Một xã hội bất an?

An Nhiên, thông tín viên RFA
2014.07.09
bieu-tinh-305.jpg Công an bắt người biểu tình chống TQ tại Hà Nội hồi năm 2012. (Hình minh họa)
Photo by Nguyễn Lân Thắng

 

Tin tức từ các báo chính thống liên tục loan đi những vụ ‘cướp, giết, hiếp…’ xảy ra hằng ngày tại khắp nơi trên cả nước. Rồi qua trải nghiệm thực tế, nhiều người dân hoang mang, lo âu vì xã hội đang ngày càng trở nên bất an.

Thực tế ra sao và nguyên nhân vì đâu?

Tệ nạn xảy ra nhiều hơn

Vẫn chưa có một thống kê nào chính xác về số các vụ trộm - cướp, bị đánh nhầm, bị tạt acid, bị đâm bằng kim tiêm có dính máu HIV, bị móc túi từ những người bán hàng, ở trong nhà bị cướp vào hãm hiếp, cướp tài sản rồi giết luôn... cho từng khoảng thời gian hay từng địa bàn nào; dù rằng hàng ngày, báo chí – ti vi – các phương tiện truyền thông đều đưa tin người bị tai nạn – bị tử vong do cướp giật, do nhìn đểu, hoặc chỉ vì một câu nói không vừa ý người nghe...

Anh Nguyễn Hoàng Dũng đang làm việc tại TPHCM cho rằng xã hội Việt Nam ngày nay càng nhiều trộm cướp, chính bản thân Anh cũng vừa mới bị trộm một cái laptop tại phòng trọ, nhưng may mắn Anh đã nhận lại được, do tên ăn trộm bị bạn anh và người dân xung quanh nhà trọ rượt bắt nên đã bỏ chạy và vứt lại tang vật:

Do môi trường giáo dục không phổ biến cho các bạn trẻ ấy là nên kiếm tiền, nên lao động bằng cách nào để có đồng tiền xứng đáng.
-Bạn Vân

“Có một người ăn trộm mở cửa ra, vì cửa chưa khóa lại chỉ mới khép, vô lấy máy của em, rồi chạy vì máy em để gần cửa, bạn em mới phát hiện chạy rượt theo không kịp, vì do vấp cái chiếu bị té, rồi la lên cũng không thấy ai rượt bắt lại. Nhưng mà chạy ra có cô bán vé số ở gần phòng trọ, cô kêu lại nói là ở khúc kia có một nhóm mới bắt được một người ăn cắp cái máy laptop và họ giữ lượm lại được. Người ăn trộm thì chạy rồi, nhưng còn lại cái laptop kêu tụi em lại nhìn có phải laptop của mình không? Em lại đó nhận lại cái laptop và nhận dạng, người ta cho lấy về và gởi lại tiền cà phê cho họ chút.”

Anh Tuấn mới ra trường, đang làm việc tại Sài Gòn nhìn thấy tệ nạn xã hội Việt Nam ngày nào cũng có hình ảnh cướp, trộm, đâm chém nhau, Anh Tuấn rất sợ, cho rằng các tệ nạn này xảy ra nhiều hơn so với trước đây là vì:

“Thì thấy sợ, trước tiên là sợ, thấy bây giờ loạn hơn hồi xưa nhiều. Thấy như vậy đó.Trong thành phố thì cũng có người này người khác, nhưng có một số người vì ảnh hưởng sách báo, phim ảnh, một phần do hòan cảnh gia đình, một phần do bạn bè rủ rê, một phần do chơi game với nhiều chuyện tệ nạn xã hội thường gặp.”

Phố hoa Hà Nội Tết 2009 bầm dập vì người dân chen nhau chụp ảnh, bẻ trộm hoa.
Phố hoa Hà Nội Tết 2009 bầm dập vì người dân chen nhau chụp ảnh, bẻ trộm hoa.
File photo

Bạn Thùy Vân sinh viên năm 3, đang buôn bán mỹ phẩm trên mạng tại Hà Nội cũng rất là hoang mang lo sợ mỗi khi đi ra đường, Bạn Vân chia sẻ:

“Không biết một ngày nào đó trong tình trạng đang đi, bị đánh vì lý do đòi tiền gì không? Em cảm thấy lo sợ, sợ hãi và lo lắng vì bây giờ là xã hội phát triển, nhiều người người ta không muốn lao động chân tay hoặc tốn thời gian suy nghĩ cho nên người ta mới đi trộm cướp để kiếm sống qua ngày.”

