học, yếu kém đậu đại học cả, ông trời không phải là con người.

Sở dĩ Hưng phải xin bùa hộ mệnh, cầu may là vì Hưng mong mỏi khi vào phòng thi, Hưng không bị mất bình tĩnh, không bị bệnh bất ngờ vì thức ăn thiếu vệ sinh và không bị những thứ tiêu cực phòng thi và tiêu cực chấm điểm thi ám vào mình. Vì Hưng thừa biết chuyện thi cử bây giờ có quá nhiều vấn đề tiêu cực và thiếu công bằng, thậm chí, nhiều người có tiền, có quyền còn mua đứt tấm vé vào đại học cho con họ, việc đi thi chỉ mang tính hình thức, đi chơi cho biết là chính.

Một sĩ từ khác tên Trí, đến từ Huế, cho chúng tôi biết là em thi xong khối A, còn đợi thêm một đợt thi khối B nữa là kết thúc chuyến đi. Vì Huế cách Sài Gòn quá xa nên em ráng ăn nhín uống nhịn ở lại thêm vài ngày nữa để thi đợt 2, khối B trong ngày 9 và 10. Đây cũng là ngày thi đợt 2 của các khối B, C, D và các khối năng khiếu. Đợt thi cao đẳng sẽ diễn ra vào ngày 15, 16 trên cả nước.

Việc cắp đèn sách đi thi của sĩ từ và những cái bắt tay đón nhận, hướng dẫn, giúp đỡ đầy tình cảm, ấm áp của các sinh viên tiếp sức mùa thi vẫn còn diễn ra cho đến ngày 14 tháng Bảy. Mỗi chuyến đi thi là một lần bước vào đời đầy ắp kỉ niệm của các cô cậu học trò. Nhưng, đậu đại học xong, chưa biết sẽ ra sao với một đất nước đầy rẫy nạn thất nghiệp và tham nhũng, hối lộ trong tuyển dụng việc làm, một tương lai dài dằng dặc nhiều âu lo đang đợi họ.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.