Công an phải hiểu và tôn trọng luật pháp

Mặc Lâm, biên tập viên RFA
2017.02.23
000_Hkg5241415.jpg An ninh bắt những người biểu tình chống Trung Quốc lên xe bus hôm 21/8/2011.
AFP photo

Một bức thư có tên “Thư gửi ông Chủ tịch thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung” vừa được loan truyền trên mạng xã hội có nội dung đòi chấm dứt ngay tình trạng sách nhiễu, bắt bớ, phá phách người tham gia buổi dâng hương tưởng niệm ngày 17 tháng 2 cũng như những ngày lễ khác có liên quan đến các cuộc chiến chống Trung Quốc.

Vì sao có bức thư này?

Thư kiến nghị, thư ngỏ là hai dạng văn bản thường thấy lúc gần đây nhằm gửi tới giới chức thẩm quyền về một vấn đề hệ trọng nào đó thường do một tập thể soạn thảo và công khai gửi đi.

Bức thư gửi cho ông Chủ tịch thành phố Hà Nội cũng không khác với những thư ngỏ khác, có điều lần này vấn đề tập trung dễ thấy, dễ định dạng hơn vì nó mới xảy ra ngay vào ngày kỷ niệm cuộc chiến tranh biên giới 1979.

Như thông lệ của các năm trước, bất kỳ buổi lễ nào mang hình thức chống Trung Quốc đều bị nhà cầm quyền theo dõi một cách nghiêm nhặt bởi lo ngại một cuộc tập trung dễ dàng dẫn tới bạo động vì chủ đề Trung Quốc luôn được đồng thuận trong dân chúng và các hội nhóm xã hội dân sự khác nhau.

Từ trước tới nay công an Hà Nội nói riêng và công an cả nước nói chung họ cứ bắt người một cách trái pháp luật mà không ai làm gì họ cả.
- Blogger Phương Bích

An ninh, dân phòng, cảnh sát cơ động và công an luôn túc trực nhận lệnh trước buổi lễ hai ngày. Ngày đầu tiên nhận chỉ thị, xác định đối tượng, bao vây nơi cư trú và trong ngày hôm sau khi buổi lễ diễn ra những đối tượng nào vượt ra ngoài vòng phong tỏa sẽ tiếp tục bị bám đuôi, theo dõi và bắt giam khi cần thiết.

Người nào thoát được tới nơi hành lễ sẽ bị dư luận viên, dân phòng, cảnh sát hay an ninh phá bĩnh bằng cách tạo tiếng ồn, nhảy múa, tấn công người tham gia một cách lén lút. Chen vào đám đông tạo cơ hội bạo động khi có điều kiện cũng như hàng chục cách khác nhằm vô hiệu hóa buổi lễ bằng các chiêu thức mà người bình thường khó thể nghĩ ra.

Từ thực tế này, bà Đặng Bích Phượng tức blogger Phương Bích đã thảo bức thư gửi cho ông Chủ tịch thành phố Hà Nội, vốn là một tướng công an trước khi ngồi vào ghế chủ tịch, ghi lại mọi chi tiết chung quan việc thắp hương kỷ niệm ngày 17 tháng 2 và nêu cụ thể từng hành vi mà công an Hà Nội đã gây ra cho hàng trăm người bằng nhiều cách khác nhau cốt ngăn cản một cách thô bạo sự tập trung biểu cảm tâm tình của người của người dân đối với đồng bào liệt sĩ.

Nói với chúng tôi blogger Phương Bích cho biết nguyên do chính khiến bà quyết định thảo bức thư này:

Từ trước tới nay công an Hà Nội nói riêng và công an cả nước nói chung họ cứ bắt người một cách trái pháp luật mà không ai làm gì họ cả. Thế thì chúng ta phải làm gì chứ chúng ta không thể là những con cóc bị họ bắt rồi thả ra. Bắt bỏ chỗ này rồi thả chỗ kia. Quyền phản đối là cái quyền tối thượng của mình mà mình không làm. Tôi đã hỏi một số người nếu họ không làm thì tôi làm, tôi sẽ có cái thư trước hết gọi là phản đối thứ hai là yêu cầu thi hành luật pháp bởi vì việc tưởng niệm này không chỉ một lần mà mỗi năm có ba lần thế chúng ta không làm, không phản đối thì có nghĩa họ sẽ tiếp tục bắt bớ.

