Băn khoăn chia sẻ tài nguyên Trường Sa

Nam Nguyên, phóng viên RFA
2016.07.19
001_BM4ZH-622.jpg Bản đồ vùng tranh chấp trên Biển Đông.
AFP

Vì sao Việt Nam chậm ra tuyên bố về phán quyết?

Việt Nam nhanh chóng hoan nghênh phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực The Hague về vụ Philippines kiện Trung Quốc liên quan đến Biển Đông, tuy vậy vấn đề gì làm cho Việt Nam chậm ra tuyên bố về nội dung phán quyết.

Mặc dù không phải là một bên trong vụ kiện Biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc, nhưng Việt Nam có thể có nhiều thuận lợi cũng như một số bất lợi về điều gọi là tiền đề pháp lý trong tranh chấp Biển Đông.

Vị thế pháp lý của Việt Nam ở Biển Đông được củng cố sau phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực The Hague là điều khá rõ ràng. Cho dù Trung Quốc lớn giọng không công nhận, không thi hành phán quyết ngày 12/7/2016 của Tòa. Tuy vậy, bên cạnh những ảnh hưởng tốt Việt Nam vẫn có thể phải đối phó với một số khó khăn, theo ý kiến của nhà Nghiên cứu Biển Đông Hoàng Việt hiện sống và làm việc ở Sài Gòn:

Vấn đề là có một số bãi lúc chìm lúc nổi, nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines mà Việt Nam hiện nay đang nắm giữ…
-Hoàng Việt

“Việc Tòa phán quyết rằng một số bãi đá như đá Vành Khăn là bãi lúc chìm lúc nổi thì nó không có vùng biển kèm theo. Vì nó nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, cho nên việc Trung Quốc xây dựng như thế là hành động xây dựng trái phép và nó vi phạm quyền chủ quyền của Philippines trên vùng đặc quyền kinh tế của Philippines. Thế thì vấn đề là có một số bãi lúc chìm lúc nổi tương tự như vậy, nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines mà Việt Nam hiện nay đang nắm giữ…”

Theo Học giả Hoàng Việt, dù phán quyết của Tòa chỉ có hiệu lực với hai bên là Trung Quốc và Philippines nhưng rõ ràng nó tạo ra tiền lệ. Giả sử Philippines kiện Việt Nam về vấn đề liên quan thì có lẽ Việt Nam gặp bất lợi. Vẫn theo ông Hoàng Việt, sự kiện Chính phủ Việt Nam xem xét thận trọng, trước khi đưa ra Tuyên bố bảo vệ được quyền lợi của mình thì cũng là điều hợp lý và dễ hiểu.

Việt Nam chịu bất lợi trong tương lai?

Hai nội dung quan trọng trong phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực The Hague, thứ nhất là Trung Quốc không có chủ quyền lịch sử ở Biển Đông mà Bắc kinh gọi là Biển Hoa Nam, không có cơ sở pháp lý để đòi quyền lịch sử đối với những nguồn tài nguyên nằm trong khu vực thường được gọi là đường chủ quyền 9 đoạn, hoặc đường lưỡi bò mà Bắc Kinh vẽ ra để áp đặt chủ quyền. Việt Nam và tất cả các nước có công bố chủ quyền từng phần trên Biển Đông, như Philippines, Malaysia, Indonesia, Brunei từ trước đến nay đều bác bỏ đường chủ quyền 9 đoạn mà Trung Quốc áp đặt chiếm hầu hết diện tích Biển Đông.

Tòa Trọng tài Thường trực The Hague trong buổi lễ kỷ niệm 70 năm ngày thành lập hôm 20/4/2016. AFP PHOTO.
Tòa Trọng tài Thường trực The Hague trong buổi lễ kỷ niệm 70 năm ngày thành lập hôm 20/4/2016. AFP PHOTO.

Điểm thứ hai, phán quyết nói rằng toàn bộ Trường Sa không có vùng đặc quyền kinh tế EEZ 200 hải lý. Theo đó tòa giải thích, các cấu trúc đang có sự tranh chấp trong toàn vùng Trường Sa, bản thân là dạng tự nhiên không có khả năng nuôi dưỡng con người và đời sống kinh tế, cho nên tối đa chỉ có được 12 hải lý chủ quyền lãnh hải. Điều này có thể hiểu là bên ngoài phạm vi 12 hải lý đó là vùng biển quốc tế. Có những ý kiến lo ngại sự giải thích này của Tòa Trọng tài Thường trực, sẽ khiến Việt Nam chịu bất lợi đối với các tranh chấp trong tương lai.

