Khủng bố tại Nice: Nguyên nhân và hậu quả

Tường An, thông tín viên RFA
2016.07.16
000_D9412-622.jpg Người dân đặt hoa tưởng niệm nạn nhân vụ khủng bố tại thành phố Nice của nước Pháp hôm 14/7. Ảnh chụp hôm 16/7/2016.
AFP

Ảnh hưởng kinh tế

Hai ngày sau cuộc thảm sát được coi là khủng bố tại thành phố Nice của nước Pháp. Nhiều cánh cửa đã được hé mở về hung thủ đồng thời nhiều câu hỏi được đặt ra về nền an ninh của nước Pháp. Cư dân Pháp nghĩ gì?

“Ai nấy cũng buồn, trong cơ quan mình có một anh bán trong cửa hàng đồ biển của siêu thị, anh ấy cũng bị chết trong vụ này, đâm ra ai nấy khuôn mặt đều buồn lắm, không ai muốn nói gì hết, và khách tới ăn uống cũng không nói chuyện vui vẻ như mọi ngày. Khi mình vô chỗ làm thì thấy mọi người đứng thành nhóm, gương mặt không có vui như mọi ngày, bàn tán về vấn đề xảy ra tối hôm qua. Hoạt động mua bán thì giảm đi hơn 50%, giảm hẳn luôn! Thay vì hàng ngày thì khoảng 250 khách, hôm nay thì giảm còn 80-100 khách, giảm đi đến 2/3. Còn các siêu thị ở dưới thì cũng vắng hẳn luôn ! Khu thương mại cũng vắng lắm.”

Đó là lời chia sẻ của chị Thu, một nhân viên nhà hàng Casino ở ngoại ô thành phố Nice, nơi xảy ra cuộc thảm sát đẫm máu tối 14/7 vừa qua.

Hoạt động mua bán thì giảm đi hơn 50%, giảm hẳn luôn! Thay vì hàng ngày thì khoảng 250 khách, hôm nay thì giảm còn 80-100 khách, giảm đi đến 2/3. Còn các siêu thị ở dưới thì cũng vắng hẳn luôn ! Khu thương mại cũng vắng lắm.
-Chị Thu

Hai ngày sau cuộc khủng bố, con số tử vong đã lên đến 84 người , trong đó có 10 trẻ em và vị thành niên, 202 người bị thương, 52 người trong tình trạng nguy cập. Thành phố biển cho khách du lịch hạng sang nay vắng lặng và ngổn ngang những xác người. Chị Thu cho biết tiếp:

“Con đường đó mình đi hàng ngày mà, khi sự cố xảy ra thì bạn bè ai cũng gọi hỏi thăm nhau. Cán một người mình còn thấy ớn, còn bây giờ cán người như là nghiền khoai mình thấy ớn lắm, không quên được, cảnh tượng không quên được. Những người đi làm sớm cho biết những người chết vẫn còn nằm đó, xác được đắp mặt lại để cho người thân lại nhận mặt. Đội cứu thương tiếp tục dọn dẹp lại đường xá ngày hôm qua còn ngổn ngang.”

Cho tới thời điểm hiện tại, chưa có báo cáo nào về người Việt bị tử vong hay bị thương trong cuộc khủng bố vừa qua, chị Thu cho biết:

“Chưa tìm được gì hết vì người mất không trọn vẹn, có người mất cái tay trên vai còn đeo cái ba-lô. Cũng có một số người nhận diện được, nhưng người Việt mình thì chưa nghe ai nói cả.”

Dù thuộc quốc tịch nào, có lẽ gần 70 triệu cư dân Pháp đều xúc động trước thảm cảnh này. Bé Cường, đứa bé nổi tiếng thế giới qua phóng sự của đài Le Petit Journal sau cuộc khủng bố ngày 13/11/2015, bày tỏ xúc dộng với những đứa bé bị giết bởi khủng bố:

“Police (cảnh sát) bắt người xấu, con không sợ người xấu, nhưng có nhiều bébé (em bé) chết quá tội nghiệp.”

Mẹ bé Cường, chị Tường Vi cũng chia sẻ:

“Tuy không phải nơi mình sinh ra nhưng là nơi mình sống, mình coi nó như là một phần đất nước của mình, tự nhiên thấy cảnh đó cũng thấy buồn. Mỗi lần có khủng bố là cả tháng trời không làm ăn gì được hết, thấy chán mà sáng vô mặt người nào cũng buồn hiu. Ngay cả bản thân mình chỉ là người nhập cư thôi mà mình còn buồn, mình không vui nữa trong khi xứ của người ta, máu thịt của người ta, người ta còn buồn hơn mình nữa.”

