Hội thảo ‘Đối tác chiến lược Thái-Việt: Hướng đến quan hệ kinh tế’

Gia Minh, biên tập viên RFA, Bangkok
2013.09.25
Thủ tướng Thái Lan Yingluc Shinawatra tiếp đón Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Phủ Thủ tướng Thái Lan ngày 25 tháng 6 vừa qua Thủ tướng Thái Lan Yingluc Shinawatra tiếp đón Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Phủ Thủ tướng Thái Lan ngày 25 tháng 6 vừa qua
Báo chí Thái Lan

Nghe bài này

Quan hệ Việt Nam- Thái Lan được nâng lên cấp đối tác chiến lược từ hồi tháng 6 vừa qua khi tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, Nguyễn Phú Trọng sang thăm Thái.

Hôm nay, ngày 25 tháng 9, tại Bangkok Thái Lan Bộ Ngoại giao nước này cùng Hội Hữu Nghị Thái-Việt và Hội đồng Thương Mại Thái Việt tổ chức hội thảo ‘Đối tác chiến lược Thái Lan- Việt Nam: Hướng đến thời kỳ mới quan hệ kinh tế’. Đại sứ Việt Nam tại Thái Lan là ông Ngô Đức Thắng đến dự hội thảo và đã dành cho biên tập viên Gia Minh của Đài Á Châu Tự Do cuộc trả lời phỏng vấn về một số vấn đề liên quan.

Trước hết ông đại sứ Ngô Đức Thắng nêu ra một vài so sánh giữa hai nước:

Ông Đại sứ Ngô Đức Thắng: Thái Lan dù sao cũng là một nước có nền kinh tế thị trường lâu đời hơn. Và đó là điều kiện để cho Việt Nam có thể học tập Thái Lan. Ngược lại tuy Việt Nam có tốc độ phát triển đi sau, nhưng có đà phát triển rất nhanh với một lực lượng lao động dồi dào, khỏe, trẻ và có sức cạnh tranh cao; cộng với nguồn tài nguyên và vị trí địa lý hướng ra biển là điều kiện rất thuận lợi cho sự hợp tác bổ trợ lẫn nhau giữa Việt Nam và Thái Lan.

Gia Minh: Thưa ông đại sứ, vừa rồi ông chủ tịch của Hội Hữu Nghị Thái- Việt có đề cập đến một số vấn đề vẫn còn hiện nay: thứ nhất nhiều người Việt sang Thái bằng visa du lịch và ở lại để làm việc; thứ hai ở vùng biển Thái Lan ngư dân Việt hay sang đánh cá và bị phiá Thái Lan bắt; vậy những vấn đề đó cần được xem xét và giải quyết đến đâu?

Ông Đại sứ Ngô Đức Thắng: Đó là vấn đề chắc chắn được xem xét và giải quyết và chính phủ hai nước đang tích cực bàn bạc để giải quyết vấn đề này. Tôi lấy ví dụ vấn đề lao động, hiện nay hai nước cũng đặt lên bàn nghị sự sẽ sớm ký kết một văn bản MoU về hợp tác lao động. Với ký kết này nhằm giải quyết hai vấn đề chính: một là hợp thức hóa những người lao động sang đây bất hợp pháp, thứ hai tạo điều kiện cho những lao động mới sang đây một cách hợp pháp.

Sẽ sớm ký kết một văn bản MoU về hợp tác lao động...một là hợp thức hóa những người lao động sang đây bất hợp pháp, thứ hai tạo điều kiện cho những lao động mới sang đây một cách hợp pháp

Ông Đại sứ Ngô Đức Thắng

Chuyện lao động này cũng phản ánh một thực tế là Thái Lan có nhu cầu lao động rất nhiều. Phía Việt Nam có điều kiện để cung ứng lao động xuất khẩu sang Thái Lan. Việc ký MoU đó là tạo điều kiện cho hai nước quản lý việc chu chuyển nhân công lao động ngày một tốt hơn và có trật tự; bảo đảm an ninh, an toàn cho những người lao động nữa.

Tương tự như vậy là vấn đề trên biển: ngư dân Việt Nam sang đánh cá. Vấn đề này nếu nói về mặt lịch sử, ngày xưa người Thái Lan sang đánh cá ở biển Việt Nam là chính; bây giờ đến giai đoạn mà người Thái Lan có thể người ta đã chuyển đổi cơ cấu kinh tế và người ta muốn chuyển sang những lịnh vực làm ăn khác phù hợp hơn với trình độ phát triển của người ta và người ta không có nhu cầu sang Việt Nam đánh nữa. Ngược lại phía Việt Nam phát triển sang một giai đoạn là mình lại sang đánh ở bên đó.

Đại sứ Việt Nam tại Thái Lan, ông Ngô Đức Thắng (phải) trả lời phỏng vấn Biên tập viên Gia Minh của RFA hôm 25 tháng 9 tại Bangkok, Thái Lan. RFA PHOTO.
Đại sứ Việt Nam tại Thái Lan, ông Ngô Đức Thắng (phải) trả lời phỏng vấn Biên tập viên Gia Minh của RFA hôm 25 tháng 9 tại Bangkok, Thái Lan. RFA PHOTO.
RFA

