TS Nguyễn Quang A: Xu hướng thời đại cần ý kiến đa chiều

Xu hướng thời đại là lắng nghe ý kiến nhiều chiều đặc biệt là những ý kiến độc lập. Đó là nhận định của Tiến sĩ Nguyễn Quang A thuộc Viện Nghiên Cứu Phát Triển IDS.
Nam Nguyên, phóng viên đài RFA
2008.10.22

NguyenQuangA-200.jpg
Tiến sĩ Nguyễn Quang A, Viện trưởng Viện Nghiên Cứu Phát Triển IDS ở Hà Nội. RFA file photo
RFA file photo
Là tổ chức tư nhân đầu tiên ở Việt Nam trong lãnh vực nghiên cứu chính sách, IDS qui tụ các nhà nghiên cứu độc lập ở Việt Nam trong số này có  nhiều chuyên gia  như Tiến sĩ Nguyễn Quang A, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, Giáo sư Chu Hảo, Giáo sư Tương Lai, bà Phạm Chi Lan. 

1 năm hoạt động

Ngày 18-10 vừa qua đánh dấu một năm hoạt động  của IDS, Nam Nguyên nêu câu hỏi  là Viện đã làm được gì trong 12 tháng qua. Từ Hà Nội, Tiến sĩ Nguyễn Quang A Viện trưởng IDS cho biết:

TS Nguyễn Quang A:  Trong một năm vừa qua  IDS đã tự tiến hành nghiên cứu ba đề tài. Đề tài thứ nhất là ‘Chất lượng tăng trưởng kinh tế’, thứ hai là ‘Cải cách hệ thống giáo dục và hệ thống y tế’, đề tài thứ ba là ‘Một số vấn đề phát triển nông thôn’. Những đề tài này do chúng tôi tự nêu ra và tự làm, không có ai đặt hàng cả.

Ngoài ba đề tài này thì chúng tôi cũng có tham gia một số đề tài nghiên cứu về đánh giá năng lực cạnh tranh ngành ở Việt Nam; nghiên cứu về ảnh hưởng của lạm phát đến cuộc sống của người nghèo và những biện pháp có thể giúp người nghèo vượt qua lúc khó khăn này.

Chúng tôi cũng có tham gia một đề tài nữa là nghiên cứu mối quan hệ giữa các tổ chức dân sự với cơ quan Nhà nước.

Đấy là những việc làm của chúng tôi, liên quan đến những đề tài nghiên cứu này chúng tôi đều có  tổ chức mỗi tháng 2 seminar để trình bày về những vấn đề nghiên cứu.

Chúng tôi hoạt động một cách rất độc lập. Không bị ảnh hưởng của bất kể ai, bất luận đấy là cơ quan chính phủ hay các tổ chức quốc tế.

TS Nguyễn Quang A

Nam Nguyên: Thưa, những dự án những đề tài mà IDS tự nghiên cứu và phổ biến, có được cơ quan hữu trách lắng nghe hay không? đặc biệt  về phát triển nông thôn.

TS Nguyễn Quang A: Chúng tôi có nêu ý kiến, kết quả nghiên cứu của chúng tôi một mặt trên các báo, một mặt qua những báo cáo  chúng tôi  cũng gửi cho những cơ quan nghiên cứu này, cơ quan nghiên cứu khác. Nói chung người ta đánh giá tốt.

Tính độc lập?

Nam Nguyên: Chúng tôi xin lỗi được phép đặt câu hỏi, một số người tỏ ý nghi ngờ về tính độc lập của IDS. Thưa TS chính phủ có can thiệp gì vào hoạt động của IDS hay không?

TS Nguyễn Quang A:  Ai nghi ngờ thì cái đấy là quyền của người ta (cười), đối với chúng tôi thì chúng tôi hoạt động một cách rất độc lập. Không bị ảnh hưởng của bất kể ai, bất luận đấy là cơ quan chính phủ hay các tổ chức quốc tế, hoặc là các bạn đồng nghiệp ở các cơ quan nghiên cứu đâu đó.

LeDangDoanh150.jpg
Tiến sĩ Lê Dăng Doanh, chuyên gia kinh tế cao cấp của Việt Nam. RFA file photo.
RFA file photo
Chúng tôi nói những ý kiến riêng, hoàn toàn riêng và  độc lập của chúng tôi. Những ý kiến đó có thể giống nơi này nơi kia, cũng có thể hoàn toàn ngược lại. Đấy là tuỳ từng vấn đề Nhà nước cho đến bây giờ không có can thiệp gì vào hoạt động của chúng tôi cả.

