Quan Làm Báo: bí ẩn khó giải mã

Tin tức bầu Kiên bị bắt được trang blog Quan làm báo loan tải sớm hơn báo chí lề phải chín tiếng đồng hồ đã làm cho mọi người ngạc nhiên vì mức độ thông tin chính xác điều bí mật này.
Mặc Lâm, biên tập viên RFA
2012.08.28
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng
RFA file

Một ngày sau khi bầu Kiên bị bắt, trên trang Basam xuất hiện bài viết của nhà báo Võ Văn Tạo có tựa đề "Bắt gà sống", "Bắt gà chết" với lời dẫn từ trang Quanlambao xác định chính trang blog này đã đưa tin vụ bắt bầu Kiên vào lúc 0 giờ ngày 21 tháng 8 năm 2012 với đầy đủ các chi tiết của vụ bắt giữ. Nhà báo Võ  Văn Tạo gọi đây là "Bắt gà sống". Chín tiếng đồng hồ sau, vài tờ báo lề phải lục tục đăng lại những tin tức này một cách nhỏ giọt từ cơ quan công an và hành động "bắt gà chết" ấy, đã làm cho trang Quanlambao nổi tiếng ngay lập tức.

Bầu Kiên, bước đầu của Quan làm báo

Dư luận trở nên ồn ào trước sự việc này. Người cẩn thận nhất cũng phải thừa nhận mức chính xác khi đưa tin của Quanlambao. Những ai theo dõi trang này từ hai tháng trước cảm thấy một điều gì đó đang xuất hiện trong bầu trời chính trị u ám của đất nước và bắt đầu tin rằng có một thế lực rất mạnh phía sau hậu trường đang tung ra những tài liệu bí mật tương tự như Wikileak nhằm đánh phá chế độ bằng chính những bí mật của nó.

Hơn hai tháng trước đây khi Quanlambao xuất hiện, con số người truy cập của nó vượt qua cả trang Basam và Dân Làm Báo với số lượng không thể ngờ được. Không ai tin rằng trang blog này được lập ra bởi những người bất đồng chính kiến vì sự trình bày thiếu trang nhã của nó và nhất là cách hành văn rất đáng nghi ngờ về trình độ viết lách của trang này. Thế nhưng thông tin xuất hiện trên trang Quanlambao thì chưa hề thấy từ hàng ngàn trang blog trong và ngoài nước khác.

Một trong những người mà Quanlambao tố cáo quan trọng nhất là Nguyễn Đức Kiên, ông trùm trong lĩnh vực ngân hàng với điều mà Quanlambao cáo buộc là hành vi cấu kết với con gái của Thủ tướng là Nguyễn Thanh Phượng

Những bài viết đầy ắp chi tiết bí mật làm người đọc bán tín bán nghi về nguồn cung cấp của nó. Phải là một cơ sở tình báo hay ít ra phát xuất từ một nhóm lãnh đạo chóp bu của đất nước mới có khả năng cung cấp những dữ kiện có tính chất thâm cung bí sử mà một cơ quan báo chí dù tài giỏi cách mấy cũng không thể có nhiều tin tức như vậy.

Quanlambao tỏ ra rất rành rẽ sinh hoạt tài chánh ngân hàng trong giới đại gia Việt Nam và những bản tin mà nó phổ biến cho thấy những hiều biết chuyên môn như một chuyên gia tài chánh có kiến thức sâu và đặc biệt nhất là nắm giữ được những kế hoạch từng bước thôn tính ngân hàng của nhóm người cực kỳ giàu có này.

Những thông tin mà Quanlambao đưa ra phanh phui bí mật mà các nhóm lợi ích như Nguyễn Đức Kiên, Nguyễn Thanh Phượng, Nguyễn Đăng Quang, Hồ Hùng Anh, Trầm Bê, hay Thái Hương…và Quanlambao cho rằng được bao che bởi một nhân vật quyền uy, tay mặt của Thủ tướng đương nhiệm là thượng tướng công an Nguyễn Văn Hưởng.

Ông Nguyễn Đức Kiên. (tháng 2, 2012) AFP
Ông Nguyễn Đức Kiên. (tháng 2, 2012) AFP
AFP
Một trong những người mà Quanlambao tố cáo quan trọng nhất là Nguyễn Đức Kiên, ông trùm trong lĩnh vực ngân hàng với điều mà Quanlambao cáo buộc là hành vi cấu kết với con gái của Thủ tướng là Nguyễn Thanh Phượng. Quanlambao cũng đưa ra các thông tin cho rằng Trầm Bê cùng nhiều người thân cận khác lũng đoạn ngành ngân hàng ra sao và những người này được Thống đốc Ngân hàng Nhà Nước Nguyễn Văn Bình  bao che, thông qua nguồn vốn nhà nước như thế nào để thu tóm các ngân hàng con một cách dễ dàng trong mấy năm qua.

Từ ngạc nhiên đến công nhận

Nhà văn Thùy Linh cũng là một người viết blog cho biết sự ngạc nhiên của bà như bao người khác về trang Quanlambao:

Thật ra đến giờ tôi vẫn chưa hiều lắm vê chuyện này, tôi rất kinh ngạc bởi vì đối với Quan làm báo thì nhiều người trong bọn tôi rất nghi ngờ và thậm chí có người cũng nói có một sự gì đấy rất tào lao. Gần đây tôi vẫn nghi ngờ đối với thông tin do Quan làm báo đưa ra nhưng khi vụ bắt bầu Kiên xảy ra thì tôi rất lấy làm lạ và thật sự tôi hoàn toàn vẫn không hiểu là tại sao một trang blog ra đời từ lâu như vậy và ai đứng đàng sau hoàn toàn tôi không đánh giá được.