Thế là hai bên đã có bàn luận và thành lập một nhóm làm việc bàn về vấn đề hợp tác trong đánh bắt thủy sản. Tới đây cũng phải nghiên cứu sâu hơn về lĩnh vực đó theo nghĩa làm sao  không những hợp tác với nhau trong lĩnh vực sản xuất, nuôi trồng thủy sản đồng thời liên quan đến vấn đề giải quyết những chuyện ngư dân Việt sang vi phạm lãnh hải của bên Thái như thế nào. Thứ ba phải giải quyết vấn đề quyền sở hữu trí tuệ trong trường hợp đánh bắt cá: trong trường hợp bạn không thể đánh bắt được thì người Việt có thể sang đánh nhưng công nhận đó là tài nguyên của bạn thì có hình thức hợp tác trả phí, đăng ký như thế nào đó…

Giải quyết vấn đề quyền sở hữu trí tuệ trong trường hợp đánh bắt cá: trong trường hợp bạn không thể đánh bắt được thì người Việt có thể sang đánh nhưng công nhận đó là tài nguyên của bạn thì có hình thức hợp tác trả phí, đăng ký như thế nào đó

Ông Đại sứ Ngô Đức Thắng

Gia Minh: Còn hợp tác trong lĩnh vực du lịch, giáo dục cần hợp tác như thế nào để phát huy được cả tiềm năng của cả hai phía. Lúc nãy ông có nói khách du lịch Việt Nam sang Thái đông, vậy chuyện Việt Nam thu hút khách Thái, du học sinh Việt Nam sang Thái, chuyện trao đổi công nhân thế nào; đặc biệt vào năm 2015 khi ACE hình thành?

Ông Đại sứ Ngô Đức Thắng: Hợp tác trong lĩnh vực giáo dục, du lịch hiện nay cũng đang phát triển rất mạnh. Số du lịch người Việt sang Thái hằng năm hiện lên tới khoảng 600.000-700.000; còn du lịch Thái sang Việt Nam khoảng một nửa con số đó. Tương tự số sinh viên Việt Nam sang Thái học tập, đào tạo ngày càng một tăng; nhưng số Thái sang Việt Nam ít hơn. Thế thì chuyện này nó được tiến hành trong khuôn khổ hợp tác chung của ASEAN, liên quan đến qui định chung của ASEAN về vấn đề giao lưu, vấn đề hợp tác lao động. Hiện nay trong khung của ASEAN mới tạo điều kiện cho lao động lành nghề, còn số lao động không lành nghề tùy vào mối quan hệ song phương giữa hai nước.

Trong lĩnh vực du lịch, chúng tôi đang cố gắng thúc đẩy ký kết  hợp tác du lịch làm sao đảm bảo cho các tua du lịch của hai nước ngày càng được cân bằng hơn, và đảm bảo an ninh, an toàn cho khách du lịch của cả hai nước.

Những vấn đề chủ quyền khu vực Trường Sa thì những nước có mâu thuẫn về chủ quyền phải ngồi với nhau; thế còn những đề như Hoàng Sa thì thuần túy Việt Nam và Trung Quốc là vấn đề song phương thôi

Ông Đại sứ Ngô Đức Thắng

Gia Minh: Vừa rồi có những vấn đề trong khu vực, đặc biệt ngoài Biển Đông giữa Việt Nam với một số nước và đặc biệt với Trung Quốc; Thái lan là một đối tác điều phối thì theo ông thấy việc họ hỗ trợ và nỗ lực của Việt Nam để giữ ổn định tại khu vực Biển Đông và giao thương hàng hải ra làm sao rồi?

Ông Đại sứ Ngô Đức Thắng: Về vấn đề ở Biển Đông, tôi nghĩ có một nhận thức chung của tất cả các nước chứ không phải chỉ riêng Việt Nam: đó là khu vực Biển Đông, làm gì thì làm, cũng phải đảm bảo an ninh, an toàn hàng hải, rồi tự do hàng hải ở khu vực này. Bảo đảm sự ổn định, và những vấn đề còn có sự tranh chấp phải được giải quyết trên cơ sở luật pháp quốc tế, và phải thực hiện thông qua biện pháp hòa bình, con đường ngoại giao.

Thế thì trong quá trình hoạt động đó, vai trò của ASEAN, và vai trò đặc biệt của Thái Lan là cực kỳ quan trọng với tư cách nước điều phối viên giữa ASEAN với Trung Quốc. Bởi vì chúng ta cũng biết rồi trong vấn đề này có mâu thuẫn về vấn đề chủ quyền giữa Trung Quốc với một số nước ASEAN. Trong việc này, quan điểm của Việt Nam rất rõ ràng: thứ nhất hỗ trợ tối đa cho Thái Lan đóng vai trò điều phối viên, và thực hiện điều đó làm sao để tăng cường, củng cố mối quan hệ đối tác chiến lược giữa ASEAN với Trung Quốc.

Thứ hai về quan điểm giải quyết từng vấn đề cụ thể, Việt Nam cũng rất rõ ràng; tức là những vấn đề gì do tính chất của vấn đề đó mà đặt vấn đề giải quyết, ngoài nguyên tắc đàm phán, thương lượng hòa bình, rồi theo luật pháp quốc tế; thì những vấn đề nào bản chất thuộc song phương thì phải do song phương giải quyết; những vấn đề nào liên quan đến nhiều nước thì những nước liên quan phải cùng nhau giải quyết. Tôi nói vấn đề tự do hàng hải liên quan đến rất nhiều nước, hay có những vấn đề chủ quyền khu vực Trường Sa thì những nước có mâu thuẫn về chủ quyền phải ngồi với nhau; thế còn những đề như Hoàng Sa thì thuần túy Việt Nam và Trung Quốc là vấn đề song phương thôi.

Gia Minh: Chân thành cám ơn ông đại sứ đã dành cho chúng tôi cuộc nói chuyện này.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.