Người dân bức xúc với cách hành xử của quan chức

RFA
2017.07.21
Ảnh chụp từ đoạn video ông Võ Văn Liêm lăng mạ cảnh sát giao thông.
courtesy of Vietnamnet

 

Thời gian gần đây dư luận trong và ngoài nước xôn xao về  những vụ việc liên quan đến cách hành xử và đạo đức của quan chức hay những người đã từng là quan chức Nhà nước.

Cách hành xử đáng lên án

Vụ việc “dậy sóng” nhất gần đây có lẽ xảy ra sau khi đoạn video clip có cảnh Trung tướng Võ Văn Liêm - nguyên Phó chính ủy Quân khu 9, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Quân ủy Trung ương (Bộ Quốc phòng) có hành vi lăng mạ một anh Cảnh sát Giao thông. Câu chuyện được nói là diễn ra khi anh Cảnh sát này chặn xe chở tướng Liêm vì chạy quá tốc độ nhưng ông Liêm phản đối vì cho rằng xe mình không vi phạm. Chúng tôi xin trích nguyên văn một số câu của ông Liêm như sau:

Không xuống xe! Mày không có đủ tư cách! Tao mà chậm một chút nữa không kịp họp chiều nay tao cho mày nghỉ việc luôn! Cả giám đốc của mày tao cũng cắt chức được!

Trong đoạn video, ông Liêm liên tục chửi thề nhưng chúng tôi xin không trích trong bài viết.

"Với cương vị là một người dân, tôi thấy việc đó đáng lên án. Người như vậy không thể làm gương cho người khác!"
- Người dân

Vụ việc về tướng Liêm nổi lên khi câu chuyện về bà phó chủ tịch quận Thanh Xuân, Hà Nội, Lê Mai Trang chưa kịp lắng xuống. Trước đó cư dân mạng truyền nhau đoạn clip cảnh bà Trang đậu xe sai chỗ, trong lúc đôi co với người dân, bà Trang đã gọi điện cho ai đó. Người dân cho rằng cuộc điện thoại đó để “điều” lãnh đạo phường ra trông xe cho bà đi ăn bún. Bà này ngay sau đó đã lên tiếng với báo chí giải thích rằng bà không hề gọi ai ra trông xe.

Trao đổi với RFA, chị Hà, một người dân Hà Nội, bày tỏ sự tức giận với cách hành xử của một cựu quan chức như ông Liêm:

Tôi không nắm rõ được tình hình lúc ấy như thế nào nhưng việc một người đã từng làm quan chức có học thức mà dùng những lời lẽ xấu xa để mắng chửi người chiến sĩ cảnh sát giao thông như vậy tôi thấy không thể nào chấp nhận được. Với cương vị là một người dân, tôi thấy việc đó đáng lên án. Người như vậy không thể làm gương cho người khác, và gây bức xúc trong lòng mọi người khi biết về sự việc như vậy.

Nhớ lại cảnh ông Liêm rút thẻ để đe dạo cách chức anh cảnh sát và nói “Mày có biết nó là bảo vệ của tao không?”, chị Hà nói rằng chuyện dùng quyền uy để đe dọa người khác làm người dân mất niềm tin vào một bộ phận quan chức:

Việc quan chức dùng quyền lực để đe dọa và làm tổn hại đến người khác như thế tôi thấy rất mất hình ảnh và rất đáng chê trách. Làm sao người dân có thể tin tưởng và trao gửi trách nhiệm?

Một người dân khác, xin giấu tên, cũng nói với chúng tôi rằng những sự việc này tuy đáng buồn nhưng xem đó là tấm gương kinh nghiệm cho những người khác:

Tôi nghĩ là trong xã hội lúc nào cũng có người này người khác. Cho nên quan chức cũng có người hành xử thế này thế kia. Tuy nhiên lúc nào tôi cũng nhìn theo hướng tích cực. Nếu bây giờ có dư luận, có các phương tiện truyền thông, trang mạng, qua đó những người trong cuộc hay cả những người không ở trong cuộc nhưng họ có thể thấy đó là một tấm gương để rút kinh nghiệm.

Giáo sư Nguyễn Khắc Mai, nguyên Vụ trưởng Vụ Nghiên Cứu, Ban Dân vận Trung ương đưa ra nhận xét khắt khe hơn, cho rằng cách hành xử của một số quan chức hiện nay tiêu biểu cho một chế độ đã đến lúc phải được thay thế:

Đó là thời mạt sát, tận cùng rồi nên nó biến hóa, tất cả những quái thai xuất hiện. Đấy gần như là quy luật. Tham lam, quyền uy, vô học,… đều bộc lộ ra hết. Đấy là dấu hiệu cho thấy cần phải thay đổi và chuyển sang một thời kỳ khác với giải pháp khác.

Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển IDS bổ sung thêm, nói rằng cách xử sự của một số quan chức hiện nay thể hiện sự coi khinh những người cấp dưới của mình:

Người ta có quyền người ta coi người dân, cấp dưới như rơm rác. Không phải mọi người có chức có quyền đều như vậy nhưng có trường hợp như thế. Cái lạ là bây giờ truyền thông khác xưa. Thời xưa, toàn bộ do Đảng Cộng sản Việt Nam nắm hết từ truyền thanh cho đến truyền hình và người dân không có một cách gì để mở miệng cả. Bây giờ với điện thoại di động trong tay người ta có thể quay và đưa ngay lên trên mạng và cả thế giới đều biết.