Bạn Vân cũng nêu thêm lý do cho tình trạng bất ổn tại Việt Nam mà bạn lo lắng như thế:

“Do môi trường giáo dục không phổ biến cho các bạn trẻ ấy là nên kiếm tiền, nên lao động bằng cách nào để có đồng tiền xứng đáng thì tức là các bạn ấy một phần là không muốn lao động kiếm tiền từ bàn tay mình tạo ra thì các bạn ấy làm đủ mọi cách chiêu trò từ ăn trộm đến dùng tiêm chích HIV để lấy tiền người khách thành tiền của mình đi tiêu xài. ”

Sự thể hiện thái quá?

Thạc sĩ tâm lý học lâm sàng Diễm Hương – cư ngụ Hà Nội đang công tác tại cơ quan nhà nước, chuyên viên tư vấn về tâm lý giáo dục cho các phụ huynh cho biết nguyên nhân dân đến tình trạng thanh thiếu niên bộc phát tánh côn đồ trong xã hội Việt Nam:

“Nói chung là người ta có thể đâm nhau vì một cái ánh nhìn đểu hoặc người ta có thể đâm nhau vì một câu nói khích hoặc thậm chí mang cả rất nhiều đồng bọn để xử lý tên này tên kia vì nhìn đểu tao. Đấy cũng là một cái cách mà mỗi cá nhân nó thể hiện cái tính sĩ diện của bản thân. Với tao mày không được phép nhìn đểu, với tao mày không được bày tỏ thái độ thế kia… Nó cũng là sự thể hiện thái quá.”

Người ta có thể đâm nhau vì một câu nói khích hoặc thậm chí mang cả rất nhiều đồng bọn để xử lý tên này tên kia vì nhìn đểu tao.
-Thạc sĩ Diễm Hương

Nữ thạc sĩ này cũng đề cập đến một nguyên nhân khiến cho nhiều người trở nên bất hảo bằng mọi cách khi mà giá trị đạo đức của xã hội không còn, chủ nghĩa thực dụng lên ngôi, đồng tiền là tất cả. Một tầng lớp ngày càng giàu có thểm; trong khi đó nhiều người bị bần cùng hóa:

“Tại sao con người ta cảm thấy bất an, tại vì trong xã hội Việt Nam đang có sự phát triển mạnh mẽ, sự phát triển này đang kéo theo những hệ lụy, tại vì dẫn tới một số những bộ phận rất là giàu, và những bộ phận lại suy thoái có nghĩa là làm ăn thua lỗ, không kiếm được việc làm khi người ta bị đẩy đến bước đường cùng thì người ta bị trở thành một con người tha hóa như kiểu Chí Phèo chẳng hạn có nghĩa là người ta sẵn sàng làm bất cứ điều gì để có tiền.”

Chính quyền phải có chức năng duy trì trật tự, ổn định xã hội, thế nhưng vai trò này chưa được thực thi đúng đắn ở Việt Nam, thạc sĩ Diễm Hương phát biểu:

“Để thực hiện được hết vai trò, thì chính phủ trước hết cần phải nghiêm. Tại vì những luật lệ cũng đã có rồi, ví dụ như: những luật vứt rác bừa bãi, luật xử phạt, chỉ cần chính phủ nghiêm thì tôi nghĩ sẽ tạo thành một thói quen cho người dân, giống như ăn trộm chặt tay thì lần sau người ta không dám ăn trộm nữa, bỏ rác ra ngoài phạt nghìn đô, người ta sẽ không bao giờ phạm nữa. Chính phủ đã có luật lệ rồi, nếu thực hiện tốt thì sẽ tạo ra thói quen tốt trong văn hóa, chỉ cần thực hiện luật nghiêm, phạt từ trên xuống dưới một cách nghiêm minh cụ thể và công bằng. ”

Thạc sĩ Hương bức xúc nói tiếp ngành báo chí Việt Nam cũng phải gánh phần trách nhiệm về việc cổ súy cho những chương trình không có ích cho xã hội:

“Chính báo chí lại cổ súy cho những hành động như thế nữa, xem lại các chương trình văn hóa tuyên truyền của mình như thế nào? Chương trình nào thực tế, đưa lên chương trình học tập đi, chương trình người tốt việc tốt đi thay đi những chương trình nào là: Got Talent, X’factor các thứ… các báo chí cũng nên thay đổi nhận thức, không cổ súy cho các hoa hậu ao làng nữa, hoặc là người đẹp ngày hôm nay ăn không ngon, ngủ không yên, nay đi bệnh viện…”

Đòi hỏi có một ‘cõi thiên đường’ nơi hạ giới là điều không tưởng; thế nhưng nỗ lực tích cực xây dựng một xã hội đáng sống với những yếu tố an toàn, bình đẳng, qui củ theo pháp luật… là yêu cầu mà một Nhà nước nào cũng phải có trách nhiệm thực hiện. Người dân cũng phải chung tay góp sức, không thụ động đối phó mà cùng nhau ý thức tham gia xây dựng.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.