Khai thác cát đe dọa rừng quốc gia Nam Cát Tiên

Kính Hòa, phóng viên RFA
2017.04.26
000_Hkg3429953.jpg Khai thác cát dọc sông Mekong. Ảnh chụp 24/3/2010.
AFP photo

 

Do lợi nhuận cao từ việc xuất khẩu cát sang nước ngoài, người ta thấy việc khai thác, nạo vét cát diễn ra rất rầm rộ trong thời gian gần đây.

Việc khai thác như thế đang diễn ra trên sông Đồng Nai, và có nguy cơ đe dọa rừng quốc gia Nam Cát Tiên, nằm trong lưu lực sông Đồng Nai thuộc phạm vi ba tỉnh Đồng Nai, Bình Phước và Lâm Đồng.

Thay đổi hệ sinh thái

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai, ông Trần Bá Đạt vào ngày 25 tháng tư 2017, đến khu du lịch Rừng Gọi nằm sát bên rừng quốc gia Nam Cát Tiên để hỏi ý kiến những người sống ở đây về chuyện khai thác cát tại khu vực này.

Tiếp ông Trần Bá Đạt là ông Nguyễn Huỳnh Thuật người phụ trách khu du lịch sinh thái Rừng gọi.

Theo ông Thuật thì ông Trần Bá Đạt cho rằng chuyện sạt lở đất dọc sông Đồng Nai cũng có thể là do nguyên nhân tự nhiên, chứ không hẳn là do hoạt động khai thác cát gây ra.

Ông Thuật kể lại:

“Tôi với những người dân ở đây từ năm 2000, cả chục năm cái cồn chỗ khu du lịch Rừng gọi chưa bao giờ bị sạt, mà chỉ là cách đây hai năm, làm mất đi gần 3 sào đất của dân. Đầu tiên chủ tịch huyện không đồng ý, nhưng sau khi tôi phân tích thì ông ấy đồng ý.”

Theo ông Thuật thì những người dân sống ở khu vực này đang chia làm hai nhóm, một nhóm đòi hỏi các doanh nghiệp khai thác cát phải đền bù thỏa đáng, nhóm còn lại không chấp nhận việc khai thác cát.

Theo ông Thuật thì ngoài chuyện làm sạt lở đất đai canh tác của người dân sống ven rừng quốc gia, hoạt động khai thác cát còn ảnh hưởng đến việc bảo tồn thiên nhiên của rừng quốc gia. Đó là tiếng ồn sẽ xua đuổi các loài linh trưởng quí hiếm được bảo vệ ở đây. Thứ hai là sự sạt lở sông Đồng Nai sẽ thu hẹp diện tích rừng quốc gia, mà theo báo cáo của ban quản trị Nam Cát Tiên hiện có đến 18 điểm lở đất. Thứ ba là sự khai thác cát sẽ làm thay đổi dòng chảy, tác dộng đến sự cân bằng sinh thái đã hình thành hàng ngàn năm.

Ngoài ra cũng có một tác động đến lợi tức do du khách mang lại vì nước sông bị vẫn đục do hoạt động khai thác cát:

“Hôm qua có một khách quốc tế đi tắm thì thấy nước rất là bẩn. Họ bèn đi lên thượng lưu thì thấy xuồng khai thác cát, họ rất là bất ngờ vì đây được nói là một bãi tắm cho khách quốc tế, nhưng lại bị ô nhiễm vì khai thác cát ở thượng lưu. Như vậy ảnh hưởng đến vấn đề du khách.”

Tìm một lời giải hài hòa lợi ích

Hai phụ nữ đang khai thác cát dọc sông Mekong. Ảnh chụp hôm 24/3/2010.
Hai phụ nữ đang khai thác cát dọc sông Mekong. Ảnh chụp hôm 24/3/2010.
AFP photo

Tuy nhiên theo ông Thuật cũng như ý kiến của ông Trần Bá Đạt, chủ tịch huyện Tân Phú, thì những doanh nghiệp khai thác cát đó đều có giấy phép, và có cả bảng đánh giá tác động môi trường, cho nên nếu bắt họ dừng lại thì cũng là một sự thiệt thòi cho họ.

“Mình phải đứng về doanh nghiệp khai thác cát, đứng về phía chính quyền, rồi đứng về phía người dân bị mất đất để giải bài toán một cách hài hòa.”

Các giấy phép khai thác cát này được các tỉnh địa phương cấp, rồi sau này được Bộ giao thông vận tải cấp với lý do tận thu cát trong việc nạo vét luồng lạch giao thông.

Gần đây, đứng trước nạn khai thác cát quá mức từ bắc chí nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Bộ giao thông vận tải ngưng cấp giấy phép này.

Về chuyện qui trình đánh giá tác động môi trường, thì việc này cũng hay bị chỉ trích rằng những qui trình này chỉ là hình thức và điều đáng nói là trong quá trình thực hiện việc đánh giá tác động môi trường, cộng đồng cư dân địa phương không được tham gia.

Ông Thuật nói rằng ông chưa đọc các bản đánh giá tác động môi trường của các công ty đang khai thác cát ở khu vực gần Nam Cát Tiên.

Chúng tôi có tìm cách liên lạc với ông Trần Bá Đạt nhưng không được, thay vào đó ông Vũ Hoài Hạ, phó chủ tịch huyện Tân Phú có trả lời chúng tôi câu hỏi về chuyện người dân than phiền các hoạt động khai thác cát:

Cái đó huyện đang rà soát để xử lý. Cái đó thì mấy anh em và những người dân xung quanh người ta lo ngại, chứ cũng không ai khẳng định cái đó.”

Theo ông Nguyễn Huỳnh Thuật thì huyện Tân Phú đang hỏi ý kiến ông và những chuyên gia khác để làm cơ sở cho việc theo dõi các hoạt động khai thác cát, và có thể là bắt các công ty vi phạm phải đền bù. Ông Thuật cho rằng việc người đứng đầu huyện đến gặp ông để hỏi ý kiến là một tín hiệu tốt cho thấy chính quyền đang lắng nghe phản hồi từ xã hội, nhưng cũng có những ý kiến nghi ngại cho rằng chính quyền đang tìm cách xoa dịu sự bất bình.

Thạc sĩ Nguyễn Huỳnh Thuật tốt nghiệp chuyên ngành môi trường, trước đây làm việc cho rừng quốc gia Nam Cát Tiên. Hiện ông Thuật không làm việc cho rừng quốc gia mà phụ trách khu du lịch sinh thái Rừng Gọi, và tổ chức nhiều hoạt động bảo vệ môi trường cho công đồng cư dân địa phương.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.