Mục đích của chỉ đạo này là giúp nông dân bớt khó khăn do giá lúa trên thị trường xuống quá thấp.
Mua tạm trữ
Thị trường lúa gạo ở đồng bằng sông Cửu Long đã bớt ngưng trệ. Hoạt động của thương lái, hàng sáo được ghi nhận trở lại.
Một ngày sau quyết định của chính phủ hỗ trợ 100% lãi suất vốn vay ngân hàng để doanh nghiệp Nhà nước mua gạo tạm trữ, trưa 23/9 một nông dân miền Tây cho chúng tôi biết tình hình ở địa phương:
“Giá lúa 4900 (chất lượng cao) hiện nay 4.150đ thấp hơn lúa ngang 2517 được 4.200đ. Cũng có ghe mua, nhưng họ chỉ mua lúa ngang, nguyên con kênh chỗ em, cũng có được vài trăm tấn hiện đang thu hoạch.
Mong ông (Thủ tướng) cho mua hết nguồn lương thực trong dân cho khỏe, để còn làm vụ tới, chứ kiểu này dồn dồn tới, tiền bạc phân bón trả không được thì cũng thua luôn.”
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng từng ba lần chỉ đạo mua tạm trữ gạo để giải quyết lúa mất giá thị trường tồn đọng, tuy nhiên ông đã nếm trải kinh nghiệm là chỉ đạo suông thường không mang lại kết quả.
Mong ông Thủ tướng cho mua hết nguồn lương thực trong dân cho khỏe, để còn làm vụ tới, chứ kiểu này dồn dồn tới, tiền bạc phân bón trả không được thì cũng thua luôn.
Nông dân miền Tây<br/>
Trong một số trường hợp như vụ hè thu 2008, chỉ đạo của Thủ tướng bị các doanh nghiệp gác qua một bên. Lúc ấy lạm phát phi mã, lãi suất cho vay dành cho nông nghiệp cũng cao ngất 15-16%, doanh nghiệp không thể nào mua gạo trữ vài tháng vì không có đầu ra xuất khẩu, chưa kể nếu muốn trữ trong kho cũng không còn chỗ chứa.
Một trong những điểm đáng chú ý nữa, trên nguyên tắc người đứng đầu chính phủ không có thẩm quyền ra lệnh cho Hiệp Hội Lương Thực Việt Nam là một hiệp hội ngành nghề, các doanh nghiệp thành viên kinh doanh vì lợi nhuận. Dù rằng trên thực tế các doanh nghiệp nhà nước chi phối thị phần xuất khẩu quan trọng nhất.
Lần này các chuyên gia nói với chúng tôi là lệnh của Thủ tướng mang tính khả thi vì nó đi kèm một số điều kiện hiện thực, dù rằng khối lượng mua tạm trữ có thể chưa giải quyết hết lượng lúa hè thu và thu đông ở đồng bằng sông Cửu Long.
Thứ nhất Thủ tướng giao nhiệm vụ cho một cơ quan Nhà nước thuộc quyền, đó là Tổng Công Ty Lương Thực Miền Nam VINAFOOD II, thứ hai doanh nghiệp được hỗ trợ lãi suất 100% để thực hiện việc mua tạm trữ 500 ngàn tấn gạo vụ hè thu 2009.
Những điều kiện khác cũng khá rõ ràng, đó là VINAFOOD II phải mua xong trong vòng hai tháng từ 20/9 tới 20/11/2009, thời gian tạm trữ là 4 tháng tính từ 20/9 tới 20/1/2009.
Như vậy cần hiểu rằng VINAFOOD II được hỗ trợ lãi suất 100% trong vòng 4 tháng để thực hiện thương vụ này. Về giá mua gạo doanh nghiệp không được mua thấp hơn giá sàn để qui ra giá lúa bảo đảm nông dân có lãi tối thiểu 30%.
Hiện nay thời vụ lúa hè thu mùa mưa, lũ lụt sắp tới mà nông dân không có kho tàng không có bồ chứa thành ra người ta muốn bán cho nhanh, nếu để lại sẽ ẩm mốc.
TS Lê Văn Bảnh
Giải pháp khả thi?
