IPCC: chính con người làm trái đất ấm nóng lên

Gia Minh, RFA
2013.09.29
Biểu đồ của IPCC về mức gia tăng nhiệt độ, mực nước biển, tỉ lệ theo mức tăng CO2
UN chart

Nhóm làm việc thứ nhất của Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu-IPCC, vào ngày thứ sáu 27 tháng 9 vừa qua chính thức công bố báo cáo của nhóm này đóng góp vào Phúc trình đánh giá thứ 5 của IPCC.

Xác suất 95%: con người là thủ phạm

Đúng 10 giờ sáng tại Stockkholm, Thụy Điển đại diện của IPCC và "Nhóm làm việc thứ nhất" cho công bố báo cáo trình mang tên ‘Cơ sở Khoa học Tự nhiên’- Bản tóm lược dành cho các nhà hoạch định chính sách’.

Báo cáo có một kết luận mang tính chắc chắn hơn so với báo cáo lần thứ tư được đưa ra cách đây sáu năm, hồi năm 2007. Theo báo cáo mới nhất này thì tác động của con người đối với khí hậu Trái đất là rõ ràng. Điều này được chứng minh qua những diễn biến thời tiết ở hầu hết các vùng miền trên địa cầu. Tình trạng Trái Đất ấm lên được quan sát từ giữa thế kỷ thứ 20 cho đến nay được chứng minh hết sức mạnh mẽ là do tác động ảnh hưởng của con người gây ra.

Các nhà khoa học tham gia soạn thảo báo cáo của Nhóm làm việc thứ nhất nâng mức hết sức chắc chắn hay 95% về thủ phạm con người khiến cho Trái đất ấm nóng lên kể từ giữa thế kỷ thứ 20 cho đến nay mà nguyên nhân dẫn đầu là việc con người sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Báo cáo lần thứ tư của IPCC hồi năm 2007 chỉ nêu tỷ lệ chắc chắn ở mức 90% và trước đó vào năm 2001 là chỉ 66% mà thôi.

Bằng chứng của kết luận do các nhà khoa học đưa ra như thế được minh chứng mỗi lúc một rõ hơn thông qua quan sát nhiều và tốt hơn giúp hiểu biết hơn về phản ứng của hệ thống khí hậu.

Báo cáo của Nhóm làm việc thứ nhất nêu ra rằng kể từ năm 1950 các nhà khoa học quan sát thấy có nhiều thay đổi trong hệ thời tiết Trái Đất mà chưa từng có trong bao thập niên cho đến thiên niên kỷ. Cứ mỗi một thập niên trong vòng ba thập niên qua, bề mặt trái đất tiếp tục ấm nóng hơn khi so sánh với bất kỳ thập niên nào từ năm 1850.

Hậu quả: đợt nóng tăng, thêm lũ lụt, hạn hán, nước biển dâng 26cm-82cm

Ông Thomas Stoker, đồng chủ tịch của Nhóm làm việc thứ nhất cho biết rằng việc tiếp tục thải khí gây hiệu ứng nhà kính sẽ khiến hiện tượng ấm nóng Trái đất tăng thêm, và từ đó dẫn đến những thay đổi trong tất cả mọi thành tố của hệ thống khí hậu.

Theo ông này thì những đợt nóng chắc hẳn sẽ xuất hiện thường xuyên hơn và kéo dài hơn. Khi mà Trái đất ấm lên, những vùng ẩm hiện nay sẽ chịu nhiều mưa hơn, và những vùng đang khô hạn sẽ có ít mưa hơn; dù rằng cũng sẽ có những trường hợp ngoại lệ.

Lâu nay giới khoa học cũng nêu ra một hệ quả từ tình trạng Trái đất ấm lên sẽ khiến cho băng tại hai cực tan chảy làm mực nước biển dâng lên.

Một vị đồng chủ tịch khác của Nhóm làm việc thứ nhất là ông Qin Dahe, cho rằng khi mà nước của các đại dương ấm lên, các giải băng hà và băng giảm đi, mực nước biển trung bình toàn cầu cũng tiếp tục tăng lên. Mức tăng nhanh hơn trong suốt 40 năm qua.

Quan sát của giới khoa học nói hồi thế kỷ thứ 19, nước biển tăng 19 cm.

Những dự báo về tình trạng biến đổi khí hậu mà Nhóm làm việc thứ nhất nêu ra trong báo cáo mới công bố được dựa trên những kịch bản mới về lượng khí thải gây hại. Thời gian dự báo được nêu ra là vào đầu, giữa và cuối thế kỷ 21 này. Kịch bản dự báo tính đến năm 2010 được dựa trên mô hình máy tính về những khuynh hướng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, đặc biệt khí thải từ các loại nhiên liệu than, dầu khí đang được sử dụng nhiều như hiện nay.

Kịch bản lạc quan nhất cho nhiệt độ Trái đất tăng thêm lên là chỉ 1 độ C vào năm 2100 so với mức năm 2000. Đây là kịch bản duy nhất có thể đáp ứng mục tiêu tăng 2 độ C mà Liên hiệp quốc đưa ra. Tuy nhiên kịch bản xấu nhất về tăng nhiệt độ Trái đất là cao nhất đến 4,8 độ C vào cuối thế kỷ này.

Mực nước biển cũng có khả năng tăng từ 26 cm đến 82 cm vào cuối thế kỷ 21. Với kịch bản xấu nhất thì mực nước biển vào năm 2100 có thể tăng lên 98cm.

