McCain hay Obama: Ai thắng, Ai bại?

Các phòng phiếu ở Hoa Kỳ đã mở cửa, tin tức cho thấy cử tri đã lũ lượt xếp hàng chờ đến phiên bỏ phiếu chọn người lãnh đạo quốc gia.
Nguyễn Khanh, phóng viên RFA
2008.11.04

Chọn lựa khó khăn

Đi thật sớm và phải chấp nhận chuyện xếp hàng đợi chờ đến phiên mình để bỏ phiếu chọn người lãnh đạo quốc gia trong 4 năm tới, trong cuộc bầu chọn tổng thống sôi nổi nhất của lịch sử chính trị Hoa Kỳ.

Những người đứng xếp hàng cho biết đã quyết định chọn ai để trao trách nhiệm lãnh đạo quốc gia. Một bên là Thượng Nghị Sĩ John McCain, 72 tuổi của đảng Cộng Hòa, và bên còn lại là Thượng Nghị Sĩ Barrack Obama, 47 tuổi, của đảng Dân Chủ.

Cử tri Hoa Kỳ nghĩ gì về quyết định của họ? Có người bảo đây là “một trong những quyết định khó khăn nhưng rất quan trọng”, vì cả hai ứng viên “đã trình bày đường lối hoạt động của họ, đã giải đáp những thắc mắc của cử tri” và dù chưa thể nào biết ai thắng ai bại, nhưng đã đến lúc chính người dân phải quyết định chọn mặt gửi vàng.

Hiện tôi đang đứng trước chỗ bỏ phiếu ở Washington D.C., chờ đã 15 phút rồi, chắc phải thêm nửa tiếng nữa. Tôi đã từng bỏ phiếu ở địa điểm này nhiều lần, nhưng chưa bao giờ phải chờ lâu như hôm nay.

Một thanh niên gốc Việt

Cũng có người nói chính lá phiếu cử tri đang cầm trên tay sẽ quyết định những thay đổi cho đất nước. Quyết định này “từ dưới đi lên chứ không từ trên ban phát xuống”, ý muốn nói trong một thể chế dân chủ, ý kiến của người dân luôn luôn được coi trọng và phải được coi trọng.

Người Mỹ gốc Việt

Những điều vừa nêu không chỉ là ý kiến của cử tri Hoa Kỳ, mà còn được chia sẻ bởi những cử tri của cộng đồng người Mỹ gốc Việt đang xếp hàng làm nhiệm vụ người dân.

Một bạn trẻ bảo năm nay người đi bầu đông hơn, xếp hàng lâu hơn, Anh nói: “Hiện tôi đang đứng trước chỗ bỏ phiếu ở Washington D.C., chờ đã 15 phút rồi, chắc phải thêm nửa tiếng nữa. Tôi đã từng bỏ phiếu ở địa điểm này nhiều lần, nhưng chưa bao giờ phải chờ lâu như hôm nay. Chờ phải mất 45 phút hay có thể cả tiếng đồng hồ”

McCain-Voted-250.jpg
Thượng nghị sĩ John McCain rời phòng bỏ phiếu ở Arizona với sticker "Tôi đã bỏ phiếu", trên ngực áo. AFP PHOTO
AFP PHOTO
Và chính cá nhân anh cũng phải cân nhắc trước khi quyết định bỏ phiếu cho ai. Anh nói thêm:

“Đây là cuộc bầu cử rất quan trọng đối với lịch sử Hoa Kỳ vì cả hai ứng cử viên đều có quá khứ rất đặc thù. Ðối với cá nhân tôi, tôi rất trân quý những hy sinh và đóng góp của Nghị Sĩ McCain cho một nước tự do trước do trước 1975, nhưng có lẽ người sẽ đóng góp nhiều nhất cho nước Việt Nam trong những ngày tới lại là Nghị Sĩ Obama, vì quan điểm của ông nhân quyền cho Việt Nam.

