Giảm án hai sinh viên yêu nước?

Thanh Quang, phóng viên RFA
2013.08.15
Hai sinh viên yêu nước Nguyễn Phương Uyên và Đinh Nguyên Kha Hai sinh viên yêu nước Nguyễn Phương Uyên và Đinh Nguyên Kha
Files photos

Nghe bài này

 

Nếu không có gì thay đổi thì vào thứ Sáu này ( 16 tháng 8, 2013), hai người trẻ yêu nước Nguyễn Phương Uyên và Đinh Nguyên Kha sẽ ra tòa phúc thẩm sau khi bị án sơ thẩm nặng nề và phi lý về tội gọi là “tuyên truyền chống phá nhà nước”.

Muốn lấy lại thể diện

Giữa lúc “tàu lạ’ từ phương Bắc tiếp tục xâm lấn lãnh hải VN, đưa ngư dân Việt nghèo khổ, chất phác, vô tội phải lâm cảnh thường xuyên bị xua đuổi, hành hung, bị trấn lột, thậm chí mất mạng…, đó là chưa kể dân “bên kia biên giới là nhà” ngày càng kéo qua “bên này biên giới” để “án binh bất động” mọi nẻo đường quê hương VN, thì giới cầm quyền trong nước tiếp tục xét xử phúc thẩm 2 “áo trắng học trò” Nguyễn Phương Uyên và Đinh Nguyên Kha, sau khi, qua cấp sơ thẩm, 2 em bị từ 6 cho tới 8 năm tù giam chỉ vì yêu quê hương, dân tộc, dám công khai chống phương Bắc, dám viết bằng máu mình “Tàu khựa cút khỏi biển đông”.

Theo MS Nguyễn Trung Tôn từ Thanh Hóa thì tòa án CS đem những người yêu nước ra xét xử theo những điều luật mơ hồ, chung chung thì công luận đã chứng kiến từ rất lâu rồi. Đến nay, phiên tòa xử người yêu nước nào cũng vậy, cũng diễn ra gọi là “công khai” nhưng thực sự không công khai, trong sự canh phòng nghiêm nhặt, sẵn sàng đàn áp của công an chìm, nổi bên ngòai trong khi bên trong pháp đình, theo MS Nguyễn Trung Tôn, tất cả bản án đều là “án bỏ túi” mà thôi. MS Nguyễn Trung Tôn nhận xét về phiên phúc thẩm sắp tới:

Nói chung là về phía nhà cầm quyền CS, họ đã rất mất thể diện trong phiên sơ thẩm vừa qua, cho nên lần này họ muốn bị cáo là Uyên và Kha, có người đứng ra nhận tội, xin khoan hồng. Chắc chắn là họ muốn lấy lại thể diện

MS Nguyễn Trung Tôn

Tôi nghĩ rằng Uyên và Kha có tinh thần rất kiên cường khi đối diện với tòa án CS ở cấp sơ thẩm. Tuy nhiên, mới đây chúng tôi cũng nhận được tin Nguyên Kha từ chối thuê luật sư. Tôi nghĩ rằng đây có thể phát xuất từ phía cơ quan điều tra, rồi phía trại giam…Nói chung là về phía nhà cầm quyền CS, họ đã rất mất thể diện trong phiên sơ thẩm vừa qua, cho nên lần này họ muốn bị cáo là Uyên và Kha, có người đứng ra nhận tội, xin khoan hồng. Chắc chắn là họ muốn lấy lại thể diện.

Và cũng nhân việc ấy, họ có thể giảm án cho các bị cáo. Như vậy họ sẽ có lợi cả đôi đường: Họ vừa không bị xấu hổ trong phiên phúc thẩm, và với bị cáo nhận tội, họ có cơ sở giảm án cho phù hợp với những gì họ đã hứa với quốc tế, chẳng hạn như ông Trương Tấn Sang có thể đã hứa với Tổng thống Mỹ Barack Obama. Đồng thời, họ có thêm cái lợi nữa là dẹp yên dư luận vốn ca ngợi rằng Uyên, Kha là những người yêu nước. Nhưng nếu bây giờ Uyên, Kha nhận tội thì có nghĩa là hai chữ yêu nước ấy không còn được ý nghĩa đối với người cúi đầu nhận tội trong phiên tòa phúc thẩm này.