Chị Thu nói:

“Sự cố xảy ra tại Pháp thì ai cũng có tấm lòng rất là xót xa, thương tiếc. Ngay cả mình là người Việt Nam sáng nay đi làm cũng không nổi, không cười nổi nữa, làm việc cũng uể oải lắm.”

Hiện trường vụ khủng bố tại thành phố Nice của nước Pháp hôm 14/7. AFP PHOTO.
Hiện trường vụ khủng bố tại thành phố Nice của nước Pháp hôm 14/7. AFP PHOTO.

Trong vòng 18 tháng Pháp đã trải qua 3 cuộc khủng bố nghiêm trọng. Điều đó ảnh hưởng nặng nề đến tâm lý người dân. Nhà nghiên cứu xã hội học Nguyễn văn Trần phân tích:

“Cố nhiên nó ảnh hưởng về tâm lý, sư xáo trộn về đời sống xã hội vô cùng nghiêm trọng, không còn bình thường nữa. Đành rằng người dân Pháp không thể nói Hồi giáo là khủng bố, nhưng thực tế ngày nay cho thấy những người khủng bố đều là Hồi giáo. Họ khủng bố là để phát triển Hồi giáo. Đối với người Hồi giáo, nếu phải giết những người không phải Hồi giáo thì không phạm tội bởi vì đó là những người ngoại đạo, những người là kẻ thù của Hồi giáo. Riêng về đời sống người Việt Nam thì chắc không có ảnh hưởng nhiều lắm. Vả lại, nếu khủng bố gây ra tình trạng bất ổn, người Việt Nam không dám đi hè thì họ có chỗ đi khác ưu tiên hơn đi hè ở đây là họ về Việt Nam.”

Hai tiếng “khủng bố” đã là một ám ảnh. Nhiều người không coi nước Pháp là một xứ sở an toàn nữa ; ngay cả chính người Pháp, chị Tường Vi kể lại:

“Người ta xúm nhau người ta đi chị. Hồi trưa bà khách em cũng nói: Tôi muốn đi khỏi xứ này. Tôi là người Pháp, má tôi thường dạy cho tôi niềm tự hào dân tộc, tự hào đất nước mình đẹp, giàu và văn minh cho nên mình phải yêu xứ mình. Má tôi dạy tôi như vậy, tôi không bao giờ quên. Nhưng tới giờ phút này tôi không muốn ở đây nữa, tôi muốn đi.”

Vẫn sống, vẫn tồn tại

Nhưng ngược lại, người Việt không đến nổi bi quan như thế, với nhiều người họ cho rằng cuộc sống phải tiếp tục. Họ không nghĩ đến chuyện phải rời nước Pháp, thậm chí không nghĩ đến chuyện phải dọn nhà hay thay đổi chỗ làm, chị Thu nói:

“Người ta không nói về vấn đề sợ hay đổi chỗ làm. Người ta chỉ sợ nếu vấn đề này tiếp diễn thì guồng máy nhà hàng, ăn uống sẽ chậm lại, người ta sợ mất việc thôi chứ không ai đi đâu hết.”

Dù có bận tâm về sự an toàn, nhưng những thói quen vẫn được tiếp tục trong cuộc sống hàng ngày, anh Nghị, một cư dân Paris chia sẻ:

“Cho đến bây giờ em không thấy thật còn sự an toàn. Nhưng lo sợ thì cũng không hoàn toàn là lo sợ nhưng sự an toàn thì không còn được đảm bảo bởi vì bây giờ nó dùng xe tải lao vào giữa những đám đông như thế, mà ở Paris thì hội hè miên man, tức là nó không còn an toàn để mà xuống đường dạo chơi nữa. Thật ra đó chỉ là suy nghĩ không an toàn thôi chứ thay đổi thì em không thay đổi. Tối nay thì em vẫn đi xem phim và em vẫn về thật là khuya. Mặc dù trên đường phố thì ít người hơn, rạp chiếu phim thì không đông như mọi khi. Thói quen ra ngoài thì em vẫn đi, cuộc sống làm sao mà dừng lại được? Nước Pháp cũng không thể dừng lạ được cho nên nước Pháp vẫn sống, vẫn tồn tại.”

Lo sợ thì cũng không hoàn toàn là lo sợ nhưng sự an toàn thì không còn được đảm bảo bởi vì bây giờ nó dùng xe tải lao vào giữa những đám đông như thế, mà ở Paris thì hội hè miên man, tức là nó không còn an toàn để mà xuống đường dạo chơi nữa.
-Anh Nghị

“Cái số hết rồi, mình không làm được gì hết. La vie continue!”

