Các doanh nghiệp bị thiệt hại do Formosa vẫn chưa được bồi thường

RFA
2017.10.18
000_9Y4W7.jpg Những con cá chết nằm trên một bãi biển ở huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình hôm 20/4/2016.
AFP photo

Ngày 17/10 vừa qua, Việt Nam cho biết đã bồi thường 97,4% số tiền thiệt hại cho các nạn nhân chịu tác động của thảm họa môi trường Formosa xảy ra vào tháng 4 năm ngoái tại các tỉnh Bắc Trung bộ.

Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nói rõ là tính đến ngày 4/10, số tiền các tỉnh bồi thường cho người dân đạt gần 6.200 tỷ đồng. Những hộ chưa được bồi thường là do không có mặt ở địa phương hoặc chờ giải quyết khiếu nại.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình thì nói rằng đến thời điểm kết thúc mà chưa chi trả xong thì gửi ngân hàng để khi nào bà con về thì đền bù cho họ.

RFA trao đổi với ông Anh, chủ cơ sở hải sản đông lạnh Tuyết Anh, một doanh nghiệp lớn ở Lộc Hà, Hà Tĩnh. Ông Anh cho biết hơn một năm nay ông nộp đơn từ khắp nơi kêu cứu mà vẫn chưa được một đồng bồi thường:

Chưa được đồng nào. Nó cứ lừa lên lừa xuống, nó đẩy kiểu nó, nói kiểu kia. Chưa được một nghìn nào mà thiệt hại rất lớn.

Ra Bộ nộp đơn thì họ bảo về tỉnh hỏi. Tỉnh thì bảo giờ đang kiến nghị ngoài Trung ương.

Tiền đó là tiền của dân thì phải bồi thường cho dân chứ.

Trước mình tự kê khai rồi nó kiểm đếm, chốt sổ và niêm phong. Bây giờ phải mở niêm phong bán mà bán cũng không được. Nó bị thối, hư hỏng hết cả rồi.

Ra Bộ nộp đơn thì họ bảo về tỉnh hỏi. Tỉnh thì bảo giờ đang kiến nghị ngoài Trung ương.
- Dân Hà Tĩnh

Theo lời ông Anh thì năm ngoái đích thân Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, cùng Chủ Nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đến thị sát khu vực Lộc Hà sau khi thảm họa xảy ra, và có ghé thăm cơ sở của ông. Cả hai lãnh đạo cao cấp đều hứa với người dân rằng Chính phủ sẽ có biện pháp chỉ đạo giải quyết thỏa đáng cho người dân. Tuy nhiên từ bấy đến nay đâu vẫn hoàn đó.

Ông Anh nói rằng nhiều trường hợp giống gia đình ông phải cho con nghỉ học đi đến cơ quan chức năng cầu cứu. Nợ nần ngân hàng và nợ dân tới gần chục tỷ đồng và họ dọa nếu không trả sẽ giết gia đình ông.

Ông cho biết hoàn cảnh gia đình hiện tại:

Rất khó khăn. Hầu như không phải mình vợ chồng anh mà nhiều gia đình bị như vậy. Những trường hợp vấp ngã như anh bây giờ triệt hẳn [con đường sống] và nói chung là khốn đốn đến cùng luôn.

Bây giờ không có đồng vốn để khôi phục lại nghề nghiệp mà hoàn toàn mất trắng luôn.

Người dân mang băng rôn phản đối Formosa gây nhiễm độc biển.
Người dân mang băng rôn phản đối Formosa gây nhiễm độc biển.
danlambao

Chúng tôi cũng liên lạc với bà Huynh, một ngư dân tỉnh Quảng Bình, để hỏi về tình hình bồi thường tại khu vực này. Bà Huynh cho biết bản thân bà đã được đền bù với số tiền hơn 17 triệu đồng. Ngoài ra, bà nhận thấy hầu hết các ngư dân bám biển đều được bồi thường, duy chỉ có những hộ kinh doanh đông lạnh hoặc hàng khô là chưa được.

Nhưng bà Huynh nói rõ rằng số tiền này không thỏa đáng so với những thiệt hại, mất mát của bà con:

Trong một năm dân tiêu thu biết bao nhiêu tiền, mà 17 triệu không đáng gì với họ.

Giờ hàng hóa đầy ắp trong nhà mà không tiêu thụ được. Nhà nước cho được 34 triệu [cho hai vợ chồng bà] thì ăn trong 2 tháng là hết.