Muốn bắt ai thì bắt

Những người biểu tình chống Trung Quốc tuần hành về phía Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội ngày 01 tháng 7 năm 2012.
Những người biểu tình chống Trung Quốc tuần hành về phía Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội ngày 01 tháng 7 năm 2012.
AFP photo

Bắt nguội, tức là bắt giam người không cần lệnh tòa án, không cần bằng chứng, không cần sự có mặt của chính quyền địa phương là một dạng khác vi phạm pháp luật có chủ ý của công an Hà Nội. Anh Bạch Hồng Quyền kể lại vụ “bắt nguội” vào sáng ngày 17 tháng 2 năm 2017 như sau:

Sáng nay có một số người bị bắt nguội có anh Nguyễn Thế Trung anh đang đi trên đường đến buổi tưởng niệm thì họ bắt nguội anh và đưa về công an phường Hàng Bông. Tiếp theo là cô Đặng Bích Phượng cô cũng đang trên đường đi tưởng niệm thì bị công an bắt nguội và đưa về công an phường Trần Hưng Đạo cùng với anh Cường Anh. Chị Lê Mỹ Hạnh thì bị bắt đưa về phường Cửa Nam. Anh Nguyễn Lân Thắng thì sau khi buổi tưởng niệm đã xong trên đường về thì bị bắt.

Theo blogger Phương Bích, người từng bị giam tại Hỏa Lò vì biểu tình chống Trung Quốc cho biết nếu không đấu tranh với công an bằng luật pháp thì chính họ sẽ dùng luật pháp một cách lươn lẹo để giam cầm người bất đồng chính kiến:

Họ bắt đến lần thứ hai thì có thể đưa ra quyết định giáo dục cải tạo hoặc khởi tố hình sự như Bùi Hằng. Nếu như ta không hiểu biết về pháp luật thì chính chúng ta lại làm hại chúng ta cho nên khi tôi đưa ra đề nghị này thì họ ủng hộ.

Họ bắt đến lần thứ hai thì có thể đưa ra quyết định giáo dục cải tạo hoặc khởi tố hình sự như Bùi Hằng.
- Blogger Phương Bích

Blogger Phương Bích đưa ra một trường hợp cụ thể đề chứng minh rằng công an không cần biết những quy định có tính bắt buộc trong ngành của họ khi thi hành việc phạt hành chính đối với ai tham gia các buổi lễ tưởng niệm có liên quan tới Trung Quốc:

Có cái vụ như thế này: Ngày 1 tháng 11 năm 2016 chúng tôi có ra bờ Hồ giăng biểu ngữ phản đối bắt người trong nước và nói rằng yêu nước là không có tội. Họ không hề bắt chúng tôi nhưng sau đó khi chúng tôi đã ra về thì họ tự ý lập biên bản từ ngày 1 tháng 11 năm 2016, mà đến ngày mùng 7 tháng 2 năm 2017 họ mới gửi cho chúng tôi quyết định xử phạt hành chánh tức là sau ba tháng. Bản thân họ đang làm sai vì theo luật thì chỉ 30 ngày sau khi lập biên bản thì anh phải ra quyết định xử phạt. Tôi thấy cái thứ nhất có thể họ không hiểu pháp luật cái thứ hai có thể họ hiểu nhưng bất chấp pháp luật.

Nghệ sĩ Kim Chi, người có thời gian rất dài sát cánh cùng với chiến sĩ bộ đội nên rất hiểu thế nào là xương máu của họ. Kể lại với chúng tôi việc bà bị bắt trong buổi sáng tưởng niệm 17 tháng 2:

Tôi rất đau buồn là trước khi tôi đi tưởng niệm tôi phải đi ngủ nhờ cho nên chắc chắn họ định chặn tôi nhưng thấy tôi không có ở nhà cho nên hôm nay tôi vừa ló đầu ra họ chặn tôi đầu tiên. Tôi không sợ gì hết vì mình đã tham gia dấn thân rồi thì tù đày là chuyện phải chấp nhận. Có hy sinh có người dám dấn thân thì đất nước mới tay đổi. Ngày nay đất nước chưa vào tay Trung Quốc là do công ơn những người đã ngã xuống ở biên giới, sáu vạn người chứ ít gì mà bây giờ bia tưởng niệm thì họ đục bỏ, ai đi tưởng niệm thì họ đánh phá bắt bớ. Tôi nghĩ tóm gọn lại là chế độ độc tài toàn trị này phải đến ngày sụp đổ thôi chứ không thể chấp nhận được và tôi cứ nói như thế họ ngon thì cứ bắt chứ tôi không thề nào phục tùng cái chế độ nó tồi tệ như thế này.

Trong thư gửi cho tướng Chung có đoạn: “Chúng tôi yêu cầu được đối thoại với ông với tư cách là chủ tịch thành phố Hà Nội, hoặc người có thẩm quyền của UBND thành phố Hà Nội, nhằm chấm dứt việc ngăn cản, bắt bớ này. Không thể quy chụp hành động, cử chỉ bày tỏ đạo lý uống nước nhớ nguồn như tưởng niệm những người đã chết cho độc lập của Tổ quốc hôm nay, là hành vi tụ tập, gây rối trật tự công cộng. Như vậy là xúc phạm không chỉ với người còn sống, mà xúc phạm cả vong linh những người đã khuất.”

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.