Cách xử lý của chính quyền và niềm tin của người dân

Cát Linh, phóng viên RFA
2016.05.05
000_A4666.jpg Người dân biểu tình chống tập đoàn Đài Loan Formosa ở trung tâm thành phố Hà Nội vào ngày 01 tháng 5 năm 2016.
AFP photo

Trong lúc người dân cả nước tuần hành đòi một môi trường sạch, một biển sạch, giơ cao biểu ngữ “Tôi chọn cá, không chọn thép” thì các quan chức lãnh đạo của Hà Tĩnh tắm biển Thiên Cầm, sau đó đến lãnh đạo TP Đà Nẵng tắm biển Mỹ Khê và ăn hải sản  ngay tại bờ biển. Cách xử lý khủng hoảng này có lấy được niềm tin của ngư dân và người dân cả nước hay không?

Câu trả lời mà giáo sư Chu Hảo, nguyên Thứ trưởng Bộ khoa học công nghệ dành cho Cát Linh trong buổi phỏng vấn là “Hoàn toàn không”.

Từ một cách xử lý

Sau gần một tháng diễn ra sự việc cá chết hàng loạt ở Vũng Áng, Hà Tĩnh, sau đó xuống Thừa Thiên-Huế và cả Đà Nẵng, gần như các bộ, ban ngành có liên quan chưa có hành động cụ thể nào để tìm ra nguyên nhân chính xác cũng như biện pháp giải quyết. Thay vào đó, các lãnh đạo của Thành phố Đà Nẵng, trong đó có cả Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường, ông Nguyễn Điểu, chủ tịch Đà Nẵng ông Huỳnh Đức Thơ và một số lãnh đạo khác đồng loạt xuống tắm biển Mỹ Khê.

Vào chiều cùng ngày, các vị lãnh đạo này đã có một buổi tiệc hải sản cùng với các ngư dân ngay tại bãi biển.

Trước đó, chính quyền nơi đây có đưa khẳng định về kết quả phân tích mẫu nước biển ở Đà Nẵng là an toàn cho các hoạt động thể thao, vui chơi dưới nước.

Cũng trong ngày hôm đó, để khẳng định nước biển Hà Tĩnh an toàn, giám đốc Sở tài nguyên và môi trường cùng các lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh cũng thực hiện việc tắm biển Thiên Cầm, huyện Cẩm Xuyên.

Theo tôi đấy chỉ là những hành động mang tính biểu tượng nhằm làm an lòng dân chứ hoàn toàn không có tính khoa học khi làm những chuyện đó.”
- Giáo sư Chu Hảo

Tuy nhiên, những cách xử lý này, theo Giáo sư Chu Hảo, nguyên Thứ trưởng Bộ khoa học công nghệ là “không khoa học”.

“Hoàn toàn không. Theo tôi đấy chỉ là những hành động mang tính biểu tượng nhằm làm an lòng dân chứ hoàn toàn không có tính khoa học khi làm những chuyện đó.”

Ông còn cho biết quan điểm của ông về cách xử lý của các vị lãnh đạo này là không cần thiết, mà thay vào đó là nên có những hành động thiết thực để mau chóng tìm ra nguyên nhân của sự việc.

“Theo tôi đó là việc hoàn toàn không phải. Việc cần làm là phải đòi hỏi chính quyền xác định được ngay nguyên nhân vì sao cá chết? Chết vì cái gì? Và từ đâu mang lại cái chết đó? Cái đó là quan trọng nhất chứ không phải là xuống biển tắm hoặc ăn cá để mà làm dân an lòng. Tôi không đồng tình và không tin rằng cách xử sự ấy có tác dụng tốt.”

Cũng trong thời điểm đó, ông Nguyễn Việt Thắng, chủ tịch Hội nghề cá Việt Nam có cho biết về khả năng lây lan nguồn ô nhiễm theo dòng hải lưu:

Khả năng thì dứt khoát nó phải đi theo dòng hải lưu. Tuy nhiên đây cũng là điều giúp cho các nhà khoa học đánh giá khả năng lây nhiễm. Nếu tiếp tục lây nhiễm thì nó tiếp tục còn đi. Còn nồng độ giảm dần thì có thể có.”

Theo một nguồn tin trên mạng xã hội chứng minh về nồng độ giảm dần của nguồn ô nhiễm do ống xả của công ty Formosa gây ra xin được trích dẫn sau đây:

“Đúng là ở biển thì hơn 20 ngày nay không xả thải nữa mà chỉ thải nước làm mát nên cũng loãng đi nhiều rồi nên nếu tắm năm mười phút để quay phim chụp ảnh thì không sao.” (theo FB Sĩ Lâm)

Cho đến một giai đoạn mới

Bằng những hành động tắm biển, ăn hải sản ngay tại khu vực đang xảy ra khủng hoảng về môi trường, các lãnh đạo cao nhất của Thành phố Hà Tĩnh, Đà Nẵng đã chứng minh cho người dân thấy nồng độ an toàn của nước biển và của thuỷ hải sản. Thế nhưng, theo một người dân Đà Nẵng không muốn nêu tên cho chúng tôi biết:

“Nhưng thật sự người dân thì 90% là không dám ăn cá. Những người bán cá thời gian vừa rồi rất ế ẩm.”

Đối lại với cách xử lý khủng hoảng lòng tin của các lãnh đạo Hà Tĩnh, Đà Nẵng, hàng loạt những cuộc tuần hành xuống đường vì một môi trường sạch, biển sạch diễn ra ở Hà Tĩnh, Hà Nội, Sài Gòn.

Đấy là đỉnh điểm của việc mất lòng tin, đi đôi với việc an sinh xã hội, sự bất an trong lòng dân.”
- Giáo sư Chu Hảo

Giáo sư Chu Hảo nói rằng theo ông, có thể đây là một giai đoạn mới, giai đoạn của cuộc cách mạng làm cho an ninh xã hội tốt hơn, làm cho đời sống của mình được đảm bảo một cách tốt hơn.

“Đây là một tình huống đã làm cho nhân dân hiểu rất rõ hơn về trách nhiệm của mình, quyền của mình, trách nhiệm của mình đòi hỏi chính quyền phải đảm bảo quyền của mình, đảm bảo cuộc sống của mình, an sinh xã hội và lên tiếng mạnh mẽ bằng nhiều hình thức khác nhau. Đây là một biểu hiện rất ý nghĩa trong thời kỳ khủng hoàng lòng tin đối với thể chế, đối với người lãnh đạo cao nhất của đất nước, lòng tin đối với những chính sách cụ thể của chính quyền đã ở mức báo động.”

Sự mất niềm tin này theo Giáo sư Chu Hảo đã được nhân lên gấp bội nhân vụ cá chết hàng loạt.

“Đấy là đỉnh điểm của việc mất lòng tin, đi đôi với việc an sinh xã hội, sự bất an trong lòng dân.”

Giáo sư Chu Hảo còn nói thêm rằng, qua sự kiện cá chết hàng loạt này, người dân đã cảm thấy bất an trong cuộc sống. Vì thế, vẫn theo lời của ông, giờ đây, càng ngày họ càng còn cảm thấy khủng hoảng niềm tin và mất hết sự kiên trì vào việc chờ đợi phương hướng giải quyết từ chính quyền và những người lãnh đạo cao nhất.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.