Nhiều người Việt chuyển tài sản ra nước ngoài

Kính Hòa, phóng viên RFA
2016.04.25
000_9O1MN Người dân tìm hiểu thông tin về các tour du lịch nước ngoài tại một hội chợ du lịch quốc tế ở Hà Nội vào ngày 15 tháng Tư năm 2016.
AFP photo

Giữa tháng Tư năm 2016, xuất hiện một thông tin là trong quí ba năm 2015, có đến 7 tỉ 300 ngàn đô la Mỹ được người Việt gửi ra nước ngoài. Sau đó đã có những đính chính từ phía cơ quan nhà nước rằng đây là số tiền giao dịch giữa các ngân hàng, và việc ấy là việc bình thường.

Từ Hà Nội chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho rằng:

Theo tôi hiểu thì nó cũng không hoàn toàn bình thường, vì vừa qua có mấy hiện tượng làm cho chúng ta chú ý. Một là các doanh nghiệp nhỏ, bị phá sản, bị đóng cửa tăng lên. Thứ hai là các doanh nghiệp có kết quả, có thành công, thì cũng có một hiện tượng là sáp nhập, hợp nhất, với các doanh nghiệp của các nhà đầu tư nước ngoài. Ví dụ như là thương hiệu bánh Kinh Đô.

Có sự đánh giá coi đó là tín hiệu tích cực, là để tăng tiền vốn và mở rộng qui mô. Nhưng cũng có đánh giá coi đó là một điều đáng lo ngại là các doanh nghiệp có kết quả thì bây giờ cũng cảm thấy không được an tâm, thay vì tiếp tục kinh doanh thì lại đi bán lại thương hiệu của mình. Tôi nghĩ mỗi luồng ý kiến đều có lý của họ. Có lẽ là tình hình tới đây sẽ phải tiếp tục theo dõi để đi đến một kết quả rõ ràng hơn.

Tôi nghĩ rằng nhà nước Việt nam cần phải cải cách thể chế để bảo đảm người Việt Nam có trình độ cạnh tranh hiệu quả như là các nước trong khu vực.
- Tiến sĩ Lê Đăng Doanh

Kính Hòa: Việc mà những người Việt giàu có chuyển sang sống và làm việc ở nước ngoài thì theo Tiến sĩ nó trầm trọng tới mức nào?

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh: Theo tôi việc người Việt Nam thành đạt, giàu có, chuyển ra nước ngoài làm việc là một hiện tượng đáng chú ý, và đáng lo ngại.

Bởi vì có một số khá đông người Việt Nam hiện nay tuy đang ở trong nước, nhưng đã có chuẩn bị mua nhà, gửi con đi học, đăng ký công ty ở nước ngoài. Gần đây có một hiện tượng đáng chú ý là có một số doanh nghiệp trẻ của Việt Nam, có chuyên môn, có trình độ, thay vì đăng ký doanh nghiệp tại Việt Nam thì họ lại đăng ký ở Singapore, dễ dàng nhanh chóng hơn, và họ có thể kinh doanh một cách thuận lợi hơn.

Đó cũng là chỉ dấu cho thấy Việt Nam ngày càng hội nhập sâu, và việc cải thiện môi trường kinh doanh ở Việt Nam là một yêu cầu cấp bách.

Kính Hòa: Có một số thống kê mang tính định lượng nào về khoản tài sản mà người Việt chuyển ra nước ngoài không thưa Tiến sĩ?

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh: Thống kê đó thì chắc chắn không thể chính xác được, vì cái dạng tài sản mà chuyển ra nước ngoài đó được chuyển với rất nhiều cách khác nhau, công khai và không công khai, cho nên tôi e là cho đến bây giờ chưa thể có con số đáng tin cậy được.

Phải cải cách thể chế

Kính Hòa: Ngược lại cũng có một lượng tiền từ nước ngoài đổ về gọi là kiều hối, thì theo tiến sĩ sự cân bằng giữa lượng tiền đổ về và lượng tiền mất đi được đánh giá như thế nào?

