Phải chăng là chồi của hy vọng?

Mặc Lâm, biên tập viên RFA
2016.02.05
000_Hkg10247503-622.jpg Ảnh chụp bên ngoài Trung tâm Hội nghị Quốc gia Việt Nam hôm 18/01/2016.
AFP

Những ngày cuối năm không khí chuẩn bị đón tết Bính Thân có phần nhộn nhịp tuy nhiều người cho rằng năm nay thua xa năm ngoái. Tuy nhiên những ai ưu tư cho cuộc thay đổi về mặt chính trị thì lại cho rằng mùa xuân năm nay một ít mầm xanh hy vọng đã nhú lên qua việc Bộ trưởng Đinh La Thăng cương quyết sa thải một Tổng giám đốc ngành đường sắt đang làm dư luận râm ran phấn khởi.

Tín hiệu lắng nghe?

Những ngày giáp Tết dân Hà Nội không ngớt ngạc nhiên vì biểu ngữ giăng trên đường chưa thấy có dòng chữ Mừng Đảng, Mừng Xuân như mọi năm mà thứ tự đã thay đổi là Mừng Xuân, Mừng Đất nước rồi mới tới Mừng Đảng.

Tại Sài gòn cũng vậy mật độ thưa thớt của những câu khẩu hiệu tuyên truyền trên khắp thành phố làm cho không ít người ngạc nhiên. Hàng chục năm qua mỗi khi xuân về tết đến, người dân lại thấy một màu đỏ bao phủ khắp phố phường mà trong đó ngoài cờ tổ quốc ra biểu ngữ ca tụng, tôn vinh Đảng chiếm hầu hết diện tích các con đường trên thành phố.

Tôi cũng hơi ngạc nhiên bởi vì thứ nhất là vấn đề cách chức một Tổng giám đốc do ông này quyết định nhập một số tàu cũ của Trung Quốc. Nếu không phải của Trung Quốc mà nhập từ Nhật hay Hàn quốc thì tôi nghĩ không có chuyện cách chức đâu.
-Phạm Minh Hoàng

Sự thay đổi có tính cách âm thầm nhưng nhìn thấy được này ngay sau Đại hội 12 làm cho nhiều người tin rằng ít nhất đó là tín hiệu lắng nghe và chấp nhận thay đổi ngay cả trong cung cách sử dụng ngôn từ mà hàng chục năm qua do Ban Tuyên giáo chỉ đạo và theo dõi việc thực hiện.

Sau khi Đại hội khóa 12 kết thúc một biểu hiện được xem là mạnh mẽ từ một trong 19 tân Ủy viên Bộ chính trị là hành động của Bộ trưởng Đinh La Thăng vào ngày 3 tháng 2 đã ký văn bản cách chức ông Nguyễn Viết Hiệp Tổng giám đốc công ty cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội vì đề nghị mua các toa xe của Trung Quốc đã qua sử dụng hơn 20 năm. Hành động quyết liệt này được người dân và báo chí hết lòng phần khởi vì cho rằng đây là một bước đổi mới của ông Bộ trưởng vốn có rất nhiều việc làm cương quyết đối với các cấp dưới quyền.

Ông Phạm Minh Hoàng, nột nhà bất đồng chính kiến, nguyên giảng viên trường Đại học Bách Khoa thuộc Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh cho biết nhận xét của ông về sự cương quyết có thể xem là hiếm hoi này:

“Thú thật tôi cũng hơi ngạc nhiên bởi vì thứ nhất là vấn đề cách chức một Tổng giám đốc do ông này quyết định nhập một số tàu cũ của Trung Quốc. Nếu không phải của Trung Quốc mà nhập từ Nhật hay Hàn quốc thì tôi nghĩ không có chuyện cách chức đâu mà vì đây là nhập từ Trung Quốc, mà chất lượng của Trung Quốc thì không tốt. Hai nữa cho thấy sự mạnh tay đưa ra đối với một đối tác chiến lược số 1 của Việt Nam mà cũng không ngần ngại, chỉ có việc đấy thôi.

Tôi nghĩ nhập những món đồ cũ như vậy mà người ta gọi là rác công nghiệp, chuyện này thì nhà nước đã nhiều lần lên tiếng về rác công nghiệp, về công nghệ thông tin và đây là lần đầu tiên liên quan đến kỹ nghệ nặng là đầu máy xe lửa. Nói gì thì nói tôi thấy vậy cũng tốt tôi mong nó tiếp tục theo chiều hướng tốt chứ không phải vì đấu đá hay tranh giành những gì khác. Tôi mong những biểu hiện xấu không những liên quan đến kinh tế mà còn liên quan đến chính trị mà chúng ta không ngần ngại. Ông Đinh La Thăng là một Ủy viên Bộ chính trị thì hành động này chấp nhận được.”