Hai sinh viên Phương Uyên và Nguyên Kha tại Tòa án nhân dân tỉnh Long An ngày 16 tháng 5, 2013
Hai sinh viên Phương Uyên và Nguyên Kha tại Tòa án nhân dân tỉnh Long An ngày 16 tháng 5, 2013
Files photos

Theo sự phân tích của MS Nguyễn Trung Tôn thì nếu Đinh Nguyên Kha thực sự từ chối thuê luật sư, thì rất có thể trước tòa, Nguyên Kha sẽ nhận tội để xin khoan hồng. Còn trường hợp Phương Uyên thì cho đến giờ phút này, người ta thấy em vẫn kiên cường xuất phát từ tinh thần dân tộc, lòng yêu nước, yêu Tổ Quốc, yêu sự tòan vẹn lãnh thổ từng thể hiện qua hành động nổi tiếng với khẩu hiệu viết bằng máu, với sự bất khuất tại phiên tòa sở thẩm hồi trung tuần tháng 5. MS Nguyễn Trung Tôn cho rằng vì thể diện, vì danh dự, tòa án CS chỉ muốn Phương Uyên nhận tội mới giảm án, còn không thì chắc chắn bị y án.

Giảm án để xoa dịu dư luận

Từ Saigòn, cựu tù nhân chính trị, LS Nguyễn Bắc Truyển, cũng đề cập tới biểu tưởng của giới trẻ yêu nước là Phương Uyên và Nguyên Kha, lưu ý tới tác động lan tỏa của 2 “áo trắng thư sinh” này:

Tôi nghĩ tòa án sẽ có quyết định giảm án cho 2 em. Nguyên nhân, tôi nghĩ, là do sức ép của cộng đồng quốc tế cũng như cộng đồng người Việt ở các nước trong thời gian vừa qua đã lên tiếng ủng hộ 2 em. Còn trong nước thì họ cũng thấy rằng những nhà bất đồng chính kiến cũng như các bloggers đều ủng hộ 2 em. Vụ án này có sức lan tỏa rất mạnh trong giới sinh viên và gây sự bất bình mạnh mẽ khi nhà cầm quyền mở phiên tòa xét xử 2 sinh viên yêu nước ấy. Tôi hy vọng giới cầm quyền có động thái giảm án nhằm xoa dịu dư luận.

Mặc dù nền giáo dục VN hiện nay ra sức “tiêm nhiễm” giới trẻ rằng “yêu nước là yêu CNXH”, nhưng Phương Uyên và Nguyên Kha, nói theo lời MS Nguyễn Trung Tôn, đã “vượt qua cái giới hạn của nền giáo dục” ấy để “ noi gương những anh hùng dân tộc” từng đánh cho giặc phương Bắc tan tác, không còn manh giáp, không kịp chạy về Tàu từ trước khi có đảng CS xuất hiện trên quê hương. Những vị anh hùng dân tộc, từ Bà Trưng, Bà Triệu, Trần Quốc Tuấn, Lê Lợi cho tới Quang Trung…là những người yêu nước thiết tha, dũng cảm đánh đuổi phương Bắc xâm lược, nhưng “họ đâu có bị buộc phải yêu CNXH”. MS Nguyễn Trung Tôn nhớ lại:

Trước thời kỳ CS, lịch sử VN hơn 4 ngàn năm Văn Hiến đã có rất nhiều vị anh hùng dân tộc. Và họ đã nói những câu nổi tiếng, như danh tướng Trần Bình Trọng đã hiên ngang khẳng định với giặc phương Bắc rằng “Ta thà làm quỷ nước Nam còn hơn làm vương đất Bắc”. Hay Bà Triệu Thị Trinh đã từng nói rằng “Tôi muốn cỡi cơn gió mạnh, đạp ngọn sóng dữ, chém cá kình ở Biển Đông, để cho nhân dân ta khỏi bị lầm than đắm đuối, chứ không thèm bắt chước người đời cúi đầu cong lưng để làm tì thiếp người ta”.

