Tổng thống mới của Philippines là ông Rodrigo Duterte từng tuyên bố có thể sẽ đàm phán song phương với Trung Quốc về những tranh chấp trên biển Đông, điều có thể làm cho chính sách đối ngoại của Manila thay đổi lớn.
Đàm phán song phương
Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, chuyên gia nghiên cứu các môi quan hệ quốc tế, hiện đang làm việc tại Singapore trao đổi với Kính Hòa về vấn đề này. Trước tiên, ông nói:
Theo nhiều nhà phân tích thì điều này có thể gây một số trở ngại đối với bản thân Philippines và một số nước khác có lợi ích ở biển Đông, trong đó có Việt Nam. Ông Duterte có nói rằng trong vòng hai năm sau khi ông đắc cử, nếu chuyện biển Đông vẫn không tiến triển ở các kênh đa phương thì ông có thể tiến tới đàm phán trực tiếp với Trung Quốc để có thể có được những dàn xếp cụ thể. Điều này bắt nguồn một phần từ việc ông Duterte có những hứa hẹn về mặt kinh tế, và ông muốn tận dụng những sự hỗ trợ và hợp tác về kinh tế với Trung Quốc.
Theo nhiều nhà phân tích thì điều này có thể gây một số trở ngại đối với bản thân Philippines và một số nước khác có lợi ích ở biển Đông, trong đó có Việt Nam. <br/> - TS Lê Hồng Hiệp
Tuy nhiên chúng ta cần xét một số yếu tố như sau:
Thứ nhất, bản thân cái đề xuất của ông Duterte không phải là mới, vì trước đây trong lịch sử, các vị lãnh đạo Philippines cũng đã có những động thái (muốn) đàm phán song phương, như là trước đây có bà Arroyo hồi năm 2005 có một hiệp định khảo sát địa chấn với Trung Quốc ở khu vực quần đảo Trường Sa, mà sau này cũng có Việt Nam tham gia. Lần này ông Duterte có những tuyên bố gây quan ngại như vậy, nhưng tôi nghĩ là ông không phải là có quyền tự do hành động. Sự hợp tác của bà Arroyo trước đây cuối cùng bị Quốc Hội Philippines hủy bỏ vì vi phạm Hiến pháp. Lần này tôi cũng nghĩ vậy, cũng sẽ có những ràng buộc về thể chế sẽ hạn chế quyền của ông Duterte.
Có thể là những quan điểm của ông trong quá trình vận động tranh cử có thể trở thành hiện thực dễ dàng. Ông có thể vấp phải sự phản kháng từ các giới chức khác, có cách tiếp cận khác về vấn đề tranh chấp biển Đông.
Hơn nữa chúng ta cũng lưu ý rằng một mặt ông Duterte nói sẽ đàm phán với Trung Quốc, nhưng ông cũng có những tuyên bố trái ngược, chẳng hạn như ông nói là ông sẽ đi tàu ra một cái đảo hiện do Trung Quốc kiểm soát. Vậy cho nên chúng ta chờ xem, chứ không nên hoàn toàn lo lắng về cách tiếp cận của ông trong vấn đề tranh chấp biển Đông.
Kính Hòa: Quan hệ giữa Phi và Việt Nam ra sao dưới thời ông Duterte? Việt Nam cũng có những tranh chấp với Phi nhưng dường như là lắng dịu trong thời gian qua vì cả hai có mối quan tâm chung là sự lấn lướt của Trung Quốc?
TS Lê Hồng Hiệp: Tôi nghĩ rằng nó sẽ không có nhiều tác động. Bản thân Philippines và Việt Nam là những đồng minh tự nhiên, vì hai bên đều là nạn nhân của chính sách bành trướng của Trung Quốc trên biển Đông.
Mặc dù hai bên có những tuyên bố chủ quyền trái ngược nhau, nhưng quan sát thấy trong thời gian qua cả hai bên đều không có những hành động công kích lẫn nhau. Năm vừa rồi thì hai bên đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược. bàn thảo về chuyện tuần tra chung trên biển Đông chẳng hạn.
Tôi nghĩ rằng đấy là lợi ích quốc gia, và cái chi phối, cái xu hướng, về chính sách quan hệ giữa hai bên với nhau, thì ông Rodrigo có thể có những quan điểm khác với những người tiền nhiệm, tuy nhiên về mặt lợi ích quốc gia vẫn có những yếu tố mang tính lâu dài hơn, vì vậy nó vẫn là lực đẩy chính định hướng cho quan hệ song phuwowngh.