Ngoài ra, tôi nghĩ những khó khăn như về kinh tế và những vấn đề khác của Hoa Kỳ thì ông Obama là người có điều kiện tốt nhất để giải quyết vào lúc này”.

Vận động đến phút chót

Tổng cộng có 180 triệu người hội đủ điều kiện để ghi danh đầu phiếu, số người ghi tên bầu cử là 158 triệu người và cả hai Ủy Ban Vận Ðộng đều đưa ra dự đoán số người đi bỏ phiếu hôm nay sẽ ở mức từ 130 triệu đến 135 triệu. Ðây là con số rất lớn so với những cuộc bầu cử tổng thống trước đây.

Tôi rất trân quý những hy sinh và đóng góp của Nghị Sĩ McCain cho một nước tự do trước do trước 1975, nhưng có lẽ trong những ngày tới Nghị Sĩ Obama sẽ giúp ích nhiều cho Việt Nam, vì quan điểm nhân quyền của ông.

Một thanh niên gốc Việt

Dĩ nhiên, cả hai ứng viên John McCain và Barack Obama đều biết sau thời gian 20 tháng trời vận động không ngừng nghỉ, vận mạng chính trị của họ sẽ được quyết định nội trong ngày hôm nay. Vì thế, không ai ngạc nhiên khi thấy đến phút chót cả hai ông đều lên tiếng kêu gọi người dân nhớ đi bỏ phiếu.

Hôm qua, ông McCain của đảng Cộng Hòa vượt một chặng đường rất dài, đi qua 7 bang mà các cô vấn chính trị của ông tin sẽ quyết định thắng bại ở cuộc đua chính trị tiến về Nhà Trắng 2008.

Khởi đầu từ bang Florida ở miền Nam, ông ghé Pennsylvania của vùng Ðông Bắc, đến New Mexico của miền Tây trước khi về quê nhà ở Phoenix, Arizona.

Ông Obama cũng xuất hiện vận động ở nhiều thành phố khác nhau tại các bang Tennessee, Virginia và North Carolina, đến tờ mờ sáng mới về đến quê nhà là thành phố Chicago thuộc bang Illinois.

Hôm nay cuộc vận động vẫn được tiếp tục, ông McCain sẽ đánh mạnh ở địa bàn miền Tây, ông Obama mở mặt trận giành phiếu ở một số tiểu bang miền Trung Tây của nước Mỹ.

Obama-ballot-250.jpg
Thượng nghị sĩ Barack Obama cùng gia đình đến phòng bỏ phiếu bầu cử ở Chicago sáng ngày 4-11-2008. AFP PHOTO
AFP PHOTO
Theo chương trình, ông McCain sẽ trở lại Phoenix vào buổi chiều, cũng khoảng thời gian đó ông Obama sẽ trở lại Chicago. Tại những địa điểm vừa nêu, hai chính trị gia Dân Chủ và Cộng Hòa sẽ cùng với gia đình và những cố vấn, cộng sự viên cao cấp đón chờ tin chiến thắng.

Ai thắng, ai thua?

Những cuộc thăm dò được phổ biến hầu như từng giờ một đều cho thấy ông Obama đang trên đà chiến thắng, nhưng chính một chiến lược gia của ông là ông Tom Hogan bảo phải nhớ đến kinh nghiệm của 2 cuộc bầu chọn tổng thống hồi năm 2000 và 2004. Lúc đó đảng Dân Chủ từng nghĩ đã thành công, nhưng cuối cùng phải lãnh nhận thất bại.

Dù vậy, ông Hogan kể mới 2 tuần trước đây đích thân ông đã yêu cầu các nhân viên dưới quyền “đừng vội đem champagne để vào tủ lạnh”, nhưng tối nay, ông tin “champagne sẽ nổ vang trời đón mừng chiến thắng của liên danh Obama-Biden”.

