Sen hồng chiếm ưu thế
Theo Ban tổ chức, hoa sen hồng được tuyển chọn vì đã có mặt quanh năm ở khắp mọi miền đất nước từ hàng ngăn năm nay, còn hoa mai chỉ có ở miền Nam và hoa đào chỉ thấy ở miền Bắc, mỗi độ xuân về.
Hoa sen có nhiều màu, trắng, vàng, hồng, dễ trồng, hoa bền, đẹp, có bản sắc văn hóa, nghệ thuật, giá trị kinh tế, ẩm thực, dược liệu, từ lá sen đến búp, hạt, ngó sen, tim sen, thứ nào cũng hữu dụng cho con người.
Hoa sen hồng được đa số người dân ưa thích mà không có sự phân biệt về ngành nghề, giới tính, địa vị, trình độ, khuynh hướng. Trong quan niệm của đạo Phật, hoa sen tượng trưng cho sự tri giác, thanh cao, tinh khiết, đạo hạnh, trong sạch.
Trên thế giới có gần 100 quốc gia đã chọn quốc hoa, 9 thành viên khác trong hiệp hội ASEAN cũng chọn các loài hoa khác nhau là quốc hoa, việc các cùng chọn một loại hoa cũng là chuyện thường tình, riêng đối với loài sen cũng có hơn một chục nước chọn là quốc hoa. Việc chấp thuận và chính thức công bố “Quốc Hoa” sẽ do quốc hội quyết định, sau khi nhận báo cáo từ chánh phủ.
Theo Việt Báo thì người đoán trước hoa sen sẽ được chọn là quốc hoa của Việt Nam vì văn học đảng cộng sản Việt Nam lâu nay vẫn so sánh lãnh tụ Hồ Chí Minh với hoa sen, chuyện tổ chức bầu chọn với tỷ lệ ủng hộ 70% chỉ là hình thức mà thôi.
Từ Chùa Liên Trì ở Saigon, Hòa thượng Thích Không Tánh, Tổng Vụ trưởng Tổng Vụ Từ thiện, Xã hội, Giáo hội Phật Giáo Việt Nam Thống nhất, nói lên cảm nghĩ của mình về việc chọn quốc hoa:
“Bông sen là một biểu tượng trong sạch, tinh khiết, tất cả quý Phật tử ai cũng biết là nó “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”, thành thử cộng sản cũng khôn ngoan, lợi dụng, tiếm xưng biểu tượng hoa sen đó. Tinh thần đó là từ mấy nghìn năm rồi, là tính cách của nhà chùa, thường dùng để cúng Phật. Hoa sen nói lên tinh thần của Phật giáo, cộng sản từ khi chiếm miền Nam Việt Nam, cũng nương vào, lợi dụng bông sen để tuyên truyền, cũng xin thưa để quý bà con được biết, xin góp ý kiến sơ qua như vậy.”
Người dân nghĩ gì?

Tiếp tục bàn về quốc hoa, nhà văn Võ Thị Hảo góp ý là đất nước còn nhiều vấn đề quan trọng hơn phải lo toan:
“Tôi không bầu chọn gì cả, vì thấy rất lạ là có những thứ cực kỳ quan trọng, đó là vấn đề quốc tử, liên quan đến sự sống chết của các công dân, của một chính thể, một quốc gia chẳng hạn, không thấy trưng cầu dân ý gì cả, ví dụ như việc sửa luật, các văn bản dưới luật, sửa hiến pháp, liên quan đến vận mệnh, đất nước, đến các công dân thì không thấy trưng cầu dân ý. Những vấn đề như quốc hoa, quốc phục, quốc tửu lại trưng cầu rất rầm rộ, có những cuộc triển lãm rất tốn kém, tôi tôn trọng ý kiến của ai đó thích muốn có quốc hoa, riêng bản thân tôi thì thấy kỳ lạ về cái này.”
Chị có thể giải thích thêm về điểm vừa mới nêu ?
“Rất quý trọng gạo, có người đề nghị là chọn quốc gạo, quốc thịt, vì gạo thịt là rất quan trọng, thì tôi chỉ có biết là cười ngất thôi, tại sao chọn hoa sen, trong khi Ấn Độ, Đan Mạch, Bangladesh, nhiều nước người ta đã chọn hoa sen từ lâu rồi. Thế bây giờ có thể lý giải rằng, họ chọn là việc của họ, mình chọn là việc của mình, nếu họ đã chọn hoa sen là hoa tiêu biểu cho họ, thì tôi nghĩ rằng Việt Nam có rất nhiều lựa chọn, tại sao phải chọn hoa sen? Tất nhiên đấy là quyền của mọi người, và như thế là có nhiều thứ quốc… phải chọn.”
Một trong những người không tán thành việc chọn Sen Hồng là quốc hoa của Việt Nam, từ Hà Nội, nhà phê bình Văn học, Nghệ thuật Đặng Thân giải thích lý do vì sao?
... có những thứ cực kỳ quan trọng, đó là vấn đề quốc tử, liên quan đến sự sống chết của các công dân, của một chính thể, một quốc gia chẳng hạn, không thấy trưng cầu dân ý gì cả!
Nhà văn Võ Thị Hảo
“Cũng là một việc nên làm bởi vì các nước họ cũng có thời kỳ hội nhập, trong không khí toàn cầu hóa thì chúng ta cũng nên có những biểu trưng của đất nước mình. Tuy nhiên, tôi thấy cái việc số đông chọn hoa sen, đấy là một ý tốt, riêng bản thân tôi thì thấy nó chưa có cá tính, dẫu sao cũng đã có nước chọn rồi, nhiều nước chọn chứ không phải ít nước chọn, chúng ta không thể ảnh hưởng điều đó, nhưng rõ ràng Việt Nam mình, dẫu sao về mặt bản sắc chúng ta có bản sắc rất là riêng, nó không thể tới văn hóa phía Bắc, hay văn hóa phía Tây, bên Ấn Độ, hay văn hóa khác, chúng ta gần với Đông Nam Á, về địa lý cũng như về văn hóa. Vấn đề chọn hoa sen chưa thể hiện tính độc đáo một chút, tức là chưa rõ được cá tính, khi nhìn thấy bông hoa đó, người ta nghĩ ngay đến Việt Nam.”
Cũng dùng biểu tượng”Hoa Sen”, gần đây, trên mạng Internet, cũng có rất nhiều cuộc vận động, kêu gọi biểu tình, đáp lời sông núi, nhiều thông điệp nói về “Cách Mạng Hoa Sen”, tiến tới xây dựng Việt Nam Mới, Tự Do, Dân Chủ, Nhân Bản và Tiến Bộ, tương tự như “Cách Mạng Hoa Lài” lật đổ chế độ độc tài của lãnh tụ Ben Ali ở Tunisie, rồi lan tràn nhanh chóng qua các quốc gia phi dân chủ khác ở khu vực Bắc Phi và Trung Đông.