Mục sư Franklin Graham: “Tự do tôn giáo tại Việt Nam đang được cải thiện”

Hòa Ái, phóng viên RFA
2017.12.13
AP_17343130490542.jpg Quang cảnh buổi truyền giáo của Mục sư Franklin Graham tại Hà Nội, ngày 08/12/17
AP

Mục sư Franklin Graham, một nhà truyền giáo Hoa Kỳ nổi tiếng thế giới được Chính phủ Việt Nam cho phép tổ chức buổi truyền giảng Phúc âm trong hai ngày 8 và 9 tháng 12, tại Hà Nội với sự tham dự của hơn 10 ngàn người. Sự kiện này được Mục sư Franklin Graham cho là “chưa từng có” cùng với lời khẳng định tự do tôn giáo tại Việt Nam đang dần được cải thiện.

Giới lãnh đạo tinh thần Thiên Chúa giáo Việt Nam chia sẻ gì qua sự kiện vừa nêu?

“Tôi là Franklin Graham, hiện đang ở Hà Nội, Việt Nam để truyền giảng về Chúa Giê-su đến với dân chúng miền Bắc. Tôi lấy làm vui mừng Chính phủ Việt Nam cho phép chúng tôi tổ chức buổi truyền giảng này và chúng tôi trông đợi vào sự chuyển động của Thượng Đế.”

Buổi truyền giảng “chưa có tiền lệ”

Đây là chia sẻ của Mục sự Franklin Graham, đăng tải trong một video clip trên tài khoản Facebook cá nhân vào ngày 7 tháng 12 khi ông vừa đến Việt Nam.

Mục sư Franklin Graham hiện là Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Hiệp hội Truyền bá Phúc âm Billy Graham và là một trong những nhà tuyền giáo nổi tiếng nhất tại Hoa Kỳ. Việt Nam là một trong số 7 quốc gia mà Mục sư Franklin Graham chia sẻ Phúc âm trong năm 2017.

Nói với Hiệp hội Báo chí (The Associated Press) vào ngày 9 tháng 12, Mục sư Franklin Graham cho biết buổi truyền giảng của ông mất một năm để chuẩn bị và được Chính phủ Việt Nam cấp phép một tuần trước khi sự kiện diễn ra cũng như không đòi hỏi bất cứ điều kiện nào. Mục sư Franklin Graham nhấn mạnh đây là buổi truyền giảng chưa có tiền lệ về số người người tham dự đối với Hiệp hội Truyền bá Phúc âm Billy Graham lẫn Chính quyền Hà Nội. Trên trang Facebook cá nhân, Mục sư Franklin Graham chia sẻ nhiều hình ảnh của buổi truyền giảng tại Cung thể thao Quần ngựa và các buổi gặp gỡ giữa ông với giới chức lãnh đạo Việt Nam, như Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh, Chủ tịch thành phố Hà Nội, ông Nguyễn Đức Chung.

Với những vùng truyền giáo, tức là những nơi chưa có giáo xứ vì chỉ có một ít giáo dân nên chưa thể thành lập giáo xứ, thì luôn luôn gặp khó khăn. Linh mục làm lễ ngoài nhà thờ, tại nhà dân thì luôn bị gây khó khăn. Do vậy, sự cải thiện về tự do tôn giáo ở Việt Nam gần như không đáng kể. Ngay Luật Tín ngưỡng Tôn giáo chuẩn bị có hiệu lực vào ngày 01/01/2018 sắp tới cũng nhằm chỉ trên quan điểm, đó là quản lý tôn giáo chứ không phải giúp công dân thực hiện quyền tự do tôn giáo của mình
-Linh mục An-tôn Lê Ngọc Thanh

Mục sư Franklin Graham nói rằng tự do tôn giáo tại Việt Nam đang dần được cải thiện trong vòng 20 năm và ông hy vọng qua sự kiện truyền giảng này, Chính quyền Hà Nội sẽ có cái nhìn khác về cộng đồng Thiên Chúa giáo.

Mục sư Nhựt Nguyễn, thuộc Hội thánh Tin Lành Việt Nam ở Hoa Kỳ cho biết ông theo dõi thông tin về buổi truyền giảng lần đầu tiên của Mục sư Franklin Graham tại Việt Nam rất sát sao và Hội thánh Tin Lành Việt Nam trong quốc nội cũng như ở hải ngoại cầu nguyện cho buổi truyền giảng này. Mục sư Nhựt Nguyễn nói với RFA:

Về phương diện tích cực thì tôi thấy rằng có một sự chuyển động mà Đức Chúa Trời đang làm trên dân tộc Việt Nam. Đặc biệt, tôi nhận thấy Chính quyền Hà Nội cũng thấy có một sự chuyển động nào đó ở giữa vòng cộng đồng đức tin tại Việt Nam, nhất là tại miền Bắc, những ngườu đã sống rất lâu trong chế độ Cộng sản vô thần. Ngày hôm nay chính những người đó mở lòng ra đối với Tin Lành.”