Bên đảng Cộng Hòa đương nhiên nghĩ khác. Chiến lược gia của ông McCain là ông Bob Rusboldt cho rằng những kết quả thăm dò được giới truyền thông phổ biến không xác thực, giải thích thêm những cuộc thăm dò được thực hiện với cử tri toàn quốc, nhưng Hoa Kỳ chọn tổng thống theo thể thức cử tri đoàn và quyết định thắng bại nằm ở từng tiểu bang.

Vì theo những cuộc thăm dò do chính phía Ủy Ban Vận Ðộng của ông McCain thực hiện, “chưa thể quả quyết kết quả ở các bang quan trọng như Pennsylvania, Virginia sẽ như thế nào” Ông Rusboldt bảo “ngay trong lúc này kết quả đúng nhất vẫn là 50/50”.

Cho đến ngày bầu cử, kết quả các cuộc thăm dò vẫn cho thấy ông Obama đang nắm lợi thế.  Hiện giờ, trung bình ông Obama đang được 52% cử tri ủng hộ, ông McCain được có 44,2%.

Tuy nhiên, hiện vẫn còn quá sớm để nói đến chuyện ông Obama sẽ đắc cử hay không? Điều mà nhiều người đang đề cập đến có thể là Obama đang đến rất gần với chiến thắng. Lý do la vì ông Obama đang dẫn khá xa ở tất cả các bang mà ứng viên John Kerry của đảng Dân Chủ đã thắng hồi 2004.

Như vậy, ông Obama được 251 phiếu đại cử tri, nếu thắng thêm ở bang Virginia ông sẽ có 13 phiếu nữa và thành công ở một vài bang nhỏ như Iowa, New Mexico, Nevada chẳng hạn, ông Obama sẽ có đủ số 270 phiếu đại cử tri để trở thành tân tổng thống Hoa Kỳ.

Nếu bên Cộng Hòa chiến thắng, ông McCain sẽ là chính trị gia cao tuổi nhất giơ tay tuyên thệ nhậm chức, bà Sarah Palin sẽ là nữ phó tổng thống đầu tiên của lịch sử Hoa Kỳ. Trong trường hợp ông Obama thành công, ông sẽ là vị tổng thống da đen của nước Mỹ, và ông Joseph Biden sẽ là vị phó tổng thống đầu tiên xuất thân từ bang Delaware.

Lịch sử sang trang

Cũng xin được thưa thêm là theo thông lệ bầu cử ở Mỹ, hai ngôi làng nhỏ mang tên Dixville Notch và Hart’s Location của bang New Hampshire là những địa điểm đầu tiên bỏ phiếu từ lúc nửa đêm và đếm phiếu ngay tại chỗ.

Kết quả ở Dixville Notch cho thấy ông Obama được 15 phiếu, ông McCain được 6 phiếu; ở Hart’s Location ông Obama được 17 phiếu, ông McCain được 10 phiếu. Kết quả này không ảnh hưởng gì đến kết quả chính thức toàn quốc sẽ được thông báo khoảng chừng 12 đến 14 tiếng đồng hồ nữa.

Trong thời gian này, cử tri khắp nơi vẫn tiếp tục xếp hàng chờ đến phiên vào phòng phiếu, và tối hôm nay, mọi người sẽ dàn mắt vào mản ảnh truyền hình, chờ kết quả cuối cùng xem ai sẽ là tân tổng thống.

Cũng xin được thưa thêm là bất kể bên Cộng Hòa thắng hay bên Dân Chủ thắng, kết quả cuộc bầu chọn tổng thống 2008 sẽ đánh rất nhiều sự kiện lịch sử.

Chẳng hạn như nếu bên Cộng Hòa chiến thắng, ông McCain sẽ là chính trị gia cao tuổi nhất giơ tay tuyên thệ nhậm chức, bà Sarah Palin sẽ là nữ phó tổng thống đầu tiên của lịch sử Hoa Kỳ. Trong trường hợp ông Obama thành công, ông sẽ là vị tổng thống da đen của nước Mỹ, và ông Joseph Biden sẽ là vị phó tổng thống đầu tiên xuất thân từ bang Delaware.

 

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.