Cuộc sống căng thẳng của công nhân Formosa Hà Tĩnh

Thanh Trúc, phóng viên RFA
2016.04.27
000_9Y4W7 Một người dân đi dọc bờ biển với cá chết dạt lên bờ biển huyện Quảng Trạch, Quảng Bình hôm 20/4/2016.
AFP photo

Khi Việt Nam cho hay chưa có bằng chứng cụ thể giữa việc xả thải của nhà máy thép Formosa Hà Tĩnh dẫn đến sự kiện cá chết hàng loạt tại các tỉnh miền Trung, thì công nhân Việt làm trong Formosa không giấu được nỗi ưu tư và bức xúc trước tình hình gần như rất căng thẳng tại địa phương.

Từ Kỳ Anh, nơi được coi là rốn cá chết, công nhân Phan Văn Quốc làm việc trong Formosa 5 năm nay cho biết:

Mấy hôm nay có rất nhiều biên phòng, công an, dân phòng... đổ về đây khá là đông. Một phần là điều tra, một phần thì chống biểu tình. Họ không cho công nhân biểu tình.
- Phan Văn Quốc

Phan Văn Quốc: Hiện tại người ta thấy nhà thầu vẫn tiếp tục làm việc bình thường. Mấy hôm nay có rất nhiều biên phòng, công an, dân phòng... đổ về đây khá là đông. Một phần là điều tra, một phần thì chống biểu tình. Họ không cho công nhân biểu tình.

Thanh Trúc: Mấy hôm nay không khí làm việc trong công ty như thế nào?

Phan Văn Quốc: Không khí nặng nề đã xảy ra từ trước Tết do không khí đã rất ô nhiễm, rồi xảy ra vụ xả thải gây hiện tượng ô nhiễm môi trường biển khiến cá chết nhiều.

Thanh Trúc: Khi không khí bị ô nhiễm thì xảy ra chuyện gì cho người dân mình?

Phan Văn Quốc: Không khí có mùi hôi, người dân bị bệnh nhiều về đường hô hấp, nhiều bệnh lắm.

Thanh Trúc: Khi làm trong nhà máy Formosa có bao giờ các bạn nghĩ tới chuyện công ty Formosa này sẽ gây ô nhiễm chẳng những không khí mà còn ô nhiễm về môi sinh, nước biển...?

Một người dân cho thấy cá biển chết ông thu thập trên một bãi biển huyện Phú Lộc, trung tâm tỉnh Thừa Thiên Huế vào ngày 21 tháng 4 năm 2016.
Một người dân cho thấy cá biển chết ông thu thập trên một bãi biển huyện Phú Lộc, trung tâm tỉnh Thừa Thiên Huế vào ngày 21 tháng 4 năm 2016.
AFP PHOTO

Phan Văn Quốc: Lúc mới làm việc tụi em nghĩ chắc chắn sẽ có nhưng không đến nỗi như vậy, em nghĩ hệ thống của họ vẫn tốt nhưng sau này từ từ em mới bắt đầu thấy được. Những lúc trời mưa hay ban đêm thì người ta thải trực tiếp ra không khí luôn. Còn ban ngày trời nắng người ta mở hệ thống lọc thì khói ít hơn một chút. Cái đó em ở đây em biết.

Thanh Trúc: Bây giờ cảm tưởng của các bạn như thế nào khi thấy cá chết nổi trắng mặt nước như vậy?

Phan Văn Quốc: Đầu tiên em khá là sốc, thứ hai em thấy buồn và có gì đó rất tức giận. Tình trạng đó ảnh hưởng rất nhiều mà thứ nhất ngư dân là những người đầu tiên chịu ảnh hưởng. Cái thứ hai là ngành du lịch biển Việt Nam, các resort trải dài từ Hà Tĩnh cho đến Huế, Đà Nẵng sẽ không có khách, riêng một ngày mất không biết bao nhiêu tỷ rồi. Đó là chỉ mới tính đến doanh thu của các resort thôi chứ chưa tính đến cá chết thì ngành xuất khẩu thủy hải sản Việt Nam sẽ ảnh hưởng rất nặng nề. Sau này còn ai, nước nào, dám nhập khẩu thủy hải sản của Việt Nam nữa.

Thanh Trúc: Đó là về mặt thủy hải sản, còn về đời sống của người dân?

Phan Văn Quốc: Không ai dám bước chân xuống xuống biển nữa cả. Người dân quanh đây cũng khá quan tâm, ăn uống thì không cá hay tôm, ăn gì cũng thấy sợ. Dưới biển thì nước xả ra, trên bờ thì khói bay vào, ngư dân ở các làng Kỳ Lợi thuộc huyện Kỳ Anh chuyên đi đánh bắt và làm nghề biển thì bây giờ có người còn nói là không có cơm ăn. Đánh bắt gần bờ thì không có cá, cá chết hết, đánh bắt xa bờ thì sợ Trung Quốc, mà dù có đánh bắt được đi nữa thì cũng không ai dám mua. Quả thật cuộc sống người dân ở đây trước mắt là đang gặp tai họa. Cũng có nhiều người thu mua những con cá chết đem đi bán dù biết đó là điều không nên.

Không ai dám bước chân xuống xuống biển nữa cả. Người dân quanh đây cũng khá quan tâm, ăn uống thì không cá hay tôm, ăn gì cũng thấy sợ.
- Phan Văn Quốc

Thanh Trúc: Các bạn có bao giờ nghĩ tới tương lai của những công nhân làm việc ở Formosa không?

Phan Văn Quốc: Cũng có chứ. Thực ra lượng công nhân ở đây đã giảm đáng kể so với năm ngoái vì công trình đang đi vào hoạt động giai đoạn một thì công nhân cũng đã vơi đi rất nhiều rồi. Ở đây giờ chủ yếu lao động Trung Quốc nhiều hơn. Bên tụi em làm việc cũng có một số người Đài Loan và Trung Quốc được công an mời về điều tra. Họ cũng có khai thật lòng nhưng mà em thấy họ cũng có xả những chất thải ra môi trường mà không qua xử lý.

Em tính ở lại đây thêm một thời gian nữa để nói lên tiếng nói của mình, phản đối việc Formoisa gây ô nhiễm, sau đó tụi em tìm chỗ khác để làm việc chứ không dám làm ở đây nữa. Không khí và môi trường ở đây quá ô nhiễm rồi.

Thanh Trúc: Quốc có thể cho biết người dân ở đó có tình biểu tình phản đối gì không?

Phan Văn Quốc: Chắc chắn là có, nhất là ở đây ngư dân nhiều nên họ cũng đang tính biểu tình nhưng mà căng một cái là công an, cảnh sát cơ động hoặc biên phòng đổ về đây rất đông. Ai cũng tức giận cả, rất là bức xúc.

Thanh Trúc: Cám ơn bạn đã chia sẻ.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.