Sinh viên với việc làm thời vụ

Vào thời điểm cuối năm, các doanh nghiệp có thêm nhu cầu tuyển dụng lao động, nhất là lao động thời vụ, để đáp ứng hoạt động kinh doanh trong dịp lễ Noel và Tết Nguyên Đán.
Hòa Ái, phóng viên RFA
2012.01.05
MG_0561_1366-305.jpg Sinh viên ở Sài Gòn đi làm thêm công việc tiếp thị ngoài giờ học, ảnh chụp trước đây.
RFA PHOTO

Nhiều sinh viên là đối tượng chính trong số lao động thời vụ đó. Hòa Ái gửi đến quý vị một số thông tin liên quan qua trình bày của chính các sinh viên đi làm thêm dịp lễ Tết và một chuyên gia giáo dục nói về chuyện đi làm thêm của sinh viên.

Thiếu lao động mùa Tết

Hằng năm, khi tiết trời trở gió đông, các đường phố giăng đầy ánh đèn màu lấp lánh thì lúc đến hẹn lại lên cho các bạn trẻ sinh viên tấp nập đi tìm việc làm thêm với mong muốn có chút tiền để trang trải cho việc học cũng như mua sắm chút quà Tết cho gia đình. Phần đông sinh viên hy vọng tìm được một việc làm thích hợp với khả năng và thời gian biểu của mình. Nhưng đa số các bạn trẻ này làm bất cứ việc gì có thể được trong mùa lễ Tết. Đây là chia sẻ của bạn Linh: 

Đến gần Tết thì nhiều việc hơn, cần nhiều người phụ hơn nên ở  chỗ em làm thì tuyển thêm khá là nhiều nhân viên.

Bạn Linh

“Em tên Linh, hiện là sinh viên năm cuối của trường Đại Học Công Nghiệp TP. HCM. Tết này, em sẽ làm việc cho một cửa hàng bán quần áo cho thú nuôi thông qua sự giới thiệu của bạn. Đến gần Tết thì nhiều việc hơn, cần nhiều người phụ hơn nên ở  chỗ em làm thì tuyển thêm khá là nhiều nhân viên. Mùa Noel vừa rồi với Tết gần đến thì có rất nhiều sinh viên tìm những việc khác nhau để làm. Ví dụ như là xin bán hoa mùa Tết, bán quà lưu niệm ở trên đường, hoặc là phụ việc ở các shop quần áo. Em làm từ 8 giờ sáng đến 4 giờ chiều là ca 8 tiếng. Công việc của em làm với tiền lương có thể nói là tạm chấp nhận được.”

Có lẽ không phải bạn nào cũng làm được ca giờ hành chánh như bạn Linh. Bạn chọn học buổi tối vì trường của bạn cho sinh viên lựa chọn giờ học vào ban đêm. Và sau đây là chia sẻ của bạn Tín:

“Em tên là Tín, sinh viên năm 3 của trường Đại Học Quốc tế Hồng Bàng. Hiện tại em đang làm bán thời gian cho nhà hàng ở quận 1. Công việc của em làm theo ca từ 6 giờ sáng đến 12 giờ trưa. Mức lương hiện tại là 1.8 triệu/tháng. Mức lương hiện tại thì không cao so với năm ngoái là mấy. Lương năm nay so với năm ngoái tăng được 200 ngàn. Nhưng so ra chi phí hiện tại thì rất là cao, tại vì vật giá tăng rất là nhiều.

MG_0324-250.jpg
Sinh viên ở TPHCM đi làm thêm tại một quán ăn, ảnh chụp tháng 7-2010. RFA PHOTO.
Công việc là một phục vụ cho nhà hàng lúc gần Tết tìm không mấy là khó, có rất là nhiều việc. Nhưng để tìm được một nhà hàng làm phù hợp với mình thì lại không phải là dễ. Vì là sinh viên nếu phải làm việc giờ hành chánh thì không thể nào vừa học vừa làm được. Công việc ở nhà hàng không cần đòi hỏi mình phải có một kinh nghiệm nào hết, chỉ cần mình vào đó xin việc rồi người ta hướng dẫn chó mình cách phục vụ thôi.”

Các bạn sinh viên may mắn thì tìm được công việc phù hợp với chuyên ngành đang học ở trường như kế toán, thiết kế thời trang…Và trong thời gian gần đây, có xu hướng các bạn lựa chọn cách kiếm tiền qua Internet. Bạn Thúy, quê ở Sóc Trăng chia sẻ cách kiếm tiền của mình qua mạng như sau:

“Bắt đầu từ việc em mua đồ trên mạng. Em tìm kiếm trên mạng từ từ, rồi em lần ra được  chỗ bỏ sỉ. Chỗ sỉ người ta nói sẽ bán hàng và cung cấp hình cho mình. Em cứ dựa theo người ta đã làm như thế nào mình làm như thế đó. Ban đầu em mới bán, lúc đó em chưa biết Facebook, em bán trong Blog 360 độ. Lúc đầu số vốn ban đầu của em chỉ là một triệu là lấy 20 sản phẩm thôi. Thời gian đầu em bán từ từ thì được. Sau đó em mới biết Facebook, em bán bên Facebook. Thu nhập của em trung bình thì vẫn được 2 - 3 triệu một tháng.”

