Chiếc vé tàu ngày Tết

Mùa xuân mới lại đến trong sự nao nức và ấm áp của vạn vật. Nhà nhà lại sum họp, quây quần bên nồi bánh chưng đón Tết mà háo hức kể chuyện của một năm qua.
Quỳnh Chi, phong viên RFA
2013.02.08
Cả ngàn người chờ phát số thứ tự vào khuya nay tại nhà ga  - Ảnh: Cẩm Nhi Cả ngàn người chờ phát số thứ tự vào khuya nay tại nhà ga - Ảnh: Cẩm Nhi
Nguồn Thanh Niên


Tải xuống - download

Đối với một số người xa quê, để có được phút giây hạnh phúc này, họ phải vất vã mới có được tấm vé tàu cho kịp về quê ăn Tết. Chương trình Câu chuyện hàng tuần kỳ xin được chia sẻ với quý thính giả câu chuyện về những cuộc “săn” vé tàu ngày Tết tại Việt Nam.

Mua vé tàu như chạy giặc

Nhiều người gọi Tp. HCM là vùng đất nhiều hứa hẹn với sự nhộn nhịp khác thường. Điều này càng được thấy rõ ràng nếu ai đó đến nhà ga Sài Gòn, nơi bán vé tàu xe lửa vào ngày Tết.

Ga Sài Gòn luôn ngột ngạt những ngày cuối năm. Tiếng nói tiếng cười, tiếng la hét, tiếng chèo kéo của những tay cò vé như quánh đặc lại, khó phân biệt giữa các âm thanh. Xe lửa vẫn là một sự lựa chọn mang tính phổ thông nhất cho các tuyến đường xa về miền Bắc hay miền Trung bởi không phải ai cũng có thể chọn cho mình chiếc vé máy bay hoặc sẵn sàng chấp nhận cái chật chội, nguy hiểm của những chuyến xe tốc hành đường dài vào những ngày cuối năm hối hả.

“Xe đò thì nguy hiểm với lại Tết thì họ dồn ép người rất chật chội, phức tạp lắm. Rồi còn trộm cướp, móc túi… Mấy ngày lễ Tết mà đi xe đò là cực lắm”.

Chị Nguyễn Thị Chi chia sẻ trong lúc vừa vội vàng bế con ngồi nhờ xe hơi một người quen đi từ Sài Gòn ra Nha Trang, quê mẹ chị. Vậy là năm nay chị và gia đình có thể sum họp mà không quá khó khăn. Tuy nhiên,

Đoàn xe chở người đi mua vé đã phải có mặt từ 3, 4 giờ sáng. Photo Cam Nhi/thanh nien
Đoàn xe chở người đi mua vé đã phải có mặt từ 3, 4 giờ sáng. Photo Cam Nhi/thanh nien
Photo Cam Nhi/thanh nien
không phải lúc nào chị cũng có được may mắn đó; cũng như không phải ai cũng may mắn như chị.

Có sao lại không? Nằm la liệt ở ngoài ga từ sáng đến chiều để canh mua vé. Ngày bắt đầu bán vé thì phải ra xếp hàng. Có khi phải nằm hai ba ngày...Cực lắm. Năm nào cũng có nhiều người ẵm con cái ra nằm ngoài phòng vé la liệt

xxxxxxxxx

Khi những công nhân, sinh viên từ miền Bắc hay miền Trung lập nghiệp ở Sài Gòn chuẩn bị thu xếp về quê ăn Tết thì lúc này câu chuyện về hành trình mua vé tàu của họ lại được nói đến. Một trong những câu chuyện người ta thường nghe thấy là việc những nhân viên văn phòng, những công nhân, những sinh viên… phải nghỉ làm, nghỉ học nằm chờ hàng đêm ở ga Sài Gòn để mua được vé. Đôi lúc họ phải chờ vài ba ngày mới có được vé tàu để đi chuyến trước Tết.

“Có sao lại không? Nằm la liệt ở ngoài ga từ sáng đến chiều để canh mua vé. Ngày bắt đầu bán vé thì phải ra xếp hàng. Có khi phải nằm hai ba ngày”.

“Cực lắm. Năm nào cũng có nhiều người ẵm con cái ra nằm  ngoài phòng vé la liệt”.

Năm nào chị Chi cũng phải lo “chạy” vé tàu về quê ăn Tết, nhưng không phải năm nào chị cũng may mắn kiếm được một xuất đi dễ dàng. Chị vừa kể lại kinh nghiệm những lần “săn” vé.

