Tranh cãi về quyền im lặng trong luật tố tụng

Cát Linh, phóng viên RFA
2015.06.09
Bị cáo Nguyễn Mạnh Một phòng xử án. Ảnh minh họa Một phòng xử án. Ảnh minh họa
AFP

Ở các quốc gia phát triển, khi bị can bị bắt giữ hoặc tạm giam thì họ có quyền im lặng cho đến khi họ có luật sư đại diện. Tất cả các vấn đề đều có luật sư. Không có luật sư thì các cơ quan tranh tụng sẽ không tiếp xúc.

Còn theo bộ luật tố tụng hình sự hiện hành của Việt Nam thì quyền im lặng của bị can bị cáo hoàn toàn không được đề cập đến. Ngay cả sau khi bộ luật đã được sửa đổi bổ sung vào năm 2011. Cát Linh có bài viết sau đây.

Thay đổi để phù hợp hiến pháp mới

Ông Trần Phú, luật sư thành viên Hiệp hội Luật sư Châu Á Thái Bình Dương cho biết về vai trò của quyền im lặng trong bộ luật tố tụng hình sự hiện hành của Việt Nam từ trước đến giờ là hoàn toàn không có. Lý giải điều này ở góc nhìn của một luật sư, ông nói:

“Với bộ luật tố tụng hình sự hiện nay, không có quyền im lặng được ghi nhận trong bộ luật tố tụng hình sự. Sau năm 2013, hiến pháp Việt Nam có thay đổi và sửa đổi. Tại điều 3 của hiến pháp Việt Nam qui định CH XHCN VN bảo vệ quyền con ngừơi. Tại điều 12 qui định nhà nước Việt Nam là thành viên của Liên Hiệp Quốc và tuân thủ theo hiến chương của LHQ.”

Những sự thay đổi trên đã cho thấy bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 có quá nhiều điểm lạc hậu so với hiến pháp năm 2013. Theo ông Phú, chính vì lý do  đó mà nhà nước Việt Nam đang dự thảo sửa đổi bộ luật tố tụng hình sự để phù hợp với hiến pháp vốn là một đạo luật mẹ. Ông cho rằng:

Hai yếu tố quan trọng để sửa đổi bộ luật hình sự này là quyền con người và nhà nước pháp quyền

LS Trần Phú

“Chính những quyền mới nhất trong hiến pháp là một bước ngoặt rất lớn trong hệ thống pháp luật Việt Nam.”

Một đặc điểm khoa học pháp lý Việt Nam là từ xưa đến nay, đó là từ hiến pháp 46, 80, đến 92, rồi cả những thay đổi bổ sung trong hiến pháp 92 đều không thừa nhận quyền con người trong đó. Và cũng không ghi nhận Việt Nam là thành viên của LHQ.

Cho nên, theo ông Phú, ý nghĩa quan trọng nhất của việc đưa luật quyền im lặng vào bộ luật tố tụng hình sự là:

“Đó là do hiến pháp đã sửa rồi. Từ xưa đến giờ hiến pháp Việt Nam đâu có thừa nhận quyền con người, họ chỉ thừa nhận quyền công dân. Hiến pháp 2013 là một hiến pháp mới, cực kỳ mới, tư duy mới để phù hợp với cả thế giới, sự phát triển của nền văn minh phát triển của thế giới.”

Và ông nhấn mạnh thêm rằng:

“Hai yếu tố quan trọng để sửa đổi bộ luật hình sự này là quyền con người và nhà nước pháp quyền.”

Trong ảnh là ông Nguyễn Thanh Chấn, người bị 10 năm tù oan được trả tự do (năm 2013)
Trong ảnh là ông Nguyễn Thanh Chấn, người bị 10 năm tù oan được trả tự do (năm 2013)
File photo

Một góc nhìn khác được ghi nhận cũng từ phía luật sư, đó là ý kiến của bà Tuyết Mai, luật sư chuyên về tố tụng hình sự của Công ty hợp doanh luật Trần Cao.

“Từ trước đến giờ đối với hình sự, cơ quan tiến hành tố tụng như công an, kiểm sát toà án là những cơ quan chủ động, còn bị cáo hoàn toàn là bị động. Và tránh những việc dẫn đến bức cung, án oan sai, người ta mới dẫn đến việc đưa nguyên tắc quyền im lặng vào trong hình sự để bảo vệ quyền lợi cho bị can, bị cáo.”

Một chia sẻ khác của bà Tuyết Mai cho biết thêm, cho dù với những vụ án hình sự ở Việt Nam hiện nay, luật sư đã được tham gia ngay từ giai đoạn khởi tố ban đầu, thế nhưng:

Từ trước đến giờ đối với hình sự, cơ quan tiến hành tố tụng như công an, kiểm sát toà án là những cơ quan chủ động, còn bị cáo hoàn toàn là bị động. Và tránh những việc dẫn đến bức cung, án oan sai, người ta mới dẫn đến việc đưa nguyên tắc quyền im lặng vào trong hình sự để bảo vệ quyền lợi cho bị can, bị cáo

LS Tuyết Mai

“Thật ra trên thực tế tham gia thì có nhưng vẫn còn nhiều cái bất nhất.”

