Vào ‘biên chế’ để ổn định cuộc sống đã lỗi thời?

RFA
2017.10.20
bien_che Công nhân khi tan ca. (Minh họa)
RFA

Tại Việt Nam lâu nay có quan niệm cần vào biên chế Nhà nước để cuộc sống được ổn định. Tuy nhiên thực tế hiện nay khiến quan niệm đó thay đổi.

Đâu là con đường cho sự "ổn định"?

Thời gian gần đây, cộng đồng mạng xã hội tại Việt Nam xôn xao bàn tán về chuyện một thủ khoa tốt nghiệp Đại học sư phạm Hà Nội 2 không xin được việc làm mà ở nhà chăn lợn, làm nông. Đó là câu chuyện của cô Bùi Thị Hà, tại Hà Giang. Suốt hơn một năm sau khi tốt nghiệp với mong muốn được làm giáo viên dạy văn tại trường công lập trong tỉnh, nhưng chờ mãi vẫn chưa có đợt tuyển công chức. Cuối cùng cô quyết định ở nhà nuôi lợn, và chăn nuôi.

Câu chuyện của Bùi Thị Hà là một câu chuyện cá biệt, nhưng trong xã hội Việt Nam mong muốn được “vào biên chế” của nhà nước là phổ biến. Nhiều người nghĩ rằng làm việc trong khu vực nhà nước là “ổn định” về mức lương, chế độ hưu trí, bảo hiểm được bảo đảm. Nhiều gia đình còn phải “chạy” để con em của họ vào làm việc trong các cơ quan, đơn vị sự nghiệp của nhà nước.

Bạn Nguyễn Trường Sơn cho rằng, việc tìm kiếm sự “ổn định” trong nghề nghiệp là một nhu cầu chính đáng, đặc biệt với người có gia đình. Tuy nhiên, sự ổn định đó không nhất thiết phải vào biên chế, làm trong cơ quan, đơn vị của nhà nước mới có được.

Đối với bối cảnh xã hội Việt Nam hiện tại thì trong lĩnh vực tư nhân, rất nhiều công tý, xí nghiệp họ cũng cung cấp bảo hiểm, rất nhiều phúc lợi, thậm chí còn tốt hơn cả nhà nước.”

Chia sẻ quan điểm với Trường Sơn, bạn Minh Hiển – một người đã lập gia đình, có con nhỏ cho rằng, để có được sự “ổn định” trong cuộc sống, thì người trẻ cần phải chuẩn bị trước cho sự bất ổn. Họ cần linh hoạt, chủ động ứng phó với mọi hoàn cảnh, môi trường trong cuộc sống, thay vì đặt kỳ vọng vào biên chế trong cơ quan nhà nước.

Tôi cho rằng, từ ngày trước, chúng ta vẫn luôn tư duy nhà nước là đầu tàu về kinh tế. Mà đầu tàu thì ta mặc nhiên gán cho nó là sự ổn định. Vậy thực tế nó có còn phù hợp với bối cảnh hiện nay hay không, thì cứ nhìn vào tình hình làm ăn của các công ty, tập đoàn nhà nước thì chúng ta sẽ rõ. Đấy là câu trả lời rõ nhất.”

Trong mô hình kinh tế theo định hướng xã hội chủ nghĩa như hiện nay, khu vực nhà nước được xem là chủ đạo, do đó, tư duy phải xin vào làm việc trong cơ quan, doanh nghiệp nhà nước trở thành “thâm căn, cố đế” đối với nhiều thế hệ người Việt trong nước.

Đất nước chúng ta mới chỉ có thực sự cho phép nền kinh tế tư nhân mới phát triển gần đây thôi. Còn suốt hàng mấy thập kỷ nay nhà nước độc quyền toàn bộ trong đời sống của xã hội. Cho nên, trải qua một vài thế hệ sống trong bối cảnh nhà nước kiểm soát toàn bộ như vậy thì việc người dân có suy nghĩ phải làm cho nhà nước mới là ổn định, thì là điều dễ hiểu thôi, không gì khó hiểu cả”.

chúng ta vẫn luôn tư duy nhà nước là đầu tàu về kinh tế. Mà đầu tàu thì ta mặc nhiên gán cho nó là sự ổn định. Vậy thực tế nó có còn phù hợp với bối cảnh hiện nay hay không?
- Minh Hiền

Bên cạnh đó, theo bạn Minh Hiển, tư duy mong muốn sự “ổn định” trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nhà nước còn xuất phát từ nền giáo dục “cứng nhắc, áp đặt” khiến cho người học không được trang bị những kỹ năng thích ứng trong môi trường sống và làm việc, nên sinh ra tâm lý kỳ vọng vào sự “an phận” trong môi trường được cho là ổn định.

Tôi ngờ rằng triết lý sống của người Việt Nam luôn quá đề cao khuôn khổ và trật tự. Những cá nhân mà khác biệt thường phải gánh chịu những ánh nhìn rất khắc nghiệt, thậm chí là bị trừng phạt từ cộng đồng. Trải qua nhiều thế hệ nối tiếp nhau thì động lực về đổi mới, sáng tạo bị sói mòn đi, dẫn tới tư duy thích sự ổn định ngày càng chiếm ưu thế.”

Cả Trường Sơn và Minh Hiển đều cho rằng, quan niệm phải làm trong khu vực nhà nước mới được gọi là “ổn định” đã không còn phù hợp trong xã hội hiện đại và bộc lộ ra nhiều điểm tiêu cực.

Bởi vì thử tưởng tượng, trong một xã hội mà bất cứ bạn trẻ nào cũng chỉ mong muốn làm trong một cơ quan chính quyền, thì rất là khó cho các ngành nghề khác trong xã hội có thể phát triển được. Ngoài ra, nếu mà như vậy, nó sẽ gây ra một tệ nạn là bộ máy nhà nước rất cồng kềnh, ngân sách nhà nước phải chi trả quá nhiều cho việc trả lương công chức, như vậy không còn đủ để triển khai các dự án khác có ích hơn cho xã hội.”

Tuy nhiên, để thay đổi quan niệm và tư duy “ổn định” trong khu vực nhà nước đã “ăn sâu, bám rễ” trong một bộ phận không nhỏ người Việt qua nhiều thế hệ không phải là điều dễ dàng thực hiện một sớm một chiều.

Tôi nghĩ rằng, chúng ta sẽ mất thời gian và phương cách đó là nền kinh tế tư nhân sẽ cần phải được chú trọng, đẩy mạnh phát triển hơn nữa. Ngoài ra, những biện pháp của nhà nước trong vấn đề bảo đảm an sinh xã hội, dịch vụ công của nhà nước phải thực sự được chú trọng, đầu tư nhiều hơn để người dân cảm thấy rằng, không nhất thiết phải làm cho nhà nước thì họ vẫn có thể được bảo đảm được tiếp cận với những dịch vụ công như vậy.”

Trên thực tế, mức thu nhập của khu vực kinh tế ngoài quốc doanh ngày càng được nâng lên, người lao động trong khu vực này được bảo đảm quyền lợi về an sinh, hưu trí thông qua việc doanh nghiệp và người lao động cùng đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.