Hậu quả của sữa kém chất lượng đối với sức khoẻ trẻ em

Chuyện sữa bột kém chất lượng đang là quan tâm của ngừơi tiêu dùng, đặc biệt là những gia đình có con nhỏ, đối tượng tiêu thụ sữa.
Nhã Trân, phóng viên RFA
2009.02.11

Mỗi năm trung bình tại Việt Nam hơn 26 ngàn trẻ em chưa tròn 5 tuổi bị tử vong vì một số bệnh gồm viêm phổi, sốt rét, sởi, tiêu chảy, và nguyên nhân sơ sinh.  

Đó là kết quả nghiên cứu của Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) về tình hình trẻ em thế giới năm 2008, được công bố hồi đầu năm nay. 

Nghiên cứu y tế cho biết hầu hết các nguyên nhân dẫn đến sự tử vong này có thể tránh được.  Trẻ khỏe mạnh, dinh dưỡng đầy đủ thì sức đề kháng thường mạnh nhờ vậy ít nhiễm bệnh tật.  Thế nhưng tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em Việt Nam đang diễn ra đáng ngại. 

UNICEF cho hay tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em dưói 5 tuổi ở Việt Nam đến giờ vẫn còn rất cao.  Số trẻ này chiếm tới 25% tổng số trẻ cả nước, tức cứ trong 4 em đã có 1 em không được cung cấp đầy đủ lượng chất đạm cần thiết để phát triển đúng mức trong những năm đầu đời về thể chất cũng như trí tuệ.     

Thống kê của UNICEF cho biết chỉ có chưa đầy 20% trẻ em Việt Nam được nuôi bằng sữa mẹ trong 4 tháng đầu tiên.  Dùng sữa bột thay cho sữa mẹ, như thế có lẽ là hoàn cảnh của rất nhiều, nếu không nói là đại đa số trẻ nhỏ ở Việt Nam, trong đó có những bé sơ sinh. 

Có thể nói trong thời măng non nguồn chất đạm mà các em bé được cung cấp chủ yếu là đến từ sữa bột.  Sữa bột có hàm lượng đạm không đủ tiêu chuẩn dinh dưỡng – nhiều khi chỉ một hai phần trăm chất đạm thay vì tiêu chuẩn là khoảng trên 20 đến 30%, vì vậy phải là nguyên nhân chính dẫn đến sự suy dinh dưỡng ở trẻ em Việt Nam.

Điều này cũng được Viện Dinh dưỡng Quốc gia nhìn nhận qua giải thích của Tiến sĩ khoa dinh dưỡng Hoàng Kim Thanh từ Hà Nội:

Nhìn chung thì sự phát triển của trẻ rất cần chất đạm.  Trong đó thì chất đạm đến từ động vật phải được ưu tiên.  Chất đạm động vật đến từ đâu?  Nó đến từ thịt, trứng, cá, sữa.

Sữa lại là thứ thực phẩm được sử dụng rất nhiều cho trẻ em.  Thế nên nếu chất đạm trong sữa bị giảm thì lượng đạm chung trong khẩu phần của trẻ sẽ bị giảm rất nhiều.  Lượng đạm chung này mà bị giảm thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ, bởi vì đạm là một thành phần cực kỳ quan trọng đối với sự phát triển của trẻ.  Nó tham gia vào cấu trúc của mọi tế bào của trẻ, tham gia vào mọi thành phần của mọi  kháng thể của trẻ, tham gia vào mọi hóc môn, nội tiết tố của cơ thể của trẻ v.v…

Vì vậy nếu mà lượng đạm nói chung mà thiếu thì sẽ có ảnh hưởng rất nhiều.”

Không những chỉ Viện Dinh dưỡng Quốc gia mà Viện Bảo vệ Bà mẹ và Trẻ em Sơ sinh, một cơ quan liên quan đến vấn đề sức khỏe của trẻ nhỏ ở Việt Nam, cũng nhìn nhận là sữa có chất đạm quá thấp sẽ tác hại đến sức khỏe của trẻ:

Đúng là nó ảnh hưỏng đến sức khoẻ của trẻ con.  Trẻ cần những yếu tố cần thiết để phát triển mạnh khỏe.  Sữa chất lượng [kém] như vậy thì làm giảm tác dụng này.”

