Lương tối thiểu 2 triệu đồng/tháng

Quốc hội và các cơ quan chính phủ vừa thông qua đề suất của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội – tăng mức lương tối thiểu ở mọi loại hình doanh nghiệp lên cao nhất là hai triệu đồng.
Quỳnh Như, phóng viên RFA
2011.08.21
hanoi-meat-vendor-305.jpg Một quầy bán thịt ở trung tâm Hà Nội ngày 02 tháng 3, 2011. Việt Nam đối mặt với cơn bão giá sau khi chính phủ tăng giá xăng và điện lên 24% và 15%.
AFP photo/Hoang Dinh Nam

Quyết định này bắt đầu có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 10 này. So với quy định gần đây nhất về mức lương tối thiểu là 800.000 đồng/tháng thì đề suất hai triệu đồng/tháng quả là một sự tăng vọt đáng kể. Tuy nhiên trong thực tế việc tăng lương này giải quyết bài toán cải thiện cuộc sống của người lao động đến mức nào.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ bắt đầu áp dụng quy định mức lương tối thiểu hai triệu đồng/tháng đối với mọi đối tượng lao động, không phân biệt thuộc loại hình kinh tế nào. Từ trước đến giờ mặt bằng lương của công nhân, viên chức thuộc những doanh nghiệp quốc doanh hay các cơ quan nhà nước đều thấp hơn nhiều so với khu vực có vốn đầu tư nước ngoài hay các doanh nghiệp tư nhân. Quy định mới này sẽ xóa bỏ khoảng cách về mức lương tối thiểu giữa các loại hình doanh nghiệp.

Ngoài ra, đợt tăng lương sớm hơn lộ trình lần này còn nhằm mục đích giải quyết phần nào khó khăn trong đời sống người lao động trước tình hình giá cả biến động, tỉ lệ lạm phát gia tăng. Tuy nhiên, lương tăng vật giá cũng tăng, và thậm chí còn tăng gấp mấy lần mức lương – đó là vấn đề cố hữu từ trước đến nay ở Việt Nam.

Lương lên theo không kịp giá

000_Hkg4614188-250.jpg
Giá xăng tăng lên 19.300 đồng/lít hôm 24/2/2011. AFP photo
Giá xăng tăng lên 19.300 đồng/lít hôm 24/2/2011. AFP photo
Giám đốc Nhân sự của một doanh nghiệp nước ngoài, chuyên sản xuất một số phụ tùng xe ô tô, nằm trong Khu Công nghiệp Long Bình nhận xét về quy định mới của chính phủ về mức lương tối thiểu. Bà cho biết:

“Có một số doanh nghiệp nước ngoài mức lương tối thiểu của đơn vị họ sẽ cao hơn mức lương tối thiểu do nhà nước quy định, nhưng có một số cũng áp dụng chủ trương trên, thì cũng chỉ xêm xêm với mức do nhà nước quy định thôi, chứ cũng không cao hơn.

Như ở công ty thì mức lương hiện tại của công nhân mới vào là 1.660.000 đồng, nhưng cũng đang tính xét lên lương cho công nhân tại thời điểm này luôn chứ không đợi đến tháng 10. Nếu như công ty lên lương tháng này, mà đến tháng 10 mức lương vẫn thấp hơn mức lương tối thiểu nhà nước quy định thì sẽ tăng thêm, còn nếu không thấp hơn thì vẫn giữ nguyên mức đã tăng rồi. Coi như mình tăng được tháng nào sớm hơn cho người lao động thì cũng tốt cho họ tháng đó.

Vì mức lương chưa lên thì các mặt hàng hóa, xăng dầu, hay thực phẩm đã lên rất cao rồi.

Anh Tập Chánh

Nhưng với tình hình vật giá leo thang như hiện nay thì cũng thấy lương lên một đồng mà vật giá tăng lên năm đồng, thì như vậy người lao động vẫn khó khăn như thường, mặc dù được lên lương nhưng họ vẫn thấy lo lắng hơn. Bây giờ lạm phát leo thang thì đời sống công nhân cũng khó khăn lắm. Lương lên được đồng nào thì hay đồng đó thôi chứ thấy rằng việc bình ổn giá là quan trọng nhất.”

Đối với khu vực có vốn đầu tư nước ngoài thì tình hình như vừa kể, còn về phía các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước thì vấn đề tăng mức lương tối thiểu cho công nhân sẽ tác động đến đâu. Chúng ta hãy nghe Giám đốc một công ty thiết kế và trang trí nội thất tại Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ:

“Việc điều chỉnh lương của chính phủ không giải quyết được vấn đề từ gốc mà chỉ giải quyết theo ngọn. Tới đâu thì giải quyết tới đó để người dân đỡ kêu than khó khăn. Thành ra dù bây giờ thu nhập tối thiểu là hai triệu đồng, nhưng mức sống của người ta phải được phân chia ra làm nhiều khu vực khác nhau.

selling-bread-250.jpg
Giá cả tăng làm đôi vai người nghèo càng thêm nặng gánh. AFP photo.
Nếu ở những thành phố lớn thì mức hai triệu đồng thì rõ ràng là chẳng thấm thía vào đâu cả. Bây giờ nếu một công chức đi làm lãnh lương hai triệu đồng thì giỏi lắm là cũng chỉ mới trang trải được tiền nhà, tiền điện, tiền nước mà thôi, còn chi phí cho việc ăn uống và những sinh hoạt khác thì rõ ràng là họ phải tìm những nguồn thu nhập khác để đắp vô khoản thu nhập đó để có thể tồn tại được. Chứ còn không có cách nào mà đủ – lương chỉ là phần cơ bản cho có gọi là có được chế độ lương hướng, ai cũng hiểu được chuyện đó. Có bao giờ có người công chức nào nói rằng mình sống bằng đồng lương đâu.”