Nam Nguyên: Thưa TS, trong môi trường chính trị kinh tế xã hội hiện nay, ở VN có chỗ đứng cho các viện nghiên cứu tư nhân hay không?

TS Nguyễn Quang A:  Các viện nghiên cứu tư nhân hoạt động còn khó khăn, nhưng tôi nghĩ rằng cần phải có những viện như thế và càng nhiều viện như thế càng tốt.

Nam Nguyên: Trong trường hợp IDS nhận tài  trợ  thì sẽ ứng xử thế nào để không ảnh hưởng tính độc lập?

TS Nguyễn Quang A:  Vâng, đúng như thế! Chúng tôi có chính sách là chúng tôi chỉ nhận tài trợ  khi tài trợ ấy không có điều kiện. Nói thực là cho đến bây giờ chúng tôi chưa nhận một xu tài trợ từ bất cứ tổ chức nào. Còn chúng tôi có thể ký hợp đồng để làm nghiên cứu đối với các tổ chức bên ngoài, thì kết quả nghiên cứu ấy là sở hữu của người đã ký hợp đồng với chúng tôi.

Khuynh hướng mới

Nam Nguyên:  Thưa TS, phải có nhiều tâm huyết lắm, cũng như phải có đủ phương tiện, thì mới có thể thành lập các viện nghiên cứu tư nhân độc lập. Hiện nay ở VN có khuynh hướng này hay không?

TS Nguyễn Quang A:  Tôi nghĩ rằng, ở Việt Nam có rất nhiều người muốn thành lập các viện và thực sự cũng có khá nhiều viện nghiên cứu độc lập, không nằm trong khu vực nhà nước. Nhưng các viện ấy có thể nghiên cứu về mặt khoa học tự nhiên, khoa học công nghệ  về mặt ngôn ngữ học  v…v…

Ngay cả nghiên cứu về chính sách hay vấn đề xã hội thì cũng cần phải có nhiều loại tiếng nói khác nhau, trong đó có các tiếng nói của các viện nghiên cứu tư nhân. Đấy là xu hướng tôi thấy là tốt.

TS Nguyễn Quang A

Điều khác biệt của chúng tôi là chúng tôi nghiên cứu về chính sách, có thể vì chuyện đó mới lấy làm lạ. Chứ còn các viện nghiên cứu tư nhân về các lãnh vực khác thì không còn là chuyện lạ ở Việt Nam.

Tôi nghĩ ngay cả nghiên cứu về chính sách hay vấn đề xã hội thì cũng cần phải có nhiều loại tiếng nói khác nhau, trong đó có các tiếng nói của các viện nghiên cứu tư nhân. Đấy là xu hướng tôi thấy là tốt.

Nam Nguyên:  Thưa TS, ở VN hiện nay có nhiều viện nghiên cứu thuộc các Bộ ngành chính phủ, đồng thời các trường đại học cũng có nhiều viện nghiên cứu. Vậy thì có nên phát triển các viện nghiên cứu ở khu vực đại học và loại bỏ các viện nghiên cứu ở các Bộ hay không?

TS Nguyễn Quang A:  Đây là một vấn đề rất khó trả lời, chắc chắn ở các đại học thì phải nên phát triển các hoạt động nghiên cứu của các đại học. Liệu có nên xoá bỏ các viện nghiên cứu ở các Bộ hay không còn là chuyện phải bàn cãi, trong các viện nghiên cứu thuộc sở hữu Nhà nước thuộc các Bộ cũng có rất nhiều viện nghiên cứu mạnh.

Tôi có thể nói là, các cán bộ nghiên cứu làm trong khu vực Nhà nước, rất nhiều người có năng lực rộng, giỏi và nó chỉ bị khó ở chỗ  là vì họ có các cấp trên của họ.

Nên tiếng nói có thể không được độc lập lắm, nó có thể bị ảnh hưởng bởi vì mối quan hệ trên dưới cũng không thể phủ nhận vai trò của các cơ quan nghiên cứu của các bộ. Nhưng chuyện nghiên cứu của các đại học tôi nghĩ rằng nên đẩy mạnh rất nhiều.

Nam Nguyên: Cảm ơn TS Nguyễn Quang A, xin chúc IDS trong năm thứ hai đạt nhiều thành công.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.