Tôi nghĩ rằng dưới thời Tổng thống Duterte vừa đắc cử thì quan hệ Việt Nam Philippines vẫn tiếp tục phát triển, chừng nào mà Trung Quốc vẫn còn hung hăng thực hiện các chính sách bành trướng mang tính áp đặt trên biển Đông gây ra các quan ngại chung cho cả Việt Nam và Philippines.
Phản ứng của Trung Quốc

Kính Hòa: Ông đánh giá thế nào về thái độ của Trung Quốc đối với tân lãnh đạo Philippines?
TS Lê Hồng Hiệp: Phát biểu của ông Duterte thì có vẻ mềm mỏng hơn với Trung Quốc so với người tiền nhiệm của ông là ông Aquino.
Dưới thời ông Aquino, Philippines đã có những động thái làm cho Trung Quốc rất là tức giận, cụ thể là Phi đã kiện Trung Quốc lên tòa trọng tài thường trực.
Trong giai đoạn ông Aquino, có thể nói quan hệ Philippines Trung Quốc có những căng thẳng rất là lớn. Vậy cho nên có thể họ hy vọng rằng với vị lãnh đạo mới có cách tiếp cận mềm mỏng hơn, như những gì ông tuyên bố. Tôi nghĩ là họ có quyền hy vọng rằng quan hệ hai bên sẽ được cải thiện hơn, và Philippines sẽ có những hành động thỏa hiệp hơn.
Tuy nhiên, có thể là Trung Quốc cũng phải chờ đợi thêm để xem chính sách trên thực tế của ông Duterte có diễn ra như những gì mà ông đã nói hay không.
Có những yếu tố khác như là áp lực từ công chúng về các lợi ích của Philippines trên biển Đông. Hay là các áp lực từ những đồng minh của Philippines như là Nhật Bản, Mỹ, Australia,… Những quốc gia này đã đầu tư nhiều vào việc nâng cấp quan hệ với Philippines, nâng cao năng lực hàng hải của Phi, rồi quân đội, rồi những bước tiến về hợp tác chẳng hạn như Philippines đã cho Hoa Kỳ quyền tiếp cận 5 căn cứ quân sự của mình,…
Những yếu tố đó vẫn có một sức nặng để cho không thể có một sự thay đổi quá lớn trong chính sách chính thức của Philippines về biển Đông, cho dù là có sự thay đổi nhân sự ở cấp cao.
Kính Hòa: Thưa ông, ông đánh giá thế nào việc Mỹ đang làm ở biển Đông và sắp tới?
Trong giai đoạn ông Aquino, có thể nói quan hệ Philippines Trung Quốc có những căng thẳng rất là lớn. <br/> - TS Lê Hồng Hiệp
TS Lê Hồng Hiệp: Chuyến tuần tra của Mỹ một hai hôm vừa rồi thì tôi nghĩ không có gì mới, không có gì bất ngờ, nó tạo nên sự định kỳ, và Trung Quốc sẽ quen với hành động ấy của Mỹ. Họ sẽ tức giận nhưng không thể làm gì được Mỹ, ngăn cản Mỹ thực hiện những hành động đó.
Tuy nhiên điều tôi băn khoăn là hiệu quả của những hành động này trên thực tế sẽ như thế nào.
Tôi nghĩ trong bối cảnh những đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây xong như một sự đã rồi, thì những chuyến tuần tra của Mỹ cũng đóng vai trò quan trọng trong việc thách thức tuyên bố chủ quyền quá đáng của Trung Quốc trên biển Đông, tuy nhiên tôi nghĩ nó không có nhiều tác động trên thực tế là Mỹ không thể đảo ngược được.
Điều Mỹ cần làm là ngăn cản Trung Quốc tạo ra thêm những sự đã rồi mới trên biển Đông, khu vực Trường Sa.
Mỹ cần mở rộng những chuyến tuần tra của mình, đặc biệt là kết hợp với các nước khác như Philippines, nhất là khu vực xung quanh bãi Hoàng Nham. Những biện pháp chủ động hơn để ngăn cản Trung Quốc chiếm thế thượng phong trên biển Đông.
Kính Hòa: Xin cám ơn ông.