Tại Việt Nam để ra đời một trang mạng có những thông tin động trời như thế mà lại tồn tại rất lâu, đưa những thông tin chính xác như thế thì đúng là chưa từng có. Thế cho nên chúng tôi không thể đánh giá hết được

Những chuyện như thế chắc chắn nó ảnh hưởng quá lớn đối với bầu không khí chính trị, xã hội trong nước. Cái mà pháp luật đang làm cụ thể là hậu quả của thị trường chứng khoán sụt giảm thì mọi người đánh giá là do tác hại ngằn hạn thì cũng phải chấp nhận nhưng về lâu dài những việc vi phạm pháp luật, hay những việc làm xấu xa bị đưa ra ánh sáng thì điều đó rất tốt cho sự phát triền của đất nước.

Một blogger khác là Bút thép, theo dõi Quanlambao từ khi nó xuất hiện đã chia sẻ suy nghĩ của anh:

Theo tôi thì trang blog Quan làm báo có tác động rất tích cực đối với xã hội Việt Nam. Những thông tin mà Quan Làm báo đưa ra tới nay đã được kiểm chứng rồi. Thí dụ trước đây khi chưa bắt bầu Kiên người ta nói những người làm trong Quan làm báo có thể là bốc phét nhưng đến nay thì nó bắt đầu dần dần được kiểm chứng và những gì mà trang Quan làm báo đưa ra nếu đúng như vậy thì rất là tốt đối với xã hội Việt Nam giúp mọi người thấy được nội bộ của chính quyền đảng cộng sản Việt Nam.

TS Nguyễn Thanh Giang thì cho rằng trang mạng này được sinh ra để chống đối một con người cụ thể là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và do đó nó khác với hầu hết các trang mạng của các nhân vật bất đồng chính kiến. Ông gọi đây là vấn đề phe phái:

Ở đây cụ thề mà Quan làm báo đưa ra là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và những người liên quan đến ông ta như là ông thượng tướng Nguyễn Văn Hưởng, như bầu Kiên như Trầm Bê, một loạt người khác. Tất cả Quan làm báo đều quy là bè lũ Nguyễn Tấn Dũng thì như vậy rõ ràng đây là vần đề phe phái

TS Nguyễn Thanh Giang

Sự xuất hiện của trang Quan làm báo rõ ràng nó lôi cuốn được sự quan tâm của rất nhiều người. Nếu là người dân bình thường hoặc nếu là anh em đấu tranh cho dân chủ thì họ chỉ phản ứng hay phản biện các vần đề chung sự lãnh đạo của đảng, của nhà nước thôi chứ họ không tập trung vào một con người cụ thể. Ở đây cụ thề mà Quan làm báo đưa ra là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và những người liên quan đến ông ta như là ông thượng tướng Nguyễn Văn Hưởng, như bầu Kiên như Trầm Bê, một loạt người khác. Tất cả Quan làm báo đều quy là bè lũ Nguyễn Tấn Dũng thì như vậy rõ ràng đây là vần đề phe phái.

Nhiều người theo dõi Quanlambao tin rằng với những thông tin về từng con người với bằng chứng như vậy Quanlambao sẽ khiến các thế lực phá hoại kinh tế Việt Nam sẽ chùn tay không thể ung dung thu tóm đất đai, tài sản của người dân như trước. Blogger Bút thép đồng tình về nhận xét này, anh nói:

Đúng rồi! khi Quan làm báo đưa ra những thông tin như vậy và bắt đầu được kiểm chứng thì chính quyền các cấp đặc biệt tại địa phương họ phải nhìn lại những gì mình đang làm và họ phải nhẹ tay hơn đối với những hành vi của họ đối với nhân dân, thí dụ như cướp bóc đất đai của dân hay đàn áp các blogger, các nhà dân chủ hay những hành vi không chính đáng như vừa rồi đánh luật sư Lê Quốc Quân chẳng hạn.

Nhà văn Thùy Linh cũng ủng hộ các nhận xét chung này của đa số công dân mạng, bà cho biết:

Vâng tôi nghĩ như thế, tôi ủng hộ điều đó. Riêng về việc đấu đá tôi không tham gia nhiều trong vấn đề chính trị cho nên tôi không hiểu lắm và tôi chỉ là người quan sát. Tôi quan sát và chưa đưa ra một đánh giá nào cả. Tôi có cảm giác đánh giá vào lúc này thì có vẻ hồ đồ lắm.

Điều mà tôi thấy hiện nay đang xảy ra tôi nghĩ rằng đúng là để cho lãnh đạo cao cấp buộc phải nhìn lại và đánh giá lại tất cả những việc mà họ đã làm và họ phải tìm một hướng đi thích hợp nếu muốn tồn tại.

Vẫn còn đó những câu hỏi...

Tuy công nhận lợi ích sau vụ bắt giữ bầu Kiên do tiết lộ của Quanlambao nhưng nhiều người vẫn lo sợ một vấn nạn khác mà thông tin từ trang Quanlambao có thể gây nguy hại cho đất nước so với những gì nó làm được trong vụ bầu Kiên.

Câu hỏi lớn nhất mà mọi người băn khoăn hiện nay là thế lực nào đã và đang cung cấp thông tin bí mật cho Quanlambao và quan trọng hơn, tại sao nó thoát được mạng lưới kiểm duyệt thông tin Internet dày dặc của nhà nước để ung dung đánh phá cả một thế lực mạnh nhất Việt Nam như vậy? Mời quý vị cùng với Mặc Lâm tìm hiểu trong bài tới.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.