Thực tế trong nhiều tuần lễ liền, lúa rớt giá nông dân không bán được. TS Lê Văn Bảnh nhận định về giá qui gạo mà doanh nghiệp mua khó bảo đảm lợi nhuận của nông dân:
“Thực tế hiện nay Hiệp Hội không mua trực tiếp mà qua hệ thống thương lái. Khi mấy ông thương lái mua về bán cho ông lương thực chừng đó giá đó thì giá mua đến dân sẽ phải thấp hơn.
Hiện nay thời vụ lúa hè thu mùa mưa, lũ lụt sắp tới mà nông dân không có kho tàng không có bồ chứa thành ra người ta muốn bán cho nhanh, nếu để lại sẽ ẩm mốc. Nếu giải quyết số lượng 2 triệu tấn thì cũng có khả năng giảm nhẹ gánh nặng cho người dân.”
Thật ra ngay từ đầu tháng 8, Thủ tướng đã chỉ đạo Hiệp Hội Lương Thực Việt Nam phối hợp với các tỉnh sản xuất lúa gạo, mua 2 triệu tấn gạo tương đương 4 triệu tấn lúa hàng hóa vụ hè thu 2009, với giá nông dân có lãi 30%.
Chỉ đạo ngày 22/9/2009 cụ thể hơn về khối lượng gạo thời gian mua, thời gian trữ và ít nhất thì VINAFOOD II được vay vốn hỗ trợ lãi suất 100% trong vòng 4 tháng.
Trước đó trong tháng 8 vừa qua, 21 thành viên Hiệp Hội Lương Thực Việt Nam đã hoàn tất mua 400 ngàn tấn gạo vụ hè thu. Sau đó từ ngày 7/9 Hiệp Hội loan báo mua tạm trữ đợt 2 với 500 ngàn tấn gạo, nay chỉ đạo của Thủ tướng giao Tổng Công Ty Lương Thực Miền Nam mua tạm trữ 500 ngàn tấn gạo.
Hiệp Hội Lương Thực chưa công bố số liệu mua gạo đợt II, các thành viên đã mua được bao nhiêu.
Do vậy có thể có sự trùng lấp giữa hai đợt mua gạo tạm trữ. Khả năng các kho trữ ở đồng bằng sông Cửu Long chỉ khoảng 800 ngàn tấn.
Ngày 21/9/2009, Thời Báo Kinh Tế Saigon đưa tin Hiệp Hội Lương Thực Việt Nam cho rằng lượng lúa gạo hè thu tồn đọng trong dân không nhiều.
Hiệp Hội tính toán vụ hè thu 2009 vùng đồng bằng sông Cửu Long có khoảng 2 triệu tấn lúa hàng hóa, ngoài 900 ngàn tấn mua dự trữ của Hiệp Hội, các doanh nghiệp đã mua và xuất khẩu khỏang 900 ngàn tấn nữa.
Nếu nói như thế vùng đồng bằng sông Cửu Long chỉ còn tồn đọng 200 ngàn tấn gạo hàng hóa vụ hè thu mà thôi.
Tuy nhiên, vẫn theo Thời Báo Kinh Tế Saigon, Ông Phạm Văn Dư - Cục Phó Cục Trồng Trọt cho rằng, hiện lúa hè thu còn tồn đọng trong dân khoảng 1 triệu tấn và vụ lúa thu đông tức vụ ba từ nay tới cuối năm cho thêm 2,4 triệu tấn lúa.
Như vậy tổng cộng sẽ tồn đọng 3,4 triệu tấn lúa. Ông Dư cho rằng cần phải tăng cường mua thêm gạo thì mới giải quyết được tồn đọng.
Cho đến ngày 19/9, Việt Nam đã thực tế xuất khẩu 4 triệu 720 ngàn tấn gạo, trị giá 1 tỷ 926 triệu USD. Tổng lượng hợp đồng đã ký khoảng 5 triệu 600 ngàn tấn.
Trước đây có tin Việt nam có đủ gạo để xuất khẩu tới 7 triệu tấn gạo trong năm 2009, nếu các doanh nghiệp ký thêm được hợp đồng.