Báo cáo mới công bố nói rõ là khi mà các loại khí gây hiệu ứng nhà kính tích tụ trong bầu khí quyển của Trái đất thì những đợt nóng, lũ lụt, hạn hán và mực nước biển dâng lên là hiện tượng chắc chắn phải xảy ra.

Ông Thomas Stoker, đồng chủ tịch của Nhóm làm việc thứ nhất kêu gọi rằng để hạn chế tình trạng biến đổi khí hậu thì cần phải giảm đáng kể và vững chắc lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Theo ông này thì do tình trạng phát thải khí CO2 trong quá khứ, hiện tại và cả trong tương lai, khí hậu trái đất bị biến đổi, và những hệ quả sẽ lâu dài suốt nhiều thế kỷ cho dù đến lúc mà không còn phát thải khí CO2 nữa.

Chủ tịch của IPCC, tiến sĩ Rajendra Pachauri, nhận định về báo cáo của Nhóm làm việc thứ nhất cho rằng đó là những nhận biết khoa học quan trọng về cơ sở của tình trạng biến đổi khí hậu trên Trái đất lâu nay. Đây là nền tảng vững chắc giúp xem xét về những tác động của biến đổi khí hậu đối với con người và thiên nhiên, từ đó có thể đáp ứng những thách thức.

Chuyên gia biến đổi khí hậu tại Việt Nam, ông Trần Việt Liễn, người từng tham gia vào báo cáo thứ tư của IPCC, có một số ý kiến về báo cáo của Nhóm làm việc thứ nhất vừa nêu:

Tôi mới chỉ xem bản tóm lược chứ chưa được xem đầy đủ báo cáo, phái đến cuối tháng này trên mạng mới có bản đầy đủ. Tuy nhiên trước đó cũng có nhiều tài liệu tương tự như thế. Nay bới bản tóm lược này tôi thấy Việt Nam cũng quan tâm bắt đầu theo dõi đánh giá lần thứ năm này. Nổi bật lên là vấn đề sửa đổi các kịch bản cần phải cập nhật. Chỗ tôi cũng có thực hiện một số kết quả và chỗ Viện Khoa học Khí tượng- Thủy Văn đang tiến hành thử nghiệm để thử xem kịch bản mới có những vấn đề gì cần phải thay đổi theo kịch bản cũ. Theo tôi đó là cái đáng quan tâm hơn cả; chứ còn nhiều nhìn nhận và đánh giá có khác, nhưng vấn đề này cũng được đặt ra rồi, không có vấn đề gì đột biến.

Điểm khác đặc biệt là đánh giá của báo cáo phân ra hai giai đoạn ngắn và dài tức giai đoạn đến năm 2035 và giai đoạn đến 2100. Đó là một trong những cách nhìn khác trước, mặc dù những kết quả tương đương không phải khác gì nhiều. Nhưng có những điểm cần phải nghiên cứu thêm. Như ở Việt Nam đánh giá về tác động đối với thiên tai phải được cập nhật thêm.

Báo cáo này sau khi được xuất bản chính thức thì các quốc gia phải đối chiếu lại, ở Việt Nam cũng đang trong tinh thần như thế.

Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, Viện Nghiên cứu Biến đổi Khí hậu, Đại học Cần Thơ cho biết cách thức sử dụng báo cáo của IPCC nhằm phục vụ công tác tại cơ quan của ông:

Cho đến nay chúng tôi cũng chưa nhận được báo cáo đó. Nhưng thường khi có những báo cáo như thế, chúng tôi có thảo luận trước trong nội bộ của anh em làm về chuyên môn. Sau đó chúng tôi xem lại có liên quan đến khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long và của Việt Nam mức độ thế nào. Tiếp đó mới coi lại những bước đi cần thiết cho phù hợp trong điều kiện của Việt Nam. Đối với báo cáo của IPCC thì bước làm của chúng tôi thường là như vậy.

Và chúng tôi tổ chức ra những cuộc hội thảo nhỏ với những người có chuyên môn với một số lãnh đạo của một số địa phương bị ảnh hưởng nhiều.

Thường chúng tôi xem báo cáo đó với của Việt Nam có trùng lắp gì không, có khác biệt gì không rồi phân tích ra để điều chỉnh.

Dù được công bố hôm thứ 6, 27 tháng 9, nhưng đến ngày thứ hai 30 tháng 9, báo cáo dày đến 2500 trang của Nhóm làm việc thứ nhất mới được chính thức đưa ra cho công chúng.

Đến tháng ba và tháng tư sang năm, báo cáo của Nhóm làm việc thứ hai và thứ ba sẽ được công bố. Đến tháng 10, phúc trình tổng hợp ba báo cáo sẽ được IPCC đưa ra.

Chính phủ các quốc gia được dự kiến sẽ căn cứ vào những kết luận do giới khoa học đưa ra trong phúc trình của IPCC để tiến hành đàm phán đi đến một thỏa thuận vào năm 2015 về mức cắt giảm khí gây hiệu ứng nhà kính.

Sau khi báo cáo của Nhóm làm việc thứ nhất được công bố, ngoại trưởng Hoa Kỳ, John Kerry, lên tiếng cho rằng đó là một tiếng chuông cảnh báo nữa. Những ai bác bỏ những bằng chứng khoa học và nại cớ giải thích cho hành động của họ là đang đùa với lửa. Trong thông cáo đưa ra, ngoại trưởng John Kerry nói rằng khoa học đang rõ ràng hơn, vấn đề trở nên bức thiết hơn.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.