“Cuộc sống vẫn tiếp tục” lời của chị Lan. Nhà xã hội học Nguyễn văn Trần giải thích sự chịu đựng trước nạn khủng bố của người Việt:

“Theo tôi nghĩ thì người Việt Nam không sợ khủng bố như người Tây phương là do Người Việt Nam đã từng sống trong chiến tranh liên miên và khủng bố Cộng sản cũng đâu thua gì khủng bố Hồi giáo cho nên người Việt Nam không hoang mang, không lo sợ đến nỗi phải thay đổi nếp sống bình thường như người Pháp. Người Pháp từ năm 1945 đến nay không có chiến tranh cho nên nay có chết chóc thì họ sợ.”
Đại lộ Les promenades des Anglais đêm Quốc Khánh có có 30.000 người , nếu việc đó xảy ra tại đại lộ Cham Elysée với hơn 450.000 người thì số tử vong sẽ ra sao, anh Nghị, một cư dân Paris chia sẻ cảm giác của mình:

“Họ đã không đủ khả năng chặn chiếc xe tải mà để nó đi trên một đoạn đường dài như thế. Có thể là họ mệt mỏi sau Euro cúp và mệt mỏi sau lễ Quốc Khánh. Một đoàn người 450.000 người đi từ Champ de Mars để về nhà, thì trên một đại lộ rộng thênh thang như thế, nếu bọn khủng bố làm cùng một cách dùng xe tải lao vào đoàn người như thế thì đúng là không an toàn. Không còn cảm thấy bình an và cảm thấy chính phủ Pháp hiện thời có hơi bất lực.”

Pháp vừa thở phào nhẹ nhỏm vì Euro cúp 2016 đã diễn ra an toàn, nhưng 4 ngày sau đó, cuộc khủng bố tại Nice đã đặt Pháp trở lại tình trạng “báo động khẩn cấp”. Ba cuộc khủng bố trong vòng 18 tháng, câu hỏi được đặt ra cho chính quyền về nền an ninh của nước Pháp, nhất là vấn đề nhập cư đã gây ra nhiều tranh cãi. Ông Nguyễn Văn Trần phân tích:

“Dù sao những nạn nhân của khủng bố cũng nhìn người Hồi giáo với cặp mặt mất thiện cảm. Chính phủ Đức cũng nhận thấy việc mở rộng vòng tay nhân đạo đón tiếp người tị nạn là một sự sai lầm. Trong cái di dân đó có nhiều người của phong trào Hồi giáo quá khích cài vào để tổ chức cơ sở ở khắp nơi, sau một thời gian họ sẽ bắt đầu khủng bố.”

Một phân tích của tòa đại hình Pháp cho thấy toàn nước Pháp không có nơi nào tránh được nguy cơ khủng bố. Ba thủ phủ có nhiều nguy cơ khủng bố nhất là Ile de France, nơi có thủ đô Paris, vùng Bắc nước Pháp với thành phố Lille và thành phố Nice của vùng Alpes Maritimes. Với cảm giác không an toàn đó, một người Mẹ phải dạy con mình ra sao? Chị Tường Vi chia sẻ cách của chị:

“Em cũng không biết đi đâu nữa ! Mình ở Paris mình cũng bị, ở đâu cũng bị hết. Em dạy con em ra đường nghe tiếng súng nổ thì bịt tai nằm xuống. Con em cũng nó nằm giả chết chờ cảnh sát tới cứu. Thời buổi này em không biết phải dạy con em như vậy để nó bảo vệ được phần nào hay phần nấy thôi.”

Chưa đầy 24 tiếng đồng hồ sau cuộc thảm sat, tung tích hung thủ đã được hé mở: Mohamed Lahouaiej Bouheil, sinh ngày 3/1/1985, quốc tịch Tunesia, di dân đến Pháp năm 2005, có thẻ cư trú Pháp, sống tại phía Bắc thành phố Nice, tài xế vận chuyển xe tải, có vợ và 3 con, đang ly dị. Hiện vợ anh ta cũng đang bị giữ để điều tra.

Theo lời Karim, một người hàng xóm của kẻ giết người , không có gì chứng tỏ anh ta là người theo đạo Hồi, anh ta uống rượu, hút thuốc, nhảy đầm, không bao giờ đi mossquée (nhà thờ Hồi giáo). Mặc dù vậy, thủ tướng Manuel Valls vẫn cho cuộc thảm sát đêm Quốc Khánh 14/7 là một hành động khủng bố và tuyên cáo: “nước Pháp đang trong tình trạng chiến tranh”.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.