Nhắn gửi của nhà bất đồng chính kiến Nguyễn Thanh Giang

Cát Linh, phóng viên RFA
d2dd6-thanhgiang-620.jpg Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang.
Courtesy of wordpress.com

 

Một trong những nhà bất đồng chính kiến nổi tiếng ở Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang vừa có đôi lời đến mọi người và ông gọi đó là “chào vĩnh biệt”do sức khoẻ của ông không được tốt.

Trong những người đến thăm và nghe ông tâm tình, căn dặn, có những người từng gắn bó với ông trong đoạn đường lên tiếng cho nền dân chủ Việt Nam. Cũng có những người trẻ chịu ảnh hưởng từ bài viết và các hoạt động mà ông đã làm.

“Tôi ân hận là tôi còn một cuốn nữa, đó là Tuyển tập, tuyển lựa chiến tranh, tập hợp tất cả những ý kiến của tôi phát biểu với đất nước, đóng góp với Đảng cộng sản Việt Nam cho nhân dân để làm sao để cho có những bạn trẻ thu thập lại…

Tất cả những ý kiến ấy, có những ý kiến không đúng, không thực tế nhưng chắc chắn có nhiều ý kiến đúng đắn.

“Tôi mong các thế hệ sau hãy nghiên cứu những cái đó để có thể sử dụng những gì có ích cho nhân dân, cho đất nước, thì tôi về bên thế giới bên kia tôi thấy sung sướng lắm.”

Những người như chúng em xem đó là tấm gương để tranh đấu cho quê hương Việt Nam.
- Trịnh Bá Phương

Những câu nhắn gửi ngỡ như lời nói cuối cùng Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang gửi đến mọi người trong đoạn video ngắn do dịch giả Phạm Nguyên Trường đăng tải trên trang Facebook cá nhân cuối tuần qua làm cho những ai biết và thương yêu quí trọng ông không thể không lo lắng. Bốn năm kể từ khi bị tai biến, sức khoẻ của ông, nhà bất đồng chính kiến nổi tiếng của Việt Nam đang kém dần đi. Tuy có thể tự mình đi lại đôi chút, nhưng , bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, vợ của Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang cho chúng tôi biết ông vẫn trong tình trạng quên trước, nhớ sau.

“Bây giờ thì ông ấy cũng đỡ hơn một tí, đã đứng dậy đi loanh quanh trong nhà. Trước thì đi không được, nằm liệt một chỗ. Nhưng đầu óc vẫn còn lẫn lộn lắm”.

Chính vì bộ óc đang phải tuân hành theo qui luật của thời gian nên người nhà của ông đã quen với việc thỉnh thoảng ông lại nói “cho tôi liều thuốc mê, cho tôi đi hiến tạng” (theo lời bà Tuyết Mai)

Người đi tiên phong

Nhiều người biết đến Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang trước hết là một nhà khoa học chuyên ngành Địa chất – Vật lý. Trong tài liệu về ông có cho biết ông là nhà khoa học Việt Nam đầu tiên trong ngành địa chất được một tổ chức khoa học kỹ thuật của Liên Hiệp Quốc mời trình bày về Cổ từ học trong Hội thảo quốc tế ở Kuala Lumpur năm 1980.

Đến 1996, khi về hưu, mọi người bắt đầu biết đến ông là một nhà bất đồng chính kiến với những hoạt động nhằm cống hiến cho nền dân chủ.

Tiến sĩ là một người rất đáng trọng. Tiến sĩ đã để lại những dấu ấn tốt đẹp trong phong trào đấu tranh dân chủ của Việt Nam.
- Linh mục Phan Văn Lợi

Linh mục Phan Văn Lợi, Chủ tịch Hội đồng Liên tôn Việt Nam, từ Huế cho biết ông gặp Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang từ năm 2006.

“Tiến sĩ là một người rất đáng trọng. Tiến sĩ đã để lại những dấu ấn tốt đẹp trong phong trào đấu tranh dân chủ của Việt Nam.”

Phong trào đấu tranh dân chủ đó được Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang kiên quyết theo đuổi với phương pháp hoàn toàn bất bạo động, thể hiện qua những bài viết, thư từ góp ý gửi đến các nhà lãnh đạo Đảng, nhà nước. Ông sử dụng văn phong ôn hoà, chỉ rõ những tình trạng tiêu cực trong bộ máy công quyền, nêu ra những đường lối ông cho là cần phải thay đổi để dẫn đến nền dân chủ. Một trong những cách đó là tờ báo Nguyệt san Tổ quốc do ông và cưu đại tá Phạm Quế Dương thành lập, là nơi đăng tải bài viết của các nhà đấu tranh trong nước.

Linh mục Phăn Văn Lợi cho biết tờ Tổ Quốc là “một phương tiện, một cơ quan ngôn luận của phong trào đấu tranh.”

