Hòa giải, vẫn còn nhiều khó khăn

Mặc Lâm, biên tập viên RFA, Bangkok
2014.04.10
nguyên Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Phú Bình, Chủ nhiệm Hội liên lạc người Việt ở nước ngoài Nguyên Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Phú Bình, Chủ nhiệm Hội liên lạc người Việt ở nước ngoài
NGuồ tinmoitruong.vn

Nghe bài này

Trong thời gian gần đây lời kêu gọi hòa giải của ông Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn đã gây rất nhiều tranh cãi trong khi Việt Nam đang đón nhận một đợt Việt kiều từ nhiều nước trên thế giới về giỗ tổ Hùng Vương và thăm đảo Trường Sa như một nỗ lực hòa giải người Việt trong và ngoài nước. Mặc Lâm phỏng vấn nguyên Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Phú Bình, Chủ nhiệm Hội liên lạc người Việt ở nước ngoài để tìm hiểu thêm chính sách hòa giải này.

Mặc Lâm: Thưa ông theo chúng tôi biết thì ông Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn vừa tuyên bố là chúng ta nên cởi mở để trong cũng như ngoài nước hòa giải với nhau. Theo nhận xét của ông sau một thời gian làm việc trực tiếp với người Việt hải ngoại thì ông thấy thái độ của họ đối với chuyện hòa giải họ có mở rộng lòng ra hay không, hay vẫn còn những e ngại nào?

Ô. Nguyễn Phú Bình: Theo tôi có lẽ đánh giá thì không thể đánh giá chung được tất cả mọi người, bởi vì bây giờ đất nước cũng đã thống nhất được gần 40 năm rồi và đang phát triển. Thế thì, tiếng nói chung để cùng nhau phát triển đất nước thì ngày càng nhiều lên. Bà con ở trong đã đành, nhưng mà ở ngoài mọi người cũng đều thấy đất nước đang phát triển đang đi lên, cố nhiên cũng còn vấn đề này, vấn đề kia thì đất nước nào cũng có. Tiếng nói chung thì nó vẫn nhiều hơn nhưng đâu đó chắc còn nhiều người người ta cũng chưa phải là đã hiểu, thậm chí người ta cũng chưa từng về nước sau khi rời khỏi đất nước vài chục năm.

Tôi cũng nghĩ là những cố gắng đều phải đến từ hai phía. Về phía nhà nước, tôi thấy rằng nhà nước cũng chủ động nhiều thay đổi về luật pháp, về các quy định ngày càng nhiều cởi mở hơn. Tôi nghĩ luật quốc tịch là một ví dụ

Ô. Nguyễn Phú Bình

Cho nên những tiếng nói khác biệt thì chúng tôi nghĩ rằng không có gì là khó hiểu cả. Nhưng tôi nghĩ là cái xu thế chung chắc chắn là những tiếng nói chung với đất nước càng ngày thì càng nhiều hơn.

Mặc Lâm: Nhìn chung về vấn đề hòa giải thì người Việt hải ngoại dù sao họ vẫn còn mặc cảm vì bị đối xử không thích đáng. Theo ông thì nhà nước Việt Nam nên làm thêm những gì để họ vững tin hơn về sự chân thành của nhà nước đối với vần đề hòa giải thưa ông?

Ô. Nguyễn Phú Bình: Thưa ông, tôi cũng nghĩ là những cố gắng đều phải đến từ hai phía. Về phía nhà nước, tôi thấy rằng nhà nước cũng chủ động nhiều thay đổi về luật pháp, về các quy định ngày càng nhiều cởi mở hơn. Tôi nghĩ luật quốc tịch là một ví dụ. Nhưng luật quốc tịch thì hiện nay chúng tôi vẫn kiến nghị tiếp tục phải có cải tiến để mở rộng hơn nữa, thí dụ như vấn đề thời hạn để đăng ký giữ lại quốc tịch Việt Nam chẳng hạn thì ông thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn cũng đã nói.

Hàng năm đông đảo dân chúng và kiều bào  tham dự chương trình Lễ giỗ Tổ Hùng Vương. (Nguyentandung.org)
Hàng năm đông đảo dân chúng và kiều bào tham dự chương trình Lễ giỗ Tổ Hùng Vương. (Nguyentandung.org)
Nguyentandung.org

Chúng ta cũng là con một Mẹ mà ra cả. Cho nên lúc nhất thời, ở trong thời gian còn có những suy nghĩ khác nhau, xuất phát từ lịch sử nó cũng có phức tạp. Tôi nghĩ gần 40 năm trôi qua khi đất nước đã kết thúc chiến tranh và bắt đầu thống nhất rồi, tôi rất mong hòa giải dân tộc càng ngày càng mạnh mẽ

Ô. Nguyễn Phú Bình

Những người bây giờ muốn tham gia vào công tác vận động người Việt Nam ở nước ngoài thì chúng tôi đề nghị là không nên lấy cái ngày mùng Một tháng Bảy tới như là thời hạn để kết thúc việc đăng ký giữ lại quốc tịch Việt Nam thì đấy cũng là một ví dụ. Chắc cũng còn tiếp tục có thay đổi hoặc là những luật về nhà ở hay về đất đai cũng đang tiếp tục có những thay đổi. Tất nhiên là những việc này nó cũng phù hợp với xu thế chung là hội nhập quốc tế.