Nhưng không phải bạn sinh viên nào cũng chỉ đi làm thêm vào dịp lễ Tết. Hãy nghe bạn Hiệp, sinh viên trường Đại Học Kinh Tế chia sẻ:

Gần Tết thì cũng háo hức dữ lắm. Nếu mình làm việc siêng năng người ta sẽ thưởng với lại nếu chấp nhận làm đến gần Tết mức lương của mình sẽ cao hơn một chút.

Bạn Hiệp

“Em là sinh viên năm cuối của trường và năm nay là năm thi tốt nghiệp của em. Đối với công việc đi làm thì ngày thường và ngày Tết lúc nào cũng như vậy thôi. Tại vì em là sinh viên nghèo nên lúc nào cũng phải đi làm hết. Năm nay mức lương cũng đỡ hơn năm ngoái, nhưng so ra về mặt vật giá hiện thời thì mức lương cũng tạm đủ để chi tiêu và mua sắm, cũng như là tiền sách vở, và ăn uống để có thể đi học. Khoảng thời gian gần Tết thì cũng háo hức dữ lắm. Nếu mình làm việc siêng năng người ta sẽ thưởng với lại nếu chấp nhận làm đến gần Tết mức lương của mình sẽ cao hơn một chút. Tại vì có một số nhân viên người ta nghỉ sớm về quê, mình gánh việc cho những người đó thì chủ của mình sẽ trả cho mình thêm được tiền thưởng.”

Tích lũy kỹ năng sống

Hầu hết các bạn sinh viên đều thích có một việc làm thêm bên cạnh việc học ở trường để tích lũy vốn kỹ năng sống. Các bạn sinh viên thường chọn làm vào thời vụ 3 tháng cuối năm vì có nhiều việc làm, có thêm chút thu nhập. Nhưng đa phần các bạn phải vừa làm vừa học trong suốt năm vì không có lựa chọn nào khác. Thạc sĩ Lê Nguyễn Việt Yên, chuyên gia nghiên cứu của Tổ Chức Bộ Trưởng Giáo Dục Các Nước Đông Nam Á tại Việt Nam góp ý với các bạn sinh viên như sau:

“Theo tôi việc sinh viên đi làm thêm có rất nhiều lý do khác nhau. Nhưng mà chủ yếu việc sinh viên muốn kiếm thêm tiền để gánh vác các khoản chi tiêu và cũng có thể coi đó là nhu cầu cần thiết của các bạn sinh viên. Nhưng mà cái gì cũng có hai mặt của nó. Về mặt tích cực, có thể coi công việc ngoài giờ của sinh viên là môi trường học tập mà trong nhà trường chúng ta sinh viên không thể học được và nhà trường cũng không dạy được điều đó. Khi đi làm thêm, ra ngoài xã hội thì sinh viên mới có cơ hội để giao tiếp bên ngoài và điều này cũng có thể giúp cho các bạn sinh viên có thêm sự tự tin và rất tốt cho cuộc sống sau khi sinh viên tốt nghiệp.

MG_0306-250.jpg
Sinh viên ở TPHCM đi làm thêm phát tờ rơi quảng cáo ngoài giờ học, ảnh chụp tháng 7-2010. RFA PHOTO.
Bên cạnh đó, họ cũng có thể rèn thêm những kỹ năng mà họ được học trên giảng đường và chưa có dịp thực hành. Nhưng bên cạnh mặt tích cực, cũng có mặt tiêu cực, bởi vì công việc ngoài xã hội thì không đơn giản như nhiều bạn sinh viên nghĩ. Nó đòi hỏi cường độ làm việc cao mà có khi lương lại thấp so với thời gian và công sức các bạn bỏ ra. Và khi các bạn làm việc nhiều như vậy thì khi về nhà có thể các bạn chỉ nằm lăn ra ngủ thôi, và bài vở thì các bạn cũng không thể nào hoàn thành hết. Và cũng có thể như vậy các bạn, một số sinh viên sẽ thi lại hoặc bỏ học.

Và bên cạnh đó cũng có những mối nguy hiểm mà không phải sinh viên nào cũng có thể lường trước được. Đó là những cám dỗ về vật chất và nó có thể tự đưa các bạn không có lối thoát lúc nào không hay. Vì vậy tôi thấy việc tìm công việc ngoài giờ của sinh viên là việc nên làm. Nhưng mà các bạn cũng nên ghi nhớ những điều là công việc chính của các bạn vẫn là việc học. Công việc làm thêm không giúp các bạn đi đến mục tiêu cuối cùng. Có chăng, nó chỉ là một trong những điều kiện để giúp các bạn tiến gần với tương lai thôi. Nhưng việc học ở giảng đường mới là việc quan trọng nhất.”

Việc làm thêm ngoài giờ học, nhất là đi làm trong dịp lễ Tết hay mùa hè, không phải là vấn đề mới đối với các bạn sinh viên. Tuy nhiên để có thể tận dụng hữu hiệu được cả hai hoạt động đó, chính các bạn sinh viên phải biết cách sắp xếp sao cho hợp lý.




Theo dòng thời sự:

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.