“Play game” của thị trường xe hơi Việt Nam sau hiệp định TPP

Cát Linh, phóng viên RFA
2015.10.13
Triển lãm xe hơi nhập khẩu tại Hà Nội, cô mẫu đứng cạnh  chiếc Renault's sedan Latitude Triển lãm xe hơi nhập khẩu tại Hà Nội, cô mẫu đứng cạnh chiếc Renault's sedan Latitude
AFP

Hiệp định Thương mại xuyên Thái Bình Dương, gọi tắt là TPP đàm phán thành công với 12 quốc gia thành viên, trong đó có Việt Nam, mở ra những lợi ích tăng trưởng GDP và tăng xuất khẩu. Đặc biệt, với người tiêu dùng, khi hàng rào thuế quan được gỡ bỏ, họ sẽ được sở hữu những hàng hoá, dịch vụ với giá rẻ hơn trước đây. Thế nhưng, với thị trường xe hơi ở Việt Nam, điều này có được áp dụng hay không?

Cát Linh tìm hiểu vấn đề cùng với hai nhà phân phối xe hơi BMW và Toyota ở Việt Nam.

Khó khăn

Trong những bài phóng sự trước, Đài Á Châu Tự Do có đề cập rằng TPP là một sân chơi bình đẳng cho các quốc gia thành viên sau khi đạt được sự đồng thuận về tỉ lệ sản xuất nội khối để miễn thuế nhập khẩu. Các doanh nghiệp nếu không đạt được đúng tỷ trọng đó thì sẽ không được hưởng thuế suất là 0%.

Theo như thế thì với thị trường xe ô tô ở Việt Nam, TPP hầu như chỉ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp sản xuất xe hơi trong nước, chứ không tác động nhiều đến các đơn vị nhập khẩu.

Trong một email trả lời phỏng vấn của Đài Á Châu Tự Do, bà Lan Hương, Tổng giám đốc  công ty TNHH Toyota Phú Mỹ Hưng, đại lý chính thức của Toyota Việt Nam TMV cho biết rằng, theo bà thì một trong những khó khăn của thị trường xe hơi nhập khẩu nguyên chiếc, gọi tắt là CBU, sẽ bị tính lại thuế tiêu thụ đặc biệt:

“Xe CBU sẽ bị tính lại thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB), cụ thể là giá hiện nay chỉ tính trên giá CIF cộng với thuế nhập khẩu. Sau đó thì tính thuế TTĐB. Cách tính mới trước khi lộ trình về 0 là giá CIF cộng với thuế nhập khẩu, chi phí vận chuyển, chi phí quảng cáo, lợi nhuận… rồi mới tính thuế TTĐB.”

Người tiêu dùng hiện nay dễ bị nhầm tưởng là khi ký TPP thì sau đó tất cả các xe nhập khẩu đều rẻ hơn hiện tại rất nhiều. Tuy nhiên nhầm lẫn ở đây là nhà nước có thể dùng công cụ là thuế TTĐB để điều tiết thị trường

bà Lan Hương

Thêm vào đó, lộ trình của cách tính thuế TTĐB vừa được Bộ tài chính có đề xuất điều chỉnh thuế suất theo hướng giảm thuế đối với ô tô con.  Tuy nhiên, theo bà Lan Hương thì đây vẫn chưa phải là hy vọng để được mua xe nhập khẩu với giá thuế giảm sau khi Việt Nam gia nhập TPP.

“Người tiêu dùng hiện nay dễ bị nhầm tưởng là khi ký TPP thì sau đó tất cả các xe nhập khẩu đều rẻ hơn hiện tại rất nhiều. Tuy nhiên nhầm lẫn ở đây là nhà nước có thể dùng công cụ là thuế TTĐB để điều tiết thị trường.”

Một nhận định khác từ bà Nguyễn Thanh Thu, Giám đốc điều hành của công Euro Auto Phú Mỹ Hưng, nhà phân phối chính thức xe BMW ở thị trường Việt Nam cho biết, thì việc gia nhập TPP sẽ không ảnh hưởng nhiều đến bài toán giá thành của một xe ô tô nhập khẩu nguyên chiếc. Nguyên nhân mà theo bà là hiện nay xe ô tô lắp ráp trong nước là lắp ráp thuần tuý, tức là không có nội địa hoá về linh kiện, cho nên chưa thể nói là hoàn toàn có sự cạnh tranh về giá thành phẩm.

“Bài toán về lắp ráp trong nước, về sản xuất trong nước, nội địa hoá hay về nhập khầu nguyên chiếc của riêng ngành ô tô thì không thể nói đơn thuần là nói giống như 1 ngành sản xuất bình thường. bởi vì sản xuất bình thường thì chi phí không nhiều. Riêng về ngành công nghiệp ô tô đòi hỏi về trình độ, đòi hỏi tất cả những linh kiện có đủ đảm bảo để nội địa hoá hay không. Hiện nay theo mình được biết thì cho đến bây giờ ngành công nghiệp ô tô vẫn chỉ là lắp ráp thuần tuý chứ không có nội địa hoá về linh kiện.”

