Ai đang làm xấu hình ảnh Thủ đô ?

Gia Minh, biên tập viên RFA, Bangkok
2014.11.23
Bà con dân oan Dương Nội đã đến Bảo tàng Lịch sử quốc gia, phố 25 phố Tôn Đản, Hà Nội để xem triển lãm Cải cách ruộng đất. Bà con dân oan Dương Nội bị ngăn cản khi đến Bảo tàng Lịch sử quốc gia, phố 25 phố Tôn Đản, Hà Nội để xem triển lãm Cải cách ruộng đất.
Photo:FB Trịnh Bá Phương & Bạch Hồng Quyền

Người khiếu kiện khắp mọi tỉnh thành phải về đến tận các cơ quan trung ương của chính phủ và đảng ở Hà Nội để yêu cầu giải quyết cho trường hợp bị cho là oan ức của họ.

Do không được giải quyết thỏa đáng nên họ phải bám trụ tại thủ đô. Tuy nhiên cứ vào những dịp quan trọng như lễ lạc, quốc hội họp …, họ bị xua đổi, thậm chí đánh đập vì cho làm mất mỹ quan của thủ đô Hà Nội.

Gia Minh trình bày tình trạng của họ trong những ngày diễn ra kỳ họp thứ 8, quốc hội khóa 13 hiện nay.

Xua đuổi, đánh đập

Từ ngày 20 tháng 10 vừa qua, khi quốc hội bắt đầu khai mạc khóa họp thường kỳ thứ hai trong năm, những người dân oan có mặt tại Hà Nội lại phải chịu cảnh dồn ép đưa đi hay bị đánh đập.

Chị Nguyễn thị Thúy, một dân oan từ Đồng Linh Hải Phòng cho biết diễn biến một vụ càn quét dân oan trong những ngày cuối tháng 10 như sau:

Dân oan đi khiếu kiện lên Hà Nội này hầu như ai cũng bị bắt bớ, trong đó có tôi. Chúng tôi chỉ bị bắt đưa về Ngô thì Nhậm thôi chứ có anh Trần Văn Thông, đoàn Tây Ninh bị đánh đến trọng thương luôn. Anh này bị đưa về đồn Công an Quang Trung và bị đánh trọng thương. Hầu như ai trong đợt này cũng bị đánh do côn đồ.

Hôm ngày 22 khi chúng tôi ở chợ Phủ chủ tịch giăng biểu ngữ cũng đã bị công an ra giật khẩu hiệu và dùng lời lẽ nói “cho côn đồ đánh chết những bà khiếu kiện này đi’. Gia đình tôi có 6 người lớn và 4 trẻ nhỏ cũng bị ra giằng giật, cướp mày rồi cũng bị đánh đập. Lúc đó chúng tôi xác định đi ở cổng Phủ chủ tịch mà họ đối xử với dân oan bằng cách đánh thì mình phải tự vệ.

Hình ảnh trấn áp dân ngay tại Hà Nội (Blog Bùi Văn Bồng)
Hình ảnh trấn áp dân ngay tại Hà Nội (Blog Bùi Văn Bồng)

Hôm ngày 22 khi chúng tôi ở chợ Phủ chủ tịch giăng biểu ngữ cũng đã bị công an ra giật khẩu hiệu và dùng lời lẽ nói “cho côn đồ đánh chết những bà khiếu kiện này đi’. Gia đình tôi có 6 người lớn và 4 trẻ nhỏ cũng bị ra giằng giật, cướp mày rồi cũng bị đánh đập

Chị Nguyễn thị Thúy

Áo ‘phản cảm’

Do đơn thư không được ngó ngàng đến nên gần đây một số người dân viết lên áo mặc tóm tắt trường hợp khiếu kiện và yêu cầu của họ. Tuy nhiên khi vào các cơ quan công quyền, họ bị yêu cầu phải cởi bỏ những chiếc áo đó ra vì lý do được nói là phản cảm.

Một video clip được truyền tải trên mạng ghi lại cảnh một phụ nữ đến gặp các đại biểu quốc hội và bị yêu cầu cởi chiếc áo có ghi những nội dung khiếu kiện kêu oan với lý do phản cảm.

Nguyên nhân được nêu

Chị Phương Bích, một người dân Hà Nội, tham gia giúp đỡ những người dân oan cơ nhỡ, thiếu thốn, bệnh tật, lập luận cần phải tìm ra nguyên nhân khiến cho những người dân phải ‘dầm sương, giải nắng’, ngày này qua ngày khác đến tại các cơ quan công quyền trung ương để khiếu kiện như thế. Chị nói:

Xấu rồi, nhưng xấu do ai gây nên? Một thủ đô nói là hòa bình, dân chủ mà có những đoàn dân oan ‘mặc áo’ đi ròng rã hết ngày này qua ngày khác. Điều đó là rất xấu nhưng phải hỏi đó là gì và nguyên nhân gây ra cái đó là gì. Hỏi mà đã có câu trả lời rồi. Những phòng tiếp dân hay trụ sở tiếp dân của chính phủ hay quốc hội đi nữa chỉ là những nơi chuyển đơn mà họ không hề là những người giải quyết. Kể cả ông trưởng ban tiếp dân ở số 1 Ngô Thì Nhậm, quyền không ở trong tay ông ta. Khi tôi gặp ông ta tôi cũng nói thế: các ông không hề có quyền giải quyết.

