Việt Nam đang cần cải cách chính trị hay kinh tế?

Kính Hòa, phóng viên RFA
2016.10.19
000_GV0PH.jpg Khách hàng tham quan chiếc xe hơi Mỹ, hiệu Ford trưng bày tại Hà Nội ngày 05 tháng 10 năm 2016.
AFP photo

Cải cách thể chế là vấn đề được nhiều người tại Việt Nam bàn luận đến trong thời gian gần đây, xem như đó là cuộc cải cách lần thứ hai sau năm 1986, khi đảng cộng sản Việt Nam quyết định tự do hóa một phần nền kinh tế.

Hội nghị trung ương đảng cộng sản lần thứ tư vừa kết thúc hôm 14 tháng 10 có đề cập đến các vấn đề cải tổ kinh tế.

Sau đây là ý kiến một số nhà quan sát trong và ngoài nước về cải cách kinh tế chính trị Việt Nam nhân hội nghị trung ương đảng lần thứ tư của khóa 12 kết thúc.

Kinh tế

Trong bài diễn văn bế mạc Hội nghị trung ương 4 của ông Tổng Bí thư có nói rằng sẽ xây dựng khu vực kinh tế tư nhân thành động lực phát triển kinh tế. Toàn bài diễn văn không có đề cập đến kinh tế nhà nước. Nhận xét về điều này Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế ở Hà Nội cho rằng:

“Ông Tổng bí thư không nói thì cũng không có nghĩa rằng là điều đó sẽ không còn có giá trị. Vì điều đó đã được ghi vào nghị quyết của đại hội, mà nghị quyết của đại hội chỉ có thể được thay đổi bằng nghị quyết của một đại hội khác. Chứ còn ông Tổng bí thư có nhắc hay không nhắc, không có nghĩa rằng ông ấy đã từ bỏ hay có sự thay đổi nào.”

Ông Lê Đăng Doanh xác nhận rằng việc xếp kinh tế nhà nước là thành phần quan trọng trong nền kinh tế quốc gia đã được đề cập đến trong nghị quyết của đại hội đảng lần thứ 12 kết thúc hồi đầu năm nay. Ông cũng cho biết thêm rằng theo một số nguồn tin của ông thì việc nêu cao vai trò của kinh tế nhà nước trong nghị quyết của đại hội đảng là kết quả của sự kiên trì của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trong kỳ họp đại hội đó.

Giải quyết vấn đề chính trị trước tiên hết. Tức là làm sao chấp nhận chuyện giới hạn vai trò của đảng. Thứ hai là mở rộng vai trò của Quốc hội, ít nhất trong hoàn cảnh hiện nay...
- Ông Nguyễn Xuân Nghĩa

Ông Nguyễn Xuân Nghĩa một chuyên gia kinh tế sống tại Hoa Kỳ thì nói rằng việc đề cập đến kinh tế tư nhân của ông Trọng chỉ là một chi tiết không đáng kể vì trong bài diễn văn ông vẫn nói rằng kinh tế Việt Nam sẽ theo hướng thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Ông cho biết thêm:

Tôi nghĩ rằng nó cũng hơi giống hội nghị trung ương kỳ ba của cộng sản Trung quốc. Tức là có đưa ra chuyện chuyển hướng, từ tháng 10 năm kia, mà cho đến giờ Trung quốc vẫn chưa làm được điều đó. Thành ra tôi cũng dè dặt với trường hợp của Việt Nam nếu quả thật là lãnh đạo của họ có thiện ý cải cách thật, muốn giải phóng khu vực tư nhân là khu vực đã chết lâm sàng hai năm vừa rồi.”

Khi được hỏi rằng trong báo cáo tổng kết hội nghị Trung ương bốn có điều gì có thể được xem là cởi mở nhất, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh trả lời rằng:

“Về tình hình kinh tế thì ông ấy nói có mặt tiến bộ, có mặt khó khăn, thậm chí ông ấy có dùng chữ nghiêm trọng, nhưng tôi không thấy rằng là có một sự gì đó gọi là có cải cách mạnh mẽ.”

Về phía ông Nguyễn Xuân Nghĩa thì ông có nhận xét rằng có thể thấy hai điểm tích cực trong bài diễn văn của ông Trọng, đó là những ý kiến về môi trường và công đoàn:

Tôi thấy có một điều là họ xác nhận rằng bảo vệ môi trường sinh sống là một ưu tiên. Tôi cho rằng đó là một điều quan trọng, cũng như là phát huy lại, cải tổ xã hội có vai trò của công đoàn để chuẩn bị cho sự hội nhập vào luồng kinh tế của thế giới với những hiệp ước thế hệ mới, tức là họ cảm thấy một sức ép của thực tế.”

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cũng đồng ý với nhận xét này. Nhưng ông cũng nghi ngại về chuyện thực hiện các nhận thức đó trên thực tế, chẳng hạn về mặt công đoàn độc lập, ông nói:

“Về mặt công đoàn thì cá nhân ông Tổng bí thư đã đồng ý với nội dung của hiệp ước đối tác xuyên Thái Bình Dương, cho phép công đoàn độc lập, vấn đề rằng đồng ý trên văn bản, còn trên thực tế sẽ được thực hiện như thế nào.”