Ông cũng biết là sắp tới chúng ta sẽ tham gia vào cộng đồng ASEAN thì  luật của chúng ta cũng đang phải thay đổi để làm sao hội nhập cùng với ASEAN hoặc TPP. Tôi nghĩ rằng tất cả những điều này nó hòa chung với xu thế hội nhập, còn đối với bà con ta ở nước ngoài thì nó lại gần gũi hơn, bởi vì chúng ta cũng là con một Mẹ mà ra cả. Cho nên lúc nhất thời, ở trong thời gian còn có những suy nghĩ khác nhau, xuất phát từ lịch sử nó cũng có phức tạp. Tôi nghĩ gần 40 năm trôi qua khi đất nước đã kết thúc chiến tranh và bắt đầu thống nhất rồi, tôi rất mong hòa giải dân tộc càng ngày càng mạnh mẽ.

Mặc Lâm: Thưa ông về luật quốc tịch thì theo nhận xét của riêng chúng tôi cũng có người muốn xin giữ quốc tịch Việt Nam vì những lý do riêng của họ, tuy nhiên trong quá trình đơn từ hành chánh thì họ gặp rất nhiều trở ngại không khác gì người dân trong nước đang gặp. Theo ông thì những trở ngại có tính quan liêu đó phải được giải quyết như thế nào vì người Việt ở nước ngoài vốn đã quen với sự nhanh lẹ khi giải quyết đơn thư tại nước họ đang cư ngụ thưa ông?

Theo tôi, nhà nước bây giờ đã cởi mở. Cũng không có hạn chế nào đâu, cố nhiên là vị nào về nước lại có những hành động vi phạm pháp luật VN thì tất nhiên là Chính phủ VN không hoan nghênh, nhưng nhìn chung tôi thấy không có những cản trở hay hạn chế.

Ô. Nguyễn Phú Bình

Ô. Nguyễn Phú Bình: Tôi nghĩ là những ý kiến của bà con ở ngoài rất là chính đáng, và chúng tôi sẽ cố gắng cùng với cơ quan của chính quyền. Hội liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài cũng sẽ có những đóng góp để cho các cơ quan chức năng cải tiến và thông thoáng hơn nữa để làm sao việc đăng ký giữ quốc tịch cũng như tất cả mọi việc làm giấy tờ khác được thuận lợi hơn. Thưa, ông cũng phải thông cảm cho là việc này cũng không phải là một sớm một chiều có thể xong ngay được, bởi vì các cơ quan hành chính thường là tệ quan liêu vẫn còn khá là phổ biến.

Thế nhưng với cố gắng của chúng tôi những quy định đó sẽ càng ngày càng đơn giản và thông thoáng hơn. Tôi hy vọng rằng bà con sẽ ngày càng hài lòng hơn, mặc dù sẽ không hoàn toàn hài lòng. Cái này nó cần có thời gian,

Mặc Lâm: Trong nỗ lực kêu gọi hòa giải thì chúng tôi được biết chính phủ Việt Nam có tổ chức các chuyến đi mời gọi người Việt Hải ngoại về thăm Trường Sa. Thưa ông đối với những người đã từng có những hoạt động chống đối chính phủ Việt Nam thì lần này nhà nước có mở rộng tay cho phép họ về để họ thấy thực trạng Việt Nam hay không hay họ còn cần thêm một thời gian nữa?

Ô. Nguyễn Phú Bình: Theo tôi, nhà nước bây giờ đã cởi mở. Cũng không có hạn chế nào đâu, cố nhiên là vị nào về nước lại có những hành động vi phạm pháp luật Việt Nam thì tất nhiên là Chính phủ Việt Nam không hoan nghênh, nhưng nhìn chung tôi thấy không có những cản trở hay hạn chế. Tuy nhiên việc đi thăm các đảo ở Việt Nam, ông cũng biết là ở Việt Nam thời gian mà đi thăm được chỉ có trong vòng cuối tháng Ba cho đến đầu tháng Năm thôi còn ngoài ra thời tiết nó rất là khắc nghiệt không đi được.

Sắp tới sẽ có một chuyến mà bà con ta nhân dịp về dự giỗ tổ, ngày hôm nay là giỗ tổ Hùng Vương bà con về thì Ủy ban nhà nước người Việt Nam ở nước ngoài có tổ chức cho một đoàn đi thăm Trường Sa và việc ấy nó đang diễn ra. Tôi hy vọng sau này phương tiện nó tốt hơn thì việc đi thăm Trường Sa ngày càng ngày dễ dàng hơn. Số đông bà con ở ngoài có nguyện vọng sẽ được đáp ứng.

Nhưng đáp ứng tất cả thì cũng khó, do thời tiết và tổ chức thôi chứ việc hạn chế bà con ở ngoài thì theo tôi không có hạn chế nào về chính trị đâu.

Mặc Lâm: Xin cảm ơn ông.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.