Có tránh được án oan sai?

Như thế, phải chăng nếu luật quyền im lặng được chính thức đưa vào bộ luật tố tụng hình sự Việt Nam thì luật sư sẽ được tham gia ngay từ lúc khởi tố. và như thế sẽ tránh những vụ án oan sai trong tố tụng, hoặc những trường hợp gọi là bức cung?

Theo luật sư Trần Phú ông cho rằng điều này chưa hẳn là một yếu tố, theo phân tích của ông, câu trả lời được hiểu rằng:

“Bởi vì cái vấn đề nhận định một người hành vi có tội hay không tội là do một chủ thể con người nhất định. Nếu người đó nhận thức pháp luật, kiến thức pháp luật của họ giỏi, trình tự giai đoạn làm tố tụng của họ chặt chẽ thì sẽ không dẫn đến sai.”

Ngoài ra, vấn đề án oan sai còn hay hết không thể không có sự tác động của phát triển xã hội, kinh tế của đất nước. Khó có thể nói những nước phát triển khác không có án oan sai. Thế nhưng, theo ông Phú:

“Vì nền kinh tế người ta phát triển, đời sống nhân dân người ta cao. Trong khi Việt Nam là nước đang phát triển, nền kinh tế còn đang bị lạc hậu, đang từng bước mày mò hội nhập với quốc tế,  thì nền kinh tế như vậy không thể nâng cao đời sống nhân dân 1 cách nhanh chóng được.”

Một ý kiến khác từ bà Tuyết Mai, bà cũng cho rằng quyền im lặng không phải là một yếu tố để loại trừ án oan sai.

“Bởi vì không phải bị can bị cáo nào cũng có khả năng mời luật sư.”

Đề cập đến khả năng thực tế này của các bị can bị cáo, luật sư Trần Phú đưa ra câu hỏi:“Tiền đâu để họ thuê luật sư? Rồi vấn đề toà án chỉ định luật sư thế nào? Đó là cả một vấn đề.”

Chính vì thế mà ông Phú kết luận rằng: “Do đó quyền im lặng chỉ là một phần trong vấn đề oan sai.”

Vì sao họ phản đối?

Theo lời ông Phú, có một vấn đề cần được nêu ra ở đây, đó là trong bộ luật tố tụng hình sự, nghĩa vụ của công an là chứng minh tội phạm, lệ thuộc vào  thời gian tố tụng, bắt giam giữ. Ví dụ tạm giam 2 tháng đối với tội ít nghiêm trọng, 3 hoặc 4 tháng đối với tội nghiêm trọng hơn. Cho nên, ông Phú cho rằng sự phản đối của các đại biều quốc hội là công an là do họ quan ngại quyền im lặng sẽ ảnh hưởng đến thời gian điều tra vụ án.

Một tư duy cũ, khoa học cũ để chuyển qua tư duy mới mà quốc hội vừa rồi thông qua hiến pháp dó là một bước nhảy vọt của pháp luật Việt Nam thì dĩ nhiên phải có những tư duy đối lập với nhau

LS Trần Phú

Một lý do thứ hai nhìn ở góc độ khoa học thứ hai theo ông Phú đó là:

“Hiện nay về ngân sách của nhà nước Việt Nam đã trang bị cho lực lượng công an kịp thời đầy đủ những phương tiện khoa học hiện đại để thực hiện các công vụ của họ chưa?”

Và sau cùng, bên cạnh những lý do được phân tích theo góc độ khoa học và pháp lý, thì theo ông Phú, sự phản đối của một số đại biểu quốc hội là một phản ứng đối trọng đến từ vết tích của nền tư duy xưa cũ.

“Một tư duy cũ, khoa học cũ để chuyển qua tư duy mới mà quốc hội vừa rồi thông qua hiến pháp dó là một bước nhảy vọt của pháp luật Việt Nam thì dĩ nhiên phải có những tư duy đối lập với nhau.”

Cho dù hiện nay vấn đề về “quyền im lặng” đang được tranh luận rất nhiều trong giới luật sư, luật gia, và những ngành làm luật khác, công an, viện kiểm sát, toà án nhưng vẫn chưa đưa đến được những thống nhất chung. Phản đối của một số đại biểu quốc hội cũng chỉ là trong giai đoạn dự thảo. Theo giới luật gia, luật sư như ông Trần Phú thì họ cho rằng  “trong tình huống đại biểu quốc hội không đồng ý, không thông qua thì vấn đề này tương lai cũng phải đến đó, sớm muộn gì cũng phải vào đó, vì hiến pháp đã quy định rồi.”

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.