Sau này buôn bán cái gì không biết nữa. Nghề biển cũng mất mùa không làm được. Khổ quá!

Tại một địa phương khác cũng trong diện chịu thiệt hại là tỉnh Quảng Trị. Người dân nói với chúng tôi những điều tương tự, đó là hầu hết ngư dân đã được bồi thường, tuy nhiên những chủ cơ sở hải sản khô và đông lạnh lại “chưa được một đồng nào”.

Gia đình chị Mỹ ở Quảng Trị cũng được bồi thường 17 triệu 460 ngàn vào tháng 7 vừa qua. Tuy nhiên, khi chúng tôi hỏi chị có hài lòng với số tiền này không, chị Mỹ nói:

Không thỏa đáng tại vì nhà chị làm lò hấp sấy cá, cũng buôn bán bị thiệt hại nhưng không thấy Nhà nước hỗ trợ. Nhà chị cũng đưa đơn đề nghị Trung ương bồi thường hấp sấy cá.

Giờ không đi biển được vì đi biển không có gì. Lò hấp cũng để không vậy đó. Nói chung hoàn cảnh khó khăn lắm vì có làm gì ra tiền đâu. Đi biển không được, ở nhà không có cá mà sấy.

Giờ hàng hóa đầy ắp trong nhà mà không tiêu thụ được. Nhà nước cho hai vợ chồng được 34 triệu thì ăn trong 2 tháng là hết.
- Dân Quảng Bình

RFA cũng liên hệ với chị Thương, một chủ cơ sở kinh doanh hải sản ở tỉnh Quảng Trị để xác minh thông tin họ không được bồi thường. Chị Thương cho biết cách đây mấy tháng chính quyền về cân đo hải sản của nhà chị và hứa rằng sẽ quay trở lại tịch thu và bồi thường. Tuy nhiên, đã trễ hẹn mà không thấy bóng dáng một cơ quan chức năng nào tới:

Lò hấp cá và kho đông của chị Nhà nước chưa bồi thường gì hết. Cá hai ba trăm thùng mà Nhà nước chưa về múc. Bữa trước họ hứa là trong nội tháng 7 họ sẽ đưa xe về họ múc. Mà giờ sắp hết tháng 10 rồi mà chưa thấy nhúc nhích.

Cá thì chết mà để lâu chạy [tủ đông] thì tốn tiền điện mà không chạy thì thối.

Từ một gia đình kinh doanh khá giả, sau thảm họa nhà chị lâm vào cảnh hết sức khó khăn, nợ nần chồng chất và phải đi hái cà phê thuê để kiếm sống qua ngày.

RFA đã liên lạc với Công ty Formosa Hà Tĩnh để hỏi thông tin về bồi thường nhưng đại diện phát ngôn báo chí của Formosa cho biết như sau:

Xin lỗi em không biết thông tin này. Em cũng là nhân viên nhỏ cấp dưới thôi nên không biết. Vấn đề chị hỏi em cũng không rõ.

Khi được yêu cầu cho gặp lãnh đạo, anh này nói rằng lãnh đạo công ty không trả lời báo chí.

Chúng tôi cũng liên lạc với chính quyền tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình để hỏi về chuyện bồi thường cho các cơ sở kinh doanh hải sản. Tuy nhiên, sau khi đặt vấn đề họ đều cúp máy.

Thảm họa môi trường Formosa xảy ra hồi tháng 4 năm ngoái làm cá, hải sản chết hàng loạt nổi trắng bờ biển 4 tỉnh Bắc trung bộ, khiến hàng trăm ngàn người dân mất sinh kế.

Công ty Formosa sau đó đã thừa nhận trách nhiệm và giao cho Chính phủ khoản tiền bồi thường 500 triệu đô la. Kể từ đó đến nay hàng loạt các cuộc biểu tình nổi lên vì người dân bất mãn với chính sách bồi thường họ cho là bất công của Nhà nước. Điển hình là vụ việc hôm mùng 2 tháng 10 năm ngoái, hàng ngàn người dân Hà Tĩnh tụ tập trước cổng công ty yêu cầu phải đóng cửa.

Tháng 4 vừa rồi, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu phải dứt điểm công tác bồi thường nạn nhân Formosa vào ngày 30/6/2017.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.