Bà Phạm Thị Minh Hiếu, Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Bình Thuận cầm cành hoa anh đào được nhóm bạn của anh N.A.T chụp lại.
Bà Phạm Thị Minh Hiếu, Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Bình Thuận cầm cành hoa anh đào được nhóm bạn của anh N.A.T chụp lại.
Courtesy of Facebook N.A.T

Trong bài phát biểu đọc tại hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Sơn La với sự có mặt của đại diện các tỉnh Tây Bắc hôm 17/7 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc xác nhận chính bản thân ông cũng rất trăn trở khi nghe các thông tin về lối sống phô trương, lãng phí, gây nhiều phản cảm của một bộ phận cán bộ, đảng viên ở một vài tỉnh miền núi. Phát biểu của Thủ tướng được đưa ra ngay sau khi báo chí phanh phui các tòa dinh thự to đẹp của quan chức tỉnh Yên Bái đua nhau mọc lên trong khi Yên Bái là một trong những tỉnh có nhiều hộ nghèo nhất trong nước.

Nói về sự khoe mẽ của một số quan chức tỉnh nghèo như lời của Thủ tướng, chị Hà nêu câu hỏi liệu những người như vậy có xứng đáng được làm lãnh đạo cho nhân dân hay không?

Quan chức hay những người làm trong cơ quan nhà nước đều là đầy tớ của dân, phục vụ nhân dân. Nhưng trong xã hội Việt Nam hiện giờ, người dân vẫn còn đang rất nghèo đói, nhiều người còn không có cơm ăn áo mặc. Vậy mà lại có hình ảnh các tòa dinh cơ của các ông trong cơ quan nhà nước to đep, nguồn tiền đó ở đâu ra? Chúng ta cũng phải đặt câu hỏi là làm trong nhà nước với đồng lương rất thấp như mọi người được biết, mà các ông lại có thể xây được nhà to và đưa con cái đi du học hay du lịch thường xuyên như thế. Từ những điều đó, người ta rất dễ nghĩ ngay đó là những đồng tiền tham nhũng, đó là những đồng tiền mồ hôi nước mắt của dân, do dân làm ra.

Chị Hà cũng nhắc lại trong Di chúc năm 1969, cuối phần nói về Đảng, ông Hồ Chí Minh viết rằng Đảng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân. Nhưng theo chị với tình trạng xã hội hiện nay, câu nói đó nên đảo ngược lại:

Với tình trạng xã hội như hiện nay, tôi nghĩ câu nói của người xưa là các vị lãnh đạo là đầy tớ của dân, do dân, vì dân nhưng thực tế hiện nay điều đó là ngược lại. Người dân đang là đầy tớ cho các vị lãnh đạo đó!

"Đấy là dấu hiệu cho thấy cần phải thay đổi và chuyển sang một thời kỳ khác với giải pháp khác".
- Giáo sư Nguyễn Khắc Mai

Sự lộng quyền

Những việc nêu trên chỉ là một trong nhiều ví dụ về cách hành xử của giới quan chức trong nửa đầu năm nay. Ví dụ, tháng 3 vừa rồi, Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Bình Thuận đã bẻ cành hoa anh đào để chụp ảnh bất chấp sự can ngăn của người dân. Ngay những ngày sau Tết nguyên đán, dư luận đã bày tỏ sự bất bình khi một số cán bộ của Bộ Công thương đã rủ nhau đi lễ chùa trong giờ hành chính. Rồi đến vụ việc cô hiệu trưởng trường Tiểu Học Nam Trung Yên - Tạ Thị Bích Ngọc ngôi trên một chiếc taxi khi chiếc xe này tông gãy chân một học sinh ngay trong sân trường nhưng bà Ngọc một mực nói là không ngồi trên chiếc xe đó và không nhìn thấy xe tông học sinh này. Trước đó là chuyện ông Vũ Phi Hùng, Phó trưởng Phòng Tư pháp thành phố Hạ Long ngủ trong giờ làm việc, gác chân lên bàn, và có những hành động, lời nói mà tờ Báo Mới gọi là thiếu văn hóa, phản cảm.

Ngay sau khi hai đoạn video được loan tải trên các trang mạng xã hội, trên báo Người Lao Động, Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng, cựu Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội có phân tích rằng hai sự kiện trên thể hiện thái độ trịch thượng, coi thường pháp luật của người trong cuộc. Ông cho rằng nguyên nhân sâu xa của hiện tượng này là “sự tha hóa quyền lực”.

Đồng tình với quan điểm của Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng, tuy nhiên Giáo sư Nguyễn Khắc Mai nói thêm rằng nó còn thể hiện sự “lộng quyền”. Ông giải thích nguyên nhân:

Có hai lý do thứ nhất họ đang tưởng rằng họ có thể lộng hành, đấy là họ hiểu lầm. Lý do họ lộng hành là vì sự phát triển đến độ vô học, vô văn hóa của một hệ thống, mới sản sinh ra những con người quái thai như thế.

Lý do thứ hai là nền giáo dục xã hội và dư luận xã hội không đủ mạnh để uốn nắn. Ví dụ có những vi-rút tai hại xuất hiện, lập tức mình phải có kháng thể để diệt nó. Cho nên phải dựng dân quyền, dân trí để công kích vào quan trí thấp hèn thì may ra mới khác được.

Tiến sĩ Nguyễn Quang A nói thêm rằng Đảng Cộng sản là một chế độ vốn đã lộng quyền, nên những người được Đảng cử làm cán bộ hiển nhiên cũng sẽ lộng quyền theo.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.