Biểu tình ở Hà Nội và Sài Gòn kêu gọi bảo vệ biển

Gia Minh, PGĐ Ban Việt ngữ
2016.05.01
000_A4698.jpg Người dân Hà Nội biểu tình chống tập đoàn Đài Loan Formosa ở trung tâm thành phố Hà Nội vào ngày 1 tháng 5 năm 2016.
AFP PHOTO

Tham gia đông đảo

Hàng ngàn người dân tại thủ đô Hà Nội và thành phố Sài Gòn hôm nay xuống đường biểu tình kêu gọi bảo vệ môi trường biển của Việt Nam mà vừa qua bị nhiễm độc khiến cá chết hằng loạt tấp vào bờ của các tỉnh miền Trung từ Hà Tĩnh, sang Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên- Huế và đến cả Đà Nẵng.

Tiếng đàn violon của nghệ sĩ đường phố Tạ Trí Hải kéo bài ‘Dậy Mà Đi’ khi cùng tham gia biểu tình ở Hà Nội lúc khoảng hơn 10h30 sáng nay khi đoàn về lại tại khu vực trước Nhà hát Lớn.

Từ lúc 9 giờ bà con đã tuần hành 1 vòng quanh Hồ Hoàn Kiếm, sau đó mọi người đến tượng đài Lý Thái Tổ và bà con vừa tuần hành đến sảnh của Nhà Hát lớn...
- anh Trịnh Bá Phương

Anh Trịnh Bá Phương, một người tham gia trong đoàn biểu tình sáng hôm nay, ngày 1 tháng 5 năm 2016, tại Hà Nội cho biết vào lúc 10h30 sáng như sau:

“Từ lúc 9 giờ bà con đã tuần hành 1 vòng quanh Hồ Hoàn Kiếm, sau đó mọi người đến tượng đài Lý Thái Tổ và bà con vừa tuần hành đến sảnh của Nhà Hát lớn.

Lực lượng an ninh chìm/mật có tham gia đàn áp những cuộc biểu tình trước thì ngày hôm nay họ đều có mặt; tuy nhiên lượng người tham gia ngày biểu tình hôm nay rất đông nên họ không thể đàn áp được người dân.

Ước lượng khoảng hơn 1 ngàn người.”

Một người tham gia khác trong đoàn biểu tình sáng nay ở Hà Nội là chị Thảo Teresa mô tả hoạt động đó vào lúc 10h45:

“Hôm nay không chỉ những anh em đấu tranh mà cả những người dân trước đây thờ ơ cũng xuống đường. Hàng ngàn người xuống đường và bản thân tôi rất bất ngờ về tính thể hiện của họ. Những biểu ngữ hôm nay là ‘đả đảo Formosa’, ‘yêu cầu chính phủ phải minh bạch, không để chìm xuồng’… Đó là những phản biện rất rõ ràng đối với nhà cầm quyền.”

Tại Sài Gòn, sáng nay cũng diễn ra cuộc biểu tình kêu gọi bảo vệ môi trường sinh thái như ở Hà Nội. Linh mục Phê-rô Lê Xuân Lộc, một trong những người biểu tình kể lại sau khi từ cuộc biểu tình trở về:

“Sáng nay đúng hẹn theo lịch sẽ có biểu tình tại Công viên 30/4; trước 9 giờ tôi cùng một nhóm các bạn trẻ đến tập trung tại Nhà thờ Đức Bà. Còn các nhóm khác cũng tập trung gần đó. Sau đó 9 giờ, chúng tôi tiến ra ngay trước Công viên 30/4. Cuộc biểu tình mau chóng thu hút được vài ngàn người biểu tình kéo đến và hô vang các khẩu hiệu kêu gọi bảo vệ môi trường cũng như đuổi Formosa ra khỏi Việt Nam

Người dân Hà Nội biểu tình chống tập đoàn Đài Loan Formosa vào ngày 01 tháng 5 năm 2016. AFP PHOTO
Người dân Hà Nội biểu tình chống tập đoàn Đài Loan Formosa vào ngày 01 tháng 5 năm 2016. AFP PHOTO
AFP PHOTO

