Xói lở sông ở đồng bằng sông Cửu Long

Kính Hòa, phóng viên RFA
2017.04.25
000_Hkg10129166.jpg Một bến dò trên sông Mekong địa phận tỉnh Cần Thơ chụp tháng 12/2014.
AFP photo

Trong hai ngày 22 và 23 tháng tư có tất cả gần 20 căn nhà ven sông Vàm Nao bị đổ ụp xuống sông. Ông Lâm Quang Thi, Phó chủ tịch tỉnh An Giang nói với báo chí rằng nguyên nhân ban đầu có thể là do sông Vàm Nao là hợp lưu của hai dòng sông Tiền Giang và Hậu Giang, tạo nên dòng xoáy dưới đáy sông gây ra tai họa sụp đổ nhà cửa tại đây. Còn có nguyên nhân nào khác theo như giải thích vừa nêu của vị chủ phó chủ tịch tỉnh An Giang?

Khai thác cát

Theo tiến sĩ Võ Tòng Xuân, một chuyên gia về vùng Đồng bằng sông Cửu Long, sinh ra và lớn lên tại tỉnh An Giang, thì dọc dòng sông Mekong, chuyện lở bờ sông hoặc bồi đắp tạo nên các cồn cát giữa sông, hay còn gọi là các cù lao là chuyện bình thường của thiên nhiên bao đời nay. Ngoài ra còn có một hiện tượng thiên nhiên nữa mà tiến sĩ Võ Tòng Xuân cho là góp phần vào chuyện sạt lở vừa qua ở sông Vàm Nao là do mưa lớn, làm đất ven sông mềm đi.

Sông của mình bị lở là việc tất nhiên thôi. Chỉ có cách bây giờ mình phải cấm chuyện lấy cát ở lòng sông.
- Tiến sĩ Võ Tòng Xuân

Nhưng tiến sĩ Võ Tòng Xuân cho rằng nạn khai thác cát dọc lòng sông Cửu Long đã góp phần gây ra tai họa sụp lở cho cư dân ven sông:

“Việc lấy cát dưới lòng sông, có khi người ta lén người ta lấy, có khi người ta thông đồng với những người của chính quyền. Bây giờ bên Singapore, người ta làm sân golf, rồi lấn biển toàn bằng cát của đồng sông Cửu Long mình. Hiện tượng này đã xảy ra cả chục năm nay. Sông của mình bị lở là việc tất nhiên thôi. Chỉ có cách bây giờ mình phải cấm chuyện lấy cát ở lòng sông.”

Với nhu cầu cao về cát để xây dựng và lấn biển ở Singapore, trong suốt hai năm nay rất nhiều công ty đổ xô vào khai thác cát trên tất cả các dòng sông Việt Nam, từ Bắc chí Nam. Lợi nhuận cao đến nỗi làm nảy sinh các vụ xung đột giữa những người khai thác cát và dân chúng, thậm chí chủ tịch tỉnh Bắc Ninh bị dọa giết vì muốn ngăn cản nạn khai thác cát ở tỉnh này.

Ngày 21 tháng ba năm 2017, Thủ tướng Việt Nam ra chỉ thị cho Bộ giao thông vận tải ngừng các hợp đồng cho phép nạo vét cát ở các dòng sông.

Vào ngày 31 tháng 3, báo Tuổi Trẻ trong nước có bài báo ghi nhận là rất nhiều công ty nạo vét các dòng sông chỉ để lấy cát, còn bùn thì không đụng đến.

Vào tháng 2 năm 2017, theo báo Tuổi Trẻ, chính ông Lâm Quang Thi, phó chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh An Giang đã ký hợp đồng cho phép các công ty nạo vét cát với khối lượng lên đến 145 ngàn mét khối, tại khu vực huyện Phú Tân không xa sông Vàm Nao.