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh: Có một lượng tiền được gửi về Việt Nam được coi là tiền kiều hối với trị giá rất lớn, lên đến độ 11 hay 12 tỉ đô la hàng năm. Đang có những đánh giá khác nhau.

Có người cho rằng đấy không thực sự là tiền kiều hối, mà có thể là tiền chuyển từ nước ngoài về dưới những hình thức kinh doanh, lại quả, những hình thức gì đó chứ không phải kiều hối. Bởi vì nếu số tiền kiều hối là như vậy, tính theo đầu người Việt Nam thì mỗi người Việt Nam ở nước ngoài chuyển về một số tiền đến 2800 đô la hàng năm nếu tôi nhớ không nhầm. Số tiền ấy là quá lớn so với thu nhập thực của người Việt Nam. Cho nên có ý kiến cho rằng đó là số tiền chuyển về nhưng không thực sự là kiều hối, mà là những dạng tiền khác nhau, phức tạp, cần nghiên cứu kỹ thêm.

Kính Hòa: Tiến sĩ có thể nói cụ thể vài điểm, làm thế nào để người Việt Nam có thể an tâm kinh doanh trong nước, và lưu giouwx tài sản trong nước. Đi xa hơn, là thu hút những người giàu có không phải là người Việt Nam đến Việt Nam sinh sống và làm ăn không?

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh: Đấy là một điều mà hiện nay xã hội và chính phủ Việt Nam rất quan tâm. Đó là Việt Nam rất muốn thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài để nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng một cách mạnh mẽ. Và muốn như vậy thì phải cải cách thể chế, trong đó có mấy nội dung cơ bản.

Theo tôi việc người Việt Nam thành đạt, giàu có, chuyển ra nước ngoài làm việc là một hiện tượng đáng chú ý, và đáng lo ngại.
- Tiến sĩ Lê Đăng Doanh

Một là điều kiện kinh doanh phải thông thoáng. Sắp tới đây ngày 29 tháng tư, thì ông Thủ tướng sẽ gặp cộng đồng doanh nghiệp, có thông điệp mạnh mẽ về việc cải thiện môi trường kinh doanh. Ví dụ vừa rồi là xử lý vụ quán phở Xin Chào, dừng vụ án, bước đầu có hình thức xử lý đối với hai quan chức của Viện kiểm sát quận Bình Chánh, đó là dấu hiệu cho thấy đã có bước đầu.

Điều quan trọng nữa, là phải bảo đảm quyền sở hữu hợp pháp tài sản của người dân.

Và điều này có liên quan đến nhiều vấn đề. Ví dụ như là người nông dân, hiện nay không có quyền sở hữu về đất đai, cho nên là nhà nước có thể thu hồi đất của người nông dân, cho nên họ không quan tâm đến việc tăng độ phì, việc đầu tư vào đất đai bị hạn chế.

Điều thứ hai nữa là những người giàu có chưa được an tâm khi có những vụ án hình sự hóa quan hệ dân sự, quan hệ kinh tế. Đó là điều làm cho người ta lo lắng nên người ta đã tìm cách bán bớt tài sản của người ta cho nhà đầu tư nước ngoài, chuẩn bị sẳn để đi ra nước ngoài khi người ta cảm thấy cần thiết bằng cách là mở công ty, mua nhà, gửi con cái đi học, rồi cho con cái ở lại.

Tôi nghĩ rằng nhà nước Việt Nam cần phải cải cách thể chế để bảo đảm người Việt Nam có trình độ cạnh tranh hiệu quả như là các nước trong khu vực.

Điều thứ hai rất là quan trọng là quyền sỡ hữu. Các quyền đó phải được bảo đảm bằng luật pháp rõ ràng cũng như là trong thực tế của cuộc sống.

Nếu không có thì người dân sẽ tiếp tục lo ngại và không dồn sức để đầu tư kinh doanh, thậm chí nếu kinh doanh được thì tìm cách chuyển tài sản ra nước ngoài.

Kính Hòa: Xin cảm ơn Tiến sĩ.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.