Kỹ trị cho Việt Nam: Không còn cách nào khác

Mặc Lâm, biên tập viên RFA
2016.02.12
000_Hkg10254474 Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đứng lên để chào đón khán giả khi ông tham dự một buổi lễ đánh dấu kỷ niệm Kỷ niệm 227 năm chiến thắng Đống Đa-Ngọc Hồi tại Hà Nội vào ngày 12 tháng 2 năm 2016
AFP photo

Những diễn biến mới nhất trong việc sắp xếp nhân sự sau đại hội 12 cho thấy người trẻ nhiểu hơn, đặc biệt sự xuất hiện của nhân vật quyết đoán dám làm dám ra lệnh trong vai trò Bí thư thành ủy Sài gòn, đang dấy lên làn sóng tranh cãi về sự chuyển đổi có ý nghĩa quan trọng sắp tới tại thành phố lớn nhất nước nói riêng và hệ thống cầm quyền nói chung. Liệu chế độ cần những lãnh đạo trung thành với quyết định của Đảng hay một nhà kỹ trị để lãnh đạo đất nước trong giai đoạn 5 năm sắp tới?

Trong nhiều năm gần đây thế giới xuất hiện lập thuyết mới về vai trò của người lãnh đạo quốc gia theo cung cách một nhà kỹ trị. Ý nghĩa của kỹ trị là trí thức nắm quyền và vận hành guồng máy quốc gia theo khoa học, tức bằng các nguyên tắc chứng minh được qua các dữ kiện, con số và hoàn toàn không để bị chi phối bằng cảm tính, thường được tô vẽ là tình nghĩa hay đạo đức hoặc cao quý hơn là chủ thuyết hay mục tiêu chính trị.

Cá nhân tôi cho là Việt Nam không thể có những nhà lãnh đạo kỹ trị giỏi giang mà chỉ có những người lãnh đạo hoàn toàn theo ý của đảng, của chi bộ hay của đảng bộ hay lãnh đạo của Đảng Cộng sản mà thôi.
- Luật sư Lê Quốc Quân

Trong cung cách quản lý của một nhà kỹ trị thì yếu tố pháp luật luôn được nghĩ tới hàng đầu trước khi phác họa một dự án nào dù lớn hay nhỏ cho đất nước. Do vậy một nhà kỹ trị không mâu thuẩn hay bị nền pháp trị chi phối trong ý nghĩa tiêu cực mà chính những phương pháp khoa học ông hay bà ta mang vào áp dụng một cách nghiêm túc sẽ nâng cao vai trò tôn trọng pháp quyền trong dân chúng.

Luật sư Lê Quốc Quân qua kinh nghiệm của ông trong nhiều năm hoạt động và quan sát nền chính trị Việt Nam cho biết:

Theo tôi thì những người làm chính trị có hiểu biết thì chắc chắn sẽ được lòng dân hơn. Thế nhưng làm sao để có được một người có tinh thần hoạt động, có trí tuệ, thông minh và mang tư duy kỹ trị áp đặt vào xã hội này được? Vì bây giờ như thế vẫn là một xã hội độc tài và toàn bộ Đảng Cộng sản vẫn luôn luôn nói rằng họ lãnh đạo một cách toàn diện triệt để trong tất cả mọi lãnh vực đời sống xã hội. Cho nên những con người kỹ trị nằm trong bộ máy lãnh đạo sẽ trở thành những nhà lãnh đạo hoàn toàn bị ràng buộc bởi cơ chế của Đảng Cộng sản, họ không thể lãnh đạo được. Cá nhân tôi cho là Việt Nam không thể có những nhà lãnh đạo kỹ trị giỏi giang mà chỉ có những người lãnh đạo hoàn toàn theo ý của đảng, của chi bộ hay của đảng bộ hay lãnh đạo của Đảng Cộng sản mà thôi.

Hệ thống độc đảng của Việt Nam được người ngoài đảng định nghĩa là hệ thống đảng trị mặc dù trên lý thuyết Việt Nam luôn cho rằng đang theo đuổi thể chế pháp trị. Vì mang tính độc quyền và toàn trị nên người lãnh đạo chỉ chịu sự chi phối của đảng chứ không phải của xã hội, đất nước. Từ bao nhiêu năm qua, người lãnh đạo cao nhất trong chính phủ phải là người toàn tâm toàn ý với đảng còn khả năng chuyên môn chỉ cần thông thuộc chủ nghĩa Mác Lê và kiên định con đường tiến tới xã hội chủ nghĩa.

