Nỗi sợ “thoát nghèo” của người nghèo

Hòa Ái, phóng viên RFA
2013.06.15
ngheo-305 Căn nhà dột nát của một gia đình nghèo ở thôn quê (ảnh minh hoạ).
File photo

 

Thời gian gần đây, truyền thông trong nước liên tiếp đưa tin về tình trạng các hộ gia đình nghèo, cận nghèo và thoát nghèo ở VN gặp cảnh bế tắc dù Nhà nước triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ cho các gia đình này.

Cười ra nước mắt

Một trong những chủ trương lớn của chính phủ VN là thực hiện chương trình giảm nghèo qua các chính sách hỗ trợ cho các hộ dân thuộc 3 diện: nghèo, cận nghèo và thoát nghèo. Chủ trương này được tiến hành trong các năm qua từ Trung ương cho đến địa phương như làng, xã, thôn, bản… với mục tiêu cải thiện về an sinh xã hội và công bằng trong đời sống của người dân. Trong vòng 2 năm qua, báo cáo về chương trình giảm nghèo ở các địa phương được cho là gặt hái những kết quả tốt và vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Các hộ nghèo và cận nghèo trở thành hộ thoát nghèo ngày càng nhanh chóng ở nhiều địa phuơng. Thế nhưng, các bài phóng sự đăng tải trên báo chí quốc nội về tình trạng cười ra nước mắt của những hộ được nhà nước nâng cấp thoát nghèo, vì thật ra họ vẫn nghèo nhưng khi nâng lên thoát nghèo thì mọi quyền lợi cho người nghèo của họ đã bị mất.

Thông tin về 1 người mẹ ở Cà Mau phải quyên sinh để cho con được đi học vì gia cảnh thuộc diện thoát nghèo, khiến cho công luận đặt câu hỏi rằng có phải chương trình giảm nghèo thực sự có hiệu quả? Tiến sĩ Xã hội học Trịnh Hòa Bình lý giải nguyên nhân vì sao người dân lại bất bình đối với chương trình này:

Trước đây gia đình thuộc diện nghèo nhưng hồi tết năm trước thì xã, phường mời lên họp thông báo là thoát nghèo vì theo chỉ tiêu của xã là phải 100% hộ thoát nghèo.
-Anh Sơn

“Có hàng loạt các chính sách nhằm hỗ trợ cho người nghèo bằng những chính sách về mặt an sinh xã hội như hỗ trợ bảo hiểm y tế, hỗ trợ ngân sách nguồn vốn, cho vay để thúc đẩy hỗ trợ việc làm cho người nghèo. Mặt bằng chung của xã hội là như thế nhưng kịch bản riêng ở từng vùng thì người dân có thể bất bình vì những khoản này khoản khác bị giới chức quản lý xà xẻo hoặc chậm trong trường hợp nào đó, không thật sự tận tụy giải quyết sớm cho người dân”.

Đối với các hộ nghèo, hiện có 30 loại chính sách khác nhau hỗ trợ như bảo hiểm y tế được hỗ trợ 100%, hỗ trợ về nhà ở, hỗ trợ về tiền điện…Trong khi đó, các hộ cận nghèo chỉ được hưởng ưu đãi với một vài chính sách. Dù có chính sách hỗ trợ về tín dụng nhưng các hộ gia đình thuộc diện nghèo khó vẫn phải đối mặt với hoàn cảnh bế tắc vì không thể tiếp cận được với các ngân hàng do không có tài sản thế chấp. Nhiều gia đình muốn vay vốn để chăn nuôi, trồng trọt trên miếng đất vườn nhằm tăng thu nhập nhưng các tổ chức tín dụng rất ngại cho vay vì các hộ gia đình này không đáp ứng thủ tục yêu cầu.

Trường hợp bà Nguyễn Thị Mỹ Nhân, 48 tuổi, ở Cà Mau đã nhiều lần xin chính quyền địa phương cấp sổ hộ nghèo để vay tiền cho con ăn học vì gia đình không có ruộng đất cũng như không có đồng vốn nào. 2 vợ chồng bà Nhân đi làm thuê và mỏi mòn chờ đợi được cấp sổ nghèo qua lời hứa hẹn của Bí thư xã-ông Trần Đại Đoàn là ghi nhận và sẽ xem xét. Bà Nhân quyết định chọn cái chết trước tình cảnh không thể kiếm được tiền đóng học phí cho con với hy vọng chồng sẽ bớt khổ và các con không dở dang trong việc học hành qua những đồng tiền phúng điếu của chòm xóm.