Chính trị

Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng trước phiên họp cuối cùng của Quốc hội tại Hà Nội vào ngày 21/3/2016.
Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng trước phiên họp cuối cùng của Quốc hội tại Hà Nội vào ngày 21/3/2016.
AFP photo

Khi được hỏi là nếu đứng ở vị trí các nhà lãnh đạo Việt Nam hiện nay thì sẽ phải làm gì để cải cách? Ông Nguyễn Xuân Nghĩa trả lời:

Giải quyết vấn đề chính trị trước tiên hết. Tức là làm sao chấp nhận chuyện giới hạn vai trò của đảng. Thứ hai là mở rộng vai trò của Quốc hội, ít nhất trong hoàn cảnh hiện nay, chưa nói đến một tương lai nào đó mờ mịt mà người dân được phép bầu Quốc hội một cách tự do và thông thoáng.

Giải quyết được chuyện đó thì mới giải quyết được vấn đề kinh tế, vì kinh tế thị trường phát triển một cách lệch lạc vâng vâng nào đó, thì nó gây ra những tai họa ở nơi này nơi kia, ở Việt Nam, ở Trung quốc, tại Hoa Kỳ, chính là do hệ thống chính trị. Nếu mà không phá vỡ được đặc quyền của một thiểu số ở trên cùng thì chúng ta sẽ không có kinh tế thị trường.”

Việt Nam đã bắt đầu thực hiện cải cách kinh tế cách đây tròn 30 năm, sau đại hội đảng lần thứ sáu. Từ đó đến nay câu hỏi về cải cách chính trị sẽ được thực hiện hay không, hoặc thực hiện như thế nào vẫn được công luận Việt Nam bàn đến. Nhiều người trong đó có tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho rằng đã đến lúc cần cải cách cả thể chế để cho nền kinh tế phát triển.

Tuy nhiên cũng có những ý kiến khác, ví dụ như trong lần trả lời Nam Nguyên Đài RFA ngày 13 tháng 10, Giáo sư Vũ Văn Hóa, Hiệu phó một trường Đại học tại Hà Nội cho rằng không bắt buộc phải cải cách chính trị mới có thể cải cách về kinh tế.

Trở lại với ý nói về việc giới hạn quyền lực của đảng cộng sản mà ông Nguyễn Xuân Nghĩa nêu ra, gần đây báo chí Việt Nam có đăng tải hai bài của ông Vũ Ngọc Hoàng, nguyên phó ban tuyên giáo Trung ương về chuyện kiểm soát quyền lực, mặt dù trong hai bài viết này ông Hoàng không đề cập đến chuyện tam quyền phân lập và vai trò của đảng cộng sản.

Hiện nay người ta vẫn đang thảo luận và có ý kiến rằng phải chăng là nếu như muốn kiểm soát quyền lực thì phải thực hiện tam quyền phân lập?
- Tiến sĩ Lê Đăng Doanh

Kỹ sư Nguyễn Tiến Trung, một cựu tù nhân chính trị, trong một lần trao đổi với chúng tôi có đánh giá rằng bài viết của ông Hoàng là một nhận thức tiến bộ của giới lãnh đạo đảng cộng sản hiện nay. Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cũng cho rằng bài viết của ông Hoàng thể hiện một tâm quyết cải cách của ông. Tuy nhiên ông nói thêm:

Hiện nay người ta vẫn đang thảo luận và có ý kiến rằng phải chăng là nếu như muốn kiểm soát quyền lực thì phải thực hiện tam quyền phân lập? Vẫn phải thực hiện một hệ thống giám sát quyền lực như tòa án Hiến pháp, rồi hệ thống tòa án phải độc lập, chỉ hoạt động theo luật pháp thôi? Rồi ác qui định khác như công khai minh bạch, một nền báo chí tự do, tự chịu trách nhiệm và có tinh thần xây dựng đối với đất nước? Thì tất cả những bài học đó các nước khác người ta đã tổng kết rồi. Vấn đề là bây giờ Việt Nam có thực hiện hay không mà thôi.”

Một quan chức cao cấp, từng là ủy viên trung ương đảng khóa 11 có nói với chúng tôi rằng việc cải cách chính trị theo hướng có sự cạnh tranh chính trị là cần thiết trong tương lai dài lâu. Còn Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trong buổi gặp gỡ cử tri Hà Nội ngày 17 tháng 10 có đề cập đến chuyện phải, nguyên văn theo lời ông, nhốt quyền lực vào lồng qui chế lập pháp. Tuy nhiên ông không nói rõ hơn là sẽ nhốt bằng cách nào.

Ngoài ra ông còn nhắc đến nguyên tắc dân chủ tập trung mà đảng cộng sản vẫn lấy làm phương châm cho chế độ chuyên chính của mình. Theo ông thì dân chủ chính là cơ chế để kiểm soát quyền lực, nhưng ông lại không giải thích tập trung thì tốt hay xấu như thế nào cho chuyện kiểm soát đó.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.