Thì khẩu hiệu “Tàu khựa cút khỏi biển Đông” của Phương Uyên và Nguyên Kha cũng tương đương với những lời phát biểu của các vị anh hùng dân tộc trước kia. Vì vậy, những hành động của Phương Uyên và Nguyên Kha vốn là những công dân với khả năng giới hạn, thể hiện lòng yêu nước đối với quê hương, đất nước mà không bị buộc phải yêu cái chủ thuyết nào như người CS gán ghép vào.

Hồi chuông thức tỉnh cho thế hệ trẻ

Theo nhận định của MS Nguyễn Trung Tôn thì giai đọan hiện nay là cực điểm của sự tụt hậu ở VN. Vì vậy mà các sinh viên yêu nước ấy, nói chung là giới trẻ, sẵn sàng đứng lên với những tuyên bố và hành động thức tỉnh, đánh động lương tâm của người dân Việt. Ông hy vọng rằng qua phiên xử phúc thẩm hai “áo trắng học trò” Phương Uyên và Nguyên Kha, dù những bản án có như thế nào đi chăng nữa, đó cũng là hồi chuông thức tỉnh cho thế hệ trẻ VN, và phiên tòa này không thể chấm dứt được tinh thần đấu tranh của người dân Việt. Mà ngược lại, nó sẽ tiếp tục bùng lên những ngọn lửa đấu tranh chống bạo quyền, chống sự bất công…để đòi lại tự do cho dân tộc, sự tòan vẹn lãnh thổ.

LS Nguyễn Bắc Truyển nhân tiện lưu ý tới tình cảnh của Phương Uyên và Nguyên Kha còn rất trẻ nhưng vì yêu nước mà phải lâm cảnh tù tội như vậy, cho nên những người đấu tranh có trách nhiệm phải lên tiếng cho 2 em. LS Nguyễn Bắc Truyển cho biết:

Vụ án này có sức lan tỏa rất mạnh trong giới sinh viên và gây sự bất bình mạnh mẽ khi nhà cầm quyền mở phiên tòa xét xử 2 sinh viên yêu nước ấy. Tôi hy vọng giới cầm quyền có động thái giảm án nhằm xoa dịu dư luận

LS Nguyễn Bắc Truyển

Ở trong nước, chúng tôi có động tác là ủng hộ gia đình 2 em, liên hệ thường xuyên để an ủi, động viên họ. Còn đồng bào chúng ta ở hải ngọai, chúng ta nên tận dụng môi trường chính trị, tự do, dân chủ mà đề bật tới những quốc gia chúng ta đang cư ngụ, nhờ chính phủ các nước này can thiệp, giúp 2 em sinh viên đó không phải tiếp tục chịu những năm tháng tù đày còn lại trong nhà tù. Ngòai ra, nếu đồng báo chúng ta có tấm lòng thì nên liên hệ trực tiếp với gia đình 2 em nhằm an ủi cũng như giúp đỡ về vật chất để họ có thể thuê mướn luật sư được. Bởi vì hiện nay tiền thuê mướn luật sư cũng phải cần tới. Và chuyện thăm nuôi 2 em trong tù cũng khá dài lâu.

Hành động yêu nước của Nguyễn Phương Uyên và Đinh Nguyên Kha có lẽ khiến người dân Việt không khỏi nhìn sang xứ láng giềng Philippines để thấy rằng người dân Philippines có quyền và đã biểu hiện lòng yêu nước chống TQ xâm lược, không những trong nước mà còn ở những nơi khác trên thế giới. Họ thậm chí kêu gọi người VN cùng góp sức chống hành động xâm lăng của Bắc Kinh. Nhưng, theo LS Nguyễn Bắc Truyển, điều đáng tiếc là người dân Việt trong nước đang sống trong một xã hội độc tài, tòan trị nên tiếng nói yêu nước của họ bị giới cầm quyền đàn áp.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.