Bô-xít là “chuyện đã rồi?”

Các dự án khai thác bô-xít tại Việt Nam, đặc biệt là tại Tây Nguyên, đang đặt ra nhu cầu phản biện từ nhiều giới, nhất là giới khoa học, kinh tế và văn hoá.

0:00 / 0:00

Trong khi ấy, dư luận cũng đặt câu hỏi về vai trò của Quốc Hội trong tiến trình phản biện này, nếu có. Sử gia, đại biểu Quốc Hội, Dương Trung Quốc đã từng cho rằng những dự án lớn và quan trọng thì cần phải tôn trọng ý kiến của mọi người và cần đưa ra Quốc Hội. Thiện Giao phỏng vấn với sử gia Dương Trung Quốc.

Vấn đề lớn

Thiện Giao: Kính chào ông Dương Trung Quốc. Dư luận đang quan tâm đến các dự án bô xít. Được biết là lãnh đạo Đảng và Nhà Nước đã ký kết với nước ngoài, như Trung Quốc và Nga. Bô xít có bao giờ được bàn thảo trước Quốc Hội?

Dương Trung Quốc: Chính tại kỳ họp thứ tư vừa rồi, khi chất vấn ông Bộ Trưởng Tài Nguyên Môi Trường, tôi có đề cập đến bô xít trong toàn cảnh khai thác các khoáng sản khác. Tôi cũng đặt ra là nên nêu vấn đề này trước Quốc Hội, vì đây là vấn đề lớn.

Trước khi tôi phát biểu, đại biểu lãnh đạo tỉnh Đắc Nông có phê phán báo Tuổi Trẻ đăng bài bình luận không ủng hộ khai thác bô xít. Tôi có nói rằng, vấn đề quan trọng như thế thì cần tôn trọng ý kiến mọi người, và phải mang ra Quốc Hội thảo luận.

Đây đã trở thành quốc sách của Đảng và Nhà Nước, tương tự vấn đề mở rộng Hà Nội. Chắc chắn, khi đề án được đưa ra Quốc Hội, thì cũng dễ rơi vào "chuyện đã rồi".

Ô. Dương Trung Quốc<br/>

Câu trả lời của ông Bộ Trưởng Bộ Tài Nguyên Môi Trường không đề cập đến điều tôi đề nghị, nhưng cũng nói là rất quan tâm đến yếu tố bảo vệ môi trường và tin rằng có giải pháp tốt. Điều này phù hợp với ý kiến của ông Thủ Tướng vừa rồi, nhất là sau khi có bức thư của đại tướng Võ Nguyên Giáp về đề tài này.

Tôi nghĩ rằng, những công trình lớn, qui mô về nguồn vốn, đặc biệt là vị thế quan trọng của Tây Nguyên cũng như ảnh hưởng của môi trường mà tại Việt Nam đang lãnh đủ hậu quả trong quá trình phát triển vừa rồi, thì đưa ra Quốc Hội là điều xác đáng.

Chỉ có điều, là đây đã trở thành quốc sách của Đảng và Nhà Nước, tương tự vấn đề mở rộng Hà Nội. Chắc chắn, khi đề án được đưa ra Quốc Hội, thì cũng dễ rơi vào “chuyện đã rồi,” nhất là ở đây có yếu tố cam kết quốc tế.

Thiện Giao: Vấn đề cam kết quốc tế khiến chuyện này "xong rồi" Liệu có cơ chế phủ định không nếu Quốc Hội thảo luận và thấy rằng cần phải ngưng?

Dương Trung Quốc: Tôi nghĩ là chưa có trường hợp nào. Và theo trải nghiệm của tôi tại Quốc Hội, tôi cũng thấy chưa có. Tôi cũng chờ đợi ý kiến, như thủ tướng có nói, trong thời gian tới, sẽ có những hình thức tập hợp ý kiến phản biện của các chuyên gia. Điều này tôi nghĩ là trước đây chưa làm.

Ai cũng nhớ rằng, đã có 1 cuộc hội thảo tại Đắc Nông vào thời điểm triển khai dự án này. Hội thảo này do chính cơ quan thực hiện, là ngành khoáng sản, tổ chức. Tại hội thảo này, các tiếng nói của giới khoa học nghiên về các bức xúc liên quan đến việc có nên làm hay không.

Tôi hy vọng điều Thủ Tướng đưa ra, là sẽ có hội thảo trao đổi. Có lẽ cũng phải qua những ý kiến tập hợp lại mới có cơ sở quyết định nên hay không nên thay đổi.

Chuyện đã rồi?

Thiện Giao: Có 1 câu hỏi không được đúng chỗ cho lắm, nhưng sẵn ông nhắc đến thì chúng tôi xin được hỏi. Đó là Việt Nam đã ký các cam kết quốc tế, chẳng hạn Tổng Bí Thư Nông Đức Mạnh ký với Trung Quốc. Nay đã ký rồi thì Thủ Tướng lại đặt ra nhu cầu phản biện?

Dương Trung Quốc: Đáng lẽ ông cần hỏi ông Thủ Tướng chứ không phải hỏi tôi. Đây là thực trạng của đất nước, và tôi cho rằng đây là bài học để sau này thay đổi dần cách làm.

boxit2-250.jpg
Các hồ chứa nước ở Tây Nguyên sẽ bị biến thành nơi chứa bùn đỏ. Photo courtesy of TuanVietnam (Photo courtesy of TuanVietnam)

Thiện Giao: Ông quan tâm như thế nào về vấn đề văn hoá Tây Nguyên? Và liệu rồi Quốc Hội vào tháng Năm tới sẽ thảo luận về điều này?

Dương Trung Quốc: Quốc Hội họp theo chương trình của Uỷ Ban Thường Vụ cân nhắc, đưa ra để các đại biểu cho ý kiến. Tôi chưa biết là có đưa trực tiếp những vấn đề này không, nhưng tôi nghĩ là có nhiều cách tiếp cận vấn đề.

Tôi nghĩ là phải lắng nghe 2 chiều thì mới có thể có sự đồng thuận cuối cùng mặc dầu biết trước đây là vấn đề có những khó khăn của nó.

Ô. Dương Trung Quốc<br/>

Các đại biểu Quốc Hội có những nhận thức khác nhau, về các vấn đề kinh tế, môi trường, văn hoá. Nhưng tôi nghĩ là ngược lại, chúng ta phải lắng nghe ý kiến phản biện từ những người đang được phản biện, tức là từ phía chính phủ và cơ quan đang thực hiện dự án này.

Tôi nghĩ là phải lắng nghe 2 chiều thì mới có thể có sự đồng thuận cuối cùng mặc dầu biết trước đây là vấn đề có những khó khăn của nó.

Thiện Giao: Đại biểu Nguyễn Lân Dũng có nói, là cả 2 phía ủng hộ và phản biện đều không có thông tin chính thức. Ông nghĩ gì về nhu cầu minh bạch thông tin?

Dương Trung Quốc: Tôi hoàn toàn cho rằng Việt Nam đang trong quá trình minh bạch hoá các hoạt động, trong đó có hoạt động của Quốc Hội. Đúng như anh Dũng nói, là chưa bao giờ có những trao đổi chính thức về vấn đề này.

Tôi lại hy vọng rằng điều Thủ Tướng nêu ra sẽ là cơ hội. Và chính hiệu quả của nó sẽ tạo ra hiệu ứng tiếp theo giúp cho sự phản biện đi vào nề nếp. Có thể nói chữ “phản biện” được nhiều người nhắc đến, và tôi hy vọng đây cũng là chiều hướng tích cực.