Những đấu đá tranh giành quyền lực trong nội bộ lãnh đạo Việt Nam

Gia Minh, RFA
2017.01.05
000_Hkg10250059.jpg Từ trái qua: ông Đinh thế Huynh, Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trong ngày cuối cùng Đại hội đảng lần thứ 12 hôm 27/1/2016 tại Hà Nội.
AFP photo

Lãnh đạo đảng Cộng sản Việt Nam lại lên tiếng kêu gọi toàn dân đoàn kết chung quanh Đảng, trong khi đó nội bộ giới lãnh đạo chóp bu lại không thống nhất, thậm chí còn đấu đá tranh giành quyền lực.

Kêu gọi đoàn kết

“Đoàn kết”, “nhất trí”, v.v… lại được chính người đứng đầu đảng cộng sản Việt Nam là ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đưa ra vào sáng ngày 4/1/2017 khi phát biểu tại hội nghị lần thứ 6 Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam ở Cần Thơ.

Lời kêu gọi của ông Nguyễn Phú Trọng nhắm đến các tầng lớp khác nhau trong xã hội được giao cho Mặt trận Tổ Quốc, một tổ chức ngoại vi của đảng cộng sản, tập hợp lại.

Tương tự phát biểu của những người tiền nhiệm kể từ thời ông Hồ Chí Minh cho đến nay, Tổng bí thư đương nhiệm Nguyễn Phú Trọng cũng nhắc lại nhiệm vụ được cho là bao trùm và quan trọng hàng đầu; đó là “Tiếp tục tăng cường, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, tập hợp rộng rãi mọi tầng lớp nhân dân, bảo đảm sự đồng thuận, thống nhất cao về tư tưởng và hành động.”

Vì sao ông tổng bí thư của đảng cộng sản Việt Nam nhắc lại kêu gọi đồng thuận như thế? Giáo sư Nguyễn Đình Cống, một người từng công khai tuyên bố ra khỏi đảng cộng sản Việt Nam lý giải:

“Phải kêu gọi vì chứng tỏ hiện đang không thống nhất!

Một điều trong nước người ta nói là dân, phần lớn chứ tôi không dám nói toàn bộ  đâu, mất lòng tin vào đảng rồi. Thế thì người ta phải kêu gọi thôi.

Thực tế cho thấy bây giờ cán bộ nói một đằng mà làm một nẻo. Người ta phát hiện ra được những lời hứa hẹn của Đảng là không thực tế. Người ta phát hiện thấy những việc làm của các quan chức đảng biên là không hợp với điều mà đảng đã tuyên bố, không hợp với lòng dân.

Đảng nói một lòng do dân, vì dân; nhưng người ta thấy dân khổ bị lụt lội, hạn hán thế mà quan chức của đảng thì ngày càng giàu có.

Người ta nhìn thấy thực tế cuộc sống nên họ mất lòng tin!

Lý do cơ bản nhất là người ta so sánh giữa những lời nói, tuyên truyền, hứa hẹn của đảng với thực tế và thấy khác nhau xa quá nên mất lòng tin.”

Tranh giành quyền lực

Vào ngày 23 tháng 12 vừa qua, một giáo sư trường Cao đẳng Quân sự Quốc gia ở Washington DC - ông Zachary Abuza, có bài viết đăng trên mạng Diplomat, với tựa đề được một nhà hoạt động trong nước dịch “Rạn nứt trong cuộc đấu đá chính trị trước Đại hội giữa nhiệm kỳ ở Việt Nam”.

Trong bài phân tích của mình, Giáo sư Zachary Abuza nhắc lại vị trí Tổng bí thư đảng cộng sản Việt Nam có thể được thay thế vào giữa nhiệm kỳ 12 này.

Hai nhân vật được nhắc đến đang tranh chức vị đứng đầu đảng cộng sản Việt Nam là ông Đinh Thế Huynh, ủy viên Bộ Chính Trị-thường trực Ban Bí Thư, và ông Trần Đại Quang, hiện là Chủ tịch nước Việt Nam.

Tác giả Zachary Abuza nêu ra cơ sở để suy luận về tình trạng đấu đá trong tầng lớp lãnh đạo đảng cộng sản Việt Nam hiện nay là công tác điều tra tham nhũng nhắm vào một số nhân vật cao cấp trước đây như cựu bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng, nguyên Phó chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang Trịnh Xuân Thanh…

Giáo sư Ngô Vĩnh Long hiện giảng dạy tại Khoa Sử, Đại học Maine, Hoa Kỳ có nhận định về tình trạng đấu đá trong nội bộ chóp bu lãnh đạo Việt Nam:

“Các phe phái gần đây có đánh nhau rất nhiều! Xin lỗi có nhiều ‘cái đánh nhau cũng hơi bẩn’. Nói bẩn thì chính trị ở Mỹ cũng thế nên không thể chê người ta được; nhưng đúng là thế!”

Theo Giáo sư Nguyễn Đình Cống thì khó có thể đưa ra ý kiến gì về tình trạng đấu đá nội bộ trong giới lãnh đạo Hà Nội vì đó là chuyện ‘bí mật cung đình, thâm cung bí sử’. Người ta chỉ căn cứ vào những thông tin được rõ rĩ cho báo chí chính thống rồi ‘đoán già, đoán non’:

“Ví dụ như vụ Trịnh Xuân Thanh, vụ ông Duy, vụ ông Hoàng… người ta chỉ dựa vào bề ngoài rồi đoán. Chứ còn muốn khẳng định được thì phải có điều tra, nghiên cứu, có chứng cớ.”

Việc phải làm

Trong thực tế hiện nay, Việt Nam gặp nhiều thách thức về chủ quyền như hoạt động ngày càng lấn lướt của Trung Quốc tại Biển Đông, hàng hóa độc hại, kém phẩm chất từ Trung Quốc tràn ngập thị trường Việt Nam…

Giáo sư Ngô Vĩnh Long cho rằng đó là một mối nguy mà lãnh đạo Hà Nội cần thấy và đoàn kết để giải quyết:

“Tôi mong họ sắp xếp được; chứ nếu không thì… Việt Nam bây giờ không phải đấu đá với nhau mà có thể nói bị tê liệt trước bao nhiêu đe dọa của Trung Quốc trên đất liền: đe dọa về vấn đề kinh tế, đe dọa về vấn đề môi trường, đe dọa về vấn đề an ninh mạng …

Do đó sau khi giải quyết vấn đề phe phái với nhau phải để ý đến những đe dọa vừa nêu. Ví dụ vấn đề đe dọa mạng nay Mỹ mới nói nhưng ở Việt Nam 10 năm trước người ta đã nói với tôi rồi.

Sau khi chỉnh đốn đảng, Việt Nam phải có những chính sách đàng hoàng đối với Trung Quốc. Không thể nói làm bạn với tất cả mọi người đã, đang và sẽ đe dọa Việt Nam. Do vậy phải có những ưu tiên điều gì phải cứng rắn, phải mạnh để bảo vệ an ninh đất nước, bảo vệ Việt Nam.”

Đối với một người cao niên như Giáo sư Nguyễn Đình Cống thì chính quyền Hà Nội hiện vẫn còn duy trì được quyền lực của họ vì chưa có lực lượng đủ mạnh đưa đến chuyển biến.

Theo ông này thì số người không còn tin vào đảng cộng sản ngày càng tăng lên; thế nhưng chưa xuất hiện một nhân vật đủ tài năng tập hợp người dân để làm nên đại cuộc.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.