Vẫn không có tự do tôn giáo

Trong khi đó, Mục sư Nguyễn Hoàng Hoa, cũng thuộc Hội thánh Tin lành Việt Nam, từ trong nước lên tiếng không lấy làm phấn khởi mặc dù Chính phủ cho phép một buổi truyền giảng hiếm hoi như thế. Mục sư Nguyễn Hoàng Hoa cho rằng ghi nhận lạc quan của Mục sư Franklin Graham về tình hình tôn giáo tại Việt Nam là do nhà truyền giáo đến từ Mỹ chỉ nhìn thấy bề nổi mà không nắm bắt được hiện tình thực tế. Mục sư Nguyễn Hoàng Hoa và một số mục sư thuộc các hệ phái Tin lành khác nhau ở Việt Nam mà Đài RFA tiếp xúc thừa nhận chỉ những hội thánh tin lành nào được chính quyền công nhận thì mới cấp phép cho sinh hoạt, còn những hội thánh không được cấp phép thì gặp rất nhiều khó khăn trong việc thừa phượng và truyền giảng.

Từ Sài Gòn, Linh mục An-tôn Lê Ngọc Thanh, thuộc Dòng Chúa Cứu Thế chia sẻ Hội thánh Công giáo cũng gặp tình trạng tương tự, đặc biệt ở những vùng chưa thể thành lập giáo xứ hay xây dựng nhà thờ:

“Với những vùng truyền giáo, tức là những nơi chưa có giáo xứ vì chỉ có một ít giáo dân nên chưa thể thành lập giáo xứ, thì luôn luôn gặp khó khăn. Linh mục làm lễ ngoài nhà thờ, tại nhà dân thì luôn bị gây khó khăn. Do vậy, sự cải thiện về tự do tôn giáo ở Việt Nam gần như không đáng kể. Ngay Luật Tín ngưỡng Tôn giáo chuẩn bị có hiệu lực vào ngày 01/01/2018 sắp tới cũng nhằm chỉ trên quan điểm, đó là quản lý tôn giáo chứ không phải giúp công dân thực hiện quyền tự do tôn giáo của mình.”

Ngay sau buổi truyền giảng của Mục sư Franklin Graham tại Hà Nội, vào sáng ngày 10 tháng 12, Ngày Quốc tế Nhân quyền, Linh Mục An-tôn Lê Ngọc Thanh cùng các linh mục trong Dòng Chúa Cứu Thế bị công an và cảnh sát giao thông chặn xe, kéo về đồng Công an phường 6 quận 3 thành phố Hồ Chí Minh khi họ đang trên đường đến dự lễ bổn mạng Giáo xứ Thọ Hòa, ở Đồng Nai.

Trước đó, hồi hạ tuần tháng 4 năm nay, Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ (USCIRF) công bố bản báo cáo thường niên, trong đó đánh giá tình hình tự do tôn giáo Việt Nam “tiếp tục có tiến bộ về các điều kiện tự do tôn giáo, nhưng các vi phạm tự do tôn giáo nghiêm trọng vẫn tiếp diễn”. USCIRF một lần nữa kết luận rằng Việt Nam đáng bị đưa trở lại vào danh sách các quốc gia đáng được quan tâm (CPC), theo Đạo luật Tự do Tôn giáo Quốc tế (IRFA).

Về phía chúng tôi là những nhà lãnh đạo tôn giáo, những người sinh hoạt tôn giáo thuần túy thì rất mong muốn được sự tự do trong việc bày tỏ niềm tin vào rao giảng tin mừng về Thiên Chúa. Lúc nào cũng ao ước như vậy, nhưng không biết là có được như vậy hay không trong những năm tới
-Mục sư Nguyễn Hòang Hoa

Trả lời câu hỏi của Đài Á Châu Tự Do liệu rằng qua sự kiện Chính phủ Hà Nội cho phép tổ chức buổi truyền giáo quy mô của Mục sư Franklin Graham vừa rồi, thì đó có phải là chỉ dấu cho thấy việc thực hành tín ngưỡng của cộng đồng Thiên Chúa giáo nói riêng cũng như của các tôn giáo nói chung ở Việt Nam trong thời gian tới được cởi mở và thông thoáng hay không, Mục sư Nguyễn Hoàng Hoa cho biết:

“Về phía chúng tôi là những nhà lãnh đạo tôn giáo, những người sinh hoạt tôn giáo thuần túy thì rất mong muốn được sự tự do trong việc bày tỏ niềm tin vào rao giảng tin mừng về Thiên Chúa. Lúc nào cũng ao ước như vậy, nhưng không biết là có được như vậy hay không trong những năm tới?”

Trong khi RFA nhận được một số kiến của giới lãnh đạo tôn giáo tại Việt Nam đưa ra lập luận, cho rằng có thể Chính quyền Hà Nội đang nỗ lực chứng minh với thế giới Việt Nam có tự do tôn giáo qua sự kiện truyền giảng của Mục sư Franklin Graham, nhằm phản bác đề nghị đưa Việt Nam trở lại danh sách các quốc gia cần được quan tâm (CPC) thì chúng tôi nhận được thông báo của giáo dân Giáo xứ Đông Kiều, Giáo phận Vinh cho biết công an xã Diễn Mỹ vào sáng ngày 13 tháng 12 không cho làm hang đá chuẩn bị đón Noel. Một giáo dân tường thuật:

“Họ đọc biên bản cấm. Họ nói trong vòng 24 giờ nếu không giải tỏa thì chính quyền sẽ tháo gỡ.”

Tin mới nhất từ Giáo xứ Đông Kiều báo về Đài RFA là một nhóm côn đồ vào lúc 8 giờ tối cùng ngày đến phá các cổng chào, chém một người bị thương và một người khác bị thương do nhóm này nổ súng.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.