Thử hạt nhân - mặc cả của Bắc Hàn với Mỹ

Bất chấp những cấm vận ngặt nghèo của Liên hiệp quốc và sức ép của quốc tế, Bắc Hàn vẫn tiến hành thử hạt nhân hôm 12 tháng 2 và được cho là thành công.
Việt Hà, phóng viên RFA
2013.02.14
Trung tâm nghiên cứu hạt nhân Bắc Hàn nhộn nhịp trong những ngày thử nghiêm vừa qua. Trung tâm nghiên cứu hạt nhân Bắc Hàn nhộn nhịp trong những ngày thử nghiêm vừa qua.
RFA screen cap.


Tải xuống - download

Với vụ thử hạt nhân này, Bắc Hàn đã đặt Hoa Kỳ vào một tình huống khó, trong khi Hoa Kỳ đang muốn Bắc Hàn phải từ bỏ chương trình chế tạo vũ khí hạt nhân của mình. Việt Hà phỏng vấn chuyên gia an ninh người Nhật, ông Tetsuo Kotani, thuộc viện Quan hệ quốc tế Nhật bản về vấn đề này

Thế mạnh của Bắc Hàn?

Việt Hà: Thưa ông, trước vụ thử hạt nhân hôm 12 tháng 2 vừa qua, Bắc Hàn đã từng thử hạt nhân hai lần vào các năm 2006 và 2009. Vụ thử hạt nhân lần này khác gì so với các lần trước?

Tetsuo Kotani: mọi người nghĩ là Bắc hàn đã thành công trong lần thử lần này. Họ đã thành công trong việc thu nhỏ đầu đạn hạt nhân lên tên lửa đạn đạo. Tầm phóng của tên lửa Bắc Hàn có thể bao phủ toàn bộ lãnh thổ Nhật Bản, và điều này gây một mối đe dọa nghiêm trọng trực tiếp đối với Nhật Bản. Cho nên Nhật bản đang theo dõi rất chặt chẽ việc thử hạt nhân của Bắc Hàn.

Việt Hà: vụ thử hạt nhân diễn ra khi Bắc Hàn đang bị Liên hiệp quốc cấm vận rất ngặt nghèo, nhất là sau vụ phóng thử tên lửa vào tháng 12 năm ngoái. Dường như các cấm vận của quốc tế đối với Bắc Hàn đã không có hiệu quả. Ông nhận xét gì về các biện pháp cấm vận hiện tại với Bắc Hàn?

Cấm vận chủ yếu là cấm vận kinh tế, và UN kiểm soát việc vận chuyển các vật liệu, thiết bị và công nghệ cho Bắc Hàn. Nhưng cũng có chợ đen, nơi Bắc Hàn có quan hệ với Pakistan, Trung Quốc và Iran. Cho nên họ có thể chia sẻ công nghệ một cách giấu giếm

Tetsuo Kotani

Địa điểm vụ thử hạt nhân của Bắc Hàn nằm gần ranh giới Trung Quốc? RFA Screen cap.
Địa điểm vụ thử hạt nhân của Bắc Hàn nằm gần ranh giới Trung Quốc? RFA Screen cap.
RFA Screen cap.
Tetsuo Kotani: không có hiệu quả, cấm vận chủ yếu là cấm vận kinh tế, và UN kiểm soát việc vận chuyển các vật liệu, thiết bị và công nghệ cho Bắc Hàn. Nhưng cũng có chợ đen, nơi Bắc Hàn có quan hệ với Pakistan, Trung Quốc và Iran. Cho nên họ có thể chia sẻ công nghệ một cách giấu giếm. Trong khi đó, Bắc Hàn tự có vật liệu uranium cho chế tạo hạt nhân mà không cần nhập khẩu.

Việt Hà: Bắc Hàn vốn được coi như là một vùng đệm cho Trung Quốc chặn sự tiến tới của Nam Hàn và Mỹ trong khu vực. Tuy nhiên, Trung Quốc đã có phản ứng mạnh với Bắc Hàn trong vụ thử hạt nhân lần này. Điều này cũng khác với các vụ thử lần trước, khi Trung Quốc bị Mỹ chỉ trích là đã nhắm mắt làm ngơ. Điều này nói lên cái gì về quan hệ của Trung Quốc với Bắc Hàn?

Tetsuo Kotani: Trung Quốc không muốn Bắc Hàn chế tạo vũ khí hạt nhân vì nó sẽ gây mất ổn định trong khu vực. Trung Quốc là một trong 6 nước tham gia vòng đàm phán 6 bên với Bắc Hàn về chương trình hạt nhân. Trung Quốc cũng là thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc, cho nên về mặt ngoại giao Trung Quốc chịu trách nhiệm ngoại giao đối với chương trình hạt nhân của Bắc hàn, tức là họ phải tìm cách chặn Bắc Hàn thực hiện chương trình này.