Về phía người lao động, khi nghe tin được tăng mức lương tối thiểu họ rất phấn khởi, nhưng lo thì vẫn cứ lo vì “lương” lên không thể theo kịp “giá.” Anh Tập Chánh làm việc cho một công ty nước ngoài tại Phan Thiết cho hay:

“Hiện nay nếu nhà nước tăng mức lương tối thiểu là hai triệu đối với công nhân viên hay người lao động, em nghĩ đó cũng là một giải pháp tạm thời mà thôi. Vì mức lương chưa lên thì các mặt hàng hóa, xăng dầu, hay thực phẩm đã lên rất cao rồi. Gần như gấp đôi so với trước đây. Thành ra nếu tăng lương như vậy cũng chỉ mới là một giải pháp tạm thời mà thôi. Tất nhiên nó cũng đỡ một phần, nhưng cũng cần phải có những biện pháp.”

Cần ổn định giá cả

binhongiasg-250.jpg
Minh họa chương trình bình ổn giá tại một siêu thị ở SG tháng 2/2011. RFA photo.
Cũng theo anh Tập Chánh, ngoài việc tăng mức lương tối thiểu cho người lao động, chính phủ cần áp dụng đồng thời nhiều biện pháp khác để quản lý giá cả trên thị trường. Anh nói thêm:

“Thứ nhất là phải ổn định được giá cả, phải làm sao khống chế được giá không cho tăng một cách vô tội vạ. Một số người khi nghe nói tăng lương thì họ sẽ tăng giá thành phẩm hoặc là thức ăn. Khi nghe động tịnh lương tăng thì bất cứ cái gì cũng tăng, mà trước đó cũng đã tăng rồi, bây giờ khi có quyết định đó thì nó cũng sẽ tăng nữa. Cho nên tăng lương chỉ là một biện pháp tạm thời, tốt hơn hết là làm sao khống chế được giá của thị trường.

Bằng cách là phải quản lý được mức kinh doanh, nghĩa là đối với những trường hợp kinh doanh mà lấy lãi quá nhiều so với giá của thị trường thì nhà nước phải có biện pháp, ví dụ như có hình thức xử phạt họ hoặc là không cho họ tăng quá cao mức giá. Hoặc đối với các mặt hàng chính yếu như: xăng dầu, điện nước, truyền hình cáp, điện thoại… làm sao phải giảm được các phí sinh hoạt đó thì việc tăng lương mới có hiệu quả, và mới đạt được mong muốn là, không làm cho đời sống của người lao động, công nhân viên chức khốn đốn.”

Khó khăn cho doanh nghiệp

Mặt khác, trong bối cảnh kinh tế khủng hoảng, lạm phát tăng, các doanh nghiệp phải cố gắng tối đa để duy trì hoạt động kinh doanh sản xuất, thì việc tăng lương cho công nhân cũng góp thêm phần khó khăn cho họ. Vị nữ Giám đốc Nhân sự ở Khu công nghiệp Long Bình giải thích thêm:

Thật ra với tình hình kinh tế như hiện nay, tăng lương cũng là một gánh nặng cho người sử dụng lao động, doanh nghiệp cũng gặp nhiều khó khăn.

Một GĐ  Nhân sự ở KCN Long Bình

“Thật ra với tình hình kinh tế như hiện nay, tăng lương cũng là một gánh nặng cho người sử dụng lao động, doanh nghiệp cũng gặp nhiều khó khăn. Vì lương tăng, những phúc lợi đi theo như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cũng tăng theo, nhưng mặt hàng họ sản xuất khi bán ra chưa chắc được tăng giá vì đã ký hợp đồng với khách hàng từ một, hai năm rồi, nên không thể bất thình lình mà tăng giá được. Trong khi nguyên vật liệu vẫn tăng thì doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn.”

Giải quyết tình hình khó khăn của đời sống người lao động không chỉ đơn thuần chỉ là việc tăng lương, bài toán giá – lương - tiền cần được cân nhắc và tiến hành đồng bộ cùng với các chính sách kinh tế khác. Vì khi lạm phát bao trùm xã hội, thu nhập thực sự của người lao động sụt giảm vì không đuổi kịp tốc độ tăng giá, sẽ dẫn đến mục tiêu giảm nghèo 2% đề ra cho năm nay khó mà thực hiện được.

Theo dòng thời sự:

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.