Một phụ nữ đẩy xe bán dạo khoai trên đường phố Hà Nội. RFA photo
Một phụ nữ đẩy xe bán dạo khoai trên đường phố Hà Nội. RFA photo
Một phụ nữ đẩy xe bán dạo khoai trên đường phố Hà Nội. RFA photo

Không giống trường hợp gia đình Bà Nhân, nhiều gia hộ đình ở khắp mọi tỉnh thành trong cả nước mong mỏi được cứu xét là hộ nghèo và cận nghèo để có được thẻ bảo hiểm y tế. Những người kém may mắn này có thể chịu đựng bữa đói bữa no nhưng bệnh tật là nỗi ám ảnh mà họ phải đối diện hằng ngày. Cán bộ ở địa phương nói với báo giới rằng do chỉ thị từ trên là phải giảm mạnh các hộ gia đình diện nghèo nên việc cứu xét rất là nghiêm ngặt. Vì thế dẫn đến tình trạng nhiều hộ gia đình phải chịu thiệt thòi.

Để đạt chỉ tiêu báo cáo, nhiều địa phương đạt thành tích 100% hộ thoát nghèo. Anh Sơn ở Đà Nẵng nói về hoàn cảnh “thoát nghèo” của gia đình mình:

“Trước đây gia đình thuộc diện nghèo nhưng hồi tết năm trước thì xã, phường mời lên họp thông báo là thoát nghèo vì theo chỉ tiêu của xã là phải 100% hộ thoát nghèo. Nhưng thực tế, gia đình mình có rất nhiều anh em thất nghiệp, đáng ra được hỗ trợ nhưng lại không được, bị cắt giảm. Ba mẹ mình già rồi, đang bị ốm đau bệnh tật, trước đây được bảo hiểm y tế nhưng bây giờ bị cắt nên rất khó khăn”.

 

Mong chính phủ lắng nghe

Nhu cầu của con người luôn hướng tới 1 cuộc sống giàu có, dư giả. Tuy nhiên, ước mơ được ở trong danh sách hộ nghèo và cận nghèo của nhiều người dường như không đơn giản. Cũng có không ít ý kiến cho rằng tự thân những người nghèo phải cố gắng thay đổi cuộc đời mình, đừng bị động trông chờ vào hỗ trợ của Nhà nước. Đơn cử trường hợp gia đình của chị Lý ở Tiền Giang, 1 bà mẹ già ngoài 70 tuổi bị bệnh cao huyết áp nặng, 1 người cháu trai chịu di chứng về thần kinh do tai nạn giao thông trúng đầu và bản thân chị Lý, sức khỏe yếu, không thể tìm được việc làm với sức vóc chỉ ngoài 30 kg. Gia đình chị Lý không biết làm sao để thoát nghèo. Chị Lý cho biết:

Người dân có thể bất bình vì những khoản này khoản khác bị giới chức quản lý xà xẻo hoặc chậm trong trường hợp nào đó, không thật sự tận tụy giải quyết sớm cho người dân.
-TS Trịnh Hòa Bình

Xã, phường có cấp cho sổ hộ nghèo rồi, có cho thẻ bảo hiểm mà chỉ trị bệnh nhẹ thôi, còn bệnh nặng thì tự mình lo. Nhà thì nước ngập. Trời mưa thì nước ngập tới đầu gối mà dột nữa”.

Ngôi nhà của chị Lý được chính quyền hỗ trợ 20 triệu đồng cho 1 căn nhà tình thương. Căn nhà tình thương trị giá 50 triệu sẽ được xây lên trong vòng 1 tháng nếu chị Lý nhận được sự giúp đỡ từ người thân, bạn bè, người quen thêm 30 triệu. Trong trường hợp chị Lý không có được số tiền 30 triệu thì kế hoạch xây dựng căn nhà tình thương sẽ hủy bỏ. Viễn ảnh của gia đình nhỏ này sẽ như thế nào trong những ngày sắp tới?

Chương trình giảm nghèo- một chủ trương lớn ở tầm vĩ mô rõ ràng không mang lại hiệu quả đích thực cho những người dân. Câu hỏi đặt ra làm thế nào chương trình hỗ trợ người nghèo của chính phủ đạt được hiệu quả thực tiễn cho đời sống người dân? Tiến sĩ Trịnh Hòa Bình nêu lên kiến nghị:

Nếu như có thể kiến nghị, đặt vấn đề gì đó với cấp vĩ mô thì chúng tôi vẫn yêu cầu quá trình thực hiện thì phải thông suốt và phải thường xuyên có kiểm tra, giám sát trong guồng máy hoạt động của mình. Tôi nghĩ rằng không thể một sớm một chiều là giải quyết được hết”.

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh vừa tuyên bố tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về thực hiện chương trình giảm nghèo là phải kiên trì thực hiện việc giảm nghèo bền vững. Trong khi đó, tiếng nói của nhiều người dân thuộc các hộ nghèo đang mong được chính phủ lắng nghe: “hy vọng Nhà nước cần phải chấn chỉnh lại vấn đề này. Nếu để lâu dài thì rất nguy hiểm. Bởi vì người dân của mình vốn đã khổ rồi, đang trông chờ vào Nhà nước nhưng Nhà nước lại xa rời người dân”.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.