Chất đạm thiếu, và thiếu nặng nề trong nhiều loại sữa bột bày bán trên thị trưòng trong nước mãi đến nay mới được công bố cho người dân.  Cho đến giờ nạn suy dinh dưỡng ở trẻ em Việt Nam vẫn còn là một vấn đề.  Do đó chuyện sữa chất lượng kém, tức sữa “giả” phải được xem là một vấn đề cần đối phó.

Những doanh nghiệp chỉ biết đến lợi nhuận cá nhân mà không đếm xỉa đến sức khỏe của người tiêu thụ đã đưa ra thị trưòng sản phẩm không đúng tiêu chuẩn.  Dù vậy điều này vẫn có thể ngăn ngừa được nếu những loại sữa bột kém chất lượng không được phép lưu hành.  

Nhiều người thắc mắc là không biết vì sao các cơ quan hữu trách cho biết đã kiểm tra thế nhưng những sản phẩm sữa bột dưới tiêu chuẩn chất đạm vẫn được bày bán.  Loại thực phẩm có phẩm chất thấp này lừa đảo người tiêu thụ, bóc lột ngưòi ít tiền và tệ hại hơn, xem nhẹ sức khỏe, tính mạng của trẻ em, thành phần vốn cơ thể còn non yếu, sức miễn nhiễm chưa cao.  

Trách nhiệm về việc chấm dứt nạn sữa giả thuộc về ai?  Nói chung đó là những bộ, ngành liên quan vấn đề y tế, vấn đề an toàn thực phẩm.  

Bộ trưỏng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu hôm cuối tháng Một vừa qua phát biểu trên báo chí là Bộ chịu trách nhiệm với hơn 1 triệu trẻ em còn trong bụng mẹ. 

Tiến sĩ Hoàng Kim Thanh của Viện Dinh dưỡng Quốc gia nhấn mạnh: “Về góc độ chuyên môn – về vấn đề dinh dưỡng – thì chúng tôi chỉ công bố khi mẫu sữa được đưa đến để xét nghiệm, là sữa có hàm lượng đạm thấp.  Và chúng tôi có khuyến cáo các bà mẹ, có  hướng dẫn cách nuôi dưỡng trẻ.  Thứ nhất là mua sữa thì phải tìm mua của những hãng lâu nay có uy tín, những hãng có giấy phép của Bộ Y  tế, được phép bán.  Thứ hai là, để giảm thiểu việc thiếu chất đạm trong sữa cho trẻ thì không nên chỉ có sữa trong khẩu phần cho trẻ, mà phải dựa vào đa thực phẩm:  ngoài sữa còn phải cho trẻ ăn thêm thịt, cá, trứng, đậu đỗ, rau xanh và hoa quả chín. 

Về phương diện quản lý thì cần rất nhiều  các ban ngành có trách nhiệm, ví dụ như ban ngành về vấn đề quản lý thị trưòng, quản lý thực phẩm,  đơn vị cho phép nhập khẩu…  Đó là những đơn vị chức năng về vấn đề cho phép sản phẩm sữa lưu hành.”

Trẻ em Việt Nam hiện nay chiếm khoảng hơn 35% tức hơn 1 phần 3 dân số toàn quốc. Hai mươi mấy ngàn trẻ nhỏViệt Nam thiệt mạng mỗi năm chỉ vì suy dinh dưỡng do đó phải được coi là một vấn đề không nhỏ.  Xét về khía cạnh nhân đạo, sinh mạng của các em phải được coi trọng.  Xét về khiá cạnh pháp lý, sự gian trá của những nhà sản xuất thiếu lương tâm phải bị xem là hành động vi phạm pháp luật nghiêm trọng, nếu không nói là một tội ác.

Thanh niên là rường cột của tổ quốc.  Trẻ em là tương lai của nưóc nhà.  Vấn đề sức khỏe, hay nói riêng là vấn đề dinh dưỡng của các em bé cần được quan tâm để thế hệ tương lai được phát triển tốt đẹp về thể chất cũng như trí tuệ.  Điều đó có nghĩa là những loại sữa bột không đạt tiêu chuẩn dinh dưỡng cần bị lấy ra khỏi thị trường để tránh các di hại dài lâu.    

Nhiều dư luận hiện đang tỏ ra lạc quan trước tuyên bố ít ngày trước đây của Cục trưởng Cục An toàn Thực phẩm Nguyễn Công Khẩn, là Cục đang xây dựng đề án về hậu kiểm tra tất cả mặt hàng thực phẩm. 

 

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.