Trao đổi với chúng tôi vào tối ngày 18/7/2016, TS Trần Công Trục nguyên Trưởng Ban biên giới của Chính phủ Việt Nam nhận định:

“…Đừng có suy diễn bởi vì vừa rồi Tòa phán quyết liên quan đến việc áp dụng Công ước, còn chuyện chủ quyền đối với thực thể này như thế nào, chuyện xác minh vùng biển đó của ai thì Tòa không có thẩm quyền. Cho nên họ chỉ xác định cho chúng ta biết rằng, đường lưỡi bò Trung Quốc yệu cầu có quyền lịch sử đối với những tài nguyên trong phạm vi đường lưỡi bò là không được, họ bác bỏ cái đó. Thứ hai họ xác định các thực thể ở đây, cho dù nó ở đâu cũng không có giá trị để xác định vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý và những đảo nổi, hoàn toàn theo điều 121 (Công ước Luật Biển) thì chỉ có 12 hải lý thôi. Tôi cho rằng các thẩm phán đã giữ được công lý và bảo vệ được sự đúng đắn của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển. Như vậy Việt Nam chả có gì để băn khoăn chuyện này cả, còn vấn đề chủ quyền phân định xem vùng biển này của ai thì còn là một câu chuyện khác và các bên liên quan cần phải giải quyết vấn đề này, chứ không phải ngay phiên Tòa này có thể làm được điều đó…”

Đáp câu hỏi của chúng tôi, là theo giải thích Công ước Luật Biển 1982 thì toàn thể vùng biển Trường Sa không có vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý, điều này có nghĩa Việt Nam cũng như các quốc gia khác cùng nhau chia sẻ lợi ích tài nguyên. TS Trần Công Trục nhận định:

Việt Nam chả có gì để băn khoăn chuyện này cả, còn vấn đề chủ quyền phân định xem vùng biển này của ai thì còn là một câu chuyện khác và các bên liên quan cần phải giải quyết vấn đề này, chứ không phải ngay phiên Tòa này có thể làm được điều đó…
-TS Trần Công Trục

“Của tất cả mọi người, tất cả các nước trong khu vực kể cả quốc tế, nó là vùng biển nằm ngoài phạm vi chủ quyền của quốc gia có chủ quyền một thực thể… Đó là điều quốc tế cần phải tính… Tôi nghĩ đó là điều hợp lý …vì cái quyền và lợi ích của anh nó phải xuất phát từ cơ sở nào, không thể tự anh chủ quan đặt ra anh muốn là được, phải có luật pháp để xử lý…Quyền và lợi ích không hợp pháp mà chủ quan đặt ra thì rõ ràng không bao giờ giải quyết được tranh chấp…”

Việt Nam luôn khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Hoàng Sa đã bị Trung Quốc chiếm vào năm 1974 sau trận hải chiến với Hải quân Việt Nam Cộng Hòa. Hà Nội cũng gặp bất lợi vì Bắc Kinh giải thích công hàm Phạm Văn Đồng 1958 cho rằng Việt Nam nhìn nhận chủ quyền Trung Quốc đối với Hoàng Sa. Tại Trường Sa vào năm 1988 Hải quân Trung Quốc đã hiếm đóng trái phép một số đảo và đá thuộc chủ quyền Việt Nam trong đó có đá Gạc Ma, hải quân Trung Quốc đã sát hại 64 bộ đội công binh Việt Nam và chiếm bãi đá này cho tới nay.

Theo tài liệu không chính thức, trên toàn vùng biển Trường Sa rộng 160.000 km2 có khoảng hơn 100 thực thể địa lý, tùy theo cách nhìn nhận có cấu trúc được gọi là đảo hoặc đá, bãi san hô. Hiện nay Việt Nam trấn giữ 26 đảo hoặc đá gọi chung là thực thể, Philippines 8, Đài Loan 1 và Malaysia 3 thực thể. Riêng Trung Quốc chiếm giữ 10 thực thể và đã bồi đắp 7 đảo nhân tạo, mở rộng diện tích khoảng 13 cây số vuông. Trong đó Trung Quốc đã xây dựng phi đạo tại các đảo nhân tạo Thị Tứ, Vành Khăn và Chữ Thập.

Theo Học giả Hoàng Việt, phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực The Hague mở ra một hướng mới cho các nước có tranh chấp trên Biển Đông. Còn TS Trần Công Trục thì nhấn mạnh rằng, Việt Nam cố gắng dùng biện pháp hòa bình để giải quyết tranh chấp trên Biển Đông. Nhưng theo lời ông nếu đàm phán mãi mà không có kết quả, thì đương nhiên Việt Nam cần phải tính đến chuyện nhờ cơ quan tài phán quốc tế phân xử.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.