Chị Nguyễn thị Thúy nói về cáo buộc cho rằng những người dân đi khiếu kiện làm xấu bộ mặt thủ đô như sau:

Xấu rồi, nhưng xấu do ai gây nên? Một thủ đô nói là hòa bình, dân chủ mà có những đoàn dân oan ‘mặc áo’ đi ròng rã hết ngày này qua ngày khác. Điều đó là rất xấu nhưng phải hỏi đó là gì và nguyên nhân gây ra cái đó là gì

Chị Phương Bích

Chúng tôi đi khiếu kiện là làm đúng chứ không làm xấu, đó là điều mà nhà cầm quyền vu khống cho chúng tôi. Đơn chúng tôi gửi thì đùn đẩy cho nhau không bao giờ nhận. Theo luật thì nếu không nhận, chúng tôi phải xuống đường biểu tình để cho họ nhận đơn. Chúng tôi đi đòi quyền lợi chính đáng của mình, chúng tôi là những người bị mất đất, mất nhà, bị đánh đập, bị đàn áp, mất quyền sống, quyền làm người. Chúng tôi sống không bằng chết nên chúng tôi đi đòi quyền của mình. Họ chuyên vu khống, ‘cỗ máy’ của họ đàn áp, nạt nộ dân chứ không bao giờ thấy được nỗi khổ của dân, họ đối xử với dân không bằng một con súc vật.

Ngày 8/10/2014, bà con dân oan Dương Nội cùng với người dân Văn Giang, Đồng Linh Hải Phòng và nhiều nơi khác trên cả nước đã biểu tình tại Ủy ban Trung Ương Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam, số 46 Tràng Thi, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội
Ngày 8/10/2014, bà con dân oan Dương Nội cùng với người dân Văn Giang, Đồng Linh Hải Phòng và nhiều nơi khác trên cả nước đã biểu tình tại Ủy ban Trung Ương Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam, số 46 Tràng Thi, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội
Dân Luận

Ngoài cáo buộc cho rằng những người dân đi khiếu kiện, mặc áo dân oan như thế làm nhếch nhác thủ đô, một số quan chức vừa qua khi nói về việc khiếu kiện của người dân còn cho rằng những người khiếu kiện lâu năm ở Hà Nội bị những ‘thế lực xấu’ kích động. Ngoài ra còn do những người dân tại Hà Nội cho gạo, mỳ tôm … hằng tháng cho họ nên việc khiếu kiện tiếp tục được.

Bản thân những người khiếu kiện đều bác bỏ những cáo buộc như thế và họ nói rõ việc nhận sự giúp đỡ từ những người khác vì tình đồng loại mà chia sẽ không có gì sai trái; nhất là khi sự giúp đỡ dành cho những người nông dân mất hết công cụ sản xuất là đất đai, không còn phương kế sinh nhai nào khác.

Tôi nói với bà con dân oan trước mặt công an, an ninh chụp ảnh như thế: bà con hãy cố lên chỉ có chế độ mới người ta mới giải quyết cho bà con thôi, mấy chục năm bà con ra đây rồi mà không ai giải quyết cho bà con cả!

Chị Phương Bich

Bế tắc

Một người nông dân ở Thanh Oai, Hà Nội cho biết vụ việc lấy đất bất công ở xã người này đã được trình đến các cơ quan trung ương, nhưng rồi chính cán bộ tiếp dân cho thấy có sự bao che rõ ràng. Ông này cho biết:

Thực tế tôi thấy chính quyền (cấp dưới) có sự bưng bịt là do cấp trên. Tôi từng tham gia đi nộp đơn tại ngoài cơ quan trung ương  chính phủ. Tôi nói với những người nhận đơn nếu không trực tiếp ‘ra tay’ thì đến lúc phía dân đổ máu mới nhận sao; chứ gạt bỏ và cách tiếp dân như thế này là bao che cho cấp dưới. Chính bà Nguyễn thị Nhiên, phó thanh tra chính phủ, khi dân ra kêu gào có gọi về chủ tịch huyện nhưng chủ tịch huyện không ra để đối chất, sau đó gọi thanh tra huyện lên, nhưng từ tháng tư đến nay vẫn chưa đi đến đâu, vẫn chưa trả lời dân.

Chị Phương Bich thì nói đến một giải pháp rốt ráo cho vấn đề khiếu kiện của nhiều dân oan khắp nơi tại Việt Nam như sau:

Tôi cảm thấy bất lực, tôi nói với những người khiếu kiện ở Hà Nội hãy cầm hơi để chờ đến ngày một chế độ mới; chứ như thế này thì không bao giờ giải quyết được. Tôi nói với bà con dân oan trước mặt công an, an ninh chụp ảnh như thế:  bà con hãy cố lên chỉ có chế độ mới người ta mới giải quyết cho bà con thôi, mấy chục năm bà con ra đây rồi mà không ai giải quyết cho bà con cả!

Cách thức mà chị Phương Bích vừa nêu ra chắc hẳn sẽ bị cho là âm mưu lật độ chính quyền như nhiều người từng bị kết tội khi mà cho rằng cần phải thay đổi thể chế hiện nay vì không còn khả năng điều hành đất nước, mang lại cơm no- áo ấm, cuộc sống ổn định cho người dân.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.