Thông báo này được đưa ra vào lúc các tranh chấp trong khu vực đang trở nên căng thẳng thời gian gần đây. Các cọc này được đóng ở đây nhằm mục đích gì? Liệu hành động nhổ cọc của Philippine có tạo thêm căng thẳng cho vấn đề biển Đông?
Không phải lần đầu
Trong khi những căng thẳng trên biển Đông chưa có dấu hiệu dịu bớt thì vào hôm 15 tháng 6, Philippines cho biết vào tháng 5 vừa qua hải quân nước này đã nhổ một số cọc lạ tại các bãi đá ngầm trong khu vực tranh chấp.
Phát ngôn viên Hải quân nước này, thiếu tá Omar Tonsay, nói với báo giới là các cọc gỗ này được gọi là cọc lạ vì không có dấu hiệu hay chữ đề thuộc nước nào, và Philippine cũng không dựng các cọc này.
Giáo sư môn quan hệ quốc tế thuộc trường đại De La Salle, Philippine, ông Renato Cruz De Castro cho biết thực ra việc nhổ các cọc gỗ này không phải là mới. Ông nói:
"Những cọc này có thể đã được dựng ở đây khoảng 2 năm trước. Philippine cũng đã nhổ những cọc từ giữa những năm 1990 cho nên có thể là những cọc này đã có ở đó một thời gian. Hải quân Philippine nhổ các cọc này từ năm 1990 vì quan niệm rằng các cọc này có nghĩa là xác nhận chủ quyền. Mục đích nhổ cọc là để ngăn chặn bất cứ việc xây dựng có thể trong tương lai tại khu vực tranh chấp đó."
Trước đó, tại diễn đàn đối thoại Shangri La ở Singapore vào đầu tháng 6, Bộ trưởng Quốc phòng Philippine Voltaire Gazmin cho biết Philippine đã phát hiện một tàu hải giám của Trung Quốc đổ vật liệu xây dựng và thả phao ở vùng gần Amy Douglas Bank phía tây nam bãi Cỏ Rong thuộc đặc quyền kinh tế của Philippines.
Giáo sư Castro cho biết việc đổ vật liệu xây dựng này có thể báo hiệu là sẽ có xây dựng trong tương lai:
Hải quân Philippine nhổ các cọc này từ năm 1990 vì quan niệm rằng các cọc này có nghĩa là xác nhận chủ quyền. Mục đích nhổ cọc là để ngăn chặn bất cứ việc xây dựng có thể trong tương lai tại khu vực tranh chấp đó.
Giáo sư Castro
"Những gì mà hải quân Philippine nhìn thấy là những cái tàu chở theo vật liệu đến nhưng không thấy xây dựng. Nhưng những gì mà chúng tôi quan sát cho thấy là việc xây dựng có thể sẽ được bắt đầu."
Tiến sĩ Ian Storey thuộc viện nghiên cứu Đông Nam Á nhận xét nếu đúng là có việc xây dựng hay đổ cọc tại các khu vực đang tranh chấp thì đây là hành động vi phạm tuyên bố của các bên về ứng xử trên biển Đông nghiêm trọng nhất từ trước tới nay:
"Tuyên bố chung của các bên về ứng xử trên biển Đông hồi năm 2002 chỉ rõ là cấm các bên chiếm đóng các đảo và bãi chưa chiếm đóng. Từ năm 2002, tất cả các bên đều tuân thủ điều này. Nhưng nếu đúng là Trung Quốc đã đổ vật liệu và có dự định xây dựng trên đó thì cho đến giờ đó là hành động vi phạm DOC nghiêm trọng nhất kể từ năm 2002."
Gia tăng căng thẳng?
Việc nhổ các cọc lạ của hải quân Philippine được thông báo vào lúc này theo giáo sư Castro có thể sẽ làm những nước đã cắm các cọc này không hài lòng:
"Có thể những nước đã cắm các cọc ở đó sẽ không thoải mái khi biết các cọc đã bị nhổ đi. Tôi không biết là liệu việc này có làm tăng thêm căng thẳng hay không nhưng đây đã là chính sách của hải quân Philippine kể từ những năm 1990."