Dẫn chứng về điều này, bà Thanh Thu cho biết giá thành của một chiếc xe ô tô lắp ráp trong nước không rẻ hơn so với giá của một ô tô CBU.

“Cụ thể là xe 200 của Mercedes vẫn bằng 1 xe BMW 3 series nhập khẩu nguyên chiếc, trong khi Mercedes là lắp ráp trong nước. Cho nên mình chưa nói là ở bài toán ô tô sẽ ảnh hưởng nhiều.”

Ngành công nghiệp lắp ráp thuần tuý của thị trường ô tô, điển hình là Toyota Việt Nam với nhà máy lắp ráp ở thị xã Phú Yên, tỉnh Vĩnh Phúc, thì sẽ gặp những khó khăn mà theo bà Lan Hương đó là:

“Vấn đề sản xuất và lắp ráp hiện nay sẽ tiếp tục cầm chừng hoặc duy trì vài mẫu và tuỳ thuộc vào chính sách của Nhà nước. Đối với các dòng xe CKD có được hỗ trợ thêm thuế nhập khẩu linh kiện, thuế thu nhập doanh nghiệp…thì lúc đó Toyota Việt Nam sẽ quyết định đẩy mạnh đầu tư hay là tiến tới sản xuất cầm chừng trước khi ngừng sản xuất hẵn và chuyển qua toàn bộ nhập khẩu.”

Do đó, theo bà, giá thành một xe ô tô nói chung giảm nhiều hay ít là sẽ phụ thuộc vào điều chỉnh của nhà nước để đảm bảo thu ngân sách, hài hoà cơ sở hạ tầng và nhu cầu đi lại của người dân.

Thuận lợi

Cách đây 10 năm thì người tiêu dùng Việt Nam đã mong đợi rất nhiều việc họ sử dụng 1 xe ô tô với giá không quá cao so với giá trong khu vực, cụ thể là từ khi Việt Nam gia nhập WTO thì đã có lộ trình là giảm giá thuế. Nhưng cho đến hiện nay việc giảm giá đã không giảm mà còn chênh lệch nhiều vì phát sinh những thuế khác.

Các công ty nhập khẩu xe CBU được hưởng lợi nhiều khi chính sách thuế có hiệu lực và giảm dần theo từng năm. Đặc biệt là những dòng xe có dung tích động cơ dưới 2.000cc. Ngoài ra, người tiêu dùng sẽ có nhiều cơ hội hơn khi được tiếp cận với các dòng xe từ nhỏ đến cao cấp với chính sách chắc chắn sẽ hợp lý và phù hợp hơn với nhu cầu

bà Lan Hương

Điều này được bà Thanh Thu đưa ra ví dụ về giá thành của một xe BMW

“Ví dụ một chiếc 318, năm 2003 tương đương 68 ngàn đola mỹ, nhưng sau 12 năm, tức là năm 2015 thì giá 1 chiếc 320, đời mới, nhập khẩu nguyên chiếc vẫn có giá tương đương khoảng 68 cho đến 70 ngàn đô.”

Chính vì vậy,  mặc dù đã đưa ra nhận định rằng lộ trình thuế TTĐB sẽ gây khó khăn trong việc hoạch định chiến lược của các hãng ô tô lắp ráp và nhập khẩu, nhưng bà Lan Hương, tổng giám đốc công ty Toyota Phú Mỹ Hưng vẫn cho rằng các thuận lợi mà xe ô tô nhập khẩu được hưởng là:

“Các công ty nhập khẩu xe CBU được hưởng lợi nhiều khi chính sách thuế có hiệu lực và giảm dần theo từng năm. Đặc biệt là những dòng xe có dung tích động cơ dưới 2.000cc. Ngoài ra, người tiêu dùng sẽ có nhiều cơ hội hơn khi được tiếp cận với các dòng xe từ nhỏ đến cao cấp với chính sách chắc chắn sẽ hợp lý và phù hợp hơn với nhu cầu.”

Một điều đặc biệt được bà Lan Hương nhấn mạnh là sự chênh lệch giá bán giữa các nước trong TPP sẽ không còn nhiều. Và riêng đối với Toyota thì

“Toyota là hãng xe của Nhật và cũng là nước thuộc thành viên TPP, cho nên chắc chắn sẽ được lợi rất nhiều khi Việt Nam gia nhập TPP.”

Đối với thị trường xe nhập khẩu BMW thì bà Thanh Thu nói rằng chắc chắn sẽ phải có những cạnh tranh. Cho nên sẽ cân nhắc về dây chuyền công nghệ, quản lý và đầu tư.

Theo số liệu thống kê năm 2013 của Bộ Công thương, Việt Nam có mức thu nhập bình quân đầu người là 1.960USD/người/năm. Con số này ở Mỹ là 50.708USD. thế nhưng người Việt Nam đang phải mua xe ô tô với giá tiền cao gấp 2,5 lần so với người Mỹ. Giờ đây với TPP, liệu người Việt Nam có thể hy vọng trong tương lai gần, họ được sỡ hữu một xe ô tô với giá tương đồng với những thị trường ở khu vực khác hay không?

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.