Bắc Hàn vốn được coi như là một vùng đệm cho Trung Quốc chặn sự tiến tới của Nam Hàn và Mỹ trong khu vực

Tetsuo Kotani

Nhưng Trung Quốc hiểu là chương trình hạt nhân là điều quan trọng để duy trì uy tín và hình ảnh của lãnh đạo Bắc Hàn trong nước. Trung Quốc đang ở trong một tình huống khó, thêm vào đó là sức ép từ Mỹ và cộng đồng quốc tế muốn Trung Quốc đóng vai trò tích cực hơn. Vì vậy lúc này Trung Quốc đang phải đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan.

Chứng minh sức mạnh với Mỹ?

Hỏa tiễn Unhab-3 rời giàn phóng hôm 12 tháng 12, 2012. Courtesy Yonhap
Hỏa tiễn Unhab-3 rời giàn phóng hôm 12 tháng 12, 2012. Courtesy Yonhap
Courtesy Yonhap
Việt Hà: Có ý kiến cho rằng Bắc Hàn có thể theo chân Pakistan, tức là sẽ phớt lờ sức ép quốc tế, vẫn tiếp tục thực hiện chương trình hạt nhân và đặt mọi sự vào thế đã rồi khiến Mỹ phải thừa nhận nước này là một quốc gia hạt nhân như với Pakistan. Theo ông đây có phải là con đường mà Bắc Hàn theo đuổi? và nếu đúng vậy thì Hoa Kỳ có lựa chọn nào?

Tetsuo Kotani: mục đích của Bắc Hàn là phát triển vũ khí hạt nhân để có thể đảm bảo an ninh chắc chắn hơn với Mỹ, và Mỹ phải thừa nhận họ là một quốc gia hạt nhân. Đó là mục đích chính của toàn bộ chương trình hạt nhân tại Bắc Hàn. Nhưng Mỹ sẽ khó chấp nhận tình trạng này. Mỹ có rất ít lựa chọn vào lúc này để có thể bắt Bắc Hàn ngưng toàn bộ chương trình hạt nhân vì rõ ràng là các cấm vận đã không có tác dụng. Tất nhiên họ sẽ dùng sức ép ngoại giao lên Bắc Hàn. Có một số người cũng hy vọng có sự can thiệp về quân sự với Bắc Hàn nhưng việc này sẽ gây tốn kém rất nhiều, cho nên vào lúc này Mỹ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phải đàm phán với Bắc Hàn.

Việt Hà: với vụ thử hạt nhân thành công lần này, như ông đã nói, Bắc Hàn đặt ra một mối đe dọa nghiêm trọng với Nhật Bản. Theo ông, Nhật Bản sẵn sàng đến mức nào để đối phó với mối đe dọa này?

Mục đích của Bắc Hàn là phát triển vũ khí hạt nhân để có thể đảm bảo an ninh chắc chắn hơn với Mỹ, và Mỹ phải thừa nhận họ là một quốc gia hạt nhân.

Tetsuo Kotani

Tetsuo Kotani: chúng tôi có một số lựa chọn. Chúng tôi có hệ thống phòng vệ tên lửa, chúng tôi có đồng minh là Mỹ. Mỹ có thể tấn công ngăn chặn những tấn công tên lửa mang đầu đạn hạt nhân tới Nhật, nếu điều đó là cần thiết. Chúng tôi có thể liên kết với Mỹ và Nam Hàn để gây sức ép lên Bắc Hàn. Tôi nghĩ chúng tôi sẽ phải thực hiện tất cả các lựa chọn của mình. Chúng tôi không chắc chắn là liệu Bắc Hàn có thực sự sẽ sử dụng các vũ khí hạt nhân đó hay chỉ dùng nó để tạo sức mạnh mà không sử dụng trong chiến tranh. Không ai bây giờ có thể chắc chắn điều gì.

Việt Hà: Như ông nói về vụ thử hạt nhân lần này, Bắc Hàn đang gây sức ép đàm phán với Mỹ, theo ông, sau vụ thử lần này, liệu Bắc Hàn sẽ còn làm gì?

Tetsuo Kotani: Tất nhiên Bắc Hàn sẽ đòi Mỹ phải đàm phán, và nếu Mỹ không muốn, thì tôi tin là Bắc Hàn sẽ tiến hành các thử nghiệm hạt nhân và tên lửa khác. Đó là điều nguy hiểm cho thế giới.

Việt Hà: Xin cảm ơn ông đã dành cho chúng tôi buổi phỏng vấn này.

Theo dòng thời sự:

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.