Người Ðội Số Phận, Hồi Ký của Nguyễn Thanh Giang xuất bản lần thứ nhất tại Hoa Kỳ năm 2016.
Người Ðội Số Phận, Hồi Ký của Nguyễn Thanh Giang xuất bản lần thứ nhất tại Hoa Kỳ năm 2016.

“Tiến sĩ luôn luôn sát cánh bên cạnh các anh em đấu tranh, khi còn khoẻ cũng tham gia những cuộc biểu tình, xuống đường.

Tiến sĩ có những bài viết rất sâu sắc về tình hình, chế độ, dám thẳng thắn phê phán ông Nguyễn Phú Trọng, nói ông ta là một con người thật sự không có tài năng gì cả, cũng không có tâm gì với đất nước cả, chỉ dẫn đến chỗ đất nước ngày càng lụn bại mà thôi. Một người rất can đảm.”

Tờ báo Tổ Quốc ra đời cũng là lúc Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang, cưu đại tá Phạm Quế Dương và kể cả những cây viết góp phần trong đó bị sách nhiễu, đàn áp nặng nề, vì họ nói lên những điều không bao giờ đăng tải trên “truyền thông lề phải”.

Nghệ sĩ Kim Chi, từ Sài Gòn, bày tỏ bà rất nóng lòng khi xem qua đoạn video của Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang. Là một nhà hoạt động dân chủ sôi nổi, cũng là người được nhắc đến trong quyển sách Đêm dày lấp lánh của ông, do nhà xuất bản Tiếng Quê hương xuất bản năm 2014, bà cho biết Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang là người trí thức đã nhìn ra sự thật trong bộ máy nhà nước Việt Nam từ rất lâu.

“Tôi cho đó là một trong những người trí thức đi tiên phong. Bác viết rất hay, ví dụ như Đêm dày lấp lánh của bác, rất nhiều người tìm đọc. bác viết về chân dung của những người tranh đấu. Tôi nhận thấy tấm lòng của một tác giả đã rất trân trọng, ngưỡng mộ những người dám dấn thân trong một đất nước nó thay đổi.”

Ảnh hưởng đến thế hệ sau

Những ai xem qua đoạn phim ngắn nhắc đến ở trên sẽ thấy quyển sách Đêm dày lấp lánh có thể nói là tâm huyết trong suốt những năm tháng đấu tranh của Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang. Là một nhà khoa học, tác phẩm ông nhắc đến trong giây phút gọi là “vĩnh biệt mọi người” lại là một quyển sách viết về những gương mặt dấn thân cho một nền dân chủ.

“Mong rằng cuốn sách ấy sẽ đi vào lịch sử. Thế hệ sau sẽ nhớ lại chúng ta đã làm những gì? Chúng ta đã có những người kiên cường chứ không phải những người đê hèn chỉ biết sống cho cá nhân mà không biết hy sinh cho xã hội.”

Tôi thương yêu mọi người. Tôi yêu quí mọi người. Cho tôi xin được gửi lời chào vĩnh biệt mọi người.
- Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang

Đại diện cho thế hệ ấy, là tiếng nói của Trịnh Bá Phương, con trai của nhà đấu tranh cho dân oan, bà Cấn Thị Thêu. Anh cho biết ảnh hưởng của những người đi trước như Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang đối với thế hệ trẻ sau này:

“Trước những quá trình đấu tranh của Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang hoặc Lê Hữu Đằng thì em thấy mọi người đã có tình yêu cho quê hương dân tộc Việt Nam rất lớn. Những người như chúng em xem đó là tấm gương để tranh đấu cho quê hương Việt Nam.”

Khi gửi gắm đến thế hệ sau những lời tâm huyết, điều mà Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang quan tâm thực hiện vẫn là sự sống của con người trong xã hội. Bá Phương kể lại lời ông nhắn nhủ với anh trong ngày anh đến thăm.

“Hãy vận động những người có kinh nghiệm, chuyên môn trong y học để thực hiện ngân hàng nội tạng. Nếu Việt Nam có khả năng thì có thể phục vụ việc cấy ghép thận, gan, phổi để cứu người. Hoặc những nước tiên tiến trên thế giớm. Nếu có thể thì dùng thêm vào quỹ tù nhân lương tâm để lo cho các người tù đấu tranh cho nhân quyền Việt Nam.”

“Tôi thương yêu mọi người. Tôi yêu quí mọi người. Cho tôi xin được gửi lời chào vĩnh biệt mọi người.”

Không ai biết được thời gian của ông còn bao lâu nữa. Nhưng tất cả những người đến thăm ông những ngày qua, và cả những ai theo dõi, quan tâm đến sức khoẻ của ông đều cho biết, họ sẽ cố gắng thực hiện ước nguyện ông để lại và tiếp tục đi theo con đường ông đang đi, theo như lời của nghệ sĩ Kim Chi, “trở thành những ngôi sao lấp lánh trong đêm dày cộng sản”.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.