Một con én khó làm nên mùa xuân

Tuy nhiên nhà báo Đoàn Vương Thanh, ký giả kỳ cựu của TTXVN nay đã nghỉ hưu nghi ngờ hành động của Bộ trưởng Đinh La Thăng sẽ chỉ như một con én khó làm nên một mùa xuân cho dân tộc, ông nói:

Ảnh minh họa chụp tại Hà Nội hôm 14/08/2015.
Ảnh minh họa chụp tại Hà Nội hôm 14/08/2015.
AFP

“Cái này nói chung chỉ là tín hiệu đầu tiên thôi, chớ lạc quan vội bởi vì cái đầu tiên ấy lại có cái đầu tiên khác nó làm cho mờ nhạt đi  đó là việc cảnh sát giao thông có thể trưng dụng đồ của người đi đường…cách chức cả Tổng giám đốc đường sắt là cái gì đấy cần phải suy nghĩ

Đinh La Thăng tuy sáng giá và tôi cho là tín hiệu đầu tiên thôi bởi vì cái quả núi bảo thủ của đất nước mình khó thoát đi lắm. Cái này chỉ là một vài nốt nhạc ban đầu của một bản nhạc mình chưa tin được là sẽ có cả một bản nhạc.”

Đối với nữ nghệ sĩ Kim Chi tuy hoan nghênh việc trảm tướng của ông Đinh La Thăng nhưng với bà thì chuyện này cũng không có gì là lớn đến nỗi phải kỳ vọng sâu xa hơn qua một hành động rất bình thường của một người điều hành công tác chính phủ.

“Nếu mà ổng làm được như vậy thì tôi hoan nghênh ổng, trước mắt là như vậy. Người không làm được việc, thậm chí gây ra nhiều hỗn loạn trong ngành giao thông bị mất chức thì cũng có tiến bộ đấy. Nhưng theo tôi được biết trước đây ông giám đốc giao thông của Nga tàu hòa chỉ trể trung bình 5 phút thôi mà người ta phải từ chức, thật ra quá nhiều sự kiện xảy ra đối với ngành giao thông thì tôi cho rằng thôi thì cũng tốt nhưng như vậy chưa phải kịp thời đâu vậy là hơi muộn rồi đó.”

Đối với sự phấn khởi và kỳ vọng của dư luận trước việc ông Đinh La Thăng cách chức một cán bộ cao cấp trong ngành, cùng lúc ông sẽ từ Hà Nội, thôi chức Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải để vào thành phố Hồ Chí Minh giữ vai trò Bí thư thành ủy thành phố HCM, người dân cho rằng với một người cương quyết và không lùi bước như ông, những con sâu đang đục khoét thành phố rồi đây sẽ gặp rắc rối khi ông được nhiều quyền hành hơn trong vai trò Bí thư một thành phố lớn nhất nước. Tuy nhiên, cũng như nhiều người từng chứng kiến sự kỳ vọng rồi thất vọng qua nhiều năm sau đổi mới, giảng viên Phạm Minh Hoàng vẫn tỏ ra hời hợt và e dè với sự việc này, ông nói:

“Cái kỳ vọng của tôi nó không được lạc quan cho lắm. Tôi đánh giá người dân Việt Nam có bao nhiêu năm tạm gọi sống trong hy vọng, trong chờ đợi thì người ta chờ đợi bất kỳ dấu hiệu nào nhỏ thì người ta cũng mong đó là một cái gì mang lại niềm hy vọng, một cái gì sáng sủa hơn nhưng có lẽ chúng ta đã chờ đợi lâu quá rồi, bốn mươi mấy năm rồi và chúng ta đã chờ đợi 6 -7 kỳ đại hội đảng kề từ đại hội năm 86-90 lúc mà đất nước đổi mới thì người ta đã có kỳ vọng rồi. Nhưng biết bao kỳ đại hội rồi ta thấy không có gì thay đổi cả tôi muốn nói vấn để thay đổi thể chế chứ không phải thay đồi về kinh tế. Cảm nhận của tôi là không có thấy ở đây một dấu hiệu gì khả quan tích cực cả.”

Mùa xuân là mùa của hy vọng, dù một đốm lửa nhỏ cũng có thể lan ra thành hơi nóng sưởi ấm niềm hy vọng cho người dân đang chờ dợi một khoảnh khắc cách mạng có thể biến đổi đời sống của họ dù trong bất cứ lãnh vực nào.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.