Vé tàu Tết không được bán trước trong năm mà thường được bán trên mạng vào thời gian gần Tết, bắt đầu tháng 12 dương lịch, khoảng hai tháng trước Tết. Tuy nhiên, ngay thời điểm đó trang mạng bán vé thường bị nghẽn mạch và khi người ta có thể truy cập thì vé đã bán hết. Những người không may mắn trong đợt mua này phải chờ đến đợt mua trực tiếp tại ga, sau đó vài tuần. Tuy nhiên, đến đợt bán này thường chỉ có những ghế phụ hay còn gọi là “ghế cứng”- tức là những ghế ngồi bằng nhựa trên khoang tàu và có giá rẻ hơn. Dân mua vé tàu Tết trực tiếp tại nhà ga Sài Gòn thường là sinh viên, công nhân và dân lao động vì tại đây họ có thể mua được vé với giá niêm yết thường rẻ hơn giá chợ đen nhiều lần.

Bao giờ hết cảnh trắng đêm mua vé tàu

Chen nhau chờ lấy số thứ tự mua vé tàu Tết Quý Tỵ . Nguồn phapluatvn.vn
Chen nhau chờ lấy số thứ tự mua vé tàu Tết Quý Tỵ . Nguồn phapluatvn.vn
Nguồn phapluatvn.vn
Và hành trình tìm chiếc vé của ghế phụ này cũng không dễ dàng. Đêm trước của ngày bắt đầu bán vé, hàng trăm, hàng ngàn người đã túc trực tại ga để có thể bắt đầu mua vé vào sáng mai. Lúc này, các cửa chính nhà ga, các hành lang, các ghế đá, lối đi đều chật kín người nằm nghỉ qua đêm chờ mua vé tàu. Nếu ghé ga Sài Gòn vào dịp cận Tết, sẽ thấy nơi đây đông như hội làng với những công nhân còn chưa kịp thay chiếc áo đồng phục của các xưởng công nghiệp, những bác xe ôm nhễ nhãi mồ hôi chưa kịp về nhà, và những sinh viên gà gật bên mớ sách vở.

Chỉ cần trời vừa tờ mờ sáng là cuộc tranh giành số thứ tự để mua vé bắt đầu. Mỗi số thứ tự có thể mua được 4 vé và không dễ dàng có nó nếu không nhanh nhẹn chen lấn. Tuy nhiên, đến giai đoạn này khó khăn còn chưa hết vì vẫn chưa có gì đảm bảo rằng họ sẽ mua được vé cùng ngày hôm đó. Nếu không may mắn, họ phải chờ đến đợt bán vé ngày kế tiếp vì số vé bán ra trong ngày đã hết. Thậm chí, nhiều người phải về tay không nếu chậm chân.

Không bao giờ đủ vé. Ví dụ khi họ thông báo bán vé tàu vào lúc 8 giờ sáng thì 9 giờ gọi là họ đã nói hết vé rồi. Bởi vì đa phần họ đưa ra chợ đen bán. Với lại là vé online mua rất khó. Chán lắm. Đó là chuyện bình thường. Năm nào cũng vậy hết.

chị Chi

“Không bao giờ đủ vé. Ví dụ khi họ thông báo bán vé tàu vào lúc 8 giờ sáng thì 9 giờ gọi là họ đã nói hết vé rồi. Bởi vì đa phần họ đưa ra chợ đen bán. Với lại là vé online mua rất khó. Chán lắm. Đó là chuyện bình thường. Năm nào cũng vậy hết”, chị Chi nói.

Dân tỉnh xa hay đi tàu về quê không còn xa lạ với những tay cò vé chợ đen. Ngoài có những số điện thoại được truyền tay, các tay bán vé không chính thống thường quanh quẫn ở khu vực ga Sài Gòn. Sẽ không khó để bắt gặp trong không khí chật chội của nhà ga những cảnh chèo kéo, ngã giá và nài nỉ. Mua vé chợ đen như một giải pháp cho những người bận rộn. Tuy nhiên, không phải ai cũng có tiền mua vé chợ đen vì giá vẻ được nâng lên gấp nhiều lần tùy thời điểm.

Càng cận ngày Tết, giá vé chợ đen thường được nâng lên càng cao. Thông thường, giá chợ đen bằng giá niêm yết cộng tiền “cò”. Tùy tuyến đường, thời điểm mà tiền cò có giá dao động từ 150 ngàn đến 500 ngàn đồng mỗi vé. Mặc dù người mua vé biết rằng mình phải trả mức chênh lệch khá cao nhưng họ không còn cách nào khác hơn là phải chấp nhận.  Thậm chí việc mua lại vé chợ đen với tên người khách khác đã được in trên vé là chuyện bình thường. Phải mất vài cái Tết vất vả tìm vé, chị Chi mới rút ra được một “bí quyết” cho riêng mình.