Căng thẳng trong khu vực biển Đông đã gia tăng trong thời gian gần đây sau một loạt các sự kiện liên quan đến những đụng độ giữa tàu hải giám Trung Quốc và các tàu thăm dò của Philippines và Việt Nam.
Vào tháng 3 năm nay, tàu hải giám Trung Quốc đã xua đuổi một tàu thăm dò của Philippine tại gần khu vực quần đảo Trường Sa. Tiếp theo đó, vào ngày 26 tháng 5 và 9 tháng 6, tàu hải giám Trung Quốc đã cắt cáp của hai tàu thăm dò khác của Việt Nam.
Cả Philippine và Việt Nam đều đã lên tiếng phản đối các hành động này của Trung Quốc. Việt Nam còn yêu cầu Trung Quốc bồi thường. Phía Trung Quốc thì nói rằng tàu Trung Quốc chỉ làm việc bảo vệ chủ quyền của mình.
Tổng thống Philippine, Benigno Aquino hôm 14 tháng 6 đã lên tiếng kêu gọi sự giúp đỡ từ một đồng mình lâu năm của mình là Mỹ để giải quyết tranh chấp với Trung Quốc.
Tổng thống Aquino nói rằng lực lượng quốc phòng của Philippine còn quá yếu để có thể đối đầu với Trung Quốc. Sự có mặt của Mỹ sẽ đảm bảo quyền tự do đi lại trong khu vực cho các bên và theo đúng luật quốc tế.
Trong cùng ngày, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi cảnh báo các nước không liên quan đứng ngoài những tranh chấp về chủ quyền trên biển Đông.
Thượng nghị sĩ Jim Webb trong buổi nói chuyện về an ninh khu vực Đông Á Thái Bình Dương hôm 13 tháng 6 tại Washington cho rằng phản ứng của Hoa Kỳ trước căng thẳng trên biển Đông là quá yếu và Mỹ cần phải có những tham gia tích cực hơn nữa. Ông nói:
Tôi không biết là liệu việc này có làm tăng thêm căng thẳng hay không nhưng đây đã là chính sách của hải quân Philippine kể từ những năm 1990.
Giáo sư Castro
"Tôi nghĩ chính phủ đã có những phản ứng quá yếu trước vấn đề này khi chúng ta nói là chúng ta không đứng về bên nào trong vấn đề chủ quyền. Không đứng về bên nào có nghĩa là chúng ta đã tỏ rõ lập trường rồi. Chúng ta nên làm việc trong một diễn đàn đa phương để giải quyết vấn đề. Đây không chỉ là vấn đề chủ quyền mà còn nhiều tương lai kinh tế ở đó. Vì vậy chúng ta cần phải tham gia như là môt lực lượng cân bằng để đưa vấn đề này ra thảo luận. Việc Mỹ đứng lên cho thấy khả năng lãnh đạo của mình để đưa vấn đề ra bàn thảo là hết sức quan trọng."
Thượng nghị sĩ Jim Webb cũng cho rằng đã đến lúc Hoa Kỳ phải gửi ra những tín hiệu rõ ràng hơn với Trung Quốc bởi các hành động gần đây của Trung Quốc trên biển Đông là không hợp lý.
Trong khi đó, cũng vào ngày 13 tháng 6 vừa qua, hải quân Việt Nam đã diễn tập bắn đạn thật ở bờ biển miền Trung Việt Nam. Còn Bắc Kinh thì trước đó đã tuyên bố là sẽ tiến hành các cuộc tập trận hải quân tại biển Đông vào cuối tháng này. Cả Việt Nam và Trung Quốc đều nói rằng đây là các cuộc tập trận theo lịch trình thường niên của hai nước này.