Một người dân sống ven sông vùng đồng bằng sông Cửu Long vẫy tay chào Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đi ngang hôm 14/1/2017.
Một người dân sống ven sông vùng đồng bằng sông Cửu Long vẫy tay chào Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đi ngang hôm 14/1/2017.
AFP photo

Theo tiến sĩ Võ Tòng Xuân thì cách đây 10 năm tại huyện Tân Châu cũng đã xảy ra một vụ lở bờ sông cuốn trôi nhà cửa, và trước đó nữa tại tỉnh Đồng Tháp, một bệnh viện đã bị cuốn trôi suống sông Cửu Long.

Ngay sau vụ lở sông Vàm Nao, ông Nguyễn Trung Lập, phó chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật tỉnh An Giang cho chúng tôi biết biện pháp để bảo vệ người dân sống ven sông:

Ủy ban tỉnh cũng có kế hoạch di dời những ngôi nhà đó cho nó an toàn hơn. Khai thác cát bừa bãi nó sẽ gây sạt lở. Cái này cũng kiểm soát chặt chẽ.”

Theo tiến sĩ Võ Tòng Xuân thì để bảo vệ người dân thì phải xây kè dọc bờ sông, nhưng ông nói là với những dòng chảy sâu phát sinh do nạn khai thác cát, có bờ sông có độ sâu đến 30 mét, rất khó để xây kè, mặc dù với sự giúp đỡ của các chuyên gia Hà Lan trong lĩnh vực đê điều.

Các đập nước thượng nguồn

Ngoài nạn khai thác cát quá lớn trên sông, một chuyên gia trong mạng lưới sông ngòi Việt Nam còn cho chúng tôi biết qua email rằng các đập nước trên sông thượng nguồn sông Mekong, trong đó phần lớn là do Trung Quốc xây dựng, cũng góp phần làm xói lở ở hạ lưu sông Mekong là vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Theo số liệu của tiến sĩ Võ Tòng Xuân, thì tại trạm quan trắc Kratie bên Campuchia, thì vào mùa khô lưu lượng nước của sông Mekong là 16 ngàn mét khối một giây, đến mùa lũ là 40 ngàn mét khối giây. Nay với sự vận hành của các đập thượng nguồn, thì độ chênh lệch này càng lớn hơn nữa.

Mấy cái đập trên đó thì trên lý thuyết vào mùa lũ, họ sẽ giữ nước lại cho mình. Còn mùa khô họ xả nước ra. Trên lý thuyết là vậy. Trên thực tế họ không làm như vậy. Mùa khô họ vẫn khô. Các số liệu cho thấy mấy cái đập đó không có nhiều nước như mình tưởng. Trong khi đó trong mùa mưa, nó chứa rất nhiều nước, nó phải xả thôi, nếu không họ bị vỡ đập.”

Tiến sĩ Võ Tòng Xuân trích dẫn báo Thái Lan cho biết cựu thủ tướng Ôn Gia Bảo của Trung Quốc đã từng đi thị sát nạn hạn hán tại tỉnh Vân Nam trong mùa khô, và ông không dám vào nhà dân chúng vì biết là họ thiếu nước trầm trọng.

Nay các đập nước tại Vân Nam ra đời sẽ giữ nước của sông Mekong lại vào mùa khô, và sẽ xả ra vào mùa lũ. Với chế độ khí hậu gió mùa hai mừa mưa nắng của vùng Đông Nam Á, các đập nước này làm cho vùng hạ lưu khô hơn vào mùa khô, nhiều nước hơn vào mùa lũ, không khác gì nạn lũ chồng lên lũ do các đập thủy điện nhỏ và vừa ở miền Trung Việt Nam, chỉ khác là sự xói lở ở vùng đồng bằng sông Cửu Long không được cảm nhận tức thời như các con sông ngắn ở miền Trung.

Và tương lai không chỉ có các đập nước ở Vân Nam, mà còn có các đập thủy điện lớn ở vùng Thượng và Hạ Lào.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.