Biểu tình ở Công viên 30/4 được khoảng chừng 10 phút, rồi đoàn biểu tình đi quanh Nhà thờ Đức Bà, xuống đường Đồng Khởi, qua trước nhà hát Sài Gòn, đi qua phố đi bộ Nguyễn Huệ, kéo về đường Lê Lợi, sau đó đến công viên Quách Thị Trang và tập trung ở đó khoảng 15 phút; sau đó tiếp tục lên đường xuống Hàm Nghi. Rất đông công an được điều động đến đó để chặn đoàn biểu tình. Sau đó đoàn biểu tình tọa kháng ngay đường Hàm Nghi. Và có một vài trường hợp bị đánh đập, bị bắt bớ như một bạn quen của chúng tôi đang bị bắt ở ngoài đó và hiện tại chưa biết đang bị giữ ở đâu.

Sáng nay ở Dòng Chúa Cứu Thế cũng có bắt bớ khoảng 4- 5 người. Khi anh Thú, chị Nghiên, cô Tân, và 1 bạn nữa mà tôi không rõ tên đến hầm xe thì khoảng 20 anh ninh đã ập vào hầm xe bắt 4 người đó đi và hiện tại chúng tôi không biết họ đang bị giam giữ ở đâu.

Một số người đang tập trung tại Phòng Công lý ở đây chuẩn bị đi ‘tìm’ người!”

Ý thức cộng đồng

Theo đánh giá của nhiều người thì đợt biểu tình sáng hôm nay tại Hà Nội và Sài Gòn thu hút được đông đảo người dân tham gia hơn vì họ ý thức được vấn đề bức bách hiện nay đối với chính cuộc sống của họ.

Chị Thảo Teresa có nhận định:

“Những người dân bình thường xuống đường ủng hộ để đòi hỏi những quyền lợi sát sườn của nhân dân. Tình hình rất nặng nề vì nay đã lan đến Đà Nẵng…”

Linh mục Phê-rô Lê Xuân Lộc đưa ra một số nhận xét của ông về cuộc biểu tình sáng nay mà ông tham gia tại Sài Gòn:

“Lần này liên quan đến môi trường, đến sự sống, đến sự tồn vong của dân tộc nên tôi xuống đường. Có rất nhiều người trước đây họ chưa tham gia và hôm nay họ sẵn sàng tham gia. Hôm nay tôi gặp trực tiếp rất nhiều người, nhiều giáo dân. Biết tôi là linh mục họ đến chào thăm và tôi biết họ lần đầu tiên tham gia.

... người dân rất phẫn uất trước những hành vi cố tình ngăn trở cũng như tìm cách giật những biểu ngữ của người biểu tình.
- Linh mục Phê-rô Lê Xuân Lộc

Số lượng lần này đông hơn lần trước và thấy tinh thần của người dân bớt sợ, không còn sợ hãi nhất là khi thấy một lực lượng an ninh được huy động rất đông đến các góc, các ngã đường, và dân phòng; nhưng người dân vẫn túa ra đường.

Tôi thấy một sự đối lập giữa người dân và lực lượng công an khi người dân đi biểu tình và lực lượng công an đi hai bên dù là giữ gìn an ninh trật tự nhưng thấy người dân rất phẫn uất trước những hành vi cố tình ngăn trở cũng như tìm cách giật những biểu ngữ của người biểu tình.”

Ngăn chặn, câu lưu

Trong đoàn hàng ngàn người biểu tình tại Hà Nội và Sài Gòn trong sáng hôm nay thiếu vắng một số nhà hoạt động công khai vì quyền con người lâu nay. Lý do họ bị ngăn chặn không thể ra khỏi nhà như trường hợp hai vợ chồng ông Huỳnh Công Thuận và cô giáo Thanh Mai ở Sài Gòn. Ông Thuận trình bày:

“Hai đứa tôi vừa đi ra khỏi cửa thì họ chặn lại; giờ ở cửa cả chục người chặn. Đó là an ninh côn đồ, còn ngoài đường có một số bị bắt.”

Tại thành phố Đà Nẵng, có một nhóm nhỏ cố gắng tiến hành biểu tình nhưng đã bị ngăn chặn, có người tham gia bị đánh và có người bị mời về đồn công an làm việc.

Tại một số nơi khác như Cửa Lò hay ở Vinh hoạt động biểu tình bị lực lượng chức năng ngăn chặn ngay từ đầu.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.