“Thông thường thì tôi gọi cho nơi bán vé chợ đen một tháng trước ngày vé bắt đầu bán. Khi có vé, họ gọi lại cho mình”.

“Năm nào cũng đặt vé trước hai tháng, nhưng phải mua vé chợ đen chứ vé chính thức bán ở ga thì không có”.

Thế nhưng, mua vé chợ đen liệu đã giải quyết được mọi khó khăn? Theo chân một người bán vé chợ đen tên C. trong vai trò người mua vé tàu đi Phú Yên, chúng tôi được ra giá rất cao cho một chiếc vé. Chị giải thích cho tấm vé với giá “cắt cổ”:

“Năm nào vé cũng “hút”, không có hy vọng còn vé đâu”.

Sau một lúc gọi điện tìm kiếm, chị cho biết vé các tuyến đi miền Trung trước Tết hầu như không còn nữa. Chiều 27 Tết rộn ràng, chị C.  hối thúc chúng tôi đặt vé và không quên kèm theo thông tin mà chị biết về thị trường vé tàu chợ đen rằng các tuyến đường phổ biến như Sài Gòn đi Nha Trang, Đà Nẵng, Huế, Quãng Ngãi… đã hết từ lâu.

“Không còn vé đâu, các tuyến đó hết lâu lắm rồi. Năm nay vé được giao cho khách có tên và số chứng minh thư của khách. Đa phần những khách đặt sớm thì mới có chỗ. Mọi năm thì vé tàu không có tên nên nếu còn tồn hay do khách trả lại. Năm nay khách có trả thì cũng mang ra ga giải quyết chứ chúng tôi cũng không làm gì được”.

Chúng tôi bắt chuyện với chị Hồ Thị My, chị tỏ ra thông cảm với cảnh khó khăn khi tìm vé tàu tuyến Sài Gòn về miền Trung:

“Mấy ngày cận Tết thì các tuyến ra vào giữa miền Trung – Sài Gòn đều đông như nhau. Vì nhu cầu của ai cũng như nhau. Chính vì thế mà phải có kế hoạch trước. Đi đâu là phải có kế hoạch trước chứ nếu không  thì  những ngày Tết là không thể đi được”.

Chị My tuổi độ ngoài 20, nom dáng như một sinh viên. Chị cho biết sau Tết thì tuyến miền Trung hoặc miền Bắc vào Sài Gòn lại “cháy” vé như tuyến đi vào thời điểm trước Tết. Chính vì thế mà chị luôn mua vé khứ hồi, nhằm tránh trường hợp một số người không tìm được vé vào lại Sài Gòn sau Tết. Với cặp kính cận trên gương mặt và chiếc cặp lúc nào cũng đeo bênh mình, chị dường như là một người cân thận. Thế nhưng không phải lúc nào chị cũng tránh được rủi ro trong việc mua vé tàu Tết:

“Bị hoài chứ, ngủ dưới sàn tàu hoài. Nhiều khi cứ nhảy lên tàu rồi ngủ dưới sàn, lót chiếu, lót báo dưới đường đi. Mình vẫn trả tiền nhưng trả nửa vé chẳng hạn. Đi như vậy thì không có chỗ nằm gì cả. Sinh viên vui lắm, nếu không có vé thì cứ nhảy lên tàu đại. Ngày nào không có vé thì cứ nhảy lên đại, ai đi qua cứ đá chân mặc kệ miễn sao mình có chỗ ngủ”.

Trong những chuyến tàu vội vã ngày Tết, những cú nhảy tàu như chị My không phải hiếm. Dường như lúc đó cả người soát vé và khách đi tàu không quan tâm đến việc gì ngoài việc làm thế nào để có thể nhanh chóng về sum họp với gia đình. Có lẽ chính vì vậy mà trên những chuyến tàu Tết,  luôn có một chút gì đó xô bồ, mệt mỏi nhưng hạnh phúc.

Câu chuyên về những cuộc “săn” vé tàu ngày Tết không còn xa lạ và như đến hẹn lại lên. Và tôi cũng không còn xa quá xạ lạ với những gương mặt phấn khởi với tấm vé trên tay cũng như những gương mặt thất vọng khi không ngã giá được với các tay cò vé. Thế nhưng một anh bạn người Mỹ của tôi vẫn chưa quen với hình ảnh này và cứ thắc mắc hoài một câu hỏi “Liệu rằng tình huống sẽ khác đi nếu vé tàu được bán suốt năm?”

Liên lạc với tác giả tại: Quynhchi@rfa.org.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.