Tái cấu trúc hệ thống Ngân hàng là giúp ổn định kinh tế tài chính

Thanh Trúc, phóng viên RFA
2014.04.25
Ngân Hàng Nhà Nước Việt Nam Ngân Hàng Nhà Nước Việt Nam
RFA

Nghe bài này

 

Nhằm góp phần ổn định kinh tế, Ngân Hàng Nhà Nước Việt Nam loan báo kế hoạch đổi mới và nâng cao chất lượng thanh tra, giám sát ngân hàng cũng như các tổ chức tín dụng trong nước.

Vì sao phải đổi mới

Theo nội dung được Ngân Hàng Nhà Nước công bố hôm thứ Tư tuần này, đổi mới phương thức thanh tra và giám sát ngân hàng là công việc quan trọng trong tiến trình ổn định kinh tế vĩ mô.

Từ cuối năm 2011, những vấn đề như tiêu cực, rủi ro, yếu kém, vi phạm pháp luật của ngân hàng hoặc các tổ chức tín dụng đã được hệ thống thanh tra giám sát ngân hàng làm rõ.

Theo một chuyên gia trong Bộ Tài Chính, tiến sĩ Vũ Đình Ánh, về mặt tổ chức thì hệ thống thanh tra giám sát là một trong những hoạt động quản lý nhà nước đối với các tổ chức tín dụng và từ 2011 đến nay thì đã tập trung làm việc rất mạnh. Thế nhưng vì trước đấy Việt Nam cho thành lập nhiều Ngân Hàng Thương Mại khiến những hoạt động của các tổ chức tín dụng được mở rộng hơn khiến xảy ra những tình trạng như

Thứ nhất, về mặt huy động thì các ngân hàng đã chạy đua huy động bằng việc sử dụng các lãi suất trong bối cảnh Việt Nam khi đó đang áp dụng trần lãi suất huy động, tức là mức lãi suất huy động cao nhất mà Ngân Hàng Nhà Nước cho phép. Nhưng mà nhiều Ngân Hàng Thương Mại phá mức trần đấy, họ vi phạm qui định của nhà nước.

Cái thứ hai, quan trọng hơn nhiều, là việc nhiều Ngân Hàng Thương Mại đã quá dễ dãi và lỏng lẻo, đặc biệt cho vay liên quan đến thị trường chứng khoán hoặc là cho vay về bất động sản. Đó chính là cái gây ra nợ xấu mà các ngân hàng phải giải quyết.

Vấn đề thứ ba là liên quan đến vốn của ngân hàng, thể theo yêu cầu của cơ quan quản lý mà cụ thể là Ngân Hàng Nhà Nước, thì các Ngân Hàng Thương Mại sẽ phải tăng vốn điều lệ lên ở mức khá là cao mà bây giờ đang ở ngưỡng khoảng 3.000 tỷ là tối thiểu đối với những Ngân Hàng Thương Mại .

Trong quá trình tăng vốn đó, tiến sĩ Vũ Đình Ánh nói, một số hiện tượng bắt đầu phát sinh, ví dụ những trường hợp gọi là sở hữu chéo, còn gọi là sở hữu lẫn nhau, giữa các ngân hàng, các tổ chức ngoài ngân hàng hay các tổ chức tín dụng:

Ngoài ra nữa thì còn một số hoạt động do các ngân hàng mà quản trị không tốt nên đã có những vụ lừa đảo trong hoạt động ngân hàng ví dụ định giá sai tài sản để cho vay những khoản tín dụng, vụ Bầu Kiên của Ngân Hàng ACB, vụ liên quan đến Ngân Hàng Nông Nghiệp Và Phát Triển Nông Thôn và cái gọi là Công Ty Cho Thuê Tài Chính AMC2.

Nói tóm lại rất nhiều vi phạm trong hoạt động ngân hàng trong thời gian vừa qua. Chính vì thế mà cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng họ phải đẩy mạnh và tăng cường để phát hiện ra những vi phạm và có biện pháp xử lý. Vai trò phát hiện và xử lý thì chủ lực chính là Cơ Quan Thanh Tra Giám Sát Ngân Hàng.