Rào cản của một nhà kỹ trị trong hoàn cảnh hiện nay là tính chất đảng trị trong bộ máy. Giải pháp nào của một nhà kỹ trị cũng gặp trở ngại vì cương lĩnh, nghị quyết luôn nhắm vào vai trò tuyệt đối của đảng thay vì sự phát triển của đất nước. Quan niệm giữ đảng bằng mọi giá đã triệt tiêu luôn ý chí thay đổi xã hội của một nhà kỹ trị và từ đó con đường phát triển luôn gập ghềnh khó khăn trước các quyết định hành chánh mang đặc thù nghị quyết vốn được soạn thảo trong khuôn viên của Bộ chính trị.

Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng, người góp công đào tạo hàng trăm Tiến sĩ, Thạc sĩ của Việt Nam qua các quỹ hổ trợ giáo dục từ vương quốc Bỉ cho biết ý kiến của ông về lãnh đạo thiếu chuyên môn, ông nói:

Các nhà lãnh đạo Việt Nam không được đào tạo bài bản họ nhảy lên vũ đài chính trị theo cái đường hướng cơ cấu trong khuôn khổ đảng mà không dược lựa chọn bằng thành quả kiến thiết đất nước. Nếu có công thì cũng là công xây dựng đảng, công đóng góp để củng cố vị trí của đảng thì đây là nỗi thống khổ của dân tộc Việt Nam chúng ta. Theo chiều hướng hiện nay nó không có cơ may thay đổi nào cả mà có thể càng trầm trọng hơn qua những gì mà ta thấy hồi gần tết vừa qua.

Những khuôn mặt mới

Các thành viên Bộ Chính trị mới được bầu: Vương Đình Huệ (thứ hai từ trái) và Đinh La Thăng (thứ hai từ phải) cùng các thành viên khác tại lễ bế mạc Đại hội toàn quốc lần thứ 12 của đảng cộng sản ở Hà Nội vào ngày 28 tháng 1 năm 2016. AFP
Các thành viên Bộ Chính trị mới được bầu: Vương Đình Huệ (thứ hai từ trái) và Đinh La Thăng (thứ hai từ phải) cùng các thành viên khác tại lễ bế mạc Đại hội toàn quốc lần thứ 12 của đảng cộng sản ở Hà Nội vào ngày 28 tháng 1 năm 2016. AFP
Các thành viên Bộ Chính trị mới được bầu: Vương Đình Huệ (thứ hai từ trái) và Đinh La Thăng (thứ hai từ phải) cùng các thành viên khác tại lễ bế mạc Đại hội toàn quốc lần thứ 12 của đảng cộng sản ở Hà Nội vào ngày 28 tháng 1 năm 2016. AFP

Sau đại hội 12 ông Đinh La Thăng nổi lên như một nhà kỹ trị hiếm hoi dưới mắt người dân. Có học vị tiến sĩ, từng giữ chức chủ tịch tập đoàn dầu khí quốc gia và nhiều chức vụ có liên quan đến công nghiệp nặng do đó nhiều người cho rằng ông Đinh La Thăng là một người có ước muốn dùng khả năng kỹ trị của ông áp dụng vào việc điều hành, quản lý khi giữ chức Bộ trưởng Giao thông vận tải.

Với những quyết định có tính đột phá sự trì trệ nhiều năm trong ngành giao thông, Bộ trưởng Đinh La Thăng được xem là khuôn mặt mới của chính phủ, gợi hứng cho các ý tưởng đột phá tiếp theo khi được cử vào giữ chức Bí thư thành ủy thành phố Hồ Chí Minh. Giới quan sát cho rằng ông sẽ vận hành theo cung cách của ông, theo nghĩa của một nhà kỹ trị trước khi tuân theo quy trình của hệ thống.

Nhạc sĩ, nhà báo Tuấn Khanh, người có những bài viết chính trị, xã hội trong chính trường Việt Nam hiện nay chia sẻ cái nhìn của anh trước việc ông Đinh La Thăng được đề cử và làm việc tại Sài Gòn:

Tôi nghĩ sự có mặt của ông Đinh La Thăng tại Việt Nam nó là một sự sắp xếp trong phần tổ chức nhân sự của Đảng Cộng sản nhằm tái kiểm soát lại sau một thời gian họ thấy rằng họ có cái gì đó sai lầm trong việc tổ chức nhân sự, đặc biệt là ở thành phố Sài gòn.