Vai trò của NHNN

Dịch vụ ở ngân hàng Eximbank (minh họa). Courtesy laodong.com
Dịch vụ ở ngân hàng Eximbank (minh họa). Courtesy laodong.com
Courtesy laodong.com

Trên thực tế thanh tra giám sát được coi là hoạt động quan trọng nhất trong việc quản lý ngân hàng, tiến sĩ Vũ Đình Ánh trình bày tiếp, vì thế đề cập đến đổi mới và nâng cao chất lượng có nghĩa là nâng cấp từ nhân lực, trình độ, con người, kể cả khả năng công nghệ để có thể giám sát hữu hiệu hơn, đặc biệt giám sát từ xa so với trước đây để có thể cảnh báo rủi ro:

Ở VN thì Ngân Hàng Nhà Nước vẫn chưa đóng vai trò một ngân hàng trung ương độc lập mà vẫn là một cơ quan chính phủ.

Tiến sĩ Vũ Đình Ánh

Có thể nói là trong một thời gian khá dài Cơ Quan Thanh Tra Giám Sát quản lý nhà nước về mặt ngân hàng cũng có buông lỏng, do đó khá nhiều Ngân Hàng Thương Mại hay các tổ chức tín dụng đã báo cáo không trung thực, bản thân cơ quan quản lý thì cũng không có công cụ, thậm chí không quan tâm ráo riết về chuyện phải báo cáo một cách đầy đủ và đúng mức nên mới xảy ra hàng loạt các vi phạm như vậy.

Điểm thứ ba, khi bùng nổ các Ngân Hàng Thương Mại, đặc biệt liên quan vấn đề sở hữu chéo, thì thật ra nó cũng có một số các nhóm lợi ích đã chi phối các hoạt động ngân hàng, thậm chí đã có biểu hiện qua mặt các cơ quan chức năng quản lý nhà nước mà cụ thể đây Ngân Hàng Nhà Nước. Do đó Ngân Hàng Nhà Nước khó có thể kiểm soát tốt được các hoạt động cho vay sân sau, cho vay những dự án mà thực ra là không có hiệu quả, hay là cho vay dù có tài sản đảm bảo thế chấp nhưng họ định giá tài sản thế chấp đó không đúng. Đáng ra đó là những khoản nợ xấu thì người ta phân loại thành ra là chưa xấu để trốn tránh nghĩa vụ về quĩ dự phòng hay thậm chí che dấu những khoản nợ xấu đó.

Chính vì thế, trong tiến trình đổi mới nhằm lành mạnh hóa hệ thống ngân hàng, chủ yếu các Ngân Hàng Thương Mại, việc đẩy mạnh và nâng cấp hệ thống thanh tra giám sát ngân hàng lên là chuyện bắt buộc, tiến sĩ Vũ Đình Ánh khẳng định:

Để lành mạnh hóa hệ thống ngân hàng cũng như tái cơ cấu hệ thống tài chính, trong đó tập trung vào các Ngân Hàng Thương Mại, thì thanh tra giám sát là công cụ giúp lành mạnh hóa một cách thực sự bởi vì nó phải dựa trên những thông tin chính xác về họat động cũng như cơ cấu sở hữu.

Và chính vì đó là công cụ nên việc hoàn thiện phải được đặt ra trước khi thực hiện tái cấu trúc . Bên cạnh đó, nâng cao vai trò của Ngân Hàng Nhà Nước cũng là việc cần làm:

Ở Việt Nam thì Ngân Hàng Nhà Nước vẫn chưa đóng vai trò một ngân hàng trung ương độc lập mà vẫn là một cơ quan chính phủ. Chính vì vậy, việc nâng cao năng lực và phẩm chất của Cơ Quan Thanh Tra Giám Sát cũng là một bước để tiến dần đến cái năng lực của một Ngân Hàng Trung Ương và tăng thêm tính độc lập của ngân hàng đấy.

Về tính công khai minh bạch, chuyên gia tài chính Vũ Đình Ánh cho biết tỷ lệ nợ xấu trên tổng tín dụng của Việt Nam có nhiều con số khác nhau, trong lúc những số liệu của bên thanh tra giám sát cao hơn rất nhiều so với con số báo cáo chính thức.

Thường những chuyện này được giải thích là do các ngân hàng báo cáo lên và cơ quan nhà nước chỉ tổng hợp thôi. Vì vậy, tiến sĩ Vũ Đình Ánh kết luận, chừng nào Cơ Quan Thanh Tra Giám Sát thực sự hoạt động tốt, năng lực của nó thực sự được nâng cao, chừng đó hệ thống ngân hàng và thị trường tài chính của Việt Nam mới được đánh giá là minh bạch và rõ ràng.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.