Tôi nghĩ việc xuất hiện của ông Đinh La Thăng sẽ có rất nhiều người ủng hộ các đường lối hay về sự xuất hiện của ông gần đây. Tuy nhiên người Sài gòn chứng kiến có nhìn thấy những công việc của ông Đinh La Thăng trong nhiều năm qua thì tôi nghĩ rằng ông ấy dẫu có những biểu hiện cứng rắn dẫu có những biểu hiện hết sức trực tính tuy nhiên ông chỉ hành động theo mệnh lệnh hay theo một chương trình xuyên suốt chứ không phải đó là những hoạt động mang tính cá nhân của ông hay cố gắng tạo ra một Việt Nam mới, hay một hệ thống hành chính mới.

Tôi nghĩ việc xuất hiện của ông Đinh La Thăng sẽ có rất nhiều người ủng hộ các đường lối hay về sự xuất hiện của ông gần đây.
- Nhà báo Tuấn Khanh

Do đó ngay cả trong chuyện vừa rồi ông Đinh La Thăng cách chức một vị trong ngành hỏa xa vì mua 169 hay 170 toa tàu của của Trung Quốc để rồi sau đó đi vào trong Nam. Tôi nghĩ đó là phương thức đơn giản của chính trị. Ông muốn chứng minh cho người Sài gòn thấy rằng ông là người có quan điểm cụ thể trong việc chống lại sự xâm lăng bằng kinh tế, thực phẩm hay là văn hóa của người Trung Quốc ở Việt Nam mà người Sài gòn vốn vẫn không thích những điều đó.

Hàng ngàn năm trong chế độ phong kiến, nhân trị luôn được xem là bất biến và người dân chỉ biết nghe theo một người, bất kể đó là minh quân hay hôn quân. Nhân trị luôn lấy đạo đức, tình cảm nhân nghĩa để tạo ra một nhịp cầu cho người dân băng qua con sông phát triển. Chiếc cầu ấy mong manh vì được xây dựng trên cảm tính và các luật lệ nhằm bảo vệ ngai vàng hơn là mang đến cơm no áo mặc cho người dân. Nhân trị đối lập với kỹ trị vì tính chất thiếu khoa học của lãnh đạo không được đào tạo trong tinh thần khoa học kỹ thuật.

Việt Nam có bài học của Nguyễn Trường Tộ người được xem là có đầu óc kỹ trị sớm nhất nước ta. Bao nhiêu tâm huyết của ông đã bị vùi lấp bởi chế độ nhân trị của nhà Nguyễn và cho đến nay Việt Nam vẫn chưa bao giờ vắng bóng những Nguyễn Trường Tộ khác trong cũng như ngoài nước sẵn sàng đóng góp tri thức cho quê nhà.

Chia sẻ về đóng góp của trí thức, GS Nguyễn Đăng Hưng cho biết:

Tôi nghĩ là những người lãnh đạo hiện nay mới vừa củng cố chỗ đứng của mình thì trong thời gian 5 năm tới tôi có một cầu mong, chứ không dám nói là lời khuyên, mong họ rút kinh nghiệm những hư hại do thiếu hiểu biết đã làm cho Việt Nam ta ngày nay là một nước mà theo sắp hạng của quốc tế thì Việt Nam đang thua Campuchia bên cạnh và ngay cả Lào cũng vậy.

Các nhà lãnh đạo Việt Nam phải có tinh thần tự ái ít nhất là tự ái cho mình, tự ái cho cái triều đại chính trị của mình để mà thoát ra cái cảnh khốn cùng này. Tôi cũng mong rằng họ nên chọn lựa các chuyên gia đích thực có tài có đức có tầm. Họ không thiếu gì trong nước và không thiếu gì trong số 4 triệu người Việt Nam ở nước ngoài. Trong 4 triệu người đó có khoảng 300 ngàn là những chuyên gia khoa học, kỹ thuật công nghệ hay kinh tế ngay cả lịch sử của Việt Nam.

Các nhà quan sát cùng đồng ý ở điểm bất cứ chủ thuyết hay chủ trương điều hành đất nước nào cũng rất khó thành công nếu phải dựa dẫm, tránh né hay thỏa hiệp với người cầm quyền khi họ lấy sự chi phối chính trị làm mục tiêu. Một nhà kỹ trị cũng vậy, các luận chứng khoa học trong một dự án phát triển không thể thỏa hiệp để được cho phép, vì một con ốc không đủ tiêu chuẩn kỹ thuật sẽ làm sản phẩm sụp đổ, một định hướng chính trị buộc lãnh đạo phải làm theo sẽ khiến đất nước tụt hậu kể cả khi lãnh đạo đó là một nhà kỹ trị đi chăng nữa.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.